Nhân và Quả

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Nhân và Quả

Có một chuyện rất là thiết thân và quan trọng trong nhận thức và hành trì của người tu sĩ nói riêng và đệ tử Phật tu Phật tin Phật nói chung: Đó là nói về chữ nhân quả.

Người không biết Phật Pháp, chỉ cần lớn lên trong xã hội Việt Nam, Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn thì đều biết chữ nhân quả; với ít nhiều liên tưởng tới Phật giáo. Mặc dù khái niệm nhân quả nói cho rốt ráo là nguyên tắc của khoa học – nguyên tắc của vũ trụ. Nhưng từ Phật giáo thì người ta biết đến những góc cạnh khác của nhân quả.

Ở ngoài đời thì nhân quả là lực tác động và phản ứng. Cặp nhân quả này chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Một chiếc lá rơi là nhân nó tạo ra tiếng động trên bậc thềm, đó là quả. Mình nấu ăn là gieo nhân và có bữa ăn là quả. Mình đứng ngoài nắng là nhân và bị đổ mồ hôi là quả. Những phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm và những nguyên tắc vật lý cũng chỉ là nhân quả mà thôi. Cho nên khái niệm nhân quả là khái niệm phổ cập. Bản thân nó là nguyên tắc vũ trụ chứ không riêng gì Phật Giáo.

Nhưng ở Phật Giáo ta biết thêm một khía cạnh khác, đó là khía cạnh báo ứng thiện ác.

Chỉ riêng hai chữ nhân quả nó đã bao gồm toàn bộ vũ trụ và toàn bộ kinh Phật cũng chỉ là hai chữ nhân quả thôi. Nhưng hôm nay tôi nói về một khía cạnh nhỏ của chữ nhân quả cho các bà con sơ cơ cần phải lưu ý đặc biệt. Đó là toàn bộ đời sống chúng ta chỉ là chuỗi ngày tháng tiếp nối nhân quả. Và nói một cách rốt ráo thì toàn bộ đời sống chúng ta chỉ là nhân và quả cộng hưởng với nhau nó tạo ra cái gọi là đời sống.

Nói xa một chút thì từ cái nhân là tham sân si phiền não chúng ta mới làm các nghiệp bất thiện (tức là những việc làm khổ người và chúng sanh khác, bao gồm người, thú, chim, cá, côn trùng ...). Bất cứ việc gì mình nói, mình làm, mình suy tư mà nhắm đến gây thiệt hại làm khổ chúng sanh khác, gọi là máu đổ lệ rơi; hoặc làm cho người khác phải khó chịu, phải đau khổ, thì tất cả những việc đó dầu là qua ngôn từ, qua tư tưởng, hay qua hành động cụ thể, thì đều được gọi là ác nghiệp hay nghiệp bất thiện.

Trường hợp thứ hai là nghiệp thiện gồm tất cả những suy tư, suy nghĩ, những ngôn từ nói năng hay là những hành động cụ thể bằng tay chân mà được thúc đẩy bởi thiện chí, thiện tâm, đem lại niềm vui hay lợi ích cho người khác. Tất cả được gọi chung là thiện nghiệp hay những nghiệp tốt, nghiệp lành. Còn nói theo A Tỳ Đàm thì thiện nghiệp là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành thì đó gọi là nghiệp thiện. Còn nghiệp ác là sáu căn biết sáu trần bằng cái tâm bất thiện - tham sân si, nhỏ mọn, ganh tỵ, bủn xỉn, tỵ hiềm, ích kỷ đều gọi là nghiệp bất thiện.

Như vậy, mình có một định nghĩa gọn, toàn bộ đời sống được chi phối bởi nhân và quả. Và trong cái nhân quả đây, tôi chỉ lấy ra một phần thôi. Như khi nãy tôi nói: nhân quả có liên hệ đến chuyện báo ứng gồm có thiện ác.

Trường hợp thứ ba là nhân quả vô tính - nghĩa là chỉ nói đến cái lực tác động và phản ứng thôi. Ví dụ như chiếc lá là nhân, rơi xuống tạo thành tiếng động gọi là quả thì đó gọi là nhân quả vô tính - nó không để lại cái gọi là nhân quả báo ứng. Còn nhân quả báo ứng ở đây có nghĩa là việc thiện việc ác, thông qua suy nghĩ, hành động và ngôn từ của chúng ta, nó để lại một hậu quả cho đời sau kiếp khác. Hoặc là một việc lành chúng ta làm, để lại một hậu quả - dư lượng, dư chấn, dư âm, dư vị cho đời sau thì đó được gọi là quả lành.

Như vậy nghiệp thiện chính là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành. Nghiệp ác tức là sáu căn biết sáu trần bằng tâm xấu. Từ đó suy ra hạnh phúc chính là sáu căn biết sáu trần như ý. Còn đau khổ thì cũng chỉ là sáu căn biết sáu trần bất toại. Đây là những công thức chúngh ta bắt buộc phải nhớ, phải thuộc lòng.

Do thói quen nhiều đời nhiều kiếp nên chúng ta có khuynh hướng sống ác nhiều hơn sống thiện. Muốn biết tôi nói đúng hay sai, các vị thử nhìn lại bản thân mình trong một ngày trừ ra lúc ngủ, lúc thức có bao nhiêu phút giây là mình sống lành? Sống biết nghĩ đến lợi ích của người khác?

Đa phần mình chỉ nghĩ đến chuyện cá nhân và chuyện hại người. Một là chuyện cá nhân như là hưởng thụ, hai là tích góp, ba là tình cảm ghét thương. Đó là những chuyện tào lao, không có lợi ích gì cho mình cho người. Một ngày trong suốt thời gian mình thức thì toàn là suy nghĩ tầm bậy tầm bạ không! Đó chính là vì thói quen bất thiện mạnh hơn thói quen thiện lành. Cho nên cứ sanh ra thì chuyện bất trắc, bất toại, bất tường nó đổ xuống đầu mình nhiều hơn!

Quý vị tính từng cá nhân đi, mỗi người trong một ngày những lúc mình vui so với lúc mình không vui cái nào nhiều? Lí do đơn giản vì cái ác nó nhiều hơn cái thiện cho nên cái quả trổ ra là giây phút mà một ngày cái vui nó ít hơn là cái không vui, đó là nói về cá nhân.

Còn nói đến quảng đại quần chúng cả bảy tỷ người trên hành tinh này, số người sống toại nguyện như ý không nhiều chỉ là 1% thôi. Còn số 99% còn lại là sống bất toại, nghĩa là muốn mà không được. Thiếu hụt về điều kiện giáo dục, văn hoá, y tế, đi lại, truyền thông thậm chí những điều kiện tối thiểu của đời sống như ăn, ở, mặc thì hơn phân nửa nhân loại là bị thiếu hụt bởi những điều kiện rất đỗi căn bản, thiết yếu. Tại sao lại như vậy?

Tôi quay trở lại các nguyên tắc căn bản là mình có khuynh hướng sống ác nhiều hơn sống thiện. Thứ hai, cái lòng tham của phàm phu không biết sao cho đầy. Hễ nó muốn một mà nó được một thì nó lại muốn hai; mà nó được hai nó lại muốn bốn, rồi lên tám, mười sáu, ba mươi hai, sáu mươi bốn, ... Cứ như vậy. Cho nên, thứ nhất, nói về quả, chúng ta khổ vì quả. Có nghĩa là quả bất thiện, quả ác nó nhiều hơn quả thiện vì tánh mình quá ác mà! Hễ nhân ác nhiều thì quả ác nhiều. Quả ác nhiều thì mình khổ vì quả xấu đời trước. Còn cái thứ hai, mình khổ vì nhân ác là sao? Nghĩa là cả ngày cứ tham sân si chạy theo cái thích và trốn cái ghét. Hễ mà trốn không được cái ghét thì khổ, kiếm không được cái thích là khổ. Như vậy cái tham cái sân nó làm cho mình khổ như điên! Còn cái si thì không nói tới bởi vì ở đâu có tham thì ở đó có si. Ở đâu có sân thì ở đó có si. Hãy nhớ điều này!

Trích bài giảng Nhân Quả
Kalama xin tri ân hai bạn jennyminh và trandinhphuloc ghi chép


Cửa Trước Cửa Sau | | Đoàn Thực

22 Quyền | | Tạo Nghiệp

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com