sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Vết Chai Tâm ThứcChúng ta ai cũng biết, một người bị thiếu chất sắt, thiếu potasium, thiếu magnesium, thiếu calcium đều có vấn đề hết. Mà có khi dư cũng phiền lắm. Tôi nhớ một ông bác sĩ người Việt tôi quen ở bên Jacksonville, Florida ổng nói với tôi thế này: "Sư cẩn thận nha Sư. Có nhiều khi Sư thiếu, con tốn một đồng là nó đủ. Mà Sư dư con tốn một trăm nó mới lấy ra hết." Hiểu không? Nếu thiếu đường thì một trăm đồng bạc ăn trong vòng một tuần là đường nó lên vun vút. Mà bị dư đường thì bán nhà lo không chắc nổi. Cho nên phải cẩn thận. Có trường hợp bổ sung nó là một chuyện khó khăn, mà có trường hợp chuyện lấy đi là chuyện khó khăn. Và chính vì cả hai chuyện nó đều khó khăn cho nên chúng ta thích sống theo lối mòn cho nó đỡ khó khăn. Và chính vì thói quen trốn khó tìm dễ, trốn khổ tìm vui, tham sống sợ chết, thích nhẹ sợ nặng, lâu đời lâu kiếp nó đã nằm trong tủy chúng ta cho nên chúng ta cứ theo đó mà đi. Các vị còn nhớ tôi từng kể là động vật nó có hai loại: một loại active và một loại passive, nhớ không? Động vật cao cấp là động vật active, thí dụ con nai, con cọp, con người, con trâu là động vật active. Còn những loại passive là mấy con như con trùn, con dòi, tối ngày nó cứ loi nhoi. Mình là active mà mình còn đi theo lối mòn nói gì những con passive? Không biết các vị có thấy mệt mỏi không chứ tôi nhìn cái gì mà tuân theo nhịp điệu cũ tôi sợ lắm. Tôi thích nhìn những con tàu nó chạy nhưng tôi sợ những đường rầy. Tôi sống không thể thiếu đồng hồ nhưng mà tôi sợ cái quả lắc lắm. Tôi nhìn nó tôi mệt lắm. Tôi thấy nó cứ lặp đi lặp lại, cứ “hai con một hột”, “hai con một hột”, tôi rất là sợ. Khi tôi nhìn thấy cảnh mỗi sáng hai vợ chồng ai đó, lái xe ra đường đi làm, rồi tối mới về, nấu vội món gì đó, rồi đi ngủ, sáng mai chở đồ ăn theo đi làm. Đi làm để sống, sống để đi làm. Tôi thấy cái nhịp điệu đó tôi rất ngán. Mình là động vật cao cấp, mình phải biết nhìn lại, biết đặt câu hỏi, biết nghi ngờ con đường dưới chân của mình, xem coi cái con đường đó có gì thêm, có gì bớt hay không thì đời sống nó mới khá. Tôi nói hoài, cái lý do làm rạn vỡ hôn nhân nó diễn ra từ cái chuyện là sự tẻ nhạt được lặp đi lặp lại nhiều lần, vị đắng đẩy nó chúng ta xa nhau. Cái thử thách trong tình cảm có thể đẩy chúng ta xa nhau. Vị ngọt từ một phía nào đó của người thứ ba có thể làm chúng ta xa nhau, nhưng cái sự nhạt nhẽo, sự đơn điệu, sự vô vị, sự nhàm chán nó cũng có thể đẩy chúng ta xa nhau. Đừng coi thường cái nhạt, nó độc hơn thịt vịt. Rồi chính vì chúng ta sợ đắng, chúng ta thích ngọt,chúng ta sợ nhạt, cho nên chúng ta cứ sống theo lối mòn chúng ta không biết. Đạo Phật đề nghị chúng ta hãy sống tỉnh thức để luôn luôn phát hiện một cách kịp thời và cần thiết. Cái chữ "Phật" nếu mình diễn bằng tiếng Việt thì nó không có gì ghê gớm, nhưng mà chữ Phật viết bằng tiếng Phạn, chữ “Buddha”, có nghĩa là người thức tỉnh, người thức dậy từ một giấc ngủ. Đó gọi là "Phật". Cũng giống như mình nói Chúa Ki-tô, mình không biết "Ki-tô" là cái gì. Ki-tô là Mỹ kêu “Christ” mà chữ “Christos” Hy Lạp có nghĩa là người được xức dầu; nhiều khi mình không biết mình cứ gọi tên thôi. Chữ Phật rất là hay, có nghĩa là thức tỉnh. Tại sao vậy? Vì trong thế giới của chúng ta chỉ cần thiếu một chút thức tỉnh chúng ta lập tức chìm sâu vào giấc ngủ. Giấc ngủ của cái gì? Giấc ngủ của những thành kiến, định kiến, biên kiến. Biên kiến là gì? Biên kiến là quan điểm A, quan điểm B gọi là biên kiến, biên là "lề". Đạo Phật có quan niệm rất là hay. Ngoài định kiến, thành kiến mình đã hiểu, Đạo Phật còn có từ “biên kiến” có nghĩa là cực đoan. Cho rằng chỉ có A hoặc B - trong khi đó còn có cái C nữa. Trong dã sử, trong một tài liệu không phải là chính thống kể có người giới thiệu cho ông Ngô Đình Nhu một nhân vật, đem vô trong phủ tổng thống để làm việc. Người này được giới thiệu là có một cái “nhân thân rất là OK.” Ông Nhu ổng hít một hơi dài hỏi “Tại sao gọi là OK?” Trả lời: “Đây là người lý lịch rất là trắng, rất là sạch, không có đen.” Thì ông Nhu ổng nói thế này: “Không đen chưa chắc trắng, vì nó còn cái xám.” Nó không đen chưa chắc là nó trẳng bởi vì trên đời nó còn cái xám nữa. Và cái xám là cái rùng rợn nhất, tại vì là nó lấp lửng, người sợ đen thì thấy nó cũng OK, mà người thích trắng thì thấy nó cũng OK. Mà như vậy cái khả năng cảnh giác của chúng ta về nó kém đi. Cái xám nó hại mình đó. Vì vậy đời sống phải có cái tỉnh thức để kịp thời, nhanh chóng phát hiện cái gì nó không có thực sự cần thiết để loại bỏ, cái gì cần thiết mình thêm vào. Hiểu hết cái điều đó mới thấy Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến cái sức mạnh của cái Ngài gọi là Thường cận y duyên. Toàn bộ thế giới này nó là hành trình lặp lại của những thói quen lớn bé. Một suy nghĩ được lặp đi lặp lại nhiều lần, một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần nó thành một thói quen và nó trở thành mentality, là personality của chúng ta. Tu hành là sự nhìn lại những thói quen ấy, chỉ vậy thôi. Thì ở đây chúng ta thấy trên thế giới này tất cả những thói quen được khởi đi từ hai cái: Do thích mà hình thành thói quen; Do ghét mà hình thành thói quen. Các vị có thấy con trai không? Khi một hạt cát lọt vào mình của nó, để đối phó với hạt cát ấy nó phải tiết ra một cái dịch lâu ngày nó làm nên viên ngọc trai. Khi mình thích cái gì đó, mình tìm cách mình tiếp cận với nó, lâu ngày nó hình thành nhân cách của mình. Một ví dụ khác: Các vị mang dép mà tại sao cái gót bị chai? Là bởi vì cái da mình nó đối phó với cái chỗ mà cái dép không hợp lý, buổi đầu nghe nó đau, mà chính vì nó đau, cái da chân nó tìm cách thích nghi, cái chỗ thích nghi đó mới là cái nguy đó. Do thích mà mình hình thành thói quen với cái mình thích thì cái đó rất là dễ hiểu. Nhưng mà chính cái mình ghét, chính tâm thức đối kháng nó cũng thành một vết hằn, vết hằn lâu ngày nó thành ra vết chai, mà vết chai chính là thói quen. Chai là nó hình thành thói quen rồi. Vết chai trong tâm thức. Vết chai ở ngoài thì nó là vết chai đúng. Nhưng có những vết chai trong tâm thức nữa. Chẳng hạn như, hai sinh viên ở trong ký túc xá, mà thằng Tèo nó cứ xài của nó mà nó không biết mua. Thằng Tí hồi đầu nó mua về nó chất đống hai đứa xài chung, nó tưởng hết thì thằng nào mua cũng được, mà nó để ý ba tháng nay rồi, cứ hết giấy là nó phải mua, cuối cùng về sau nó bực quá, nó mua về thì xài xong nó đem cất, cứ xài xong là nó đem cất. Thì nó thành thói quen. Tới ngày thằng Tèo dọn đi, thằng Tí đi cầu xong cũng cầm cuộn giấy đi cất. Là do thói quen. Mà ai đã tạo nên thói quen đó ở thằng Tí? Thằng Tèo. Do cái tâm thức đối kháng khi sống với thằng Tèo vì nó không biết điều. Nước rửa chén nó biết xài mà không biết mua, giấy toilet biết xài mà không biết mua, xà bông, shampoo gội tóc biết xài mả cũng không biết mua. Thì thằng Tí này hồi đầu nó bực, mà từ cái bực nó chuyển qua tâm thức đối kháng, mà tâm thức đối kháng đó chính là vết cứa, vết cứa nó lặp đi lặp lại nhiều lần thành ra là một vết chai. Mà vết chai đó thành ra dấu hằn trong tâm thức hồi nào nó không hay. Đến ngày thằng Tèo dọn đi thì nó theo quán tính mỗi lần đi cầu xong nó hốt cuộn giấy đem đi cất. Một ngày kia nó ngồi lại: "Ủa, nhà của mình mình cất làm gì ?" Tu hành là gì? Tu hành là nhìn lại. Tu hành là thấy rằng không cần cất cuộn giấy đi cầu này nữa. Đó là tu. Trích bài giảng Hiện Hữu và Ly Khứu Duyên
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english