Vẽ Rốn Con Nhện

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Vẽ Rốn Con Nhện

Người đắc sơ thiền - tầng thiền thấp nhất - thì việc đầu tiên là không còn năm triền cái. Đó là ly dục, vô sân, không còn buồn ngủ, không còn ray rứt chuyện cũ và không còn hoang mang, nghi hoặc. Tất cả là năm. Một là không còn thích gì, hai là không còn ghét gì, không còn buồn ngủ lười biếng, bốn là không còn hoang mang nghi hoặc, và cũng không còn ray rứt chuyện cũ. Cái này rất là sâu. Tại sao có cái vụ "ray rứt chuyện cũ"? Trong kinh nói ray rứt chuyện cũ nó gồm có hai. Một là ray rứt tại sao ta đã nói, đã làm cái chuyện đó. Thứ hai ta ray rứt là tại sao ta không chịu làm, không chịu nói cái chuyện đó ra. Các vị đừng coi thường cái này. Hồi tôi còn trẻ tôi đọc trong các thứ phiền não thì cái ray rứt chuyện cũ tơi thấy nó đâu có cái gì ghê gớm. Mà bây giờ tôi mới hiểu.

KTC 6. 9. 73. Thiền
Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu? Dục tham, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi, không như thật khéo thấy với chánh trí tuệ các nguy hại trong các dục. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được và an trú sơ thiền.
AN 6. 9. 73. Paṭhamatajjhānasuttaṃ
‘‘Cha, bhikkhave, dhamme appahāya abhabbo paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharituṃ. Katame cha? Kāmacchandaṃ, byāpādaṃ, thina, middhaṃ, uddhaccakukkuccaṃ, vicikicchaṃ. Kāmesu kho panassa ādīnavo na yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭho hoti. Ime kho, bhikkhave, cha dhamme appahāya abhabbo paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharituṃ.

Tôi hỏi thiệt bà con, khi bà con ngồi nhớ lại chuyện cũ bà con có tiếc nuối không? Tiếc nuối rằng tại sao mình làm như vậy và tại sao mình không chịu làm như vậy, có không? "Dạ có Sư". Ở trong mấy sách thiền họ có dạy kinh nghiệm này hay lắm.

Mọi khi hành giả vẫn tu thiền ngon lành. Tự nhiên bữa đó xếp cái chân vô nó không có tập trung được. Hồi giờ đi kinh hành bước ba bước là chánh niệm nó vô rồi, bữa nay bước cả buổi nó không có vô, ngồi cả buổi chánh niệm nó không có vô. Nó cứ phân tán thì hành giả nên xét cái này. Nó có nhiều nguyên nhân. Có thể là ta đi xa mới về, chánh niệm nó bị mất. Thứ hai là ta phải xét đến những lý do sau đây. Một, ta có hứa ai cái gì mà mình chưa làm. Khi mình hứa mình không làm thì trong tiềm thức nó cứ treo toòng teng cái đó hoài. Hai, mình có xúc phạm ai đó mà mình chưa xin lỗi. Lúc mình không có tu cái chuyện đó nó không có để lại dấu ấn tâm lý. Nhưng mà đối với một người có tu tập mấy cái đó nó lớn chuyện lắm. Vì sao? Vì trong kinh nói cái tâm người tu tập nó như một cái tấm vải trắng vậy, nó bị một chút xíu là nó ố liền. Trong khi đó, nói xin lỗi, mình không có tu nên cái tâm mình như cái nùi giẻ vậy. Có chuyện gì xảy ra mình không biết bởi vì nó là cái nùi giẻ, nó tận cùng rồi. Nhưng khi mình là một tấm lụa trắng thì nó chỉ cần tí ti là để lại một dấu ấn, ấn tượng, một vết hằn trên đó. Cho nên bây giờ mới thấy cái tâm của người tu nó ghê gớm hơn người không tu cỡ nào.


Video trích từ bài Cấu Trúc và Vận Hành của Thế Giới (2)
giảng tại Houston ngày 20.01.2020.

Tại sao mình ngồi tu thiền mình nghe đau tùm lum? Không nên buồn mà phải nên mừng. Là vì trước đây mình sống lăng xăng như con khỉ vậy, mình không có biết được cái gì đang xảy ra hết rồi mình tưởng mình không có đau. Sai, sai rồi. Khi mà nó lăng xăng thì chuyện gì xảy ra mình không có biết. Bởi vậy bà con ngồi yên lại dùm tôi. Bà con sẽ thấy nó kiếm chuyện tùm lum hết.

Mọi khi nó vẫn kiếm chuyện mà tại cái đầu mình nó "phiêu lãng cuối trời" nên mình không biết, mình thường xuyên "vắng nhà", luôn luôn "vắng nhà". "Vắng nhà" là không có chánh niệm. Cho nên nhà cháy, trộm khoét tường mình không có biết. Nhưng khi mình sống trong chánh niệm là phát hiện ra đủ thứ chuyện hết. Vừa mới xếp chân vô một phát là nó rêm, nó nhức, nó mỏi, nó giựt, có kiến bò trên mặt, có thằn lằn nó bò lên cột sống.

Có cha hành giả đó chả lên trình sư phụ: "Sư phụ ơi, Sao lúc này ghê quá, mỗi lần nhắm mắt là con thấy nguyên con nhện bự bằng cái chén phóng tới người con. Con khổ tâm quá!" Sư phụ nói "Cái đó phải trị. Con nhện này độc lắm. Cái này phải xài pháp của thầy mới được". Sư phụ mới lấy cây bút lông, nhúng vô mực "Con giữ nguyên vầy, con cầm như vầy. Con ngồi thiền, con cầm chắc trong tay như vậy nè. Nó mà nhảy tới, con vẽ vô cái rốn của nó là nó mất". Anh này ảnh cầm ảnh đi về ngồi thiền như tiểu tử cầm đao vậy: "Chết cha mày rồi. Vô đi con!". Ảnh ngồi nhắm mắt thì lát sau con nhện bự bằng cái chén nó phóng tới, ảnh vẽ vô cái bụng nó. Hôm sau ảnh trình sư phụ: "Sư phụ, xong rồi!". Sư phụ kêu "Vạch áo ra coi". Ở dưới rốn của ảnh có nguyên một vết mực.

Tức là bình thường vì mình phóng tâm nên mình không có biết cái gì hết. Nhưng khi mình bắt đầu vô ngồi thiền nó lòi ra đủ thứ ma chướng. Không có ma nào hết. Chỉ do trong đây (tâm). Nó toàn là chướng nhiều hơn. Chính cái chướng của mình mà nó thành ma.

Trích bài giảng Cấu Trúc và Vận Hành của Thế Giới (2)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Không dễ ngươi | | Cà Phê Tuyết

Ni Miến | | Hai Ông Bùi Giáng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com