Trợ Sinh Và Trợ Lực

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Trợ Sinh Và Trợ Lực

Đời sống tâm pháp của tất cả phàm Thánh nói chung, đều nằm gọn trong hai cấu trúc sau:

  1. Cái biết đơn thuần không thiện ác + 13 tâm sở trung hòa
    + 14 tâm sở bất thiện = Tâm bất thiện

  2. Cái biết đơn thuần không thiện ác + 13 tâm sở trung hoà
    + 25 tâm sở tịnh hảo = Tâm lành.

Tất cả phàm hay Thánh đều có đời sống tâm lý nằm gọn trong 2 cái cấu trúc này.

Ví dụ mình thấy từ một con giòi (tôi lựa cái con thấp nhất là con giòi), hoặc là con giun đất, tới một vị trời Phạm Thiên thì cái khoảng cách rất là lớn nhưng mà thật ra cái cấu trúc tâm pháp nó na ná nhau. Na ná là sao?

Một con giun, một con dế thì cấu trúc của nó là cái biết đơn thuần, trong Pali kêu là citta, là cái tâm, cái mind, cái biết "bare knowing."

Nên nhớ tất cả các tâm dù cho tâm nhãn thức, nhĩ thức, tâm thiện, tâm ác, tâm phàm, tâm thánh, tâm dục, tâm thiền, tâm sắc, tâm vô sắc, thảy đều là biết cảnh hết. Nhưng mà cái tâm ấy được gọi là tâm thiện hay tâm bất thiện, tâm phàm hay tâm thánh là phải dựa trên nhiều điều kiện, nhiều khía cạnh khác nhau.

Hôm nay, các vị đề nghị tôi nói về 2 hệ thống duyên của Phật giáo. Đó là 24 duyên hệ và 12 duyên khởi.

Thì để bắt đầu vào cái bài giảng, bắt đầu vào nội dung của 2 thứ duyên này thì chúng ta tuyệt đối không thể mơ hồ mù tịt về 2 công thức này.

Bởi vì phải dựa vào 2 công thức này thì tôi mới có thể nói cho bà con nghe về hệ thống nghiệp lý của Phật giáo, hay là cái mối quan hệ giữa kiến thức A tỳ đàm và pháp môn Tứ niệm xứ.

Rồi cái chữ duyên với vấn đề tái sinh, cái chữ duyên với vấn đề nghiệp lý, chữ duyên đối với vấn đề tu hành giải thoát. Tôi nói không biết là bao nhiêu lần: "Toàn bộ thế giới này được thiết lập và cấu tạo trên một cái chữ Duyên."

Không có một thứ gì trên đời này ngẫu nhiên mà có. Mọi thứ có được phải dựa vào vô số điều kiện. Ta gọi các điều kiện ấy là duyên.

Duyên gồm có 2 thứ đó là duyên trợ sinh và duyên trợ lực.

Duyên trợ sinh là điều kiện giúp cho cái gì đó từ chưa có được có. Cái đó là duyên trợ sinh. Ví dụ như là quan hệ mẹ với con. Thì mẹ chính là duyên trợ sinh cho con.

Còn cái duyên thứ 2 là duyên trợ lực. Ví dụ như ông bố. Nghĩa là sau khi có mặt rồi thì mình cần sự hỗ trợ của rất là nhiều điều kiện. Tất cả những điều kiện hỗ trợ ấy được gọi là duyên trợ lực.

Ví dụ như cái hột, mình bỏ một cái hột vào trong cái chậu đất. Thì cái hột đó chính là duyên trợ sinh cho cái cây đó. Nhưng mà cái hột đó mình bỏ vào trong cái chậu đất đó nó có thể phát triển thành cây có hoa, có trái được tự nhiên hay còn cần điều kiện gì nữa không? Nước, nắng, phân, ... Đúng không? Mà nó thiếu oxy cũng không được nữa. Có đúng không?

Mà nếu mình tưới nước vô rồi mình đem mình bỏ vô một cái chỗ mà nó kín mít không sương không gió thì cũng hơi khó để nó lên cây. Bên Thụy Sĩ có lần tôi mua rau om về nấu canh chua. Tôi thấy có mấy cọng mà nó có rễ tôi mới đem bỏ vào trong cái chậu. Tôi hi vọng nó có thể phát triển. Nhưng không được! Nó ốm nhách, xanh lè mà nó dài thòng lòng mà nó không có mùi luôn nữa. Quý vị có hiểu tôi nói không? Tui đã làm rồi, rau răm, rau om tui làm thử rồi. Nó vẫn phát triển nhưng nó phát triển nhìn cho vui vậy thôi. Cái cọng rau om nó mập không nói gì, đằng này nó ốm tong ốm teo mà nó tái nhợt. Cái lá nó như lá me vậy đó. Mắc cười lắm.

Cho nên, mọi thứ ở đời tồn tại có mặt được là nhờ vào 2 chữ duyên tức là 2 cái điều kiện: Điều kiện 1 là điều kiện trợ sinh (janakapaccaya), tức là nó giúp cho cái gì đó có mặt. Cái duyên thứ 2 gọi là duyên trợ lực (upatthambhaka paccaya) , có nghĩa là cái gì đó nó có rồi thì nó phải cần cái sự hỗ trợ.

Như vậy, bây giờ xin hỏi bà con, nếu mà nói như vậy thì tất cả mọi thứ ở đời này đều nhờ đến các duyên. Có đúng không?

Từ vật chất đến tinh thần. Tôi ví dụ như cái chuyện đứa bé từ cái chuyện nó không biết chữ, đem nó vào trong trường cho cô dạy. Thì cái đó là trợ sinh đúng không? Từ không biết chữ dạy cho biết chữ là trợ sinh. Nhưng mà nó có đọc sách báo thêm nữa không? Mà tôi nhớ hình như trong trường Mỹ nó có nhiều loại sách lắm. Mấy loại sách đó bắt buộc sinh viên phải đọc, đúng không? Thì mấy loại sách đó đối với kiến thức của một sinh viên đó chính là duyên trợ lực. Đúng không? Cái bài vở trong "text books" (sách giáo khoa) là khác, còn mấy cái "reference books" (sách báo tham khảo) là khác, nó hỗ trợ rất là nhiều.

Cho nên, mọi hiện hữu trên đời này từ hạt cát cho đến hòn núi, từ một giọt sương đêm cho đến một dòng sông, một cái hồ nước lớn, tất thảy đều phải nhờ đến 2 cái điều kiện hỗ trợ đó là duyên trợ sinh và duyên trợ lực.

Để tạo nên toàn bộ cái thế giới này thì cái yếu tố đầu tiên chính là chúng sinh.

Chúng sinh gồm có 2. Đó là : tâm chúng sinh và nghiệp chúng sinh. Tâm chúng sinh là cái chúng sinh đó là tâm thiện hay là tâm bất thiện. Chính vì cái nghiệp thiện và cái nghiệp bất thiện ấy, chính vì cái tâm thiện và tâm bất thiện ấy, nó mới tạo ra cái quả thiện hay là quả bất thiện.

Tôi nói hoài, thế giới này nó được cấu tạo bởi 2 thứ đó là: hạnh phúc và đau khổ. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là mình có những cái mình thích và đau khổ là phải chấp nhận cái mình ghét. Mà cái gì tạo nên thích và ghét ấy? Một là tiền nghiệp quá khứ, hai là khuynh hướng tâm lý, và ba là môi trường sống. Chính 3 cái thứ này nó làm nền cho cái chuyện mình thích hay là ghét cái gì đó. Từ cái thích và ghét đó nó mới tạo ra cái mà mình gọi là hạnh phúc hay là đau khổ.

Và từ cái tiền nghiệp nó mới dẫn đến cái chuyện là hôm nay mình có mặt ở môi trường nào. Tại sao đều là con rồng cháu tiên mà đứa miền Trung đứa miền Bắc? Rồi tới hồi vượt biển đứa miền Bắc thì nó đi hơi khó hơn đứa miền Nam. Nó lạ lắm. Và khi mình xuất phát bến bãi nào thì mình thường được cái loại tàu nào vớt. Ví dụ khi mình đi phía nam thì mình đi hướng nào mình dễ tắp như Mã lai, Thái lan. Còn mình dân miền Bắc thì mình đâu có tắp vô Mã lai, Thái lan được vậy thì mình tắp vô đâu? Hồng Kông! Thấy chưa? Quý vị thấy chính vì cái tiền nghiệp nó mới đẩy cho anh sanh làm người miền nào, rồi đến cái chuyện vượt biên nó cũng khác nữa. Mà hình như cái số phận của cái số người mà tắp vô cái trại Hồng Kông nó cũng khác cái trại Mã lai nữa. Có đúng không? Mà các cái đoàn cao uỷ nó đến nó thăm 2 cái chỗ này hình như cũng hơi khác nữa. Ngộ lắm.

Cho nên chuyện đầu tiên là tiền nghiệp, nó đưa bà con đi đến góc trời nào trong cái trời đất này. Và ở đó, cái môi trường đó nó lại kích thích cho cái khuynh hướng tâm lý của bà con.

Tôi ví dụ, phụ nữ nào cũng thích quần là áo lụa, phấn son, mỹ phẩm. Tôi giả định như vậy. Nhưng nếu mà do tiền nghiệp chúng ta mang thân nữ mà ở cái xứ nghèo nó hơi khác xứ giàu phải không?

Rồi ở đây tôi nói tôi xin lỗi trước. Tôi giảng tôi không có ý chọc chọc ai hết. Tôi thấy hình như cái đám làm nail hay đi xe hiệu, giỏ xách hiệu, hột xoàn bự. Tôi không biết quý vị có phải học hành tới đâu, giàu có tới đâu không biết mà tôi thấy đi xe hiệu, đeo túi LV là tôi nghĩ dân nail. Nó lạ lắm. Không biết tại sao. Cái người có tính tình gì đi nữa mà cứ hễ đi Mỹ là dính vô ngánh nail, mà xáp vô nail thì sớm muộn cũng phải xài đồ hiệu. Nó lạ lắm.

Cho nên cái môi trường sống rất quan trọng. Đừng nói với tôi là các vị có bản lãnh thế nào tôi không cần biết, chỉ biết là cái môi trường sống nó lớn chuyện lắm. Và tôi còn biết một chuyện nữa, tôi cũng xin tạ lỗi cùng với người có vấn đề. Đó là vấn đề giới tính, người mà "hi-five". Theo trong kinh nói có 2 trường hợp mà mình là gay. Trường hợp 1 là bẩm sinh, mẹ đẻ ra là đã như vậy. Còn trường hợp thứ 2 mới tan thương: do môi trường. Tôi ví dụ như nghề nghiệp. Nam mà nhào vô làm ba cái makeup, rồi fashion designer tiếp xúc với ca sĩ đó. Mà sao nó sáp vô từ thẳng cái nó qua cong luôn mà nó không có hay. Tới lúc mà nó mắng "Cái đồ quỷ sứ!" là coi như xong rồi. Nó mắng "Đồ quỷ sứ!" là thua rồi. Có đúng không? Cho nên, Thương con muốn con thẳng, không muốn con cong thì tốt nhất cho con làm cái nghề mà nó khỏi va chạm chỗ đó. Những đứa bé trai mà lớn lên trong cái môi trường mà quá nhiều nữ, lớn lên nhìn quanh chỉ thấy mẹ, dì, chị, thì nó cũng khó thẳng lắm. Chưa kể có những gia đình mà họ thèm con gái quá mà nó quất một dọc 4 đứa trai nên họ phải tuyển ra một đứa "nghĩa vụ quân sự". Quý vị biết vụ đó không? Họ tuyển ra một đứa trai để mà mặc đồ con gái. Tôi đã gặp rồi. Mà vì sao 4 đứa lại lựa ra thằng đó? Tại sao thằng Tèo, thằng Tí, bé Bọng nó không lựa, trong 4 đứa lựa ngay cái bé Bi để mà giả gái cho nhà vui? Do tiền nghiệp.

Cho nên nhớ cái này rất quan trọng, toàn bộ thế giới này thiết lập trên 2 thứ giả niệm là hạnh phúc và đau khổ. Tại sao tôi gọi hạnh phúc và đau khổ là 2 thứ giả niệm? Bởi Vì 2 thứ này nó có được là do Ảo tưởng. Ảo tưởng là sao? Do tiền nghiệp tôi sinh ra trong môi trường đó, thì tự nhiên tôi có cái thích và cái ghét rất riêng. Tôi có những cái thích cái ghét một số thứ mà không giống cái thích cái ghét của cô này. Rồi vì cái thích ghét của tôi không giống quý vị nên khi tôi được 2 cái thứ mà thích và ghét đó thì hạnh phúc và đau khổ của tôi nó cũng khác với của quý vị, có đúng vậy không?

Tôi thích ăn đồ ăn Ý, khi mà tôi được ăn đồ ăn Ý thì tôi rất là hạnh phúc. Nhưng mà có những người họ không có ăn spaghetti được. Trong số đó có tôi đó. Những người họ mời tôi về nhà họ thương dữ lắm luôn, họ đem ra cái dĩa mà tôi nhìn cái dĩa đó là tôi muốn đứng dậy đi về rồi. Đang đói mà tôi gặp mì Ý mà còn gặp sốt cà là tôi thù dữ lắm. Mà tôi biết có những người họ đang đói bụng mà họ gặp dĩa mì Ý sốt cà là họ điên lên vì hạnh phúc. Còn tôi cũng điên lên nhưng vì tôi tức, tôi ăn không được cái đó.

Cho nên hạnh phúc và đau khổ là 2 thứ giả niệm. Giả niệm là sao? Là bởi vì khuynh hướng tâm lý, tiền nghiệp và môi trường sinh trưởng của anh nó ra sao nên bây giờ anh có những cái thích ghét nó không giống người khác.

Tôi biết trong mấy cụ phật tử mà tôi quen có hai trường hợp đối lập nhau. Có cụ sợ con nít như sợ ma vậy. Các vị có biết không? Đến nhà con gái có mình ngồi đó mà bả nghe con nít nó khóc là bả lắc đầu: "Sư tới con mới tới theo chứ con sợ tiếng này lắm. Con chỉ thăm tụi nó cuối tuần mà con thăm là con xẹt giống như bà xẹt vậy đó. Tới là con đi liền." Bà mà sợ cháu đến mức như vậy. Bả sợ con nít lắm. Bả thích về coi kinh, ngồi thiền, đi park, đi bộ, đi biển. Nhưng tôi biết cũng có những cụ cái gì cũng bỏ hết để chăm lo cho cháu.

Các vị thấy chưa? Tức là khuynh hướng tâm lý nó khác nhau. Có những người trong nhà họ muốn có được càng nhiều đồ càng tốt. Có những người họ thèm khoảng trống. Họ hạnh phúc khi có một món đồ được đem ra. Có người họ hạnh phúc khi có một món đồ được đem vào. Cho nên từ đó nó mới dẫn đến cái này. Có những người họ làm đẹp mặt mày họ bằng cách họ đem vào, có những người họ làm đẹp mặt mày họ bằng cách họ đem ra. Đem ra có nghĩa là họ làm sao cho nó hết nám, hết mụn, nó sạch là xong. Còn đem vào là sao ta? Là bôi thêm lên. Đúng chưa? Tu cũng vậy. Tu có hai cách: tu là đem vào cái gì đó và đem ra cái gì đó. Hạnh phúc và đau khổ cũng vậy. Trên đời này bao nhiều cảnh đời là bấy nhiêu bi kịch. Và tôi xin đoán chắc một ngàn phần trăm với bà con là cái đau khổ của mỗi người là khác nhau lắm. Tôi xin đoán chắc với mọi người rằng là tất cả cái đau khổ tất cả hạnh phúc nụ cười trên hành tinh này nó đều đến từ hai nguồn thôi. Đó là có cái gì đó và không có cái gì đó. Quý vị có đồng ý cái đó không? Phải tuyệt đối đồng ý. Tất cả hạnh phúc cũng đều đến từ hai nguồn là có cái gì đó và không có cái gì đó. Thì cái gì có làm cho mình hạnh phúc? Tôi ví dụ thôi. Là tiền bạc, nhan sắc, sức khỏe, uy tín, tình cảm. Đó là những thứ mình có nó làm cho mình hạnh phúc. Có những cái mình không có mà nó làm cho mình hạnh phúc. Cái gì? Không bệnh, không nợ, không bị vấn đề pháp lý, không bị thù oán, không bị trục trặc về gia đạo. Đúng không? Thì đó là những cái không làm cho mình hạnh phúc. Thì đau khổ nó cũng có hai nguồn y chang như vậy. Có những thứ có nó làm cho mình đau khổ và có những thứ không có nó làm cho mình đau khổ. Thì cứ vậy mà hiểu.

Tôi nhắc lại: Tất cả đời sống của chúng sinh trong đời nó đều được thiết lập trên hai thứ hạnh phúc và đau khổ. Hạnh phúc và đau khổ ấy nó lại dựa vào hai cái điều thích và ghét. Có được điều mình thích thì mình gọi đó là hạnh phúc. Chịu đựng cái điều mình ghét thì mình gọi đó là đau khổ. Mà cái thích ghét nó từ đâu mà ra? Nó do ba cái nguồn là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống.

Và khi mà ta sống chánh niệm là ta giải quyết ba cái này. Tôi hỏi các vị. Chúng ta có thể can thiệp vào cái tiền nghiệp được không? Suy nghĩ kỹ lại đi. Tôi cho mượn một phút. Tôi hỏi một lần nữa. Ba cái đó mình có chuyển được không? Trong cả ba cái, tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống, mình chuyển được cái nào? Đời sống chuyển được. Ta không thể lựa nơi sanh nhưng ta có thể lựa nơi sống. Đó là một cái. Còn cái khuynh hướng tâm lý mình chuyển được không? Thì khi mình thay đổi môi trường là ít nhiều mình cũng thay đổi nó được. Nhưng cái tiền nghiệp mình có thay đổi được không? Nói như thế nào mà tôi gật đầu không dám lắc. Được không? Tôi bày bà con một chuyện: Trong nguyên tắc lý luận, trước khi chúng ta cãi với nhau chuyện gì thì chuyện đầu tiên chúng ta phải có một cái định nghĩa giống nhau. Bởi vì là một chữ đó mà hai người hiểu khác nhau là cãi tới Tết luôn. Có hiểu cái đó không?

Ví dụ như Tôi hỏi: Trưa nay ở đây có gì ăn không? Thì cái chuyện có gì ăn thì người Việt mình hiểu là "cơm". Mà thằng Ý tưởng là "mì", còn thằng Nhật nó tưởng là "sushi". Chưa hết có cái chuyện này nữa. Bữa hổm tôi có nhận được message: "Sư có giận không?" Tôi ngạc nhiên. Tôi mới gọi lại phật tử: "Chuyện gì vậy?" Nó nói: "Con đói bụng quá, sư 'có giận' không?" Thì ra cái chữ “có gì ăn” nó dính liền. Thì lúc đó mới hiểu là chữ "gì ăn" nó ra chữ "giận". Cho nên chúng ta phải hiểu cái nghĩa giống nhau thì mình mới nói chuyện với nhau được. Như vậy tôi nhắc lại lần nữa.

Tiền nghiệp là gì? Là nhân trước. Có bao nhiêu thứ tiền nghiệp?

Không biết? Đó. Thấy chưa? Bây giờ mới thấy tại sao phải học giáo lý. Tại mình tưởng cái đó mình biết rồi. Tôi xin nói bà con đừng có giận. Nhiều người nói bố thí là gì tôi biết rồi, trì giới là gì tôi biết rồi, niệm phật là gì tôi cũng biết rồi. Có người còn ngang nữa: Ngồi thiền là gì tôi biết luôn. Thật ra từ đó giờ tôi đi giảng mấy cái đó tôi chưa gặp người nào trả lời cho tôi về bố thí trì giới mà tôi vừa ý hết.

Cái nạn hiểu không được vấn đề của họ nó rất là nặng. Họ tưởng bố thí là cho, là "to give". Nhưng trong đạo phật mình Bố thí có hai: "to give" và "to give up". Là sao? "Give up" có nghĩa là Buông. Còn "Give" chỉ là Cho. Give up mới là Buông. Mà đa phần là to Give thôi. Bố thí nó có hai cách là bố thí kiểu thả diều và và kiểu thả chim. Bố thí kiểu thả chim là to give up. Nghĩa là buông ra rồi lòng không vướng bận nữa. Đó là "to give up". Còn bố thí kiểu thả diều là "to give", tức là cho mà còn vướng, còn sợ cho hơi nhiều. Có người họ cho tiền tôi xong họ dòm đôi giày tôi đi rồi họ hỏi: "Trời ơi sao sư sang vậy?" Tôi quay qua lại: "Tôi vừa mới giảng xong đó - Cô thả diều chớ không phải thả chim?" Cổ không chịu tìm hiểu là ở đâu Trẫm có cái đôi đó. Cổ không cần biết Trẫm mua hay người ta cho. Bả chỉ cần thấy là mình xài đồ tốt hơn bả là bả phang liền: "Sư xài đồ sang hơn con!" Tôi bực quá tôi quay qua tôi nói: "Cái đó là thả diều đó!"

Trở lại câu hỏi: Tiền nghiệp có bao nhiêu thứ? Có hai. Tiền nghiệp của kiếp này và tiền nghiệp của kiếp sau. Tiền nghiệp của kiếp này mình sửa không được nhưng tiền nghiệp của kiếp sau mình sửa được. Tiền nghiệp kiếp này mình không sửa được vì nó đã quá trễ. Nhưng mà tiền nghiệp ở kiếp sau mình sửa được vì tiền nghiệp của kiếp sau chính là những gì mình đang làm bây giờ. Cho nên khi người ta hỏi tiền nghiệp sửa dược không? Mình sẽ trả lời: Tiền nghiệp của kiếp này mình sửa không được nhưng tiền nghiệp kiếp sau mình sửa được.

Như vậy thì cái làm nên thế giới này là cái thích và cái ghét. Tại sao cô lấy thằng Tèo mà cô không lấy thằng Tí? Vì cô thích thằng Tèo hơn thằng Tí. Đúng không ? Và cô lấy được người cô thích là cô hạnh phúc, đúng không? Tại sao cô không mua cái nhà ở đằng kia mà cô mua cái nhà ở đây. Tại sao cô không thích đi xe hiệu này mà cô thích đi xe hiệu kia. Và như vậy thì cái hạnh phúc của cô rõ ràng nó dựa vào cái thích và ghét, đúng không? Và khổ thay cái thích và ghét ấy nó dựa vào ba cái điều kiện mà tôi vừa nói. Tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Thì tôi hỏi bà con một điều là : Ba cái điều kiện đó mình có chỉnh được không? Bà con nói là : môi trường sống chỉnh được vì ta không thể chọn nơi sinh nhưng có thể chọn nơi sống. Nơi chết chọn được không? 50/50. Nếu mà nhảy lầu thì lựa được. Nếu để tự nhiên chết thì lựa không được. Nhưng mà cái câu đó không phải tôi đùa. Hai lần non thì không phải một lần già. Hai lần hai bằng bốn nhưng mà hai lần non không bằng một lần già. Là sao? Ví dụ cái cây đó ba tháng là nó mới có trái và từ khi nó ra trái cho tới khi trái nó ăn được là nó mất một tháng nữa. Nhưng bây giờ nó mới ra trái có một tuần mình hái ra mình có dú thời gian gấp đôi thì cũng phải vất nó luôn. Tức là có những trường hợp mình không thể làm toán cộng, toán nhân được.

Trong kinh có nói: Thời gian tu ba la mật để thành phật là thời gian cố định. Dầu cho vị bồ tát có tu tập tinh tấn mỗi ngày trong mỗi kiếp thì thời gian tu thành phật không thể vì vậy mà ngắn hơn được. Vì mỗi thứ trái nó cần thời gian thích hợp để nó phát triển. Và ở đây có những chuyện mà tôi nghĩ bản thân quý vị cũng giống tôi. Có những chuyện tôi đã biết từ lâu lắm nhưng để thấm thía thì tôi cần một khoảng thời gian. Cách đây hai mươi năm tôi đã biết chuyện đó rồi. Nhưng để thấm thía thì đến chiều nay tôi mới thật sự tôi thấm cái chuyện đó. Thì cái chuyện đắc đạo nó y chang vậy. Tức là vô số kiếp gặp Phật, gặp chư thánh tăng, rồi nghe về bốn diệu đế, mười hai duyên khởi, mình nghe hoài, nghe hoài những uẩn, xứ, giới, đế; nghe hoài mà không cách nào đắc được. Khi mà các ba la mật nó chín muồi rồi thì tự nhiên mình hiểu nó đơn giản vô cùng. Không thể ép được.

Cho nên chữ Duyên trong đạo phật nó quan trọng khiếp lắm.

Trong kinh có một cái ví dụ mà tôi rất là thích. Có một cô vợ bé khi mà chồng chết thì cô vợ cả mới nói: "Ảnh chết rồi, theo lý cô không có lý do gì mà ở cái nhà này. Nhưng nếu đứa bé trong bụng cô là con trai thì cô sẽ được chia một phần, nhưng nếu trong bụng cô là con gái hoặc nếu cô không giữ được bào thai này để sanh con ra thì coi như cô phải cút đi." Cô vợ bé nóng ruột quá cổ mới lấy dao cô rạch bụng ra để lấy coi đứa bé là trai hay gái.

Đó là câu chuyện ngụ ngôn trong Trường bộ kinh thôi. Nhưng mà nó cho mình thấy dầu các vị có tu bằng trời nhưng mà cái duyên nó chưa tới thì các vị cũng không gặt được quả lành. Tôi nói hoài chuyện này: Cách đây mười năm các vị rất là siêng. Các vị trồng rất nhiều cây ăn trái. Sau khi trồng xong các vị trở thành một người đổ đốn lười biếng nghiệp ngập chích hút nhưng đến bây giờ trong vườn quý vị vẫn có nhiều cây trái để ăn. Mặc dù mười năm qua quý vị rất lười biếng. Vì sao vậy? Vì quý vị đã làm mười năm trước. Nhưng nếu mà trong vòng hai năm nay các vị rất là siêng, các vị trồng rất là nhiều cây trái thì chiều nay những loại cây lâu năm nó có kịp ra trái cho quý vị ăn không? Dĩ nhiên là không vì nó chưa đến lúc nó trổ.

Trích bài giảng Khái quát về Tâm Pháp
Kalama xin tri ân các đạo hữu eliciatruong và vuihtv ghi chép


Biết Trách Ai Đây? | | Sợ Ma

Cảnh Giới Tái Sinh | | Kham Nhẫn

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com