Nghiệp Duyên

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Nghiệp Duyên

Theo trong Phật Pháp một cái tâm thiện gồm nhiều trường hợp. Có tâm thiện hờ hững và có cái tâm thiện hào hứng. Tâm thiện hờ hững gọi là tâm thiện thọ xả. Tâm thiện hào hứng thì gọi là tâm thiện thọ hỷ. Có những tâm thiện do bị tác động, còn có trường hợp tâm thiện tự phát. Một trường hợp nữa là tâm thiện có trí tuệ đi cùng hoặc là trường hợp không có trí tuệ đi cùng. Đó là sáu trường hợp. Sáu trường hợp của cái tâm thiện.

Nhắc lại có cái tâm thiện hờ hững và có cái tâm thiện hào hứng là sao ? Có nhiều khi mình gặp những cái chuyện mình cũng muốn làm, nhưng cái muốn nó không có gì vui vẻ hết. Mình dừng xe ở đèn đỏ, mình thấy có người homeless họ tới họ xin tiền, thì mình cũng lấy tiền mình cho nhưng mà nó không hào hứng. Nhưng có những lúc mình cũng cho, nhưng mình cho với tất cả sự hoan hỉ, thì cái đó được gọi là tâm thiện hào hứng. Tôi rất ít dùng những từ chuyên môn.

Rồi tâm thiện có tác động và tâm thiện tự phát là sao? Đó là khi mình phải suy nghĩ đắn đo, tới lui, rồi mình mới làm. Tiếng Việt Nam mình có cái chữ "cân nhắc" và chữ "do dự". Hai chữ này khác hay giống nhau? Cái nào tốt cái nào xấu? Trước khi làm một việc gì đó mình phải có cân nhắc, cái đó gọi là "hợp trí", còn do dự là "hữu trợ". Hợp trí là gì? Là cân nhắc trước khi mình làm việc gì. Mình xem coi cái việc mình làm đó về không gian chỗ này có thích hợp không? Về thời gian lúc này có thích hợp không? Về đường lối là cái cách thức này nó có thích hợp không? Đó được gọi là có cân nhắc. Còn do dự là mình có nên làm hay không.

Người không học đạo họ chỉ nghe tới "nhân nào quả nấy". Họ chỉ hiểu một cách rất là nghèo, rất là đại khái. Nhân nào quả nấy nghĩa là làm ác thì bị khổ, làm thiện thì được vui. Đó là nhân nào quả nấy, đúng không?

Nhưng những người học A tỳ đàm họ nghe nhân nào quả nấy họ hiểu sâu hơn. Nhân nào quả nấy có nghĩa là nếu mình làm thiện bằng tâm hờ hững thì đời sau mình sanh ra làm cái người không có được lạc quan lắm. Còn mình làm phước bằng cái tâm hợp trí, làm tâm mà tâm cân nhắc, thì đời sau sanh ra rất là nhiều trí, rất là thông min . Người làm thiện bằng cái tâm lạc quan vui vẻ, thì đời sau sanh ra là người lạc quan vui vẻ. Người làm phước bằng cái tâm do dự đời sau sanh ra chậm chạp. Người làm phước bằng cái tâm mau mắn thì đời sau sanh ra rất là mau mắn. Phải hiểu như vậy mới được gọi là nhân nào quả nấy. Hiểu rốt ráo thì phải hiểu chi tiết như vậy. Còn nhân nào quả nấy mà hiểu theo cái kiểu nhà nghèo, hiểu là làm ác thì bị khổ, làm thiện thì được vui thì cũng đúng nhưng mà nó nghèo quá.

Hôm nay chúng ta cùng một lúc làm một việc giống nhau, đó là chúng ta cùng bố thí một bữa ăn, chúng ta cùng tụng kinh, cùng nghe pháp, cùng ngồi thiền. Nhưng điều thứ nhất là cái chủ ý có giống nhau hay không. Về chủ ý thì chúng ta lọt vào trường hợp nào trong 4 trường hợp: đó là nghiệp đọa lạc, hay thiện nghiệp hữu lậu, hay thiện nghiệp vô lậu? Đó là một chủ ý. Thứ hai nữa cái loại tâm thiện đó nó thuộc vào cái nhóm nào trong 3 nhóm vừa kể: Thứ nhất về cảm xúc nó là hào hứng hay hờ hững? Thứ hai nó có trí tuệ đi cùng hay không? Thứ ba nó có tác động hay tự phát?

Vì cái kiểu tâm thiện nào nó cho ra cái quả như vậy cho nên chúng ta thấy bao nhiêu người trong thiên hạ sanh ra đời này thì cái mặt không có giống nhau, bởi vì mỗi cái tâm thiện, tâm ác của họ không giống nhau. Hoa hậu 2019, hoa hậu 2018 nó không giống nhau. Ngay cả trong kinh nó Chư Phật Chánh Đẳng Giác đều có 32 hảo tướng như nhau, nhưng một ngàn phần trăm là nét mặt của vị Chánh Đẳng Giác không có giống nhau. Thì quý vị nói khác kiểu nào, thì tôi nói như Lương Triều Vỹ và Lưu Kiến Hoa đều đẹp. Thầy Minh Niệm và thầy Pháp Hòa đều đẹp. Nhưng không giống nhau. Cho nên mình nói 2 Thầy đều đẹp lắm, đẹp lắm nhưng mỗi Thầy có mỗi cái truyền cảm khác nhau. Tại sao có tình trạng đó? Là bởi vì cái tâm thiện của 2 người đều có điểm xích xê tối thiểu. Tại sao có điểm xích xê đó? Là tại vì khác một tí đời này, sẽ dẫn đến khác muôn trùng của đời sau.

Ở đây, có ai học vật lý, hình học thì biết. Trong cái hình tròn 360 độ nó chỉ lệch 1 chút là nó đi xa ngàn dặm, đúng không? Đều xuất phát từ một tâm mà chỉ lệch đi nữa độ là văng tít ra ngoài vũ trụ. Nửa độ là không thấy nhau trong đời. Cho nên cùng xuất phát cùng 1 điểm, cùng một tâm, mà lệch một chút thôi. Cho nên chỉ khác nhau một điểm nhỏ thôi, thì điểm nhỏ ấy nó trở thành một nền tảng lớn cho sự khác biệt ngàn trùng của ngày sau.

Ví dụ nếu tôi làm phước bằng cái kiểu tùy hứng, người ta rủ thì làm chứ không nghĩ ngợi gì hết. Thì đời sau sanh ra tôi rất là giàu có nhưng mà lại rất là chậm chạp. Và cũng cùng bố thí 1 bữa ăn, mà có người đời sau sanh ra giàu và khỏe mạnh, có người giàu và thông minh. Tại sao vậy? Vì mình bố thí mà mình có suy nghĩ thì đời sau sanh ra mình vừa giàu có vừa thông minh. Còn mình bố thí 1 bữa ăn mà mình nghĩ "ăn cái này tốt cho sức khỏe" thì đời sau sinh ra mình rất là giàu có nhưng mình chỉ được cái khỏe mạnh thôi. Cái suy nghĩ nó lệch đi một chút là vậy.

Trong kinh nói có 2 vị cư sĩ đến cúng dường Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassī). Hai vị nhà đều nghèo. Nghèo đến mức không có gì để cúng dường. Một người đi ra sông hốt cát, hốt về rãi lên cái chỗ họ thấy là Đức Phật sẽ ngồi. Còn ông kia ổng hốt cát ổng rãi chỗ mà Đức Phật sẽ đi. Rồi đời sau sinh ra cái ông mà rãi cát chỗ Phật đi, ổng được thoải mái về vấn đề phương tiện đi lại, còn cái ông ổng rãi cát chỗ Ngài ngồi, ngày sau ổng được chăn êm nệm ấm, giường cao chiếu rộng. Nó lệch có chút xíu. Mà 2 ông đều xúc cát hết, mà một ông thì giường cao chiếu rộng, còn một ông thì xe thuyền đi lại. Nếu ông đó mà ổng sanh bây giờ thì ổng toàn chạy Rolls-Royce không thôi. Còn ông kia thì chăn êm nệm ấm. Đó là nó chỉ nhích một chút xíu thôi đó.

Từ đó nó dẫn đến cái chuyện nếu mình làm phước nó khác nhau một chút, tới lúc mình tu hành nó cũng khác nhau một chút. Có những vị Sư phước lộc rất là nhiều, Phật tử họ thương họ cúng dường nhiều lắm, nhưng mà sức khỏe lại yếu. Có vị không được người ta cúng dường nhiều nhưng sức khỏe rất là tốt. Thì khi tu học nó khác không? Khác chứ! Cái ông mà được người ta cúng dường nhưng bị bệnh hoài cái chuyện tu học của ông phải khác cái ông cúng dường ít mà cơ thể khỏe mạnh. Đúng không? Các vị thấy ghê chưa? Chưa hết. Hai ông đều khỏe mạnh như nhau, nhưng một ông thì chậm, ông kia thì nhanh. Thì hình như họ tu có hơi khác nhau đúng không?

Chưa hết. Hai ông, một ông vui vẻ lạc quan, còn một ông cái mặt ổng lúc nào cũng như bị bón vậy. Hai ông cùng đi thuyết pháp thì cái tác động lên quần chúng khác nhau. Cái ông mà cái mặt lúc nào cũng lạnh ngắt cái tác động của thằng chả lên người nghe nó không giống với cái ông mà vui vẻ.

Vì vậy mà cái chuyện quý vị làm phước trong vui vẻ hào hứng đó nó không chỉ ảnh hưởng cho mình riêng kiếp này mà còn kiếp sau, không những cho mình mà còn cho bao nhiêu người khác nữa. Có đúng vậy không? Mà chỉ có cái chuyện chút xíu là khi mình làm phước mình mình hào hứng hay mình hờ hững. Chỉ có chút xíu vậy thôi mà nó lây lan ra toàn vũ trụ. Thấy ghê chưa?

Cho nên các vị biết cái học thuyết ao bèo, các vị biết học thuyết Domino, học thuyết vết dầu loang, mình tưởng là nó chỉ bên chính trị, bên kinh tế. Nhưng không đâu, nó có trong đời sống thường nhật của chúng ta đó. Nó phảng phất mọi nơi và mọi lúc, nó lớn chuyện lắm chứ không phải không.

Và cái nghiệp duyên là gì? Nghiệp duyên là lực tác động từ cái chủ ý trong hành động. Lớn chuyện lắm. Chính cái đó nó quyết định chúng ta đời sau sẽ ra sao. Nó sẽ ra sao thì cái mức ảnh hưởng của chúng ta nó sẽ theo đó mà ra sao. Do chủ ý trong mỗi hành động của ta ra sao mà mai này ta sẽ ra sao. Khi ta sẽ ra sao thì cái ảnh hưởng của ta đối với người khác nó cũng theo đó mà ra sao, một cách tương ứng.

Ví dụ khi mình sanh ra mà mình làm trái sầu riêng thì cái ảnh hưởng của mình với thế giới nó khác khi mình làm cái trái chôm chôm. Thằng nào nó cũng xù xì, củng tua tủa, nhưng sầu riêng nó khác chôm chôm. Cái đó được gọi là nghiệp duyên.

Mỗi duyên ở trong 24 duyên, nếu mình học kỹ một chút thì mình mới thấy toàn bộ nó có mặt trong đời sống, chỉ cần một duyên thôi. Toàn bộ con đường tu tập giải thoát cũng lệ thuộc vào một chữ duyên đó thôi. Mà Phật cho mình tới 24 duyên lận. Hơi bị nhiều. Trong đó có cái cái nghiệp duyên nó quan trọng lắm, rất là quan trọng.

Trích bài giảng Quả Duyên và vật Thực Duyên
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép


Diệt Đoạn | | Vết Chai Tâm Thức

Số 3 | | Cà Phê Tuyết

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com