Gồng hay Né

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Gồng hay Né

Cách đây một hai hôm có người hỏi tôi "Mình tu là phải kham nhẫn, phải chịu đựng mọi chuyện xảy ra cho mình, đúng không Sư?" Bữa nay tôi cũng hỏi lại bà con ở đây: "Mình tu là mình phải chịu đựng, nói vậy có đúng không? Chịu đựng nghĩa là đứng yên cho người ta đấm vô mặt mình đó." Tôi xin nói rõ câu trả lời này không phải của tôi mà của Ngài, trong bài kinh Trung Bộ số hai. Bài đó có tựa đề là "Nhất thiết lậu hoặc".

Có những trường hợp ta phải giải quyết phiền não bằng cách tránh né. Nghe nó rất là hèn nhưng mà nghe tôi giải thích thì quý vị mới thấy. Mình không cần thiết phải đối đầu một cách vô ích. Ví dụ có những người khách họ tới làm phiền mình, mình phải chịu đựng, nhưng có những người khách mình phải lên tiếng, đúng không? Thí dụ như có một cô bạn cổ tới nhà mình chơi, cổ dắt theo một thằng bé, thằng bé cứ khóc è è nhưng mình biết là cô bạn mình sẽ ngồi chút xíu rồi cổ sẽ đi nên mình ráng ngồi chịu đựng. Mình phải chịu đựng đứa bé đó. Cô đó đặt tên là Nguyễn Thị A. Cổ có đứa con nhỏ, mỗi lần đến chơi là nó cứ khóc è è, quý vị thấy điều đó có phiền không? Nhưng mà đó là cô bạn thân của mình, mỗi lần cổ tới cổ đem đứa nhỏ theo, nó cứ khóc è è, mình nhìn đồng hồ mình biết là còn nửa tiếng nửa bả đi rồi nên mình ráng vui vẻ để mình gồng với đứa bé đó. Nhưng mà cũng Nguyễn Thị A đó mà cổ cứ đòi đến chơi hoài thì cái chuyện này nó lại khác. Cứ cuối tuần là cổ tới chơi, thì mình nên tìm lý do để mình từ chối: "Cuối tuần này em đi chùa", "Cuối tuần này em phải đi tùm lum để giải quyết việc nhà", "Chị tới em không biết em có tiếp được không, em lăng xăng dưới bếp coi không có được, đại khái là tuần này em không có free". Các vị có nghe rõ không? Đối với đứa bé con của bả mình giải quyết bằng cách ráng gồng mình. Nhưng không phải vì hôm qua mình ráng gồng với con của bả, rồi cuối tuần bả đòi đến nhà mình chơi mình gồng luôn thì không nên.

Trong chánh kinh Phật dạy rất rõ "Tỷ kheo khi mà bị nóng quá, trời nóng, trời lạnh, bị côn trùng, muỗi mùng chích đốt, tỷ kheo phải kham nhẫn chịu đựng (khi mà tránh không được cái đó thì phải chịu đựng) nhưng khi mình tránh được thì nên tránh."

Còn ở đây vị nào ngon lành mà nói "Không, tu là phải kiếm chỗ đoạn trường mà đút đầu vô ..." - thì tôi xin nói vị đó không phải là người liễu đạo. Nếu vị nào có ngon thì đêm nay dám ra ngoài sân ngồi thiền không? Đêm nay trời lạnh đó, mình tu phải gồng mà.

Đức Phật dạy rằng đạo Phật phải xài trí tuệ. Tôi nhắc lại mình không có đi tìm cái chốn đoạn trường để mình đút đầu vô. Trong trường hợp đó gọi là giải quyết phiền não bằng cách tránh né. Nhưng khi tránh không được mình mới giải quyết bằng cách hai là chịu đựng. Vậy mình học một lúc hai cái giải pháp. Giải pháp thứ nhất là tránh né, mà tránh không được thì mới tập chịu đựng. Khi quý vị làm đúng như vậy, quý vị vừa có kham nhẫn vừa có trí tuệ. Quý vị hiểu không? Còn đằng này chưa gì hết mà đã lo gồng là thấy cái ngu trước rồi đó.

Trích bài giảng Nhất Thiết Lậu Hoặc (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Trung Bộ Kinh - Kinh Tất cả các lậu hoặc

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy.

Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.

Majjhimanikāya - Mūlapariyāyavaggo - Sabbāsava suttaṃ

‘‘Katame ca, bhikkhave, āsavā parivajjanā pahātabbā? Idha, bhikkhave, bhikkhu paṭisaṅkhā yoniso caṇḍaṃ hatthiṃ parivajjeti, caṇḍaṃ assaṃ parivajjeti, caṇḍaṃ goṇaṃ parivajjeti, caṇḍaṃ kukkuraṃ parivajjeti, ahiṃ khāṇuṃ kaṇṭakaṭṭhānaṃ sobbhaṃ papātaṃ candanikaṃ oḷigallaṃ. Yathārūpe anāsane nisinnaṃ yathārūpe agocare carantaṃ yathārūpe pāpake mitte bhajantaṃ viññū sabrahmacārī pāpakesu ṭhānesu okappeyyuṃ, so tañca anāsanaṃ tañca agocaraṃ te ca pāpake mitte paṭisaṅkhā yoniso parivajjeti.

‘‘Yañhissa, bhikkhave, avinodayato uppajjeyyuṃ āsavā vighātapariḷāhā, vinodayato evaṃsa te āsavā vighātapariḷāhā na honti. Ime vuccanti, bhikkhave, āsavā vinodanā pahātabbā.



Bảy món nợ | | Vô Lượng Phật

Hư Không | | 22 Quyền

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com