evam me suttam

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

evam me suttam

Theo kinh điển Nam truyền thì Đức Phật tùy duyên mà hóa độ chúng sinh. Phật pháp là tùy duyên chớ không phải như ông Trí Khải bên Thiên Thai Tông ổng chia Ngũ thời thuyết giáo như vậy. Ổng nói là lúc Phật mới thành thì Phật giảng kinh Đại thừa, rồi sau thấy có nhiều người không hiểu Phật mới giảm từ từ. Suy nghĩ theo kiểu ông Trí Khải đại sư có hai vấn đề: Một là ổng nghĩ rằng Đức Phật Ngài soạn bài sẵn để Ngài độ chúng sinh. Hai là chính vì ổng bày ra vậy cho nó hay nhưng mà như vậy là ổng phỉ báng Đức Phật.

Điều thứ nhất: ổng nghĩ rằng một vị giáo chủ như Đức Phật, một vị Đại giác như Đức Phật mà phải soạn bài sẵn; là cái bậy thứ nhất. Điều thứ hai: ổng cho thấy là Đức Phật có nhầm lẫn, tức là lỡ soạn ra thấy xài không được nên đem sửa. Trong khi theo trong kinh Phật thì chư Phật Chánh Đẳng Chánh Giác không có cái vụ gọi là "rút kinh nghiệm sâu sắc". Không có. Chư Phật Chánh Đẳng giác không có rút kinh nghiệm. Chư Phật Chánh đẳng giác không có cái vụ mà nghĩ không tới rồi làm cho nó sai lầm rồi sau đó sửa. Không có. Chính ông Trí Khải đại sư ổng bày ra cái chuyện đó, phỉ báng Đức Phật. Vậy mà Bắc Tông lại mua cái đó.

Rất nhiều người họ tin cái Ngũ thời thuyết giáo. Rất vô lý. Thứ nhất, đối tượng Phật gặp không có phải thứ lớp. Không phải là Ngài gặp đám đại học trước rồi tới trung học, rồi tiểu học. Không phải. Sáng Ngài có thể gặp ông vua, trưa Ngài gặp kỹ nữ gái điếm, chiều Ngài gặp thằng ăn cướp, tối Ngài gặp ông học giả. Khó như vậy đó. Rồi hôm sau thì buổi sáng gặp ông tu sĩ, buổi trưa gặp ông thương gia, buổi chiều gặp thằng ăn mày, buổi tối lại gặp thằng ăn cướp. Khổ vậy đó. Các đối tượng trong đời hoằng pháp của Ngài nó không có sắp xếp theo thứ lớp như là ông Trí Khải ổng tưởng tượng. Ổng tưởng tượng là Ngài soạn bài trước giống như mấy ông thầy giáo vậy. Và ổng cho rằng Ngài có nhầm lẫn. Tức là lúc mới thành Phật Ngài cao hứng quất cho nguyên một chương trình quá trời đất. Rồi sau đó thấy bị hớ, nó quá tầm nhận thức của đám thính giả nên Ngài bèn chỉnh lại. Cho nên có lúc Ngài giảng đại thừa, có lúc Ngài giảng tiểu thừa, giảng theo năm mùa khác nhau!

Nhưng theo bên Nam truyền thì thời pháp của Đức Phật, từ đầu tiên cho đến cuối cùng trước khi Ngài viên tịch, hoàn toàn tùy vào căn cơ, trình độ của người đối diện. Ngài không biên soạn. Ngài không cần biên soạn. Mà biên sao được mà biên. Trong kinh nói, Ngài là Chánh đẳng giác, Ngài nhìn một người là Ngài biết ngay tám trăm ngàn ức triệu kiếp về trước nó đã tu bao nhiêu, cái ác của nó là ác kiểu gì, cái thiện của nó là thiện kiểu gì, cái căn cơ của nó là sao, cần nói gì cho nó nghe. Có nhiều người do nhân duyên Ngài chỉ nói cho nghe một câu là họ đắc. Có người cần bốn câu, có người một bài pháp ngắn, có người phải quất cho một bài dài sọc. Có người thì Ngài nói cho họ đi xuất gia vì Ngài biết nó không có cách chi mà đắc đạo được; nó phải đi xuất gia mà đi xuất gia ba tháng, tám tháng. Có người xuất gia mười lăm năm, hai chục năm, bốn chục năm họ mới đắc. Nhớ cái đó. Có những vị tu mấy chục năm. Có những vị sau khi Phật tịch rồi mới chịu đắc, đắc rồi họ tịch luôn. Có trường hợp đó. Tôi nhắc lại. Có những vị họ đắc đạo qua một câu nói, hai câu, bốn câu, nửa thời pháp, một phần tư thời pháp, nguyên một thời pháp; có vị phải nghe tám thời pháp, mười lăm thời pháp, có vị phải đi xuất gia một tháng, hai tháng, có vị phải tu một năm, hai năm, năm năm, mười lăm năm; có vị phải đợi Phật tịch rồi họ mới đắc đạo.

Nguyên thủy thì Phật pháp chỉ có một thôi, đó là Phật ngôn. Trong cái Phật ngôn đó có những trường hợp Ngài kể thành chín. Cái nào mà vừa có văn xuôi vừa có văn vần thì gọi là geyya, còn cái nào chỉ có văn xuôi không có văn vần thì gọi là sutta, cái nào kể lại tích tiền thân gọi là bổn sinh, cái nào có vấn đáp gọi là phương quảng, ... thí dụ vậy. Còn nguyên cái tạng A-tỳ-đàm thì gọi là ký thuyết. Chính Ngài phân Phật ngôn ra thành chín, nhưng căn bản chỉ có một Phật ngôn thôi.

Tới lúc kết tập tam tạng đời sau người ta mới chia ra thành ba tạng: tạng Kinh là cái gì, tạng Luật là cái gì, tạng Luận là cái gì. Bữa nay tôi nói cái này có lẽ các vị, người nào dốt đặc từ đó giờ không biết thì nghe cũng giống như vịt nghe sấm, còn người nào đó biết lơ mơ thì nghe có lẽ rất là sốc, sốc nặng lắm nghe.

Thật ra cái tam tạng mà nói là Phật ngôn, tức là lời Phật, thì không có bao nhiêu hết. Thí dụ: Nguyên cái tạng A-tỳ-đàm do chính Đức Phật thuyết, chính kim khẩu của Ngài thuyết, chính Ngài giảng ra trên cõi trời thì A-tỳ-đàm nó dài dữ lắm. Trong kinh nói tốc độ nói chuyện của Đức Phật nhanh hơn người bình thường gấp mấy lần. Và Ngài thuyết không dừng nghỉ một giây nào trên cõi trời. Ngay cả khi đến giờ ăn thì Ngài dùng thần thông tạo ra một vị giống hệt như Ngài để tiếp tục nói. Cái sự chuyển đổi đó không có ai biết hết, chỉ có Ngài biết thôi. Tức là đến giờ đi bát, trước khi Ngài đi bát thì Ngài tạo ra một vị giống y hệt như Ngài, mình tạm gọi là bốc hơi đó, cái vị ở lại là cái bóng của Ngài tạo ra thôi, còn thiệt là Ngài đi bát, mỗi ngày như vậy. Tính ra thời gian của cõi người với trên Cõi Trời Đạo Lợi thì 100 năm của mình bằng một ngày đêm trên đó. Nhẩm ra thì thời gian Ngài giảng ba tháng chưa tới 4 phút trên cõi trời. Cho nên khi Ngài đi họ không biết. Cái chuyện này bà con có thể không tin vì nó là phong thần nhưng cái điều chính yếu mà tôi nói ở đây là Đức Phật Ngài nói nhanh hơn người bình thường gấp nhiều lần, vậy mà tạng A-tỳ-đàm Ngài giảng liên tục 90 ngày không nghỉ một giây nào hết - ba tháng của nhân loại đó. Mỗi ngày từ trên cõi Đạo Lợi Ngài xuống gặp Ngài Xá Lợi Phất ở dưới cõi người mình này thì Ngài nhắc lại cho Ngài Xá lợi Phất là hôm nay ta giảng vậy vậy vậy đó. Ngài Xá Lợi Phất mới gom hết cái Ngài nghe được Ngài về Ngài làm gọn lại thành ra chính cái A-tỳ-đàm mà hôm nay chúng ta học đó. A-tỳ-đàm mười hai cuốn hôm nay mình gặp trong tủ đại tạng Pali đó. Đó là do Ngài Xá lợi Phất Ngài làm gọn lại. Chứ còn mà nguyên lời Đức Phật trên cõi trời Đao Lợi thì nó dài không tưởng tượng được.

Thế nào trong quý vị cũng thắc mắc: "Ủa Ngài nói nhiều vậy thì Ngài nói cái gì?" Chắc chắn phải thắc mắc chứ. Ngài nói cái gì mà Ngài Xá Lợi Phất làm gọn lại? Ngài phân tích thôi. Thí dụ như riêng cái phần mà đầu đề thiện: “Tất cả pháp thiện, Tất cả pháp bất thiện, Tất cả pháp vô ký”. Riêng cái đó mà phân tích trong bộ Patthana lên tới sáu triệu câu lận. Trường hợp nào là pháp thiện trợ thiện, trường hợp nào là thiện trợ bất thiện, trường hợp nào là thiện trợ vô ký. Rồi thiện trợ thiện bằng cảnh duyên, rồi thiện trợ thiện bằng duyên gì gì gì đó. Tức là bung nó ra bằng vô số trường hợp. Thì tổng cộng tam đề thiện là sáu triệu câu. Mà trong phần Ngài Xá Lợi Phất thì Ngài chỉ nói công thức thôi. Ngài làm một hai câu mẫu cho mình biết vậy thôi, chứ còn Ngài không có nói nguyên như Đức Phật.

Cho nên kinh điển Nguyên Thủy mà nói là Kinh Phật thì không là bao nhiêu hết. Bởi vì mình thấy trong Trung bộ là 152 bài mà trong đó có một số không phải của Ngài mà là của các vị đệ tử của Ngài. Bữa nay các vị nghe xong về ráng làm cái đầu nó tỉnh tỉnh một chút. Chứ còn thấy kinh tạng là quỳ sì sụp không dám nghi ngờ là những người đó tôi cũng lạy luôn nha.

Các vị đọc kinh Trường bộ, các vị liếc kỹ trong đó, thì thấy cái phần nào mà Đức Phật chính Ngài dạy, chính Ngài nói “Này đại vương,” hay là “Này các tỷ kheo,” cái phần đó không nhiều. Nếu các vị trừ ra luôn mấy phần kể chuyện, kiểu như "Lúc bấy giờ, ông gì đó, ổng đến gặp Ngài, ổng mặc cái áo màu gì ... ổng đi chiếc xe ngựa do bốn con hai kéo gì ... lúc đó là buổi trưa ... lúc đó trời mưa ... lúc đó trời nắng ..." gì gì đó, trừ mấy cái đó ra thì ba mươi hai bài Trường bộ không còn bao nhiêu là lời Phật hết.

Hoặc nguyên cái bài Đại bát Niết bàn thấy dài sọc mà trong đó thấy toàn kể chuyện không. Lúc bấy giờ Thế Tôn tám mươi tuổi, Ngài đi từ Kỳ viên, Ngài đi đến đâu, Ngài ở đó bao lâu, là doạn chuyện kể ... Ngài nói chư tăng cái gì, thì cái đoạn đó mới là của Ngài. Rồi lại kể từ đó Ngài lại ra đi, đi đến đâu, từ X Ngài qua Y, từ Y qua Z Ngài gặp đám cư sĩ đó ... Ngài nói cái gì, thì cái đoạn đó lại là đoạn của Ngài. Còn cái đoạn mà kể lúc Ngài đi trên đường rồi nắng gió mưa sương, nắng sớm mưa chiều, mưa nhiều hơn nắng, là toàn là lời của Ngài Anan Ngài kể lại thôi. Đó là bên Trường bộ.

Còn Trung bộ, 152 bài thì đặc biệt phần Phật ngôn có hơi nhiều đó. Trường bộ là 34, Trung bộ là 152, Tăng chi là 9500, Tương ưng là 7700 bài kinh. Tăng chi, Tương ưng, Trung bộ là lời Phật nhiều, chứ còn Trường bộ thì kể lời Đức Phật nhưng thật ra cái phần kể chuyện không phải là phần Ngài nói. Nhớ vậy.

Tiểu bộ thì không còn gì để nói. Tiểu bộ thì chỉ có Pháp cú kinh là lời Phật, Kinh tập là lời Phật, Cảm hứng ngữ là lời Phật. Nhưng trong Cảm hứng ngữ, phần duyên sự là không phải của Ngài, phần Ngài chỉ có câu kệ thôi. Chẳng hạn như là cái phần kể chuyện "Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới vừa thành Đạo Ngài ngồi dưới gốc cây gì đó, rồi tới có con long vương nó tới nó hầu Ngài, suốt bảy ngày trời mưa giông gì đó, thì tới ngày thứ bảy con long vương biến thành hình người hầu bên cạnh ... " là phần Ngài Anan. Rồi "Ngài đọc bài kệ ..." thì chỉ cái phần đó mới là phần của Đức Thế Tôn. Cho nên trong 15 phần của tiểu bộ, chỉ có Pháp cú, Kinh Tập là của Ngài, Như thị thuyết là bà Khujjutara bả kể lại, cũng là của Ngài. Còn nguyên cái Bổn sanh thì cực kỳ khả nghi. Bởi vì trong Bổn sanh chánh tạng chỉ có mấy câu kệ thôi. Mấy câu kệ không có nghĩa lý gì hết. Các vị đọc kỹ lại coi, không có nghĩa lý gì hết. Thì các vị thấy 550 bài kinh Bổn sanh là coi như không phải luôn. Toàn của người đời sau thêm vô. Rồi cái Trưởng lão tăng, Trưởng lão ni là dứt khoát không phải lời Ngài rồi. Toàn là lời từng vị thánh kể lại. Rồi hai cái quyển kể về bổn sự về chư Phật Độc giác, Thinh văn cũng không phải lời Ngài. Chỉ có cuốn Cariyāpiṭaka thì chỗ nào mà Ngài nói "Thuở xưa ta ... " đó thì chỗ đó may ra là của Ngài. Còn không là của người đời sau họ kể lại. Cái đó là văn kể chuyện Cariyāpiṭaka.

Như vậy thì mình thấy nguyên cái tạng A-tỳ-đàm là của Ngài Xá Lợi Phất Ngài dựa vào cái gốc của Đức Phật mà Ngài về Ngài gom lại, đúc kết lại. Nguyên cái tạng Kinh là chỉ có Tăng chi, Tương ưng, Trung bộ và một phần nhỏ của Tiểu bộ là Phật ngôn thôi.

Cái tạng Luật còn tang thương nữa. Nguyên cái tạng Luật 8 cuốn, mỗi cuốn trung bình 500 trang thì những phần nào Ngài Upali Ngài hỏi Phật “Bạch Thế Tôn, trong trường hợp đó, vị tỳ kheo phải làm gì?” và cái chỗ nào Đức Phật Ngài nói “Này các tỳ kheo, ta cấm các ngươi không được như thế này ...”, “Này các tỳ kheo, ta cho phép các ngươi như vậy như vậy...", "Này các tỳ kheo, trong trường hợp đó các ngươi nên làm thế này thế này ... ” - thì chỉ có cái chỗ đó thôi, chỉ có trường hợp đó thôi, là lời Phật. Nghĩa là trong 8 cuốn Luật, mỗi cuốn 500 trang, trong suốt 4000 trang đó, những phần kể Đức Phật Ngài cho phép cái này, Ngài ban hành cái kia, Ngài nhận định cái nọ, tổng cộng lời Phật là khoảng chừng chưa được tới một cuốn. Có nghĩa là 7 cuốn rưỡi không phải là Phật ngôn. Như vậy thì mình thấy Tam tạng là vậy đó. Tạng A-tỳ-đàm là của Ngài Xá Lợi Phất, mặc dù vẫn dựa vào lời Phật. Lời Phật trong Tạng Kinh chỉ là một phần nhỏ thôi. Còn nguyên cái tạng Luật 7.5 phần 8 là không phải lời Phật. Khiếp chưa? Nếu tôi giảng mà ai về nghe lại, chép xuống mới rùng mình chứ còn nghe xong như vịt nghe sấm, cái đầu bư bư là quên hết rồi.

Các vị tưởng tượng, như vậy thì không còn bao nhiêu là lời Phật. Mà đó là mình chỉ nói về tạng Pali thôi đó. Còn mấy cái đời sau họ viết mấy cuốn sách to đùng thế này, ngôn phong ngữ khí thì tuyệt đối không phải của Phật. Mà viết cho đã xong còn gắn cho cái câu “Như thị thuyết”, kiểu như bên Pali là “evam maya suttam” (như vầy tôi nghe), bên Sanskrit là “evam maya sutram”. Trường hợp đời sau viết Pali mà để “evam me suttam” thì có nhưng mà hiếm. Ví dụ như bộ gọi là "Boddhisattva bhumi katha". Bộ đó nói về các vị Phật tương lai sắp thành. Vị đó cũng bắt đầu bằng "evam me suttam" nhưng mà trường hợp như vậy cực hiếm trong kinh điển Nam truyền.

Ở đây tôi nói bằng tinh thần khách quan và tôi xin xác định tôi không có ý bôi bác ở đây. Nhưng trong tinh thần khoa học, học thuật thì mình phải nói thật với nhau. Chứ mình cứ ém hoài, cứ ngại rồi dấu hoài kỳ quá. Hết thế hệ này tới thế hệ khác, cứ dấu hoài.

Trích bài giảng Đọc Cái Gì và Tại Sao
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


May Mắn | | Quả Xấu Nhân Lành

Quay Lưng | | Cây Nến

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com