Lý tưởng Đạo Phật

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Lý tưởng Đạo Phật

Đức Phật là người thấy toàn bộ căn cơ chúng sanh, nguyên vẹn, chính xác 100%. Còn Ngài Xá Lợi Phất có nhiều trường hợp là Ngài Ngài thấy không ra, Ngài phải đoán. Ngài thấy người này rõ ràng trí tuệ nhiều mà sao hướng dẫn cả buổi, cả ba tháng trời mà không đắc. Ngài thấy người này rõ ràng tánh tham ái nhiều, tánh sân nhiều; người này tánh hôn thụy, người này tánh hoài nghi nhiều ... Ngài thấy rõ hết. Ngài biết luôn là người này trong kiếp này chắc chắn sẽ đắc A–la–hán, Ngài biết luôn chuyện đó nữa. Ngài Xá Lợi Phất dư sức biết người này chắc chắn trong kiếp này phải đắc đạo thôi. Ngài nhìn người đó, Ngài liếc qua là biết liền. Ngài còn biết người này trí nhiều, đức tin nhiều, người này thiền định nhiều, chánh niệm nhiều ... Ngài biết chính xác luôn. Vậy mà có trường hợp Ngài cứ loay hoay cả ba tháng trời, không biết làm sao mà nói hoài mà cứ trớt quớt, nó không đắc. Cuối cùng Ngài đem đến Ngài nhờ Đức Phật thì Đức Phật chỉ tốn có một tích tắc là xong. Điều đó cho thấy ngay cả khi Sư phụ của mình là Ngài Xá Lợi Phất mà mình cứ cắm cổ mình đi theo thì đôi lúc cũng không thành. Như vậy thì nói chi là Sư phụ đời nay.

Cái thái độ khoa học, cái thái độ thông minh nhất để có được một nhận thức chánh pháp nói riêng và nhận thức sống đời nói chung đó là sự cẩn trọng: Luôn luôn biết hoài nghi cái con đường dưới chân mình. Vì sao ? Vì hễ còn là phàm ta không thể tin mình 100%. Sáng hôm nay cũng cái vấn đề đó mà mình hiểu khác, buổi chiều mình hiểu khác. Ông sư phụ dạy mình ổng cũng y chang như vậy. Cũng vấn đề đó mà buổi sáng ổng nghĩ khác, buổi chiều ổng nghĩ khác. Nếu hồi sáng mình nghe ổng giảng vấn đề đó như vậy, nhưng buổi chiều nó hơi nhỉnh nhỉnh, sáng chiều nó hơi khác nhau một chút - cho dù ổng dựa theo kinh điển chứ ổng không nói ý riêng. Nếu mình mà cứ cắm đầu thờ sư phụ mình, coi sư phụ mình là bất di bất dịch, đời đời bất biến, là một hằng số bất biến, là không được. Nhớ vậy.

Kinh sách cũng vậy. Các vị biết "apocrypha" tức là ngụy thư, thì rất là nhiều. Ngày nay, phải nói là vô chùa miểu, vô mấy hiệu sách, sách mà mình thấy đề là kinh phật, sách phật, giáo lý nhiều vô thiên lủng, countless, đếm biết bao nhiêu cho hết. Mà ngay cả Việt Nam bây giờ có biết bao nhiêu vị thiền sư Việt kiều. Tóc tai đầy đủ về bển dụng võ ở bển. Làm thiền sư bển: thiền sư Duy Tuệ cái gì tùm lum ở bển. Rồi có cái ông thiền sư Trần Lâm gì đó ... Nhiều lắm. Phật tử mình thì theo rần rần, cứ nghe cái mùi Namo đều tưởng là Phật là đi theo. Rất là nguy hiểm.

Cho nên, tất cả tăng ni và kinh điển, trước mắt chỉ là chỗ để mình tham khảo thôi. Tôi nhắc lại một lần nữa, Đạo Phật là cái đạo trí tuệ chứ không phải là cái dạng tin suông. Không phải như bên Thánh kinh nói "Phúc cho kẻ nào chưa thấy đã tin." Bên Đạo phật mình phải nói ngược lại "Phúc cho kẻ nào đã tin rồi mà vẫn ráng tìm hiểu, để thấy!". Thì đó, cái đó mới đúng là Đạo Phật. Chứ còn mà nói "Phúc cho kẻ nào chưa thấy đã tin" thì rất là nguy hiểm. Đời này kiếp này gặp Phật pháp mà mình còn mù quáng, còn cuồng tin như vậy, đời sau kiếp khác sanh ra mà gặp ba cái đạo Hồi, đạo Cơ đốc, đạo Ấn giáo,... còn mệt nữa.

Có nghĩa là gặp Chánh pháp mà mình còn mù quáng, cuồng tín, ngu xuẩn thì mai mốt mình gặp tà đạo là mình còn chìm sâu, ghim sâu, cắm chặt trong đó. Là đời đời ngoi đầu lên không nổi. Cho nên chuyện nhận thức của người phật tử rất là quan trọng.

Trong Tăng chi phần 8 pháp Đức Phật dạy cho bà Gotami : Pháp môn nào mà mình càng đi theo mình càng được an lạc, đó là chánh pháp. Pháp môn nào mà mình càng đi theo mình càng thích sống một mình, càng chán sợ đám đông, pháp môn nào làm cho mình càng trở nên dễ nuôi (chứ không phải dễ duôi), có nghĩa là sống sao cũng được, cái pháp môn nào càng theo mình càng trở nên tinh tấn, càng theo mình càng trở nên viễn ly, nhàn tịnh, thích thiền định, thì đó là pháp môn đúng. Còn pháp môn nào mà khi đi theo nó mình không có thay đổi, không có xê dịch được gì hết thì cẩn thận, phải cẩn thận cái đó.

Bởi vì Đức Phật biết rõ, là khi Ngài tịch rồi, thì thầy bà nhiều như nấm sau mưa vậy đó, Ngài biết chuyện đó. Ngay cả thời Ngài còn tại thế đã đông rồi, nói chi lúc Ngài tịch. Cho nên muốn nói về Mạt pháp phải nói về Chánh pháp trước.

Cái đầu tiên của Chánh pháp là người đến với Đạo phải có lý tưởng đàng hoàng. Đó là lý tưởng chấm dứt sanh tử. Còn đến với Phật pháp mà để cầu công đức, quả báo nhân-thiên là không đúng. Cái thứ nhứt là biết trăn trở, có lý tưởng. Cái thứ hai là vấn đề nhận thức, phải có khả năng nhận thức đúng đắn. Có nhận thức đúng thì mới có hành trì đúng. Đó là cái thứ ba của chánh pháp, là người tăng ni phật tử hành trì đúng.

Tăng ni phật tử thời nay chia ra nhiều phe nhiều phái nhưng mình gom lại thành hai nhóm. Một nhóm chuyên tâm đào bới, nghiên cứu, tham khảo chiều sâu chiều rộng chiều cao của giáo lý. Nhóm hai thì một là do tánh làm biếng, hai là do huệ căn mỏng nên lười học đạo, thích theo đường lối nào mà khỏi xài tới cái đầu, khỏi xài tới trí nhớ trí hiểu, họ thích cái đó. Tu vậy cho nó khỏe. Đó là nói về nhận thức. Mà hễ khi nhận thức nó hời hợt, nó sơ sài, nó đơn giản quá mức thì coi chừng nó bị thiếu. Ông Albert Einstein cha để thuyết tương đối, relative theory, ổng có nói một câu mà tôi rất là thích: "Đơn giản là tốt, nhưng đơn giản quá là bậy." Đơn giản là tốt, bởi vì đơn giản là không dư, không thừa, thì gọi là đơn giản. Nhưng đơn giản quá, gọi là "lacking of" là thiếu. Nhớ cái đó. Đơn giản là được, nhưng đơn giản quá là thiếu. Không có dư thì gọi là đơn giản, không có rườm rà rắc rối thì gọi là đơn giản. Nhưng hễ đơn giản quá thì coi chừng nó bị thiếu. Mình học đạo mà không học đủ, thì lấy gì mình hành? Nhưng cắm đầu làm con mọt sách một đời mà không hành trì mình thì chỉ là cái tủ kinh, chỉ là cái bị, cái đãy để chứa kinh thôi. Tuy nhiên, đừng có nghe người ta chửi mấy cái đãy kinh, mấy cái tủ kinh rồi mình cũng trề môi "Ừ, tui hổng có ngu đâu." Thế là mình không thèm học gì hết. Người ta ít ra người ta còn là cái túi kinh, cái đãy kinh, còn mình là cái túi gạo, bịch bột thôi. Kẹt vậy đó. Đó là cái cực đoan phải tránh. Cả đời làm con mọt sách cũng sai, mà cả đời sợ kinh điển không dám lật ra nghiên cứu cũng là sai.

Và từ đó nó dẫn đến cái hành trì. Hành trì cũng chia thành hai nhóm. Nhóm một, hành trì để mà hướng đến sự buông bỏ. Còn nhóm hai, hành trì để mà có được cái này cái kia. Nhớ cái này. Có hai cách tu, cách tu một là để đắc cái này, để đắc cái nọ, còn cách tu thứ hai là tu để bỏ cái này, bỏ cái kia. Có rất đông người tu nhắm đến chuyện đắc cái này, đắc cái kia, nay được phỉ lạc, mai thấy rợn người nhẹ bỗng, rồi có người cảm cảm làm như có hào quang hay gì đó ... Chính vì có những người họ tu với một sự câu chấp nặng nề như vậy cho nên mới có lời khuyên: "Tu là để buông, chứ không phải Tu là để đắc." Cái lời khuyên đó chỉ dành cho người nào họ khư khư câu chấp. Nhưng bất hạnh thay, cái lời khuyên này bị người ta hiểu lầm. Người ta cho rằng, tu là không cần hướng tới cái gì hết, cứ để tâm rỗng rang khơi khơi vậy đó. Hiểu vậy là sai.

Tôi nhắc lại, lý tưởng cao nhất của Đạo Phật là buông chứ không phải là nắm. Nhưng mà mình phải hiểu rõ chữ buông ở đây là buông cái gì và nắm ở đây là nắm cái gì. Nắm ở đây là khư khư mong mỏi được cái này, đắc cái kia - thì gọi là không nên. Và buông là buông cái phiền não, buông cái câu chấp. Chứ không phải buông là không màng tới giáo lý. Nghĩ vậy là sai. Các vị nhớ lại dùm tôi. Các vị biết đi xe đạp không? Cái tay mình nắm cái ghi-đông phải chặt chứ nắm lơi lơi là không được, phải nắm chặt để lúc cần mình bóp thắng. Nhưng mà nó chặt ở mức nào, và cái chân của mình mình phải thả lỏng mình mới đạp được. Chân mình phải thả lỏng mình mới đạp cái pedal được, nhưng phải thả lỏng ở mức độ nào; và cái tay mình nắm ghi-đông mình phải nắm mà nắm ở mức độ nào; thì mình mới điều khiển cái xe vận hành được. Người biết lội nói cái này họ hiểu liền. Người biết lội họ ngộ lắm. Khi họ lội mà hỏi họ "có gồng không?" họ nói không. Hỏi họ "có buông 100% không?" họ cũng nói không. "Không buông không gồng". Nhưng người biết lội họ biết thế nào là sự nỗ lực trong lúc bơi. Trong lúc bơi có ra sức hay không? Có, nhưng mà họ ra sức một cách uyển chuyển, một cách linh hoạt, một cách đúng mức, một cách hợp lý họ mới nổi lên mặt nước, họ mới di chuyển trên mặt nước được. Chứ còn nếu mình cứ khư khư mình nói xuống nước phải gồng cũng không đúng. Mà nói xuống nước buông 100% cũng không đúng. Nó phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt, thông minh, hợp lý của cái của cái gọi là buông và nắm.

Nó xui một chỗ là người đời nay giáo lý thì không chịu học, mà học đạo toàn là học kiểu tình cảm. Một là theo thầy bà nào mình thích. Hai là chỉ nghe cái mình thích. Vậy là chết rồi. Các vị tưởng tượng, uống thuốc và ăn uống thực phẩm mà đi theo cái mình thích là chết rồi. Tu là phân biệt cái mình thích và cái mình cần, đó là tu. Nguyên cái đời tu nó chỉ có nhiêu đó thôi. Cả đời tu là chỉ có phân biệt cái mình thích và cái mình cần. Ngay cái chuyện nhận thức là nó đã lớn chuyện rồi. Nội cái nhận thức nó đã là cả một vấn đề rồi. Ôm được cuốn kinh nào là chết trong đó, ôm chân được ông thầy nào là chết trong đó. Là kẹt. Nhưng nếu mà buông hết cũng không được, mà nắm chặt quá cũng không được.

Trong kinh có một cái ví dụ rất là hay. Con mèo, con cọp nó tha con nó, nó cắn mạnh quá thì con đau, không biết chỗ để cắn con cũng đau. Biết cắn chỗ nào, và sức miết của hàm răng, cái sức gặm ở mức nào đủ. Lơi lỏng quá thì con rớt, mà chặt quá thì con đau, con bị thương tích, chảy máu. Thì người học đạo, đối với giáo pháp họ cũng phải có sự khéo léo của một con mèo, một con cọp mà nó tha con. Nhớ cái đó. Thứ hai, phải nhớ một điều mà tôi đã nói một triệu lần là con đường trên bản đồ nó không giống như ngoài đời. Con đường trên bản đồ nó chỉ là vệt mực cong quẹo, ngoằn nghèo khúc khuỷu. Con đường ở ngoài thực tế nó có cây cỏ, sông suối, ao hồ, nhà cửa, phố xá. Như vậy thì khi mình xài bản đồ mình khư khư cho rằng con đường ngoài nó cũng y chang con đường bản đồ thì đó là sai. Nhưng mà không phải vì con đường ở ngoài nó khác nhau mà mình không xài bản đồ. Nếu mình nói "Ôi, nó khác nhau xa lắc theo làm gì." thì cũng là sai. Chính cái bản đồ nó cho mình phương hướng, tọa độ, khoảng cách, mình theo đó để mà mình đi được con đường ở ngoài. Những gì mình học được về con đường giải thoát, về cứu cánh giải thoát, khi mình đắc rồi cái mình đắc mình thấy không giống như cái mình học. Nhưng không dựa trên cái mình học thì mình không đến được chỗ mình đắc. Con đường vẽ trong bản đồ nó không giống con đường ở ngoài, nhưng mình không thể từ chối bản đồ được. Cho rằng nó không giống nên mình không thèm xài là cái bậy. Nhưng ngược lại mình cho rằng con đường ở ngoài với bản đồ giống nhau cũng là cái bậy. Học kinh là để thấy đường đi, và cái mà mình thấy được ở cuối đoạn đường đó nó không giống trong kinh. Tuy nhiên, bỏ kinh ra là không được.

Y kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan
Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết

Nghĩa là bám chặt từng chữ trong kinh là nói oan cho chư phật, chư phật có nói thế bao giờ, nhưng mà rời kinh một chữ thôi, đó là nói lời của ma rồi. Nhớ cái này. Phải cẩn thận chỗ này. Cho nên được gọi là Chánh pháp là gì? Chuyện đầu tiên là phải có lý tưởng, thao thức, biết chán sợ sự hiện hữu. Thứ hai là khả năng nhận thức. Nhận thức cái gì? Nhận thức tinh hoa của giáo pháp có thể gom gọn trong giáo lý tứ đế. Mà giáo lý tứ đế có thể gom gọn trong câu khẩu quyết sau đây:

Vạn hữu, vạn vật ở đời, mọi sự ở đời do duyên mà có.
Có rồi phải mất.

Tôi sẽ dành hẳn một buổi giảng nói về hai câu khẩu quyết này, ở đây tôi chỉ nói gọn thôi. Tất cả nhận thức của phật tử phải y cứ trên cái này. Mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất. Khi mình thấy mọi thứ do duyên mà có là mình thấy mọi thứ đều là giả hợp, mọi thứ nó là composition, nó là transition. Không có cái gì là pure, là solid hết, không có. Tất đều là đồ composition, đồ lắp ráp hết. Và đồng thời mình thấy thêm một cái nữa là mọi thứ đã có rồi đều phải mất. Mọi thứ trên đời này không có cái gì mà nó còn hoài. Cái nhân vô thường thì cái quả cũng vô thường. Mọi thứ nó là từng giọt nước trên một cái dòng chảy, do điều kiện các thành tố nhân duyên mà nó tiếp nối tồn tại, từ tình trạng này chuyển sang tình trạng khác, mọi thứ trên đời này nó luôn trong tình trạng becoming, nó trở thành một cái khác. Không phải "existing" mà là "becoming". "Existing" nó rất là nguy hiểm, mà phải hiểu là "becoming". Chúng ta luôn luôn trong tình trạng trở thành một cái khác. Mà cái câu này dễ hiểu lầm lắm. "Trở thành một cái khác" không phải là cái lá màu xanh chuyển qua lá màu vàng, không phải vậy. "Trở thành" đây có nghĩa là cái cũ mất đi và nó trở thành điều kiện để tạo ra cái mới, "becoming" ở đây phải hiểu là như vậy. Ở đây chỉ có similar not the same. Có nghĩa là sao? Cái con người cũ và con người mới nó "similar", nó giống nhưng không phải là "the same", không phải là cái cũ. Cái giống nhau chứ không phải là một cái. Đây là những cái mà các vị phải nhớ. Học giáo lý là phải nhớ cái này. Thì người phật tử muốn có nhận thức chính xác về đạo, về con đường hành trì là phải nhớ câu thần chú này.

Nhắc lại. Cái thứ nhứt là lý tưởng, thứ hai là nhận thức, thứ ba là hành trì. Anh có nhận thức đúng, anh mới có hành trì đúng. Thí dụ trong khi cái nhận thức của anh là "phật pháp dạy mình buông", nhưng trong cái bước hành trì anh lại nắm, anh nắm từng bước đi. Cái này mới buồn cười, mới là đáng tiếc. Ngày chưa biết đạo, ta nắm chặt tiền tài, danh lợi, uy tín, quyền lực,... Biết đạo rồi ta biết mọi thứ là hư ảo mục xương. Và ta chuyển qua ta lại coi nặng giá trị tâm linh, là giới định tuệ, là tri kiến, là thiện pháp, là công đức, ... Mình buông mình không có nắm mấy cái danh lợi, sắc quyền, ở ngoài đời nữa; nhưng mà mình lại chuyển qua mình nắm cái khác, đó là "tui giữ giới nhiều hơn bà kia", "tui học đạo nhiều hơn bà kia", "tui ngồi thiền lâu hơn bà kia", "tui bố thí nhiều hơn bà kia", ... Như vậy thì mình đã buông cái này mà mình bắt cái kia rồi. Nhớ cái này. Phải nhớ cái này. Mà vấn đề nó được khởi đi từ đâu? Từ cái nhận thức sai. Mình buông cái này mình nắm cái kia, nó chỉ sang hơn thôi chứ nó vẫn là nắm. Tôi nói rất nhiều lần trong một căn nhà đang cháy thì cái chuyện thông minh nhất là mình phải bung ra khỏi cái nhà đó, chạy ra khỏi cái nhà đó. Chứ còn mà mình cứ luẩn quẩn trong cái nhà đó, mình chun vô dưới sàn, mình chun dưới gầm bàn, mình chui vô nhà tắm, mình chui vô trong tủ áo closet, mình leo lên nóc, ... tất cả thấy khác nhau trên hình thức, nhưng nội dung giống nhau, đó là ngu xuẩn. Cái nhà nó đang cháy phừng phừng, lửa ngùn ngụt vậy, mà chun xuống sàn rồi cuối cùng cũng cây ngã ngói đè cũng chết, mà leo lên mái lửa nó thiêu cũng chết, chun vô nhà tắm cũng chết, chun dưới gầm giường cũng chết. Cho nên khi mình đã thấy : danh lợi, quyền lực, tiếng tăm, nhan sắc là hư ảo, mình tìm đến với đạo, nhưng mình lại khư khư, mình chấp chặt những cái thành tựu, những giá trị tinh thần của mình như vậy mình lại tiếp tục mình nắm nữa.

Trong khi mình phải nhớ rằng, mọi giây phút mình tu tập, dầu là bố thí, trì giới, ngồi thiền, học đạo, nghe pháp, ... tất cả chỉ là những giây phút mình đang uống thuốc, mình đang chữa bệnh. Chứ không có gì hãnh diện hết. Mình bị tiểu đường mình phải uống thuốc tiểu đường, mình bị cao máu mình phải uống thuốc cao máu, mình bị tim mạch mình phải uống thuốc tim mạch, mình bị ruột, bị thận, bị gan, bị bao tử, gì đó là mình phải uống thuốc mình chữa mấy cái bệnh đó. Không có ai ngu xuẩn mà đi tự hào, tự đắc, tự kiêu, tự tôn, tự đại, tự mãn rằng là tôi đang uống thuốc đó. Chỉ có người tâm thần mới tự hào cái đó thôi. Một cái người đầu óc tỉnh táo không có ai tự đắc rằng tôi đang uống thuốc tiểu đường hết. Ở đây cũng vậy, một cái người mà có não trạng bình thường, không có ba trợn, thì không có ai mà tự hào, tự mãn rằng tôi đang có giới, tôi đang có kiến thức giáo lý, tôi đang tu thiền giỏi, tôi đang giữ giới bát quan mỗi tháng tám ngày, mười lăm ngày. Vì sao? Vì tất cả những chuyện đó chỉ là uống thuốc chữa bệnh thôi. Còn những người họ không chịu tu, họ không chịu học đạo là họ bị bệnh mà họ không chịu uống thuốc. Còn mình khác họ là mình biết mình bệnh nên mình uống thuốc, chỉ vậy thôi. Mà cái người đã uống thuốc thì dựa vào đâu để mà kiêu ngạo, tự đắc, tự tôn? Cho nên, một ngày nào mà ngay trong đường hành trì mà mình không có lý tưởng buông bỏ là ngay trong thời điểm đó cái hành trì của mình nó có vấn đề. Nhớ cái đó. Cái nội dung chánh pháp là gì? Đó là sự buông bỏ. Có nhiều người họ hiểu chữ buông bỏ một cách cực đoan, buông bỏ có nghĩa là không màng gì hết, thích sao sống vậy, gọi là buông bỏ. Cái đó là sai. Mà buông bỏ ở đây có nghĩa là không để cho mình cuốn theo cái thích, cái ghét. Buông bỏ ở đây có nghĩa là tiếp tục lánh ác hành thiện, nhưng không có đem cái "tôi" gắn vào trong đó. Thì đó mới gọi là buông bỏ. Chứ không phải buông bỏ là phá chấp, là giữ bồ tát giới, là có những giới mình có quyền khai đó, khai giới, những cái giới được quyền bỏ, ví dụ vậy. Là sai. Điều đó không có đúng. Mình dễ ngươi thì mình nhận là mình dễ ngươi chứ đừng có viện cớ mình vin dẫn cái lý nào đó để mình nói đó là phá chấp mình được quyền làm vậy. Làm vậy là sai. Nhớ vậy. Cái đó không có đúng.

Cho nên, buông ở đây không có nghĩa là bạt mạng mà buông ở đây có nghĩa là vẫn hành thiện lánh ác nhưng trong một tinh thần tỉnh táo, hiểu rằng mấy cái này chỉ là chiếc bè qua sông thôi, chỉ là thuốc chữa bệnh thôi, đó gọi là buông. Tu buông là tu vậy đó. Vẫn hành thiện lánh ác, nhưng trong tinh thần buông bỏ. Trong khi đó có những người hành thiện lánh ác mà để cầu quả nhân–thiên, hành thiện lánh ác mà còn mong người khác biết mình hành thiện lánh ác, như vậy là chưa khá, chưa khá. Mà hạnh thiện lánh ác chỉ vì mình không thể hành ác cho nên mình hành thiện.

Có hai kiểu hành thiện. Kiểu hành thiện thứ nhất, là bởi mình còn cầu mong quả báo nhân thiên đời này đời sau, nên hành thiện lánh ác. Còn trường hợp thứ hai là hành thiện là bởi vì người ta không có khả năng ác nữa cho nên người ta chỉ còn có cái thiện thôi. Nhớ cái đó. Cái đó rất là quan trọng.

Còn cái hành trì ở đây là gì? Cái hành trì ở đây là làm theo những điều mình hiểu, làm theo những gì mình nhớ. Mà nếu mình hiểu đúng, mình nhận thức đúng, thì cái hành trì của mình nó mới đúng. Trong cái bài giảng khai hội tôi chỉ nói đại khái, sơ sài vậy thôi, định nghĩa cho bà con nghe Mạt pháp là cái gì.

Mạt pháp ở đây có nghĩa là giai đoạn tăng ni phật tử không có được bốn điều này:

  1. lý tưởng đến với đạo là do những thao thức trăn trở đời này kiếp khác;

  2. quan tâm đến vấn đề nhận thức giáo pháp;

  3. quan tâm đến vấn đề hành trì; và

  4. quan tâm đến vấn đề chứng ngộ.

paraloka payadassavi nghĩa là biết trăn trở đời này kiếp khác.
pariyatti dhamma nghĩa là con đường nhận thức.
patipatti dhamma có nghĩa là con đường hành trì.
pativedha dhamma hay adhigamma có nghĩa là con đường chứng ngộ.

Một người phật tử, một tăng ni phật tử đúng nghĩa là phải có được bốn cái này: Một là phải có paraloka payadassavi, biết quan tâm, biết ưu tư, biết thao thức, biết trăn trở về bản thân mình đời này kiếp khác; thứ hai biết quan tâm đến pháp học, tức là con đường nhận thức giáo lý, thứ ba, là biết quan tâm đến patipatti dhamma có nghĩa là con đường hành trì, và thứ tư hiểu rõ được cứu cánh, mục đích của con đường hành trì đó, có nghĩa là cái pativedha dhamma hay là adhigammadhamma. Tại sao có cái thứ tư này? Là bởi vì, như tôi đã nói rồi, đa phần mọi người, đa phần 99.9% miệng nói là học đạo, hành đạo để cầu giải thoát nhưng mà chúng ta vẫn không ra khỏi cái chuồng, cái cũi của bản ngã. Cứ thấy ngồi thiền mà thấy mát lạnh là “rồi! đắc!” Hoặc là mình ngồi lâu, mình giữ chánh niệm lâu ngày, một tháng, hai tháng, cái đầu mình sáng ra “rồi! đắc rồi!”. Một lúc nào tự nhiên mình hiểu ra được những cái điều mà từ đó tới giờ mình nghe, mình đọc, mình không hiểu, tự nhiên nó bừng sáng ra, rồi cho vậy là "đắc". Còn có những người ngồi thiền được thời gian tự nhiên họ thấy đức tin của họ quá mãnh liệt, bây giờ họ dám chết cho đạo, họ dám bán nhà để làm từ thiện, họ tưởng vậy là đắc rồi, nhưng mà không phải. Đó là những giai đoạn phải đi qua mà thôi. Đó là mười tùy phiền não quán. Nếu mà mình không có cái lòng cầu chấm dứt sanh tử thì mình rất dễ chết trên con đường đó quý vị. Tức là ở đâu mình thấy hơi vừa ý mình cho đó là điểm dừng lại là chết rồi. Nhớ như vậy.

Cho nên tôi nói hoài. Tu có hai kiểu: kiểu tu của người đổ rác và kiểu tu của người lượm ve chai. Kiểu tu của người đổ rác là gì? Đó là thấy rác là liệng. Cái gì trên tay mình là rác là mình buông hết. Đó là kiểu tu người đi đổ rác. Thấy cái gì là tham, là sân, là phiền não, là mình bỏ hết. Đó là tu của người bỏ rác. Tu mà hễ thấy mình còn câu chấp nhỏ mọn toan tính, còn thích còn ghét cái này cái kia là mình bỏ, bỏ liền. Biết cái đó là bậy là bỏ liền. Đó là tu kiểu đổ rác. Còn tu kiểu mà lụm ve chai là sao? Là thấy cái gì hay hay, thấy mình có được cái gì hay hay là khoái chí lắm. Thấy hay là khoái. Thấy mình bát quan trai, thấy mình tu chánh niệm, thấy mình có học giáo lý, thấy mình có bố thí cúng dường, thấy mình quen biết với cao tăng nổi tiếng, thấy mình là thí chủ xây chùa, đúc tượng, in kinh, thấy mình được nhiều người nể mặt, ... đối với mình vậy là mãn nguyện rồi. Khi đối với mình mà mình hiểu như vậy thì cứu cánh giác ngộ mình có vấn đề. Mình phải hiểu cứu cánh giác ngộ là phải buông triệt để.

Bồ Tát Tất Đạt Đa kiếp chót là một ông hoàng, Ngài thấy ngai vàng không ra gì hết, Ngài bỏ ngài đi. Khi ngài đi xuất gia ngài đắc sơ thiền, Ngài thấy chẳng là cái gì hết, nhị tam tứ thiền Ngài thấy chẳng là cái gì hết, Ngài mới đắc lên tới hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng Ngài cũng thấy nó chẳng là cái gì hết. Vì theo trong kinh, các vị Bồ Tát khác người bình thường ở những điểm sau đây: Thứ nhất, luôn luôn hướng tới cái tốt hơn, không có dậm chân tại chỗ. Thứ hai, khả năng buông bỏ rất lớn. Hai cái này nó là một cặp. Khi mình luôn luôn hướng đến cái tốt hơn có nghĩa là mình phải có khả năng buông bỏ cái cũ. Còn mình cái gì tốt cũng ham nhưng cái cũ không có buông được. Trời sanh mình có hai bàn tay cái gì mình cũng muốn nắm hết nhưng nắm sao nổi. Cái vòng ôm của mình một lúc mình chỉ ôm được một người và một món đồ thôi. Bây giờ mình muốn ôm bốn năm thứ thì ôm ngả nào? Phải bỏ bớt cái này mới ôm được cái kia. Mà ôm là sai. Đặc điểm của Bồ Tát: một là hướng tới cái tốt hơn, hai là khả năng buông bỏ rất tốt. Và thứ ba là không giam nhốt mình trong bất cứ một bến bờ nào, một cái tù ngục, một chuồng cũi nào. Là sao? Đối với Bồ Tát đắc thiền tới tầng nào thì Ngài cũng thấy rằng đây là cái cần phải vượt qua. Luôn luôn vậy. Và khi Ngài sống trong một gia đình vợ đẹp con ngoan, Ngài thấy rằng, cái này cần phải bỏ lại. Khi ngài làm vua, cai trị một lãnh thổ bao la, một ông triệu phú chưởng quản một gia tài đồ sộ, thì Ngài thấy rằng có cái tốt hơn cái này, cái này là cái không đáng để mình nắm. Luôn luôn là như vậy. Đó là nói về vật chất. Còn nói về tinh thần, đắc chứng cái gì đi chăng nữa, luôn luôn Ngài biết là cái này cần phải vượt qua.

Còn mình thì sao? Tôi nói hoài. Mình có hai kiểu tu: kiểu tu của người thả diều và kiểu tu của người thả chim. Thả chim có nghĩa là mình buông ra con chim nó bay đi đâu nó bay, còn tu kiểu thả diều có nghĩa là cũng mang tiếng là thả nhưng mà giữa con diều với mình nó có sợi dây ràng ràng lại. Giữ giới là vì thương chúng sanh, không có sát sanh. Bố thí là vì thương người họ đang cần chứ không có nghĩ cái chuyện khác. Còn đàng này mình cứ lúc nào cũng mong cho tôi được cái này, mong cho tôi được cái kia. Nên nhớ, Bồ Tát làm phước Bồ Tát cũng có nguyện, nhưng mà nguyện để buông. Còn mình nguyện để nắm. Bồ Tát Ngài bố thí cúng dường để Ngài nguyện thành Phật. Ngài nguyện để thành Phật quả. Mình thấy vậy mình tưởng là "Ơ, Ngài cũng nguyện giống tui!" Không. Phật là buông triệt để, nguyện thành Phật là nguyện buông triệt để. Còn mình nguyện thành Đế Thích, thành Phạm thiên, thành nhà giàu, thành mỹ nhân, được tiếng tăm, được quyền lực, được tình cảm, ... Mình ước nguyện đủ điều. Cái đó là nguyện để mà nắm. Người nào nguyện thành Phật quả mà với ý niệm "tôi" thành Phật là sai. Sai. Không có "tôi thành Phật" mà là chỉ nhắm đến Phật quả mà thôi.

Trích bài giảng Bài Khai Hội
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Tà Tư Duy | | Tâm Thiện

Cây Nến | | Sân Si

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com