KammaṭṭhānaĐạo đế là Bát Chi Đạo, có thể kể gọn thành Tam Học là Giới, Định, Tuệ.
Tuệ học là con đường Quán Niệm Danh Sắc tức pháp môn Tứ Niệm Xứ.
Định học, còn gọi là pháp môn thiền Chỉ tịnh, thì lấy sự tập trung tư tưởng làm chính. Định thấp nhất là Cận Định và cao nhất là thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, đều dựa trên các đề mục thiền Chỉ tịnh mà thành. Có tất cả 40 đề mục để hành giả an trú định tâm. Một số trong đó chỉ dẫn đến trình độ Cận Định, một số có thể dẫn đến Ngũ thiền và một số thì chỉ dẫn đến các tầng thiền thấp hơn. Nhưng chung quy thì sự định tâm do thiền Chỉ tịnh mang lại luôn rất cần thiết cho việc phát huy trí tuệ dầu là thế trí hay thánh trí.
40 đề mục thiền Chỉ tịnh gồm có: 10 Hoàn Tịnh, 10 Bất Mỹ, 10 Tùy Niệm, 4 Vô Lượng Tâm, 4 Vô Sắc, 1 Bất Tịnh Thực và 1 Tứ Đại Tưởng.
- 10 Đề Mục Hoàn Tịnh (Kasiṇa): Đất (paṭhavī), Nước (āpo), Lửa (tejo), Gió (vāyo), màu Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng (nīla, pīta, lohita, odāta), Ánh Sáng (āloka) và Hư Không (ākāsa). 10 đề mục này có thể dẫn đến Ngũ thiền Sắc giới và giúp hành giả luyện thành Ngũ Thông.
- 10 Đề Mục Bất Mỹ (Asubha): 10 giai đoạn thối rữa của xác chết. Đề mục Bất Mỹ này chỉ có thể dẫn đến Sơ thiền, không thể cao hơn. Vì muốn tu đề mục này phải luôn có Tầm.
- 10 Đề Mục Tùy Niệm (anussati): Nói là đề mục thiền Chỉ tịnh nhưng khi tu tập các đề mục này hành giả lại chủ yếu dùng Niệm chớ không phải Định như hầu hết các đề mục khác.
- Niệm Phật (buddhānussati): Theo kinh điển Pāli thì niệm Phật không chỉ là réo gọi hồng danh của Ngài như trẻ con học bài hay như người niệm chú. Phép niệm Phật hay các đề mục tùy niệm khác cũng vậy, luôn đòi hỏi hành giả phải biết suy tưởng. Như niệm Bhagavā thì phải tâm niệm ý nghĩa của hồng danh này là bậc thành tựu mọi đức lành, mọi phước báo hoặc Arahaṃ là bậc đã đoạn trừ tất cả phiền não và xứng đáng cúng dường.
Xem thêm chi tiết trong Thanh Tịnh Đạo, phần Định.
- Niệm Pháp (dhammānussati): Suy tưởng ý nghĩa bài Svākhāto bhagavatā dhammo…
- Niệm Tăng (saṅghānussati): Suy tưởng ý nghĩa của bài Suppatipanno…
- Niệm Giới (silānussati): Là quán xét giới hạnh bản thân để tự hoan hỷ với mình là không một học giới nào bị lấm nhơ.
- Niệm Thí (cāgānussati): Hành giả suy tưởng đến khả năng hào sảng của mình rằng trong điều kiện cho phép, tôi sẽ không từ chối giúp đỡ những ai cần đến tôi về vật chất.
- Niệm Thiên (devatānussati): Hành giả suy tưởng và quán niệm về các cõi Dục thiên với sự yên lòng rằng chúng sanh ở đó có những Tín, Thí, Giới, Văn, Tuệ, Tàm, Úy nào thì mình cũng có đủ những đức lành đó để có thể cộng sinh với họ mai này.
- Niệm Níp-bàn (upasamānussati): Hành giả suy tưởng về ý nghĩa Chân đế của Níp-bàn theo khả năng của hai trí Văn và Tư để hoan hỷ và an lạc rằng sự chấm dứt phiền não và sinh tử cũng là sự chấm dứt tuyệt đối tất cả những khổ thân khổ tâm mà ta và các loài đang gánh chịu.
- Niệm Chết (maraṇānussati): Là hành giả suy niệm rằng một người vĩ đại như Đức Phật hay Đế Thích, Phạm thiên cũng không tránh được cái chết nói gì một người như ta. Và cái chết có thể xảy đến với mọi người ở bất cứ lứa tuổi nào, dưới bất cứ hình thức nào, êm đềm hay tàn khốc.
- Thân Hành Niệm (kāyagatāsati): Hành giả suy niệm để thấy rõ từ gót chân đến chót tóc của mình là một túi da chứa đầy các vật uế trược, nếu lộn ngược nó ra thì người chí thân cũng không dám đến gần và bản thân mỗi người cũng không dám nuốt lại những thứ mình đã mửa.
- Niệm Hơi Thở (ānāpānasati): Tức sự tập trung tư tưởng để biết hơi thở đang ra hay vào.
Trong 10 đề mục Tùy Niệm trên đây, đề mục Thân Hành Niệm chỉ có thể dẫn đến Sơ thiền, đề mục hơi thở có thể dẫn đến Ngũ thiền Sắc giới, các đề mục Tùy Niệm còn lại chỉ có thể dẫn đến Cận Định mà thôi.
- 4 Vô Lượng Tâm (Brahmavihāra): Từ (mettā), Bi (karuṇā), Hỷ (muditā), Xả (upekkhā)
- 4 Đề Mục Vô Sắc (arūpajhānas): Hư Không Vô Biên (ananto ākāso), Thức Vô Biên (anantaṃ viññānaṃ), Vô Sở Hữu Xứ (natthi kiñcanaṃ), Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (nevasaññānāsaññāyatanaṃ, "Etaṃ santaṃ, etaṃ paṇīta").
- 1 Bất Tịnh Thực (aharepatikulasanna): Khi coi nhẹ việc ăn uống, ngoài việc hạn chế tham tâm trước mắt, hành giả cũng sẽ không vì nó mà mất nhiều thời gian hay công sức một cách vô ích.
- 1 Tứ Đại Tưởng (catudhatuvavatthana): Tứ Đại ở đây được quan sát qua từng bộ phận cơ thể của bản thân.
Đề mục thiền Chỉ tịnh và tầng Thiền tương ứng |
---|
No. | Đề mục | Tổng cộng | Tầng thiền đắc |
---|
1. | 10 Hoàn Tịnh (Kasiṇa) + Hơi thở | 11 | Sơ - Ngũ thiền | 2. | 10 Bất Mỹ (Asubha) + Thân hành niệm | 11 | Sơ thiền | 3. | Từ, Bi, Hỷ | 3 | Sơ - Tứ thiền | 4. | Xả | 1 | Ngũ thiền | 5. | 4 Vô sắc | 4 | 4 thiền Vô sắc |
Như vậy: - 25 đề mục dẫn đến Sơ thiền Sắc giới (1+2+3)
- 14 đề mục dẫn đến Nhị, Tam, Tứ thiền Sắc giới (1+3)
- 12 đề mục có thể dẫn đến Ngũ thiền Sắc giới (1+4)
- 4 đề mục Vô sắc dẫn đến 4 tầng Vô sắc tương ứng
- 10 đề mục chỉ có thể dẫn đến Cận Định
(8 đề mục đầu Tùy niệm + 1 Bất Tịnh Thực + 1 Tứ Đại Tưởng)
Một hành giả trong Phật giáo mỗi ngày cần nhớ đến 4 đề mục giữ mình (ārakkhakakammaṭṭhāna), bất kể là một người đang tu Chỉ hay Quán:
• Niệm Phật • Niệm Chết • Niệm Bất Mỹ • Niệm Từ tâm
Có thể nói đề mục hơi thở là một trong những đề mục căn bản nhất của thiền Chỉ tịnh. Tất cả chư Phật đều thành đạo bằng đề mục này. Nó đồng thời cũng là đề mục tiện dụng nhất, luôn có sẳn mọi nơi, mọi lúc. Về phương thức chuẩn bị đề mục cũng không có gì khó khăn. Hành giả chỉ việc chọn lấy một tư thế thích hợp, tùy hoàn cảnh, rồi tập chú vào chót mũi, môi trên hay vùng bụng rồi ghi nhận hơi thở vào ra. Tùy căn cơ mỗi người mà khả năng đè nén 5 Triền Cái thành tựu sớm hay muộn.
Một trong những kỹ thuật căn bản của phép niệm hơi thở là chỉ theo dõi chứ không điều khiển nó, khi bị phóng tâm cũng đừng hối tiếc, xem như chưa có gì xảy ra và tiếp tục theo dõi hơi thở. Khi định tâm còn yếu, hơi thở cũng thô thiển hơn lúc tâm được an định vững vàng. Một lúc nào đó hành giả còn cảm thấy như mình không còn hơi thở nữa, nhưng chuyện quan trọng vẫn là tiếp tục chú tâm ở các điểm lộ diện của hơi thở (chót mũi hay bụng).
Sớ giải có cho một ví dụ như một người đi tìm con bò bị mất trong rừng, thay vì lang thang kiếm tìm thì nên để ý những chỗ uống nước của con bò như hồ hay suối hoặc đầm lầy. Nó đi đâu rồi cũng sẽ về đấy. Hơi thở cũng vậy.
Khi 5 Triền Cái vắng mặt thì điều tự nhiên là Phỉ Lạc (pīti), sự Tĩnh tâm (passaddhi), Thiền Lạc (sukha) và Định (samādhi) sẽ lần lượt sinh khởi. Sự an lạc của hành giả lúc này rất đặc biệt, không một thứ hạnh phúc dục lạc nào có thể đem so sánh. Cứ vậy hơi thở của hành giả sẽ đi qua các giai đoạn Chuẩn Tướng, Thủ Tướng và Quang Tướng để tâm đi vào Cận Định. Người duyên kém có thể suốt đời chỉ dừng lại ở đây (Cận Định). Người đủ căn cơ thì ngay sau đó có thể trong nháy mắt, hoặc nhiều tháng nhiều năm, sẽ lần lượt chứng đắc từ Sơ thiền trở lên đến Ngũ thiền Sắc giới. Người không tu Tuệ quán có thể nhờ vậy mà sanh về các cõi Phạm thiên hoặc ngay đời hiện tại có thể thực hiện các loại thần thông. Với người tu Tuệ quán, thì các tầng thiền chính là điều kiện tốt nhất để tu tập trí tuệ Minh Sát. Đây mới là hành trình hoàn hảo của đạo lộ Tam Học.
Phỏng theo C.9 Thiền Chỉ Tịnh (samatha) & Thiền Quán (vipassanā) Triết Học A Tỳ Đàm
|