Phòng Thử Đồ

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Phòng Thử Đồ

Tất cả công phu tu tập của chúng ta hoàn toàn chỉ là có sự có mặt của chánh niệm và trí tuệ. Ở đây không có thằng nào tu hết. Luôn luôn phải nhớ rằng ở đây chỉ có chánh niệm và trí tuệ đang làm việc. Làm việc với cái gì? Làm việc với sáu trần. Hết. Đang đau biết rằng 'cơn đau đang có mặt' chứ không phải là 'tôi đang đau'. Đang bực mình thì biết rõ rằng 'tâm sân đang có mặt' chứ không có nên ghi nhận là 'tôi đang bực mình'. Là sai. Mặc dù nhiều cuốn sách ghi khác. Họ ghi thì kệ họ nhưng trong nguyên tắc của Tứ Niệm Xứ kị 'cái tôi', kị khái niệm 'tôi', 'tôi là', 'của tôi'. Khái niệm 'Đây là tôi', 'Đây là của tôi', 'Tôi là cái này', 'Cái kia là tôi' là không được. Cái tỉnh thức vô ngã rất là khó. Phải là người có căn lành có ba la mật mới làm được cái đó. Chứ còn mình làm được cái gì hay hay là mình thấy mình hay, mình làm được cái gì đẹp là mình thấy mình hay. Cái đó là sai. Muốn thoát khổ chuyện đầu tiên là gì? Anh phải thấy mọi thứ là khổ kể cả ý niệm 'tôi là'. Tất cả mọi cái khổ đều đi ra từ cái ý niệm 'tôi là'. Khi mình thấy 'mình là cái gì đó' và 'cái gì đó là của mình' thì bắt đầu mình thấy mình quan trọng.

Một cọng rơm, một tờ giấy nó rơi từ trên lầu xuống nó không bị tổn thương. Nhưng mà một cái tô, một cái chén hoặc là một con người rơi từ trên lầu xuống là mình sẽ bị bể, sẽ bị vỡ. Tại sao vậy? Tại nó nặng nề, dễ vỡ. Vậy khi mình coi mình là một cọng rơm, một tờ giấy mình sẽ không bị tổn thương, không bị làm đau. 'Cái tôi' nó càng nhỏ thì khả năng bị tấn công nó ít đi. Tôi đưa một sợi chỉ lên thì khả năng bị ném đá rất là thấp. Còn tôi đưa nguyên cái mặt tôi ra thì khả năng trúng đá rất là cao. Đúng không? Hiểu không? Biết vậy mà đứa nào cũng thích cái tôi nó bự chần dần hết. Tôi là bác sĩ, tôi là pháp sư, tôi đi đâu ai cũng phải biết tôi. Nhưng mà tôi quên rằng cái mặt tôi càng nhỏ thì khi bị ném đá nó khó trúng lắm.

Có một ông quan đó đến thăm một vị thiền sư. Ổng viết một danh thiếp thế này "Trần Công Triển, Án Sát, Ngự Sử kiêm Tổng Trấn Tô Châu". Ổng đưa cho thị giả trình cho thiền sư. Thiền sư nói là "Ra nói với cái ông này cái am thầy chật lắm không chứa nhiều người được." Thì ông thị giả ra đưa cho ông quan "Sư phụ nói cái am chật lắm không có chứa nhiều người". Ổng nói "Không. Có một mình tui à!" - "Để tôi chạy vô tôi hỏi" - "Sư phụ..." - "Không, đã nói rồi. Ở đây chật lắm không có chứa nhiều người, sao mà lì quá vậy?" Thì ông quan ổng nghe ổng hiểu, ổng kêu thị giả đưa danh thiếp lại. Ổng gạch cái rẹc, rồi ghi "Thiện nam Lê Văn Tèo". Ổng đem vô đưa thì thiền sư nói "Ờ, vậy thì được." Có nghĩa là nào là tổng trấn, ngự sử, án sát, nhiều quá đi, cái am có bao nhiêu mà nó đem cùng một lúc ba bốn thằng vô, nó nhiều quá. Hay ở chỗ đó.

"Khi con đến với Đạo con phải buông con người cũ của con, con phải trụi lũi, trống trơn, trần trụi thì thầy mới có cái thầy cho con được". Muốn cho con cái áo mà con mặc mười tám lớp thì con mặc chỗ nào? Tại sao có 'fitting room' (phòng thử quần áo)? Tại vì vô trong đó anh phải lột trụi lũi anh mới thay đồ được đúng không? Chứ nếu không có 'fitting room' anh có dám đứng trụi lũi ở ngoài đường không? Khi không dám thì anh thử đồ không chính xác. Đúng không? Muốn chính xác là phải trụi lũi mà muốn trụi lũi thì phải có 'fitting room'. Thiền viện chính là 'fitting room'.


Trích bài giảng Cấu Trúc và Vận Hành của Thế Giới (3)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Thánh | | Bhavanga

Cà Phê Tuyết | | Ni Miến

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com