Số 3

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Số 3

Cái lớp học này được cái là học trước rồi quên sau. Nên bây giờ chúng ta phải ôn lại. Ôn lại coi ai lộn.

Trong vô số kiếp luân hồi, có vô số cái tiền kiếp và vô số cái hậu kiếp. Trong cái dòng chảy vô số đó thì mỗi kiếp mình sanh ra mình là con số 3. Ngoài cái hình hài của mình, mỗi người là con số 3. Số 3 gì? Là 1. tiền nghiệp, 2. khuynh hướng tâm lý và 3. môi trường sống. Do tiền nghiệp mà ta có mặt ở đâu. Do khuynh hướng tâm lý ta có cái hướng tư duy và hành động như thế nào. Do cái môi trường sống ta tiếp tục giữ lại khuynh hướng tâm lý cũ hay là thay đổi nó. Và do 3 cái này ta tiếp tục đầu tư tiền nghiệp cho kiếp sau.

Khuynh hướng tâm lý gồm có sáu. 1. Dục tánh là thích tùm lum. 2. Nộ tánh là bất mãn đủ thứ. 3. Độn tánh là chậm hiểu, u mê. 4. Đãng tánh là buông cái này bắt cái kia, không có chủ kiến, lập trường. 5. Mộ tánh là đụng đâu tin đó. Và 6. Ngộ tánh là có khả năng phân biệt sáng suốt.

Trong kinh ghi rất rõ: cả sau khả năng đó đều có ở mỗi con người, có một điều là cái nào nặng nhất. Ví dụ người dục tánh, họ vẫn có ngộ tánh nhưng ngộ tánh của họ là nhiều hay ít không nói được. Kể gọn là kể có sáu nhưng trong kinh kể là có người 1-3-4, 1-4-3, 1-2-4, 1-6-5. Có nghĩa là người dục mạnh nhất, si mạnh nhì, đãng mạnh thứ ba. Rồi có người dục mạnh nhất, mộ mạnh nhì, si mạnh ba. Cho nên có trường hợp hai người cùng nặng về dục, thích tùm lum hết nhưng mà anh này ảnh thích tùm lum mà ảnh thông minh, còn anh kia ảnh thích tùm lum mà ảnh chậm. Rồi có anh cũng thích tùm lum mà tánh cũng nóng nữa. Có anh thích tùm lum mà tánh nguội. Cái mạnh nhất vẫn là cái đầu tiên. Đó là cái số 1. Còn trường hợp khác là số 2. Có người số 2 mạnh nhất, có người số 3 mạnh nhất. Như vậy mỗi người sanh ra đã là một con số 3 và chính ba cái đó giúp qua lại lẫn nhau. Chính vì ba cái đó của mỗi người không giống nhau nên ta mới qua lại trong bốn hạng người.

Hạng người đầu tiên là chìm sâu trong số 3, nghĩa là tiền nghiệp đưa nó vô đâu là nó lún trong đó luôn, không có ngóc cái đầu lên được.

Hạng thứ hai nó cũng ở trong số 3 đó nhưng mà nó khá hơn hạng một vì nó biết chọn lọc. Nghĩa là nó biết chọn trong cái khổ một chút, chọn trong cái vui một chút, chọn trong cái thiện một chút, chọn trong cái ác một chút. Ở đây quý vị phải đồng ý với tôi là thiện, ác, buồn, vui ai cũng có đủ hết, phải không? Nhưng mà có sự chọn lựa trong đó không? Có. Ví dụ như cô Nga này tham, sân, si cổ không có mẻ miếng nào đâu nhưng mà có những cái ác bả né. Có những cái thiện cô Nga làm không nổi, có không? Có. Biết nó thiện nhưng mà thôi để kiếp khác đi đã. Cái vui cũng vậy. Có những cái vui cổ thích cổ giữ lại nhưng có những cái vui cổ từ chối. Có những cái khổ, cái buồn cổ không có chọn nó. Thí dụ như có những người thương con cháu lắm nhưng mà dứt khoát không giữ cháu. Tôi có gặp một vài Phật tử tôi hoan nghênh hai tay, hai chân. Thương con cháu lắm, sẵn sàng thay mặt con gái, con trai đưa cháu đi bác sĩ nhưng mà khi nó qua cơn nguy kịch rồi thì "Má về nhà nghen" rồi quay lưng đi liền. Chứ còn không nó được dịp nó gửi con hoài mà nó quên lấy lại. Mấy người tuổi trẻ bây giờ nó hay bị lẫn lắm. Tiền mượn Má nó quên trả, mà nó gửi con thì nó quên lấy. Nó nó ác lắm. Mà ngộ là Má có mấy cái nhà cho thuê nó nhớ hết. Tại vì Má mà lật ngang là nó có tên ở trỏng. Cái hay của nó là nó biết lựa, Trạch Pháp Giác Chi của nó mạnh lắm. Có gì khó khăn là nhớ đến Má. Nhiều bà Má bả cũng khôn lắm, bả né. Thương thì thương nhưng không có cái vụ làm mọi không công, làm oshin thì cho em xin. Em đã ru em, ru con hồi nhỏ rồi bây giờ đến ru cháu thì cho em xin rút lui. Phải quật cường lên mới được. Chứ tôi thấy nhiều người thương con thương cháu nhào ra gánh, đến tới hồi về già không có thời gian ngồi niệm Phật nữa. Thấy thương lắm. Cái đó tôi gọi là u mê. Chính vì có chọn lọc nên cái hạng hai này có tu hành chút đỉnh, quẩn quanh trong các cõi nhân thiên, dục giới.

Cái hạng thứ ba khá hơn. Tức là nó chán, nó không có muốn cái gì thuộc về vật chất tầm thường nữa. Hạng này là nhắm mắt làm ngơ. Nhắm mắt ở đây là tu tập thiền định. Chiều nay tôi giảng sâu về cái này. Tôi nhắc thiệt là chậm, tôi có từng nói đến hai khu vực cư trú. Khu vực một là nơi mà ánh sáng văn hóa, văn minh không tới được. Là những nơi nền văn minh vật chất hoặc nền văn minh tâm linh không tới được. Ở những nơi đó mình không được khai hóa, nghĩa là chưa được khai hoang, tiếp tục bán khai, mọi rợ, dã man, rừng rú. Chẳng hạn như Việt Nam, mình nói mọi rợ thì tàn nhẫn nhưng mà về văn hóa tâm linh là mình vẫn mọi rợ. Là vì sao? Các vị thử lật ngược dòng lịch sử lại. Nếu không có sự ảnh hưởng từ hai nguồn văn hóa, văn minh lớn từ Tàu và Ấn thì Việt Nam mình ra sao? Việt Nam tại sao gọi là biên địa? Vì mình vốn không có văn hóa riêng, phần đầu chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu, khúc giữa là Chàm, Chàm thì lại là Ấn Độ, khúc dưới là văn hóa Chân Lạp, Chân Lạp thì cũng lại là Ấn Độ. Ngôn ngữ Cham, Miên, Thái, Lào, Miến là tiếng Pali, tiếng Sankrit dày đặc. Có nghĩa nếu bỏ đi văn hóa, văn minh Ấn và Tàu thì Việt Nam không còn cái gì hết. Có những người do ly dục họ lập tức quay lại với cảnh giới thiền định. Đặc biệt có những dân tộc ở Châu Mỹ như nền văn minh Maya, nền văn minh Ai Cập, nền văn minh Chi Lê và Iraq, Iran, rồi có Ấn, có Hi Lạp. Còn Việt Nam mình thì không. Việt Nam mình không có nền văn minh nào hết, hỗn tạp và rất là non trẻ. Non trẻ ở đây là giai đoạn có chính sử thì vào thế kỷ thứ X mình mới có, bắt đầu từ thời Ngô Quyền mình mới có, trước đó gọi là huyền sử. Cho tới bây giờ ông An Dương Vương ổng là người gì mình còn chưa biết mà trong khi mình qua Quảng Châu, Triệu Đà, Trọng Thủy họ nói về mấy nhân vật đó mình thấy giống như mình bị hố vậy. Gọi là biên địa bởi vì chúng ta không có cái gì hết. Mà vì tự ái dân tộc, vì sĩ diện nên chúng ta vơ đại.

Biên địa là không có nền văn hóa, văn minh đồng thời chúng ta cũng không có điều kiện tiếp nhận, cái đó được gọi là biên địa loại nặng. Còn loại nhẹ là không có mà phải đo cóp nhặt của người khác, mà thường cóp nhặt nó hay dễ bị tật nguyền lắm. Ngay cả Phật giáo Nhật, Phật giáo Đại Hàn cũng có vấn đề là bởi vì họ không có Phật giáo chính thống. Phật giáo Nhật, Đại Hàn không có được truyền trực tiếp từ Ấn Độ mà phải qua Trung Quốc. Phật giáo Trung Quốc ít nhiều cũng đi về từ Ấn nhưng Nhật và Đại Hàn thì không. Phật giáo Mông Cổ cũng vậy, chỉ có Tây Tạng, Phật giáo Tàu. Phật giáo Việt Nam vậy mà còn được truyền tực tiếp vào bản quốc. Hai vị Nam Tông đầu tiên đem Đạo vào Việt Nam là ngài Sona và ngài Uttara, hai ngài đem vào cái ngã An Giang, Ba Thê. 'Ba' là hai, 'thera' tiếng Phạn là trưởng lão. Hai vị đến đó hoằng pháp rồi tịch ở đó, người dân ở đó họ gọi là núi Ba Thê.

Do cái não trạng của mình nó như thế nào mà nó đưa mình về đầu thai chỗ nào. Các vị có biết cho tới hôm nay mình nói dân Do Thái là dân điêu linh. 2000 năm qua dân Do Thái đi tìm đất hứa nhưng các vị có biết ngày hôm nay một bộ phận rất lớn nền kinh tế và chính trị ở Mỹ là do người Do Thái nắm không? Dân Do Thái họ có một nền giáo dục, nền văn minh, minh triết rất là cao. Đa phần những người được giải Nobel ở các lĩnh vực đều là người Do Thái. Đứng đầu về kinh tế và khoa học đều là người Do Thái. Và người Do Thái nào cũng phải biết một chuyện là dạy con làm sao cho nó giỏi. Người Việt Nam nhiều khi bắt chước Tàu, bắt chước Tây cũng nói vậy nhưng mà nói chứ làm không có bằng được. Người Tàu, người Việt nói "Để lại cho con một rương vàng không bằng để lại cho con một cái nghề". Người Do Thái họ cũng có câu giống vậy nhưng mà đặc biệt người Do Thái họ dạy con là "Con ăn mày cũng được nhưng mà con phải biết đọc sách. Thà là một người ăn mày biết đọc sách còn hơn là một phú ông không biết chữ." Nói theo trong Kinh Thánh thì người Do Thái là một giống dân thông minh. Và có một lý do rất sâu sắc là tại sao người Đức họ ghét người Do Thái? Bắt đầu ở cái chỗ là họ bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng Cơ Đốc, cho rằng Do Thái là dân phản Chúa. Nhưng một phần người Đức họ rất là ngại sự thông minh của người Do Thái do lúc đó đa phần những bộ óc trác biệt cầm chịch, nắm cán nền khoa học của Đức là người Do Thái. Ông Einstein là người Do Thái. Nhiều và rất nhiều cái thời đó. Cho nên người Cơ Đốc họ coi người Do Thái là phản Chúa. Người Đức họ coi người Do Thái là một đối thủ về cái đầu.

Tùy vào cái não trạng của mình mà chúng ta sanh vào môi trường nào. Đôi khi do một cái nghiệp đặc biệt chúng ta phải sanh vào một chỗ không có thích hợp với mình. Thì sau đó tự cái nghiệp đó nó phải 'búng' cho mình văng trở ra. Các vị có biết chữ 'dị vật' không? Ở trong cơ thể mình nó chỉ chứa cái gì thích hợp với nó. Cái gì không thích hợp nó đẩy ra. Ở đây cũng vậy. Một là chính cái nghiệp đó nó đưa ta về cái chỗ thích hợp nào đó. Còn nếu vì một cái nghiệp đặc biệt mà ta phải có mặt trong chỗ nào đó, thì ta chỉ có mặt gán gửi, tạm thời thôi rồi sau đó ta phải trào, văng trở ra. Cho nên ngay bây giờ mình phải chuẩn bị để mình có một chốn về thật là tốt, thật là đẹp. Đẹp ở đây không phải về vật chất, mà là đẹp về tinh thần. Nếu lỡ sau này mình phải sanh vào một gia đình Âu Mỹ hoặc Hồi Giáo thì chính cái chủng tử Bồ Đề của mình nó cũng có cách nào nó quay quay quay làm sao đó để mình trở thành một dị vật, để mình bị văng ra khỏi môi trường đó.

Vua Milinda hỏi ngài Na Tiên "Thường con giống cha, thế mà Đức Thế Tôn ngài hơn hẳn cha và mẹ của Ngài. Thế Ngài giải thích trường hợp đó ra sao?" Ngài Na Tiên trả lời hơi nặng nhưng mà đúng. Ngài nói rằng "Sen đi ra từ bùn nhưng sen đâu có gì giống bùn." Có nhiều khi ta lớn lên trong bùn mà giữa ta và bùn có điểm tương đồng. Nhưng có trường hợp ta lớn lên trong bùn nhưng mà bùn chỉ là chỗ ghé chân tạm thời thôi. Thí dụ như nếu ta là con lươn, con lịch, củ co, củ súng thì giữa ta và bùn có điểm tương đồng rất lớn. Nhưng nếu ta là hoa sen thì giữa ta và cái điểm xuất phát cách nhau ngàn trùng vạn lý.

Tôi nhắc lại, tùy vào cái chuẩn bị tâm lý của mình mà chúng ta sẽ sanh về cảnh giới nào. Còn lỡ như mà ta đi về vào một nơi chốn không đáng gì thì sớm muộn gì ta cũng ra đi và nơi đó trở thành cái bến ghé tạm thời thôi. Có nhiều cuộc hôn nhân rất là bất hạnh và một người rất là dễ thương mà lại lọt vào cuộc hôn nhân đó. Mình thấy tội lắm nhưng mà các vị yên tâm. Chỉ cần nó có cái đầu và có công đức thì đến một lúc nào đó tự động nó văng ra. Một là chồng chết sớm, hai là vợ chết yểu, ba là phát hiện ngoại tình. Người ta nói thế này "Hôn nhân là Accomplish mà ly dị là Finish". Tất cả mọi thành công trên thế gian này là "accomplish". Chỉ có giải thoát, chứng A La Hán là "finish". Mua được cái nhà là "accomplish", bán được cái nhà là "finish". Thương nhau, lấy nhau là "accomplish", ly dị nhau là "finish". Đức Phật nói hễ "accomplish" là nó còn mệt lắm quý vị. Bản thân chữ "accomplish" là hoàn thành nhưng hoàn thành mà đằng sau nó còn đầy bất trắc, nhưng mà "finish" là xong, done, game over. Mục đích của Đạo Phật là "game over", là "the ending", là "no more beginning". Cho nên người không biết Đạo nghĩ Đạo Phật là bi quan. Sai. Đạo Phật là vua lạc quan. Bởi vì những cái lạc quan của người đời nó đều đính kèm với một sự thơ ngây. Thơ ngây là gì? Vì lạc quan của người đời họ không lường trước cái sự bất trắc. Còn người theo Đạo Phật có lạc quan là bởi vì họ đã lường trước cái sự bất trắc cho nên họ mới nhăng răng họ cười. Một đứa nó lạc quan vì nó không thấy được bất trắc. Còn một đứa nó lường được cho nên nó tỉnh bơ. Cũng hai tên sống vui vẻ mà một tên vui vẻ kiểu trẻ con, rất là hồn nhiên, thơ ngây. Cái kiểu vui vẻ đó đạo Phật nói rất là nguy hiểm. Một bên nó vui vẻ vì nó biết chuyện. Còn bên kia nó vui vẻ vì nó không có biết chuyện.

Trở lại định nghĩa cái cái hạng thứ ba. Là sau khi nó nhìn đời sống của loại 1, loại 2 nó thấy ghê quá, bất trắc quá nên nó mới tìm cách rút. Nhưng mà vì không biết Phật pháp nên ảnh chỉ biết cách rút duy nhất là tu tập thiền định. Ảnh rút bằng cách là nhắm mắt, bịt lỗ tai lại, ảnh không muốn biết chuyện gì nữa. Cảnh giới cao nhất của ảnh là gì? Tới cõi Phạm Thiên thôi.

Ở đây tôi nói hơi nhiều chút về định. Xưa nay hạng một, hạng hai chỉ là buồn, vui, khóc, cười, sống, chết, thành, bại, vinh, nhục, thăng, trầm trong năm trần, trong những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Hạng thứ ba nó thấy nó ớn quá. Hạng thứ ba thấy rằng cái loại một là quá tệ không nói tới. Nhưng mà nó thấy cái hạng thứ hai cũng có vấn đề. Hạng thứ hai tuy sống có chọn lựa, sống có cân nhắc. Nhưng mà tưởng sao, nó cũng chỉ quẩn quanh trong cái hạng một. Hai thằng đi nhậu, một thằng đi nhậu quắc cần câu xong ra lái xe về thì một là nó gây tai nạn, hai là cảnh sát bắt nó. Thằng thứ hai khôn hơn, cũng đi nhậu, nhậu chung một bàn, chung một tiệm, chung một món luôn, nhưng mà nó kêu Uber trước. Thì mình thấy cái đứa thứ hai này nó ngon hơn đứa thứ nhất. Nhưng mà nó giống nhau một điểm là mai mốt hai đứa ung thư gan nằm chung một giường. Cái tên này đúng là nó ngon hơn rồi. Nó nhậu mà nó kêu Uber hoặc là nhờ người nhà tới chở là nó ngon hơn tên kia. Nhưng nó cứ một ngày anh một lít, tôi một lít thì cuối cùng hai đứa chung một phòng. Mà nói đến chuyện ở chung một phòng tôi ớn lắm. Hồi đó ở bên Đức tôi nằm ở phòng tiết niệu. Lúc nó đưa tôi vô tôi gặp một ông cụ. Sáng hôm sau dậy tôi còn có một mình. "Chúa gọi. Chúa gọi cụ đi rồi." Sẽ có một ngày mình nằm chung cái phòng với một người mà họ muốn đi thì đi, nó nản dữ lắm. Cái bệnh tôi không có nguy ngập đến mức phải nằm chung với người sắp chết nhưng mà ổng lớn rồi. Ổng vô thì cũng có liên hệ đến cái vụ "nước nôi" đó đó, ổng một bịch tôi cũng một bịch, ổng một ống tôi cũng một ống. Mà tôi nghe nói ổng đi rồi, tôi nản quá. Lần đầu tiên trong đời tôi bị xua đuổi mà tôi mừng quý vị biết không? Đó là lần thứ hai tôi cấp cứu cũng ở bên Đức. Ba tháng đau quá tôi trở vô. Nó kêu tôi ngồi chờ, rồi nó bỏ lên xe, đẩy tôi đi chụp hình, chụp xong, tôi hỏi nó "Tôi có cần ở qua đêm không?" Nó nói "Đi về đi". Ở ngoài trời đang lạnh cóng mà nó đuổi tôi về. Tôi đứng bơ vơ ngoài đường chờ Phật tử tới rước. Gió lạnh mà tôi vui quá vì tôi bị bệnh viện đuổi. Chứ còn nó ân cần xếp phòng là rồi! Tôi kể ở đây không phải cho các vị cười. Mà là có nhiều lúc chúng ta bị xua đuổi, bị tống khứ lại là cái hay. Có đôi lúc cái mất mát lại là cái đẹp quý vị biết không? Có những cái chuyện phụ bạc, phụ rẫy, phản bội trong tình cảm lại là cái cơ hội để mình tìm thằng khác. À không! Mình tìm mảnh đời khác. Còn nếu cái cũ không đi thì làm sao cái mới nó tới? Vấn đề là cái thái độ sống của anh ra sao trong cuộc đời này. Cái đó mới lớn chuyện. Chứ còn cái chuyện đắng cay, ngọt bùi thì xoàng. Chiều nay tôi nhờ người ta mua dùm tôi mười trái khổ qua đắng, tôi vẫn đi tìm cái đó vì nó có lợi cho tiểu đường. Người ta mới cho tôi hộp bánh Pía, tôi nhìn người ta như kẻ thù. "Muốn giết tôi mà!" Nó biết mình ăn không được mà nó ác nó mua bánh Pía, còn hỏi sen hay là môn, cái nào cũng chết hết trơn. Cái người mà hiểu Đạo người ta sẽ chọn con đường sống rất là thông minh. Có đôi lúc trong đời sống chúng ta phải chấp nhận cái đắng nếu nó là lối thoát. Chúng ta phải chấp nhận chia tay cái ngọt nếu nó là đường chết. Phải có cái gan đó. Chúng ta biết đi nha sĩ nó đau lắm nhưng mà không đi mai mốt nó đau hơn nên phải đi. Còn có nhiều người họ nhát họ ngậm muối hoài nó đau một tháng. Còn đi nha sỹ nó đau có một tuần. Thì thà đau một tuần còn hơn đau một tháng. Hạng thứ ba là hạng chấp nhận đau một tuần. Bởi vì sống ly dục rất là khổ các vị có biết không?

Khi Đức Phật sắp tịch, ngài Ca Diếp mới đến lạy Phật: "Bạch Thế Tôn! Muốn sống như lời Phật dạy không phải chuyện dễ, đầy những bất trắc." Phật dạy: "Này Ca Diếp! Ngươi nói rất đúng. Muốn sống như lời ta dạy, đầy bất trắc." Bây giờ các vị không thấy hình ảnh một ông sư mỗi ngày ôm bình bát đi xin, thích thì họ cho, không thích thì họ chửi. Trời nắng chan chan hoặc lạnh như cắt mà phải bưng bình bát đi chân không, ăn thì bữa có bữa không, nói chi là bệnh, làm gì có thuốc. Cho nên trăm sự phải tự mình chăm sóc. Mình đi thì lễ cái gì mình cũng nhận nhưng về mình phải lựa ra cái gì mình ăn mà mình khỏe, còn cái gì không khỏe mình phải biết bỏ. Tự lo không cha, không mẹ, sống một mình trong một cái chòi lá giữa rừng. Thấy chua lắm chứ không phải không. Rồi những đêm tối mùa đông, có một mình. Đời tu trong kinh nói có ba cái đáng ngại. Thứ nhất là vị ngọt, ngọt là những cám dỗ, nó tới lượn lờ, lượn lờ hoài mà dễ thương quá, cũng chết. Thứ hai là vị đắng, đói không có gì ăn, bệnh không có thuốc uống, đêm hôm mưa gió lạnh lẽo chỉ có một mình thôi. Nhất là trên núi cao đêm hôm nhìn về phố thấy đèn đóm sáng choang, có những tiếng nhạc xa xa nghe Vũ Thành An hát ở dưới "Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu", buốn chết! Mà qua được cái đó là vị đắng của đời tu. Đắng đáng sợ, ngọt đáng sợ nhưng có cái vị thứ ba, bậc 'thầy', đó là vị lạt. Vị nhạt đó. Nó không phải là cám dỗ, không phải là sự thử thách mà là sự buồn tẻ, sự vô vị, sự nhạt nhẽo của đời tu. Có những ngày mình thức dậy không biết làm gì, mình đi đâu, không biết gặp ai. Ngày còn trẻ tôi sợ những buổi sáng như vậy lắm nhưng mà bây giờ tôi già rồi tôi lại khoái những buổi đó. Các vị nên xăm câu này lên người "Ngày vô vị có nghĩa là ngày vô sự." Có hiểu chữ vô sự không? Là không có gì phải âu lo hết. Có những ngày cơ thể nó không có kiếm chuyện là mình mừng. Một ngày nào đó không có những cú phone kiếm chuyện, quấy rầy là mình mừng. Khi mà thấy vô vị là hôm nay mình phải mừng vì không có chuyện gì để lo. Có một ngày nào đó quý vị thấy không có chuyện để lo nó còn quý hơn có chuyện để vui, vì đằng sau cái vui luôn là vị đắng. Lão tử nói "Đằng sau hạnh phúc luôn là đau khổ." Mặc dù đằng sau cái khổ luôn là hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây chưa chắc là cái đau khổ đem lại hạnh phúc, có điều là cái gì nó xuốngtận cùng thì nó phải thay đổi. Có cái bà đó 48 tuổi bả đi coi thầy bói. Bả hỏi: "Đời tôi khổ quá, chừng nào tôi mới hết khổ?". Thầy bấm bấm tay, ổng nói: "Hai năm nữa hết khổ". Bả hỏi: "Thiệt không?". Ổng nói "Đúng rồi. Vì khổ riết nó quen rồi!". Sẽ có một ngày quý vị thấy rằng không có chuyện gì là một cái may mắn. Dầu không có chuyện gì vui cũng là cái may mắn bởi vì không có gì vui mà cũng không có gì để lo, còn tốt hơn là có chuyện lo, tốt hơn là đằng sau cái vui đó mình phải trả một cái giá.

Chính vì hiểu hết như vậy nó mới lòi ra hạng người thứ ba. Họ xoay lưng lại với hạnh phúc thế gian để làm chi? Để họ tránh cái đau khổ thế gian. Người hành thiền quay lưng lại với hạnh phúc thế gian để tránh đi những nỗi khổ, niềm đau do thế gian mang lại. Người không học Đạo không biết được công thức này. Khi ta không quay mặt với cái hạnh phúc thế gian, tôi phải nhấn mạnh bốn chữ "hạnh phúc thế gian", thì ta phải chấp nhận cái đau khổ của thế gian vì tụi nó là một cặp không rời nhau. Các vị có tin chuyện đó không? Hạnh phúc thế gian luôn luôn gắn liền với đau khổ của thế gian. Cho nên người tu thà phải chia tay hạnh phúc thế gian để không phải chịu cái đau khổ của thế gian. Thà là chịu cái đau khổ của người tu nó tốt hơn. Đau khổ của người tu là gì? Là thiếu cái này, thiếu cái kia, thấy nó vậy đó nhưng mà nó lại là ngọt, nó là cái vị đắng có hậu, hậu ngọt. Nhưng hạnh phúc thế gian là ngọt trước mắt nhưng mà nó đắng cái hậu. Và tôi đã nói ba ngàn lần. Tất cả hạnh phúc trên đời đều đến do một trong hai nguồn sau đây: một là có cái gì đó và hai là không có cái gì đó. Và tất cả đau khổ trên đời này cũng đến từ hai nguồn là có cái gì đó và không có cái gì đó. Đúng không? Tôi bảo đảm là không hề có cái nguồn thứ ba. Các vị về gác chân lên trán nghĩ coi có không, không hề có. Tất cả hạnh phúc trên đời đều chỉ đến từ hai nguồn đó thôi. Một là do có cái gì đó, hai là do không có cái gì đó. Đau khổ và hạnh phúc đều từ do hai cái nguồn đó. Và từ đó tham và sân nó cũng có hai thứ. Tham là thích, là vui. Một là mình ham thích có được cái gì đó. Hai là mình muốn đừng có cái gì đó. Cả hai đều là tham hết. Và sân, bất mãn nó cũng đến từ hai cái. Một là mình bất mãn là vì mình không có được cái mình thích. Hai là mình tránh không được cái mà mình ghét. Tôi muốn ôn tới ôn lui, chừng nào nó nhão nhừ quý vị chán luôn. Có bao nhiêu đó. Tất cả hạnh phúc đều đến từ hai nguồn, có hoặc không có cái gì đó. Và từ đó tâm tham của chúng ta nó cũng đến từ hai nguồn đó là do tránh được cái mình ghét và có được cái mình thích. Và bất mãn cũng đến từ hai nguồn đó là tránh không được cái mình ghét và không có được cái mình thích. Chỉ có bao nhiêu đó. Chỉ có cái thích ghét mà nó tạo ra đau khổ và hạnh phúc. Mà cái thích ghét nó đi ra từ ba cái nãy tôi nói trên đây. Đó là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Bây giờ các vị càng thấm dần dần thì ra Phật dạy mọi thứ ở đời do duyên là vậy đó. Tất cả đều là composition, là transition, là giả tạm, là lắp ghép, là lắp ráp, là ghép nối. Không có cái gì mà nó thuần nhất, tất cả đều do duyên mà ra. Ngay bây giờ mình không phải là hành giả mình nói "Ồ, chuyện đó bình thường, tôi hiểu, có gì đâu hay." Không đâu. Khi nào bà con hành thiền, bà con sống chậm với chánh niệm, bà con mới nhớ lại những bài giảng này bà con mới hiểu cái sự gọi là buồn cười của cái mình vẫn gọi là hạnh phúc. Nó rất là tạm bợ, rất là mong manh. Mình gọi nó là cái bàn bốn chân, nhưng chỉ cần nó mất đi một chân thì không đứng được. Cái bàn ba chân mất đi một chân là không đứng được. Còn mình mất hết chân cũng còn được cái xe lăn, đúng không?

Nói đến chân cẳng tôi nhớ một chuyện nữa. Ở trên đời nhiều khi mình càng có nhiều điều kiện mình càng lệ thuộc nhiều mà thôi. Như tôi từng kể chuyện này. Một lần đó các loài vật có một buổi party. Tụi nó mới cử một con đi mua đồ. Thì con rít được cử đi vì nó chân nhiều. Tụi nó chờ hoài chưa thấy con rít đi. Đến hồi tụi nó ra thấy con rít đang mang vớ. Mình tưởng chân nhiều là nó đi nhanh. Đúng, nó sẽ đi nhanh nhưng mà trước mắt nó phải mang vớ nhiều quá. Mà nhất là khi tụi nó hỏi "Sao mày mang chậm quá?" - "Kiếm vớ cùng màu!" Cho nên quý vị đừng tưởng quý vị có nhiều điều kiện là quý vị ngon. Đừng tưởng quý vị đẹp, quý vị giàu, có vợ đẹp, con ngoan, nhà lầu, xe hơi, sức khỏe, nhan sắc là quý vị ngon. Sai. Coi chừng có càng nhiều cái nó không phải là phương tiện mà là những trở ngại. Xấu một chút là đã đi chùa được rồi! Đằng này lại ngó được quá. Nên khi sắp đi chùa thì nó gọi điện thoại tới nó dê, nó rủ đi chỗ này chỗ kia. Có nhiều thằng mình không có gan từ chối. Có nhiều cô tội nghiệp lắm vì có cái tật là không từ chối được đại gia. Cho nên xấu một chút là đời nó yên rồi. Rồi nói tại sao mà hồng nhan bạc phận, mặc dù thường xuyên là bạc ... triệu. Tại sao hồng nhan bạc phận? Vì đời con gái đẹp nó quá nhiều chọn lựa, mà cái khuynh hướng tâm lý của mình thường chọn sai. Muốn thử không? Làm một chùm chìa khóa hơi giống nhau dùm tôi. Bảo đảm luôn luôn khi mở cửa mình là mình chọn chìa sai. Có để ý cái đó không? Con nít khi nó mang vớ luôn luôn nó mang trật bên trái bên phải. Nó lạ lắm. Cái khuynh hướng con người mình là luôn luôn lựa chọn sai. Người Mỹ họ định nghĩa chữ 'luxury' là gì? Là đời sống có nhiều chọn lựa. Nhưng mà thường chúng ta chọn lựa sai. Hiểu hết mấy cái điều tôi vừa nói nó mới lòi ra cái hạng thứ tư.

Hạng thứ ba là nó thấy nhóm một, nhóm hai khổ quá. Nhóm một thì khỏi nói rồi, còn nhóm hai nó còn quẩn quanh trong cảnh giới của nhóm một. Thế là họ vùi đầu trong thiền định, họ tu tập thiền định. Họ sanh về cõi Phạm Thiên, hết thời gian ở đó họ sanh trở xuống, mọi sự lại như cũ. Cái cảnh giới Phạm Thiên, thời gian tu tập thiền đình giống như một viên sỏi ném xuống ao bèo cám vậy. Bèo dạt ra rồi nó liền lại như cũ. Trong cái dòng chảy luân hồi miên viễn thiên thu đó, vài tỷ năm chỉ là một nháy mắt thôi, các vị có biết không? Một nháy mắt thôi. Thời gian có hai thứ, thời gian tâm lý và thời gian vật lý. Thời gian vật lý là thời gian mình có thể cân đong, đo đếm bằng đồng hồ. Có một thời gian thứ hai đó là thời gian tâm lý. Mình muốn thấy nó lâu thì nó lâu, mình muốn thấy nó mau thì nó mau.

Có quý Phật tử hỏi tôi "Con đi nghe Pháp con muốn nguyện thành Phật lắm. Một là con thỏa được cái trí tò mò muốn biết tất cả. Thứ hai là con cũng muốn có lòng giúp chúng sinh. Con muốn nguyện thành Phật mà con thấy thời gian nó lâu quá đi. Sư cho con một gợi ý để con đủ cái gan để con đi, đi trong thời gian dài như vậy để con đừng có sợ." Tôi nói: "Tôi không phải là Phật, tôi không phải là Bồ Tát. Tôi không có tư cách để nhắc anh, nhưng nếu anh muốn tôi chỉ giúp anh một câu thôi". Ổng nói "Con muốn trở thành Phật quá mà con thấy lâu quá Sư ơi! Gì mà mấy chục A Tăng Kỳ tùm lum hết." Tôi hỏi "Giờ anh biết nó khó không?" - "Con biết, nhưng sao mà thấy nó đừng có lâu là được rồi". Tôi hỏi ảnh thế này "Mấy chục A Tăng Kỳ nó lâu thiệt nhưng mà bây giờ tôi hỏi anh nha. Nếu bây giờ anh được sanh về một cảnh giới nó sướng như tiên, anh ở trên đó suốt hai chục A Tăng Kỳ rồi sau đó anh đời đời bị chìm vào hỏa ngục, thì hai chục A Tăng Kỳ nó lâu hay mau?". Dĩ nhiên là quá mau. Cũng vậy, một người mà chịu khổ để mà thành Phật, đồng ý mấy chục A Tăng Kỳ nó lâu thiệt nhưng sau đó thì vĩnh viễn không còn luân hồi nữa. Một bên thì mất hai chục A Tăng Kỳ rồi cuối cùng vĩnh viễn không luân hồi nữa, lấy ha chục mà đổi lấy cái vĩnh viễn thì nó cũng đáng, đúng không? C

Có một lần tôi nói đừng bao giờ tự hào tự đắc với cái mình biết bởi vì cái mình biết so với cái mình không biết nó nhỏ hơn hạt cát trên sa mạc. Bởi vì cái hạt cát nó là limit, mà sa mạc cũng limit, sa mạc mình tính được diện tích của nó mà. Nhưng mà cái mình không biết thì unlimit. Cho nên dầu mình có tám cái bằng tiến sỹ đi nữa thì mình cũng không nên tự đắc. Thứ nhất, cái mình biết nó không bao nhiêu hết, nhiều lắm mình chỉ hơn mấy đứa dở hơn mình thôi. Cái thứ hai, cái này tôi nói các vị mới thấy khiếp. Bất cứ một lãnh vực nào dầu các vị có bằng tiến sỹ thì kiến thức của vị tiến sỹ đó chưa thấm vào đâu so với cái tận cùng của lãnh vực đó. Thí dụ, các vị biết đây là một cái dùi chuông bằng gỗ Mahogany hay là gỗ Teak. Các vị nghĩ đơn giản là một ông tiến sỹ ổng hiểu hết cái này. Sai. Nó có bao nhiêu chuyện liên hệ với cái này các vị biết không? Thí dụ, như là ảnh hưởng của nó với điện từ. Thứ hai, nó được sinh trưởng từ vùng đất nào? Tại sao vùng đất A không có mà vùng đất B có? Vùng đất A nó có cái gì mà mọc được cây này, vùng đất B không có cái gì mà không mọc được loại cây này? Và cái cây này nó thuộc về cái họ nào, cái family của nó có bao nhiêu cây khác? Cây nào có thể mọc ở nhiều nơi và cây nào cũng family đó mà mọc ít hơn, tại sao? Rồi thời nào người ta biết xài chuông mà mới có cái dùi này? (xem tiếp bài Cái Dùi Chuông)

Trích Cấu Trúc và Vận Hành của Thế Giới (2)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép.


Bài Học Cho Ngàn Thế Hệ | | Giải Thoát

Tu Kiểu Trái Ô Môi | | Nghiệp Duyên

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com