Đường Xưa Lối Cũ

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đường Xưa Lối Cũ

Thường cận y duyên nói cho cùng cho gọn chỉ là thói quen mà thôi. Thói quen của chúng ta dựa trên hai cái nền. Là hai cái gì? Thích và Ghét. Thiện – Ác nó không có quan trọng bằng Thích – Ghét. Thích và Ghét rất là quan trọng. Vì sao? Mình quan tâm cái gì, quan tâm nhiều lần thì gọi là thường cận y. Đừng có tưởng thói quen là phải đụng tay đụng chân mới là thói quen. Không. Trong bụng mình, trong đầu mình mà mình nghĩ nhiều về cái gì đó thì nó thành thói quen. Tôi nói cái câu rất nhiều lần “Đừng coi thường những gì thoáng qua trong đầu. Bởi vì nó thoáng qua nhiều lần, nó lặp lại nhiều lần, là nó thành hành động!” Tôi thí dụ là tôi lâu nay không có thích đi Nhật. Rồi có bà đó bả đi Nhật về, bả kể riết tự nhiên tôi có cảm tình với hình ảnh nào đó về Nhật. Tôi tưởng nó không có gì nhưng mà nó có. Từ chỗ có cảm tình đó mà một ngày kia có người rủ tôi đi Châu Á, tự nhiên tôi lại chọn đi Nhật. Tôi đi Nhật rồi tôi mới thích Nhật, thích một lần rồi quay trở lại hai lần, ba lần. Rồi cuối cùng tôi là người thích đi Nhật luôn. Thấy chưa? Mà bắt đầu nguyên thủy chỉ là vì câu nói của bà kia thôi.

Và cũng nhớ rằng kể cả những gì ta ghét ta cũng phải cẩn thận. Vì sao? Vì ghét nên buổi đầu mình tiếp cận nó bằng tâm thức đối kháng, tiếp theo là miễn cưỡng, thứ ba là thỏa hiệp, cuối cùng là đồng thuận. Đó là ghét. Ghê chưa. Tôi đang nói cái Ghét đó. Nhớ cẩn thận cái đó. Còn thích thì miễn bàn.

Tôi nhắc lại, cái gọi là đời sống nó chỉ là hành trình của việc lặp lại một thói quen. Các vị hỏi tôi dựa vào đâu nói như vậy. Dạ thưa, A-tỳ-đàm nói như vậy. Cả 12 duyên khởi đều tác động lẫn nhau bằng một chữ: Thói quen. Vô minh duyên cho hành là do vô minh trong bốn đế nên mới tạo ra các nghiệp thiện ác. Cái gì đã thúc đẩy ta làm chuyện đó? Thói quen. Từ các nghiệp Thiện Ác mới tạo ra các tâm đầu thai về các cõi, cũng do Thói quen. Do tâm đầu thai đó mà chúng ta sanh ra có đủ sáu căn hay không và sống nhiều với căn và trần nào lại là Thói quen. Đó. Có thể quý vị không để ý chỗ đó. Nếu là hành giả nghe chỗ này họ vừa thấm mà vừa sốc. Ta sống nhiều với thói quen nào, ta thường sống với cái gì, ta nặng lòng với cái gì cái đó nó làm nên nhân cách, nó làm nên thế giới nhân cách của chúng ta.

Các vị còn nhớ tôi nói: "Mình thích cái gì, mình ghét cái gì, mình càng ít căn chừng nào càng tốt." Thí dụ như mình ghét cái đó nhưng mình chỉ trong bụng thôi, thì nó đỡ. Còn mà khi mình biến nó ra hành động thấy nguýt, lườm, liếc là thua rồi. Hoặc là mình thích cái gì, mình thích trong bụng thôi. Chứ mình biến nó ra các căn khác là chết rồi. Mình mến nhau là được rồi nhưng qua tới cầm tay là thua rồi đó. Qua tới cầm tay nó qua tới cầm tù, từ cầm tay qua cầm tù nó không có xa. Mà từ cầm tù qua tới cầm thú cũng gần lắm.

Cho nên hãy cẩn trọng với những gì mà ta thường nặng lòng với nó, bất kể đó là cái ta thích hay ghét. Vì sao? Vì đối với cái ta thích nó trở thành một thế giới sống, một chốn đi về cho ta, chuyện này vô cùng dễ hiểu. Riêng đối với cái ta ghét, buổi đầu ta nghĩ là ta ghét nó, nhưng trong một điều kiện tiếp cận lâu ngày, thì từ tâm thức đối kháng nó chuyển qua miễn cưỡng rồi thì là thỏa hiệp và đồng thuận. Khi mà ta đồng thuận với nó thì coi như ta đã thuộc về nó. Mà khi đã thuộc về nó thì còn chuyện gì để nói nữa.

Chúng ta không có sai khi chúng ta nói rằng: Toàn bộ thế giới này chỉ là đường xưa lối cũ. Toàn bộ đời sống này chỉ là đường xưa lối cũ. Chúng ta đang lặp lại những thói quen mà chúng ta kế thừa từ tiền nhân. Chúng ta đang lặp lại thói quen, chúng ta đang đi lại con đường cũ của tiền nhân. Tiền nhân là ai? Là bố mẹ, là anh chị, là các bậc tiên hiền. Người Việt Nam nào dám phủ nhận trong người mình không có mấy ngàn năm văn hóa? Có người Việt Nam nào dám nói như vậy không? Không ít thì nhiều mình cũng giữ lại trong người mình dấu vết của mấy nghìn năm văn hóa, trong đó có văn hóa Tàu, văn hóa Miên, văn hóa Việt, văn hóa Ấn, văn hóa Chàm. Thế giới là những thói quen, thế giới là đường xưa lối cũ để người ta lặp lại những bước đi của người xưa. Thế giới này là những công trình được mọc lên từ đống tro tàn của quá khứ, từ những ngọn lửa hôm qua thì những hoa trái hôm nay nó mới được sinh sôi. Chúng ta đang đi trên những lối mòn mà chúng ta không biết. Cái đó là tinh thần vừa là Đạo học vừa là Triết học của Phật giáo. Phật giáo nói rằng mọi thứ luôn luôn ở trong tình trạng trôi chảy không ngừng. Cái sau nó thay thế cho cái trước, như một dòng chảy trên sông.

Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng,
thế thượng tân nhân hãn cựu nhân.

Trường giang sóng sau dồn sóng trước,
đời người mới phải đuổi theo xưa.

Trên con sóng ấy sóng sau đùa sóng trước và nhịp điệu đó nó được lăp đi lặp lại nhiều lần. Nhịp điệu đó nó được lặp lại trên hai quy mô: quy mô lớn và quy mô nhỏ. Quy mô lớn đó chính là thế giới, là cộng đồng nhân loại, là các xã hội, đó là quy mô lớn. Còn quy mô nhỏ là sự lặp lại ở mỗi cá nhân thông qua các thói quen. Cho nên nếu mình nhìn kỹ lại là toàn bộ thế giới nó vận hành theo lối xưa, trong đó từng cá nhân đang từng bước lặp lại những lối xưa.

Mà tu hành là gì? Dầu chúng ta theo đạo nào không cần biết, cái chuyện đầu tiên đó là khi muốn phát triển đời sống tâm linh, chúng ta biết nghi ngờ con đường dưới chân của mình. Mình phải tự hỏi xem cái con đường dưới chân ấy, đúng là nó có thể là lối mòn, nhưng lối mòn ấy nó dẫn ta về đâu? Phải liên tục tra vấn, liên tục đặt dấu hỏi như vậy.

Người ta nói một cách rất là thơ mộng rằng mỗi tháng trời cho ta một cơ hội để tư duy. Vậy mà bao nhiêu thế hệ nhân loại đã làm lơ cơ hội đó. Có nghĩa là mỗi lần trăng đầu tháng, mỗi vầng trăng sơ nguyệt, mỗi vầng trăng lưỡi liềm là một dấu hỏi treo trên bầu trời, mỗi lần nhìn thấy vầng trăng non trên bầu trời, phải tự hỏi mình: Con đường mình đang đi có đúng không? Cái lý tưởng mình đang theo đuổi có đúng không? Cái việc mình làm có đúng không? Cái đời sống của mình có vấn đề gì không? Tại sao chúng ta phải có những dấu hỏi đó? Bởi vì đây chính là câu thần chú mà tất cả nhân loại phải nhớ, không riêng gì Đạo Phật, Đạo Chúa, Đạo Hồi, Đạo Ấn. Đây là câu thần chú tất cả chúng ta phải nhớ: Vấn đề lớn nhất của chúng ta là không biết vấn đề nằm ở đâu.

Phải luôn lưu tâm đến chuyện vấn đề của mình nằm ở đâu. Mỗi người có thể có những vấn đề khác nhau hoặc giống nhau nhưng mà căn bản là chúng ta phải tránh chuyện lặp lại thói quen cũ mà không có lợi. Tôi không phủ nhận giá trị của thói quen. Thói quen tốt thì nên giữ lại, còn thói quen xấu thì bỏ đi. Chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng: Toàn bộ Đạo Phật, toàn bộ nền Đạo học minh triết của thế giới chỉ nằm ở trong có một công thức thôi:

Bỏ đi cái thừa, bổ sung cái thiếu.

Cái gì là thừa? Cái gì nó không cần thiết cho mình, cho đời, cho cộng đồng, nhân loại thì cái đó là thừa. Mà đã là thừa thì mình phải có gan mình cắt nó đi, không tiếp tục duy trì nó nữa. Tôi sợ nhất cái câu “xưa bày nay làm”. Qúy vị biết cái câu đó không? Xưa ba má tui vậy, sư phụ tui vậy, tổ dặn vậy, trong kinh ghi như vậy, ... cái đó là một chuyện rất là nguy hiểm.

Chúng ta nên biết rằng, trong cơ thể mấy chục ký lô của mình nếu mà được thường xuyên kiểm soát, chúng ta thấy sức khỏe của mình nó chỉ là cái chuyện nên thêm và nên bớt, đúng không? Mấy cái polyp trong ruột là mấy cái cần phải bớt đi, một nốt ruồi không đúng chỗ trên mặt là phải bớt đi, còn có những gì mà cần thêm vào, như các sinh tố, vi lượng là cái cần thêm vào nếu nó bị thiếu. Chúng ta cũng biết, một người bị thiếu chất sắt, thiếu potasium, thiếu magnesium, thiếu calcium đều có vấn đề hết.

Trích bài giảng Hện Hữu và Ly Khứu Duyên
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Nặng Nhẹ | | Quán Bất Tịnh

Tám | | Vết Chai Tâm Thức

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com