Tu Kiểu Trái Ô Môi

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tu Kiểu Trái Ô Môi

Cứ một phút sống thiện chúng ta sẽ được an lạc một phút. Đó là nói hiện tại; còn quả báo đời sau thì xa xôi lắm. Tôi không muốn bắt quý vị phải tin là làm phước đời này sẽ được quả báo đời sau kiếp khác. Tôi không muốn nói cái đó. Tôi chỉ muốn nói vắn tắt là "Anh là ai thì anh mới sống thiện được". Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai: "Còn cầu cái quả sinh tử thì tốt hơn là đoạn kiến". Đúng. Nhưng nó còn có một chỗ khác cao hơn để đi. Đó chính là sẽ có một ngày mình thấy rằng "Thấy được cái bất thiện cũng là tu. Nhận diện được cái thiện nó đang có mặt cũng là tu."

Sẽ có một ngày mình tu toàn bằng chữ "cũng". Trong thời điểm này, nếu có người hỏi tôi "Đạo Phật, nếu đem nghĩa lý, hành trì, nhận thức gom trong một chữ thì Sư lựa chữ nào?". Tôi nói tôi thích nhất chữ "cũng". Nhưng mà phải giải thích chữ "cũng". "Cũng" thứ nhất là thấy được rằng thích, ghét, buồn, vui gì thì nó "cũng" là vô ngã, vô thường. "Cũng" là do các duyên mà có. Cái "cũng" thứ hai là dầu cho phước báu nhiều cách mấy, có về cảnh trời nào đi nữa thì cũng có lúc nó đi xuống. Chỉ có Bậc Thánh thì Các Ngài mới chán cái "cũng". Trong ngôn ngữ Tiếng Việt, mình hiểu chữ "cũng" đồng nghĩa vô số vấn đề, có vô số hệ lụy ở trong đó. Hễ mà có chữ "cũng" là thấy mệt rồi. Thích, ghét, buồn, vui cũng đều vô thường. Thiện hay là ác cũng là cái nhân sanh tử. Cuối cùng, cái thiện và cái ác cũng đều là luôn luôn sanh diệt. Phải thấy được ba cái đó.

Sẽ có một ngày hành giả mới thấm ra một điều. Không phải là mình tu cao rồi mình chê công đức. Không phải! Đó là đoạn kiến. Không phải mình tu lâu rồi mình bất chấp thiện, ác. Sai ! Đó là đoạn kiến. Mình vẫn tiếp tục hành thiện lánh ác. Nhưng mình hành thiện lúc bấy giờ không phải là để cầu quả nhân thiên sanh tử mà vì mình không thể sống ác.

Giống như một đứa bé ăn xong rồi nó bôi thức ăn lên quần, lên áo nó. Rồi khi nó bị la, bắt đầu nó sợ. Nó không dám bôi nữa. Sẽ có một ngày khi nó 12 tuổi, 15 tuổi, 18 tuổi thì lúc đó có năn nỉ nó ở dơ nó ở dơ cũng không nổi nữa. Sẽ có một ngày nó ở sạch không phải vì nó sợ bị la, nó ở sạch không phải vì nó muốn được khen mà bởi vì nó không có khả năng ở dơ. Không có điều kiện tâm lý để nó ở dơ nữa. Nhớ chỗ này. Cái này quan trọng lắm.


Mình phải coi lại mình là hạng người nào? Hạng thứ nhất: mình có đúng là làm lành lánh dữ chưa? Chưa chắc đâu quý vị. Vì sao? Vì cái định nghĩa của mình về chữ "lành" và chữ "dữ" nó còn cạn và hẹp lắm. Làm lành là sao? Mình hiểu "lành" ở đây là phải bố thí, cúng dường, tụng kinh, ngồi thiền, phục vụ, lao dịch, chắp tác Tam Bảo. Đó gọi là "lành". Hiểu vậy thì nghèo quá. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm có từ bi, kham nhẫn, trí tuệ thì mỗi cái suy nghĩ đó nó là "lành". Nếu chỉ gói gọn chữ "lành" trong một số sinh hoạt nhất định nào đó thì nghèo lắm. Rất nhiều Phật Tử họ hiểu "làm lành" nghĩa là làm công đức, họ cứ nghĩ là làm những điều mà người khác thấy thì cái đó mới đáng kể. Họ quên một chuyện rất là quan trọng. "LÒNG LÀNH LÀ CÁI KHÔNG AI THẤY." Và cái đó mới là nguồn cội của vạn pháp lành. Lòng lành mới là cái quan trọng. Còn họ thì họ hiểu "lành" ở đây là cái chuyện hay ho mà ai cũng thấy, còn cái nội tâm của họ nó như con dòi cũng không sao hết! Có ganh ghét, tỵ hiềm ở trỏng cũng không sao hết! Cái quan trọng đối với họ là đi đâu cũng thấy bảng vàng, bia đá, sổ công đức mà gia đình họ đứng đầu. Làm đường, làm cổng, tạc tượng, đúc chuông lúc nào cũng chình ình tên tuổi của họ, người thân của họ. Như vậy họ mới gọi là "lành". Chín mươi chín phần trăm người ta hiểu nghĩa chữ "lành" là việc thiện mà ai cũng thấy. Còn những cái mà người ta không thấy thì họ không thèm làm.

Trong khi đó cái "lành" ở đây nó phải là từ ba nghiệp: thân - khẩu - ý. Cái "Ý" nó là gốc của hai nghiệp kia. Nhớ vậy!!!

Mình chưa có phải thực sự là người làm lành lánh dữ vì mình chưa có làm những việc "lành vô danh" không ai thấy.

Còn "lánh dữ" là sao? "Dữ" ở đây mình định nghĩa ngộ lắm. "Dữ" có nghĩa là phải đốt nhà, cướp của, móc túi, lừa đảo... Những cái gì mà pháp luật có thể sờ gáy được, cái gì mà cảnh sát công an thấy được, cái gì mà bị xã hội lên án thì mới gọi là ác. Hiểu vậy thì nó cũng nghèo lắm. Hiểu như vậy thì còn lâu mới đắc đạo được. Bởi vì cái ác, cái xấu mà đợi cho người ta thấy được mới gọi là ác thì như vậy là tiêu rồi. Cái đó mới là chuyện ngoài da thôi, thưa quý vị. Cái đó mới là cái ác ngoài da thôi. Cái ác bên trong tủy, trong xương mới là rốt ráo. Cái thiện cũng vậy. Phải là cái thiện bên trong tủy, trong xương mới là cái thiện cốt lõi. Chứ còn cái thiện, cái ác mà từ đó đến giờ mình định nghĩa mới chỉ là cái thiện, cái ác ngoài da thôi

Ngoài da là sao? Ngoài da có nghĩa là thiên hạ ai cũng thấy, xã hội thấy, pháp luật thấy, chính quyền thấy, dân chúng thấy, bàn dân thiên hạ thấy. Những cái đó mình mới kể. Nhưng như vậy là không được!

Như vậy ngay trong hạng đầu tiên là "làm lành lánh dữ" mình đã hiểu chưa hết thì nói chi đến hạng thứ hai là "Tôi làm lành", "Tôi lánh dữ".

Đến hạng thứ ba mới khá. Tức là lìa bỏ ý niệm ngã sở. Không còn cái ý "tôi" hay là "của tôi", "tôi thiện","tôi ác" nữa mà lúc đó chỉ có ghi nhận: Cái ác nó vừa mất; hoặc là cái thiện đang có mặt; hoặc là cái ác đang có mặt. Chỉ ghi nhận mà thôi. Lúc bấy giờ nó mới rốt ráo. Và cái chuyện làm lành lánh dữ lúc này nó mới đúng là rốt ráo. Còn không thì mình toàn là tu ngoài da không thôi.

Như tôi đã nói không biết bao nhiêu triệu lần: "TU CÁI GÌ ĐẮC CÁI ĐÓ". Mình tu mà mình chỉ có niệm không, còn trong đầu mình toàn rác không. Mình chỉ biết đọc thôi còn cái tâm mình thì tâm bất thiện đầy rẫy. Miệng thì đọc mà con mắt thì nó cứ lườm lườm, nguýt nguýt, môi má thì trề bỉu, tùm lum hết. Trề môi, bỉu môi, khinh bỉ người khác, tỵ hiềm, ghen ghét người khác. Đó mới là tu ngoài da, ngoài miệng thôi. Tu ngoài da thì chỉ đắc ngoài da thôi. Da coi đẹp vậy thôi chứ ở trong toàn bệnh nan y không. Cái thiện, cái ác mà mình hiểu, mình tu phớt phớt thì chỉ đắc cái bên ngoài. Tôi nói như vậy mà nhiều người không có tin. Nhưng mà tôi sẽ chứng minh.

Nếu các vị không có ĐỜI SỐNG CHÁNH NIỆM, không có đời sống kham nhẫn, từ tâm thì cái chuyện mà quý vị làm được chỉ là bố thí và phục vụ thôi, thưa quý vị. Nếu mà những giá trị tinh thần tâm linh không được lưu ý mà chỉ có lưu ý về hình thức không thôi thì coi chừng tu đó là tu ngoài da. Ở đây, tôi không có phủ nhận chuyện bố thí. Tu những cái mà người ta thấy thì mai mốt cái mình được cũng chỉ toàn là những cái người ta thấy thôi.

Thí dụ như là người ta thấy mình giàu, người ta thấy mình đẹp, răng đẹp, trán đẹp, mũi đẹp, người ta thấy mình có tiếng nói hay, dáng đi đẹp, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan. Đó là những cái mà người ta thấy. Còn những cái bên trong như là khả năng lìa bỏ phiền não mà đắc Thánh, khả năng thấy được bốn đế, 12 duyên khởi. Khả năng đó mình không có vì hồi xưa mình toàn là tu cái vỏ ngoài không. Tức là TU NHƯ BÁNH CAM. Quý vị biết bánh cam không!? Nói tới bánh cam cũng thèm. Lâu lắm rồi tôi vẫn còn nhớ cái mùi bánh cam. Cái bánh cam ruột nó rỗng mà bên ngoài nó rắc mè với đường. Có nhiều người tu như trái bắp. Nghĩa là lá bọc ở ngoài ăn không được, ăn được khúc trong thôi là mấy cái hột và vô tới cái cùi thì liệng. TU KIỂU TRÁI BẮP có nghĩa là mới nhìn họ thì thấy không có gì hết, bình thường. Tiếp xúc với họ thấy dễ thương lắm nhưng mà đào sâu vô trong thì hỡi ôi: Không có trau dồi, trí tuệ, kham nhẫn, thiền định gì hết. Mới nhìn thì thấy thường lắm giống như trái bắp có vỏ ngoài, có râu bắp này kia nhưng mà tiếp xúc vô nữa thấy dễ thương. Nhưng mà vào sâu hơn nữa thì nó xài không được. Còn TU NHƯ BÁNH CAM là sao? Tức là nhìn bề ngoài thì nó đã lắm, nhìn màu áo bên ngoài vàng ươm à, mè rắc lên cắn giòn đã lắm ở trong rỗng, không có gì hết.

TU GIỐNG NHƯ CÂY MÍA là sao? có nghĩa là khi gặp cảnh gian truân khó khăn thì mới thấy cái tu của họ, nó mới trào ra. Cái cây mía mà để tự nhiên thì không có thấy được cái xuât sắc của nó. Cây mía phải bị người ta cắn, người ta nghiền ra, dùng máy ép cán thì mới trào ra nước mía. Có người gặp nghịch cảnh thì công phu tu học của họ lúc bấy giờ mới trào ra. Có kiểu tu như cây mía, tu như trái bắp, tu như bánh cam.

Tôi đang nói đến đề tài "CÁI GÌ" và "TẠI SAO". Ở đây, như tui đã nói "tu cái gì là đắc cái đó". Tu ngoài da thì mình đắc cái ngoài da. Tu ngoài da là tu những cái mà người ta thấy được, người ta nghe được. Rồi còn tu ruột là sao? Là tu những cái mà người ta không thấy được nhưng tới hồi mình đắc thì mình đắc những cái mà người ta cũng không có thấy. Thí dụ như Đức Phật. Mình nhìn vô chỉ thấy 32 tướng tốt của Ngài thôi. Mình nhìn rồi mình nghe được âm thanh của Ngài, âm thanh hay quá. Nhưng phải là Bậc Thượng Căn đại trí túc duyên sâu dày thì mới thấy được cái hay khác. Mình tu mà mình chỉ có khả năng hoan hỷ với vẻ ngoài của Ngài là chưa được. Mình phải hoan hỷ với những cái vô tướng, vô hình của Phật thì cái đó mới là tu ngon lành. Nhớ cái đó!

Chỉ có những Bậc Thượng Thừa họ mới ngồi lại họ nghe, họ mới vượt qua những vẻ ngoài của Ngài để nhìn vào bên trong Ngài. Bên trong giọng nói du dương đó nói CÁI GÌ khi họ vượt xuyên qua 32 cái hảo tướng bên ngoài. TẠI SAO người đó có hảo tướng và bên trong cái hảo tướng này người này còn có giá trị tinh thần nào khác nữa. Mà TẠI SAO họ có khả năng này? Là bởi vì kiếp xưa, người ta vừa tu ruột mà vừa tu vỏ. TU KIỂU HẠT DẺ là tu ba lớp luôn. Tu ngoài rồi tu ở trong rồi tu ở trong lõi. Tu hết. Còn mình bây giờ thì sao? Đa phần TU KIỂU BÁNH CAM, TU KIỂU TRÁI BẮP.

Không biết quý vị có biết trái ô môi không? Người không thích thì chê nó hôi. Người thích thì nghe cái mùi nó ứa nước miếng. Mà nó không có ăn được. Ăn không được nên mút cái hột thôi à. Mà cái ngọt của nó ngộ lắm. Ở Việt Nam ngày xưa, người ta hay bán trái ô môi cho mấy đứa trường tiểu học nhà quê. Nó ăn không được nên cứ mút cái hột xong rồi nhả. Nhả hết! Có nhiều người hôm nay TU KIỂU TRÁI Ô MÔI. Nghĩa là đến chùa không có một cái nhận thức nào cho cái việc tu chứng. Không học cũng không hành. Do ai đó rủ thì đi. Buồn buồn ghé qua chùa. Ba má chết không biết giao hũ xương đi đâu phải gửi ở chùa nên lâu lâu cũng phải đi. Rồi vô chùa nghe ba chớp ba nháng. Chủ yếu tám là nhiều. Tụ năm tụ ba nói dóc xong đi về. Thì cũng gọi là có công đức đó nhưng cái kiểu tu của họ như trái ô môi vậy đó.

Trích bài giảng Cái Gì và Tại Sao
Kalama xin tri ân bạn MaiNgocVu511 ghi chép


Tượng Phật | | Trổ Quả

Lựa Đậu | | Số 3

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com