Lựa Đậu

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Lựa Đậu

Mỗi người sanh ra là cõng con số 3 (tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống). Có con số 3 đó rồi thì mình mới lọt vô trong bốn cái nhóm.

Nhóm một là chìm sâu trong số 3 không có ý kiến. Trước hết tôi phải nói con ruồi, con dòi, con giun , con dế là nhóm một. Nghe là mình đã thấy đau lòng. Và buồn thay, con người rất nhiều kẻ lọt vô nhóm một này. Sanh ra buồn vui thiện ác không điều kiện, đời đẩy về đâu thì cứ về, không hề thắc mắc, không hề có ý thức.

Nhóm hai, thiện ác buồn vui có chọn lọc. Có nghĩa là sao? Có những cái khổ họ ráng họ gồng vì là nên khổ. Có những cái vui họ ham lắm nhưng họ phải tránh vì nó không có ích. Có những cái ác mà họ thích họ cũng phải tránh. Vì sao không đi uống rượu, đi đánh bài? Rồi có những cái thiện mà họ không thích làm họ cũng phải ráng làm. Không thể nào nói rằng cái đó không có. Có. Có những cái thiện mà tôi không có thích làm. Thí dụ như đang dừng xe, thấy người homeless đứng, muốn lấy chút tiền lẻ mà mắc công quá đi, sợ đèn xanh nó bật lên nữa, lẹ lẹ hốt. Chứ nếu mình không có đạo tâm thì không phải cực như vậy. Cái đó cực lắm quý vị biết không? Lục giỏ kiếm một đồng, hai đồng cho nó khó lắm. Có bữa hốt lộn tờ 100 nữa! Tìm thấy tờ có con số một ... ai ngờ có hai con số "0" đi theo. Hết hồn. Cái đó mệt dữ lắm. Nên ở đời đừng có chê số "0", nó lớn chuyện lắm. Quý vị biết cái cheque quý vị ký hai con số "0" nó khác mà ký ba con số "0" nó khác. Chứ nói zero không giá trị là sai.

Việt Nam có câu này "Trước bốn giờ chưa biết ai hơn ai". Bốn giờ là đến giờ xổ số. Việt Nam còn có câu này "Giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì nó giết". Cho nên khi gây lộn với nhau, nó thấy mình nghèo nó khinh. Mình nói "Xin lỗi mày nha, chưa bốn giờ chưa biết thằng nào hơn thằng nào." Tại sao tôi nói đến cái đó? Là tại tôi muốn nói đến chuyện khá sâu sắc. Cuộc đời của chúng ta, thời gian của chúng ta có trong mỗi ngày là một tờ vé số chưa dò. Anh sử dụng hai mươi bốn giờ đó ra sao. Anh sử dụng đúng thì nó là tờ trúng độc đắc. Mà anh sử dụng sai nó là tờ vé số trật.

Rất nhiều lần và nhiều lần, tôi cầm vé máy bay, vé xe lửa bên Thụy Sĩ, nhìn nó mà tôi nhớ giống cuộc đời mình lắm. Trời sáng lạnh le lưỡi mà cả một rừng người đứng xếp hàng lấy vé - mệt muốn chết. Tới mình lấy được mình mừng lắm, tưởng sao bỏ vô túi lên xe lửa, có bữa nó xét có bữa nó không có xét. Tại vì tấm vé trời ơi đó mà trẫm phải xếp hàng. Lạnh lắm. Có bữa giờ đi làm mắc chứng gì nó ùa ra đông lắm. Ở trong phòng bán vé có người bán mà nó cứ cứng ngắc. Trong đó thì nó ấm đã lắm. Tôi thấy đông quá nên tôi phải chạy ra cái máy bán vé ở ngoài. Thì ở ngoài cũng đông luôn. Còn xui có bữa cái máy nó hư mới ghê chứ. Ba máy nó hư hết hai máy. Tại nó chọt, nó chọt sao mà hư, nên tụi nó xếp hàng dài lắm.

Trời lạnh, run lập cập, cứ ngó đồng hồ sợ tàu tới, đứng xếp hàng sau một bà chậm. "Trễ rồi ... Chết rồi, chết rồi. Mà sao cái bà này ..." Có nhiều bà thấy thương lắm, móc tiền lẻ ra đếm. Thay vì bả đưa cha cái tờ bự cho nó thối, bả muốn giải quyết cái "đống nợ" tiền lẻ. Mà bả không thấy đường nữa, bả kéo mắt kiếng, bỏ từng đồng coin vào. Lúc đó, tự nhiên mình nghĩ "Sao ai khác chết mà chưa thấy bà này chết?" Mình là ông sư mà mình phải nghĩ cái câu đó. Tôi nghĩ trong bụng "Biết bao nhiêu người chết mà tại sao tới nay bà chưa chịu chết? Bà sống làm chi mà nó khổ một rừng người sau lưng bà kìa." Tôi không có trù, tôi chưa bao giờ trù ai hết, tôi chỉ thắc mắc thôi à. Tôi chỉ thắc mắc là "Tại sao nhiều người chết mà chưa thấy bà chết?" Vậy đó. Mà tưởng sao, nó cực như vậy để chi? Để lấy cái tờ vô duyên đó nhét vô túi, rồi không bao giờ xài đến nó nữa, tại nó đâu có xét vé đâu. Nó chỉ có giá trị khi nào người ta xét thôi, chứ người ta không xét nó không có giá trị gì hết. Mà cái này mới đau. Xe lửa Thụy Sĩ nhiều chuyến nó không có ma nào hết, nó trống lỗng cũng có nữa, mà mình có mua hay không mua thì chiếc tàu đó không vì mình mà nó nặng hơn. Vậy mà phải mua vì nó xét mà không có thì nhảy lầu. Vì cái đó phải mua, mua rồi để trong túi. Có nhiều bữa nó vắng hoe. Quên nói cho quý vị biết cái này. Xếp hàng chung một máy mà chưa chắc đi cùng một điểm, quý vị có biết không? Cái destination khác nhau. Người thì đi về điểm A, người thì đi về điểm F nhưng cái lúc mua thì dùng chung một cái máy, nó lâu biết bao nhiêu. Mà tưởng sao, lúc mình lên cái tàu của mình nó vắng hoe, không ai thèm xét vé hết. Vì cái tờ giấy vô duyên đó mà mình phải cực như vậy.

Cuộc đời mình y chang như vậy. Đời mình là một tờ vé số chưa dò. Anh sống đàng hoàng, hữu ích thì đó là tờ trúng, tệ lắm cũng là trúng an ủi. Còn anh sống vô ích thì đó là một tờ trật lất. Đời anh, những cái sự nghiệp của anh nó chỉ là tờ vé tàu thôi. Anh mua để anh đi về một nơi nào đó, tới rồi là anh liệng. Trong Đạo buồn lắm, cỡ lên tới hòa thượng Tâm Châu, hòa thượng Hộ Giác, hòa thượng Trí Quang thì lên bàn thờ. Nếu mà đầu thai thì cũng làm chú tiểu, cũng đói nghèo trong một ngôi chùa, ngủ không gì đắp, đói không gì ăn, bệnh không có thuốc, học hành, len lỏi, cuối cùng lên tới thượng tọa, hòa thượng, rồi thì cũng lên bàn thờ. Cứ như vậy, vòng luân hồi nó như vậy. Mà đó là được làm người, được gặp chánh pháp đó. Còn không gặp là làm lươn, làm lịch, cá trình, ruồi, muỗi, chui rút mệt lắm. Hiểu không? Cho nên, loại một là chìm sâu trong đó, loại này rất là đông. Loại hai có chọn lọc, sanh ra thiện ác, buồn vui có chọn lọc. Khổ không ai muốn nhưng nhiều khi phải chấp nhận cái khổ nào đó. Sướng thì không ai không thích nhưng có những trường hợp mình phải từ chối cái sướng nào đó. Có nhiều cái ác mình thích nhưng mình phải từ chối nó. Có nhiều cái thiện mình không thích mình phải chấp nhận nó. Quý vị hiểu không? Đời sống này là một chuỗi dài của những bất toại. Bất toại là nghịch ý, không có như mình muốn. Nhưng mà mình thuộc nhóm hai mà - là mình khá.

Tới cái nhóm ba ở đâu nó ra? Nó từ nhóm hai ra. Nó chán, nó thấy cứ quẩn quanh quẩn quanh, chán quá chán. Nó chán nên nó mới chọn giải pháp là lìa bỏ nhưng vì nó không biết Phật pháp. Nó lìa bỏ bằng cách là nó không thèm dòm cái tụi kia nhìn nữa. Các vị biết nhiều khi mình chán chuyện nhà quá mình không biết làm gì, cái mình đi đọc sách, hai là mình đi chùa, đi phố. Có nhiều khi mình không có sách để đọc hoặc là mình không thích đọc sách mà mình không muốn thấy cái chung quanh này, mình kiếm một chuyện gì đó để tập trung. Đúng không? Có nhiều bà bả đan len, không phải vì bả mê len mà vì bả muốn quên đi cái tuổi già cô quạnh, có cái đó không? Tìm quên bằng mấy việc ruồi bu đó thì anh không thuộc nhóm ba. Nhóm ba ở đây là tìm quên bằng cách tập trung vô việc tu thiền. Có những người họ tìm quên cái thế giới xung quanh bằng cách tập trung vô cái gì đó. Chỉ có tập trung vô thiền định thì mới lọt vô nhóm 3. Còn nếu tìm quên bằng cách tập trung vô mấy cái ruồi bu thì vẫn tiếp tục lọt vô nhóm một và nhóm hai. Nhớ cái này! Chứ đừng có về mà nói rằng ổng nói người lựa gạo là thuộc nhóm ba, là chết luôn. Mà thật ra cái chữ "lựa" trong đạo Phật rất là hay. Cái chữ lựa gạo trong đạo Phật gọi là (Pali) tức là Trạch Pháp Giác Chi. Có mấy bà cụ, mấy bà già trầu, vô cái chùa quê hành thiền với vị hòa thượng. "Tụi này không biết chữ, không biết đọc sách. Hòa thượng dạy tụi này ngồi thiền đi". Ngài suy nghĩ hồi Ngài nói "Biết lựa gạo, lựa đậu không?". Mấy bả nói "Biết!". Hòa thượng mới phát cho mỗi bà hai cái tô, một cái tô không và một cái tô đậu trộn trong đó gồm có đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu xanh. Ngài nói "Bà mà lận chuỗi, chưa kịp lận thì ngủ rồi. Rồi kêu bà theo dõi hơi thở thì ngủ lẹ hơn một chút. Thôi thì cho bà lựa đậu đi." Ngài đưa bả một tô đậu trộn và một tô không, bắt bả ngồi thẳng lưng "Bà cứ ngồi thế này nha, ngồi im nhìn mấy tô đậu mà thấy có suy nghĩ gì bậy bạ, mình lượm hạt đậu đen bỏ ra. Được không?" - "Dạ được" - "Thí dụ muốn chửi lộn, bỏ hột đậu đen ra. Bực mình sao ông thầy ổng nói pháp môn gì kỳ quá, bỏ hạt đậu đen ra. Muốn chiều nay về làm bánh xèo, bỏ hột đậu đen ra. Buồn ngủ quá muốn đi ngủ một chút, bỏ hột đậu đen ra. Cứ thấy bậy là bỏ hột đậu đen ra. Được không?" - "Dạ được". Trời đất ơi, buổi đầu cả tháng trời toàn đậu đen không à. Rồi khi bả khá rồi, thấy đậu đen nó ít dần, bắt đầu Ngài đổi qua "Thấy cái tư tưởng gì hay hay, lựa hạt đậu trắng bỏ ra". Cả tháng bả được có sáu hột à. Lúc đó bả mới thấm tại sao Ngài kêu lựa đậu. Ngài nói "Phải trung thực nha, chứ đừng hốt một nắm, kỳ dữ lắm." Buổi đầu là cứ thấy bậy là cứ hốt đậu đen bỏ ra, buổi đầu Ngài cho tu toàn là đậu đen thôi. Thấy bả khá rồi thì Ngài đổi qua "Thấy bực mình nhiều thì liệng đậu đỏ ra". Nguyên ngày chỉ theo dõi đậu đỏ thôi. Chữ tham, sân, si, tùy bữa Ngài nói "Bữa này tu tâm sân nha." Là nguyên ngày chỉ nhìn tâm sân thôi, thấy có tâm sân mới lượm hạt đậu đỏ liệng ra, còn không có thì thôi, chỉ ngồi nhìn nó thôi. "Hay quá Sư, mình tu cái đó cũng được đó sư" - "Thôi, tui ngán chè đậu lắm rồi". Có nhớ chuyện bà ngoại tình tôi từng kể không? Ông chồng trước khi chết ổng nói "Em nói thiệt đi, em phản bội anh mấy lần?". Bả mới nói "Cứ mỗi lần vậy là em lượm một hột đậu làm kỷ niệm." - "Mấy hột đâu đó Em giữ ở đâu?" - "Có nhiêu em nấu chè cho anh ăn hết rồi". Bả làm chắc cũng vài ký. Như vậy thì nhóm ba nó không có tiếp tục chìm trong số 3 mà nó bắt đầu biết làm lơ cái thế giới chung quanh. Nó làm lơ bằng cách nào? Là nó gom 10.000 cái vũ trụ vào con số 10 thôi. Có nghĩa là nó chỉ biết đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng.

Bây giờ trong lớp này thắc mắc không biết tập trung bằng cách nào? Bữa hổm tôi nói rồi. Là tu thiền, thiền chỉ. Lấy một cái tô nước, cái thau nước để trước mặt, cứ tập trung niệm nước, nước, nước ... cứ niệm hoài, nhắm mắt lại vẫn thấy một tô nước nguyên vẹn. Tiếp tục niệm nữa, niềm hoài đến một lúc mình thấy cái tô nước đó sáng lòa giống như cái dĩa bằng bạc vậy, giống như mặt trăng vậy, có người thấy nó giống như mặt trời vậy. Tiếp tục niệm nữa thì mới đắc sơ, nhị, tam, tứ thiền. Khi mà đắc thiền nhờ đề mục đó thì sau đó người đó có thể biến mọi thứ thành nước như mình muốn, có thể lay động những thứ vững chắc. Ví dụ như bây giờ quý vị không có tu đề mục nước, không tu đề mục gió thì quý vị không có khả năng làm lúc lắc cái gì hết. Các vị đừng có tưởng có thần thông là muốn làm gì thì làm. Thần thông đó nó có từ cái việc mình tu đề mục nào thì khi quán hiện nó mới làm được chuyện đó.

Có một vị A La Hán bảy tuổi, lúc đó Phật niết bàn rồi, Ngài mới lên cõi trời, Ngài đứng nhìn lâu đài của Đế Thích. Ngài mới nhớ chuyện ngài Mục Kiền Liên thấy chư thiên dễ duôi không có chịu tu hành. Ngài Mục Kiền Liên mới dùng ngón chân cái bấm nhẹ vô lâu đài này làm cho lâu đài rung, để cho Chư Thiên họ hết hồn họ tu. "Đâu hôm nay mình bấm thử." Bấm vô mà nó không lúc lắc gì hết. Ngài mới về hỏi sư phụ là "Tại sao ngài Mục Kiền Liên làm được mà con làm không được?" Thì sư phụ mới nói "Con có thấy miếng phân bò trôi sông không?". Ngài nói "Con hiểu rồi!". Ngài mới trở lên, nhập vô cái thiền đề mục nước. Khi ngài nhập vô đề mục nước thì cái lâu đài nó nằm trên nước mà, Ngài nhấn ngón chân xuống là nó lắc thôi. Có nghĩa là mỗi loại đề mục nó cho mình khả năng khác nhau. Thí dụ như mình muốn đi trên nước hay bay trên hư không mình phải xài đề mục đất, có nghĩa là mình nhìn đâu cũng thấy đất hết trơn. Còn mình muốn độn thổ mình phải tu đề mục nước bởi vì mình chỉ cần nói "Nước đi" là mình lặn theo nước. Còn mình muốn đi xuyên qua tường thì mình phải xài đề mục hư không. Hư không là sao? Nghĩa là hành giả khoét một cái lỗ, cứ niệm hoài "Khoảng trống, khoảng trống, khoảng trống..." Niệm hoài mà đến một lúc khoảng trống đó nhập tâm mình. Cứ một vật chướng ngại gì mình nói "Khoảng trống đi" là nó trống lỗng. Núi, tường nó đi xuyên qua. Mà bởi vì khả năng tập trung của mình nó yếu quá, nên mình cũng niệm rồi mình đi xuyên qua đụng vô tường nó u một cục.

Trích bài giảng Cấu Trúc và Vận Hành của Thế Giới (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Đò Xuôi Sơn Hạ | | Đen

Cũng | | Tu Kiểu Trái Ô Môi

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com