Tạo Nghiệp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tạo Nghiệp

Với một người hiểu rốt ráo Bốn Đế thì họ không còn tha thiết trong việc tạo nghiệp lành, đừng nói gì nghiệp xấu, vì nghiệp lành là vé để đi vào cõi lành, là visa để luân chuyển trong các cõi lành. Người hiểu rốt ráo Bốn Đế thì chẳng những chán sợ nghiệp ác mà chán luôn nghiệp lành vì họ thấy rằng mua vé đi về địa ngục đã không nên mà mua vé đi về cõi Trời cũng không nên. Vì ở cõi Trời hết tuổi thọ cũng trở về đơn vị gốc.

Trong tâm lý chúng sinh, tâm bất thiện là đơn vị gốc. Nhưng trong các nghiệp của chúng sinh, nghiệp ác là đơn vị gốc. Chính vì vậy trong các cảnh giới tái sanh, cảnh giới bất thiện là đơn vị gốc. Người hạ căn thì thấy sợ, bậc thượng căn thì thấy chán, họ thấy có sanh đi đâu thì mọi thứ cũng cứ sanh diệt vô thường trong từng nháy mắt; niềm vui của Phạm thiên hay niềm vui của một con heo đang ăn cám cũng giống nhau một điểm là sanh diệt trong từng khoảnh khắc. Niềm vui của một ông Phạm thiên cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, hay niềm vui của một con chuột cống cũng có điểm giống nhau: do duyên tạo mà có và do duyên mà mất. Cho đến khi nào đắc được thánh trí không còn luân hồi nữa thì thôi. Niềm vui cao cấp hay hạ cấp thì cũng là của người có mặt trong căn nhà đang cháy, dù ở vị trí nào trong ngôi nhà thì sớm muộn gì cũng sẽ cháy thành than – tam giới như hỏa trạch – lửa vô thường, lửa vô ngã đốt chúng ta trong từng giây.

Vì vậy người hiểu rốt ráo Bốn Đế bằng thánh trí thì không còn tha thiết nghiệp lành. Người nào còn tha thiết nghiệp lành là trong đáy sâu tâm khảm họ vẫn chưa ngán sợ khổ một cách rốt ráo. Khổ có nhiều hình thái, tùy theo khả năng mà chúng ta nhận diện được những hình thái đó. Người hạ căn chỉ nhận diện được hình thái thô thiển: già bịnh, chết, sanh ly tử biệt, thương phải xa ghét phải gần, muốn mà không được… Cái khổ ở hình thái vi tế thì đòi hỏi trí tuệ nhận thức cao hơn; có người chỉ nhìn thấy cảnh “sáng vác ô đi tối vác về”, tắm rửa, đi ngủ mỗi ngày thì họ đã chán rồi nhưng có nhiều người chỉ có cần có ngày ba bữa ăn, con cái bi bô họp mặt dưới ngọn đèn leo lét là họ vui, dù tần tảo buôn gánh bán bưng gì cũng được. Biết bao nhiêu người con gái, con trai đến tuổi cập kê, đêm đông nghe gió lùa ngoài vách là mơ đến một mái ấm gia đình mà không hề biết rằng bao nhiêu tang thương, máu lệ đang chờ ở phía trước. Biết bao nhiêu kẻ trong cuộc đời này sống bằng nỗi hồn nhiên, niềm nỗi thơ ngây của các cô cậu mới lớn. Chúng ta đã luân hồi vô số kiếp, đã có biết bao nhiêu đời chúng ta sống trong nỗi niềm đó, chúng ta chưa thật sự trưởng thành đâu. Chỉ có bậc hành giả, khi nghe Phật pháp, họ ngờ ngợ nhận ra dòng luân hồi là đáng sợ.

Chúng ta cứ dệt mộng trở thành tổng thống, thành danh gia, thành một người chủ gia đình, một người vợ, một người chồng hạnh phúc, có vai vế trong xã hội, thật ra suy tính đó chỉ là niềm nỗi thơ ngây ấu trĩ của phàm phu mà thôi. Người hiểu rõ Bốn Đế thì trong mỗi khoảnh khắc họ không thiết tha với cái ác đã đành mà còn chán sợ trong cái thiện dù thiện là visa đi vào cõi vui. Cái vui ở đây cũng mong manh ngắn hạn. Biết được điều này là quí vị không muốn về trời nữa: Một khi sanh về các cảnh trời, cơ hội hướng tâm đến Phật pháp rất ít. Theo mô tả trong kinh, cơ thể trên đó nhẹ nhàng như sương như khói, mấy chục triệu thậm chí mấy chục tỷ năm, họ luôn luôn sống trong sự mát lạnh, thơm ngát, không biết đau bệnh là gì, có thể bay nhảy vân du khắp nơi, tay có thể sờ chạm thiên thể, tinh tú… vui lắm chứ không phải như Ngưu Lang, Chức Nữ bên Tàu. Khi lọt lên đó thì làm sao tu nổi. Một tháng có một triệu đô la thì quí vị có vô đây nghe giảng nữa không?

Một người vừa chết đi mà có mặt ở cõi Trời thì nghe thơm ngát mát lạnh, đàn ca hát xướng, xung quanh toàn mỹ nam mỹ nữ, lâu đài điện các, bảy báu rực rỡ huy hoàng, cơ thể nhẹ nhàng…; cứ mấy chục triệu năm như vậy làm sao tu được. Đến lúc qua hết tuổi thọ, thấy tràng hoa héo, hào quang mờ, dấu hiệu mệt mỏi thì lúc đó biết sắp đi, và biết đi về đâu.


Chánh Niệm và Tỉnh Giác | | Pātheyya

Nhân và Quả | | Cũng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com