sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
acinteyya KTC IV 8. Phẩm không hý luận 77. Không Thể Nghĩ Ðược
Đối với một người có tu học, một người có phạm hạnh, dầu chưa phải là một vị thánh nhân hay A la hán, thì cái điều tối thiểu, là khi bị tấn công mình phải nghĩ đến ít nhất hai điều: Điều thứ nhất, có lẽ đây là quả của một ác nghiệp xưa của mình. Điều thứ hai, nếu mình có trình độ hơn một chút thì mình hãy nghĩ rằng hãy xót thương cho những người này vì họ đang tạo nghiệp mới. Nói thì có vẻ thánh thiện quá nhưng trong tinh thần Phật học thì phải nói như vậy. Chúng ta biết rằng nghiệp báo là một trong bốn điều gọi là bất khả tư nghị (acinteyya). Tức là nhiều khi nhân có một mà kết quả nó lên đến một triệu. Đó là lý do tại sao một người tu hành, nhất là một vị đã chứng quả A la hán, phải được xem là một bậc đáng cúng dường. Có thể định nghĩa một vị A la hán là "Sát Tặc" nghĩa là "giết chết kẻ thù". Và vì sao A la hán được là một vị đáng cúng dường ? Vì cứ mỗi lần có một người chấm dứt phiền não, mỗi lần có một người chấm dứt luân hồi, chỉ riêng chuyện viên tịch niết bàn của một cá nhân thôi, ở đây không nói đến con số hai, ba, năm, mười, một triệu, một tỉ, mà chỉ một cá nhân thôi, chỉ một cá nhân mà dàn xếp được nội tâm của mình, để trở thành A la hán thì vị này một mình đã đem lại vô số lợi ích cho chúng sinh. Mặc dù có thể là vị này sau khi chứng quả A la hán xong thì đi vào rừng sâu núi thẳm ở trong đó một mình cho tới ngày viên tịch niết bàn, không có hoằng pháp độ sanh gì hết. Nhưng chỉ cần sự ra đi của vị này, chỉ cần sự vắng mặt vĩnh viễn của vị này ở trong cuộc đời này cũng là một sự đóng góp cho chúng sanh. Vì sao? Chúng ta biết rằng mỗi một người mà còn tiếp tục luân hồi trên đời này là chúng sanh lại có thêm một mối lo nữa. Ngày nào chúng ta còn luân hồi trên đời này, ngày đó chúng sanh còn thêm một mối lo. Hôm nay chúng tôi chửi quý vị, mai kia có người chửi lại chúng tôi. Đó là cái nhân quả tuần hoàn. Cái người mà chửi lại chúng tôi thì người đó họ cũng lại mang nghiệp. Rồi tiếp tục họ bị một người khác chửi lại họ. Kiếp này mình chửi ông A, mình với ông A hai người đều là phàm phu, mình chửi rủa lẫn nhau. Nhưng mà đời sau sinh ra, một kiếp nào đó ông A trở thành thánh nhân. Mà mình cứ theo cái nghiệp oan trái cũ, mình gặp ông ấy là mình tiếp tục chửi rủa. Lúc bấy giờ mình chửi rủa nhằm bậc thánh nhân thì lúc đó cái quả còn lớn hơn gấp bội. Như các vị thấy chuyện ông Bà La Môn (trong phần duyên sự kinh Pháp Cú 389-390). Ông ấy chỉ đánh ngài Xá Lợi Phất có một chút thôi, mà thiên hạ đã có một phản ứng rất lớn. Nếu ông ấy không phải là một vị Tu đà hoàn, với cái tội đánh một vị đệ nhất thanh văn thì cái nghiệp nặng của ổng không biết kể vào đâu cho hết. Chuyện này chúng ta có thể tìm thấy trong sớ giải của Pháp Cú và Trường Bộ Kinh. Câu chuyện kể ngài Xá Lợi Phất bị đánh như vậy, nhưng ngài Xá Lợi Phất cũng như bao nhiêu vị A la hán khác, lúc nào ngài cũng sống bằng tâm hồn của một vị Phạm Thiên, tức là nhìn chúng sanh bằng tâm từ bi hỉ xả. Ngài Xá Lợi Phất rất nổi tiếng, ngoài cái thắng hạnh là đệ nhất trí tuệ, ngài còn nổi tiếng là một vị thánh tăng có nếp sống rất từ ái, rất từ bi. Ngài nổi tiếng với các pháp thoại như hạnh tu như đất, hạnh tu như nước, hạnh tu như lửa, hạnh tu như gió. Có một lần đông đảo chư tăng về thăm Phật thì có một vị tân thọ tỳ kheo ngài Xá Lợi Phất không biết tên. Cho nên khi gọi, ngài chỉ gọi: "Sư ơi, sư gì đó ơi, cho tôi hỏi cái này một chút." Rồi mai có chuyện gì đó, ngài lại tiếp tục hỏi: "Sư ơi, sư gì đó ơi, ngài cho tôi hỏi một chút." Thì trước đó cái vị tỳ kheo này nghe danh ngài Xá Lợi Phất và nghĩ trong bụng rằng mình đã gặp được một bậc Thánh Tăng cao đồ, thế nào rồi mình cũng có dịp để trò chuyện tiếp xúc với ngài. Vị đó nghe nói ngài rất là dễ thương, rất là khả kính, rất là dễ mến. Mà bây giờ ngài không thèm biết đến cái tên của mình. Mà ngài cứ kêu "Sư gì đó ơi" hình như ngài coi rẻ mình. Vị này để chuyện đó trong bụng không nói ra. Các vị cũng biết, chén mà để trong rá trong rổ lâu ngày cũng có lúc nó khô chứ. Một hai ngày sau trong một lúc tình cờ, ngài Xá Lợi Phất đắp y, thì cái vạt y của ngài đã quét trúng vị tỳ kheo này. Vị tỳ kheo này lấy đó làm điều bất mãn, lấy đó làm cái cớ vào bạch với đức Phật rằng "Ngài Xá Lị Phất nghĩ rằng mình lớn, cho nên trong lúc hành xử không có để ý trước sau gì hết. Coi con là tân thọ tỳ kheo nên có cách cư xử hạ nhục con như vậy. Đắp y, quấn y một bên mà không thèm nhìn xem có trúng ai hay không." Đức Phật cho chư tăng mời ngài Xá Lợi Phất vào, và đức Phật hỏi có chuyện đó hay không. Và ngài Xá Lợi Phất ngài đã nói thế này: "Thưa Thế tôn, trong nội tâm con, chưa hề có một giây khắc nào mà con nghĩ đến chuyện con tấn công hay làm nhục người khác. Bởi vì con luôn luôn sống bằng tâm trạng của mặt đất. Tức là mặt đất dù có đổ đồ thơm hay đồ dơ xuống thì mặt đất cũng không vì chuyện đó mà buồn hay vui. Đối với cái thân này, con coi nó là tứ đại, là tóc là lông là móng là da, nó là một túi bệnh tật, là một túi uế trượt. Bản thân con coi thân con còn không ra gì thì làm gì có chuyện con mạ lị hay sỉ nhục người khác." Rồi trước mặt thế tôn, ngài Xá Lợi Phất quay sang vị tỳ kheo kia và nói: "Thưa hiền giả, dù sao đi nữa dầu trong thâm tâm tôi không có ác ý với hiền giả, cũng mong hiền giả hãy bỏ qua sự sơ suất của tôi khi nãy." Cái đó là trong chính kinh. Còn trong chú giải thì nói thêm thế này. Lúc ấy Đức Phật mới nói với vị tỳ kheo kia: "Này tỳ kheo, ngươi hãy chấp nhận lời xin lỗi của Xá Lợi Phất và hãy sám hối. Nếu không đầu của người sẽ bị bể thành bảy tấm, vì cái oai lực và đức độ của ngài Xá Lợi Phất." Đó là cái hiểu lầm như vậy thôi. Đối với bậc phạm chí không có gì tốt hơn là thái độ im lặng tha thứ. Bởi vì sao? Tại sao lại gọi là "tốt hơn"? Bởi vì người còn sống trong dòng thương ghét, bị ám ảnh trong vòng thương ghét, chính cái thương ghét đó bản thân nó cũng đã là một cái khổ rồi. Chính vì lẽ này cho nên đừng có sống bằng lòng hiềm hận đối với bất cứ ai. Đặc biệt đối với các bậc phạm chí. Ở đây Đức Thế Tôn không chỉ đơn giản kêu gọi đừng tấn công các đệ tử của Như Lai, đừng tấn công người tu hành, sa môn đệ tử của Như Lai. Ngài nói chung mọi hạng. Đại ý là cũng một trái banh đó thôi nhưng mình ném vào trong lưới sức dội nó ít hơn, thậm chí không có. Nhưng nếu một trái banh mà mình ném vào một bức tường cứng thì sức dội của nó lớn hơn. Trong kinh tấn công một vị tu hành phạm hạnh là không nênvì như chúng ta biết trong các trọng nghiệp gồm giết cha, giết mẹ, giết bậc la hán, làm cho Phật chảy máu và chia rẽ tăng nó tạo ngiệp vô cùng lớn. Bởi vì các đối tượng này họ luôn luôn đối với mình bằng lòng từ bi, cho dù đó là một vị A la hán xa lạ đi nữa. Nhưng các ngài luôn luôn nhìn chúng sanh bằng tất cả lòng từ bi mà các ngài có được. Cho dù trước khi đi xuất gia, trước khi trở thành la hán, các ngài có bao nhiêu người con đi nữa, thì khi đi xuất gia rồi thì tình thương của các ngài đối với tất cả chúng sinh khác đều không hề sai biệt. Không hề có chút sai biệt nào giữa những người con của ngài và những chúng sanh khác. Có một câu chuyện rất là dài, tôi chỉ tóm tắt ở đây. Soreyya là một vị A la hán trước khi đi xuất gia đã phải trải qua một sự cố đột ngột là thay đổi giới tính. Vị này khi trước là một thanh niên, trong một buổi sáng đi chơi ngoài phố gặp một vị A la hán tên là ngài Katyayana (Mahākaccāyana). Ngài Katyayana rất là đẹp trai. Ngài đẹp từ mắt, từ môi, từ mũi, từ lỗ tai, bàn tay, màu da, ngài rất là đẹp. Cậu thanh niên này nhìn thấy mới nghĩ trong bụng là: Cái ông này ông ấy là đàn ông mà lại là thầy tu, chứ ông ấy mà là đàn bà mình cưới ông ấy về chẳng là hạnh phúc lắm. Khi mà ông ấy suy nghĩ như vậy rồi thì ông ấy bị, nói theo ngôn ngữ của mình bây giờ là bị thay đổi giới tính, lập tức trở thành người nữ. Bởi vì cái người mà ông ấy đang suy nghĩ tầm bậy chính là ngài Katyayana, một vị thánh. Vị này còn là một trong những vị cao đồ của đức Phật. Thì sau khi ông này ông biết mình thay đổi giới tính rồi, ông ấy không còn mặt mũi nào trở về nhà nữa, ông bỏ đi qua xứ khác. Lúc bấy giờ ông đã trở thành một thiếu nữ cũng có nhan sắc. Và khi ông thay đổi giới tính rồi thì ông thay đổi luôn cả về tâm sinh lý, ông (cô) ấy mới lấy chồng. Khi mà cô này còn là đàn ông đã có hai người con trai, rồi khi cô lấy chồng cô cũng có hai người con trai. Và sau nhiều năm nhiều tháng, một ngày kia cô tình cờ gặp lại một người bạn cũ ở thành phố xưa, thành phố bản quán của cô. Cô hỏi thăm tin tức về người nhà rồi cô mới nói thật cô chính là cậu công tử ngày xưa. Do một cái suy nghĩ bậy bạ nên đã bị phong trần đến như vậy. Bị lưu lạc làm thân phụ nữ có con, có chồng khổ quá. Người bạn thân nghe như vậy mới khuyên hãy trở về sám hối với ngài Katyayana. Sau khi sám hối xong thì cô đó trở thành nam lại. Cô (ông) này ngán cảnh luân hồi sinh tử mới đi xuất gia. Khi xuất gia chư tăng huynh đệ biết chuyện riêng của đời tu của vị này, nên những vị phàm tăng hay chọc ghẹo, hỏi là trong bốn đứa con, hai đứa là do chính ông sinh ra, hai đứa do vợ ông sinh ra, trong hai cặp đó ông thương cặp nào hơn? Thì ông mới nói rằng dĩ nhiên con của mình dứt ruột đẻ ra thì mình thương hơn. Nhưng sau một thời gian vị này chứng quả A la hán thì khi chư tăng mới hỏi là trong bốn đứa đó ngài thương ai hơn Ngài mới trả lời rằng đối với Ngài tất cả chúng sinh giống nhau, không có đứa nào hơn đứa nào hết, không có phân biệt. Đối với chư tăng thời đó mà nói như vậy là đã tự nhận mình là một vị A la hán. Chư tăng mới vào thưa với đức Phật, nói rằng tỳ kheo Soreyya đã tự nhận mình là vị A la hán. Đức Phật xác nhận là đúng vậy. "Soreyya bây giờ đã là một vị A la hán."
Trích bài giảng Kinh Pháp Cú số 390
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english