aññamaññapaccayo

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

aññamaññapaccayo

Hỗ tương duyên là lực đẩy qua lại giữa nhân và quả, nhờ vậy quả được hỗ trợ. Là tôi giúp anh, mà anh phải giúp lại tôi như vậy tôi mới giúp được anh. Ví dụ như 2 người cùng khiêng 1 vật nặng. Thằng Tí dọn nhà kêu thằng tèo tớoi phụ khiêng đồ. Thằng Tèo tới giúp thằng Tí, nhưng thằng Tí cũng phải giúp thằng Tèo thì cái bàn nặng chích đó mới di chuyển được. Chứ thằng Tí mà cứ đứng đó hút thuốc dòm thằng Tèo thì làm sao được. Thì cái lực đẩy qua lại ấy gọi là hỗ tương duyên. Mà trong nhà phật kêu là “aññamaññapaccayo”, nhà Mỹ kêu là “mutually arising condition”.

Mình không thể nào trông mong người ta giúp mình, mà mình ngồi khoanh tay. Ví dụ như thuốc bơm vào chữa trị cho bệnh nhân, thì cơ thể bệnh nhân phải có khả năng tiếp nhận ra sao thì thuốc đó mới chữa tốt. Có trường hợp thuốc đưa vô mà cơ thể nó phản ứng chứ không có nhận. Trường hợp đó chỉ có chết thôi. Thuốc giúp cho cơ thể bệnh nhân hết bệnh, nhưng cơ thể phải tương ứng mới nhận được. Bác sĩ có giỏi bằng trời, thuốc hay bằng trời mà không có sự hợp tác của bệnh nhân thì thầy và thuốc đều không thể làm việc được.

Cách đây mấy năm tôi có đi thăm một bà cụ 103 tuổi, người Hoa, bà bị lạnh. Khi con cháu bà đưa tôi về thăm bà, bà khoe cái này, bà khoe mà bà lấy tay che môi, bà nói nhỏ nhỏ: “Tao mới dấu thêm 6 viên thuốc nữa”. Bà mới dở cái nệm ra, 1 bụm như thế này này, bà mới lắc đầu trề môi vầy nè: “Tụi nó muốn giết tao đâu có dễ”. Coi như y tá đưa thuốc nhiêu là bà giấu hết, không chịu uống. Vì bà nghĩ là tụi nó muốn giết bà. Bà y tá hơi hờ hững nên không để ý. Bà kể mà mặt bà có vẻ hiển hách chiến công lắm. Nghĩ sao đi dấu thuốc mà còn khoe nữa. Tưởng hay lắm vậy. Ừ, thì bả chết rồi. Giấu thế sao mà sống.

Ở đây cũng vậy, dầu thầy hay cách mấy mà người bệnh không hợp tác, thuốc hay cách mấy mà không hợp tác là thua. Cho nên có câu “Chúa chỉ giúp người nào biết tự cứu”. Tôi kể hoài câu chuyện bảo lụt các vị nhớ không? Giáo dân đi ngang nói lên xe tụi con chở đi, ông cha không nghe, nói: "Chúa không bỏ cha." Lát sau, nước tới rún, giáo dân đi xuồng tới: "Cha ơi đi với con." Ông vẫn lắc đầu: "Chúa không bỏ cha." Lát sau nước đến ngực, trực thăng đòi đem ông đi, cảnh sát đòi mang ông đi, ông kếu “Không, chúa không bỏ cha.” Mười lăm phút sau ... ông về với Chúa. Mắt mờ lệ nhìn Chúa, ông hỏi "Vì sao chúa bỏ con?" Chúa trả lời: "Ta đã điều động nào xe, nào ca nô, nào trực thăng, cảnh sát mà con đều lắc đầu, thì ta giúp con kiểu nào đây? Còn kêu trời nào nữa?" Câu chuyện đó tuyệt đối không phải chuyện đùa. Câu chuyện đó cũng không phải là câu chuyện Chúa, mà là câu chuyện chùa. Bởi vì chùa cũng y chang như vậy. Không có Phật nào mà độ được người nào không có hợp tác. Phật trí vô biên, phật lực vô cùng, phật tâm vô lượng nhưng không độ được người vô duyên. Nhớ cái đó! Bởi vì nếu các bậc thánh hiền mà độ được cái thằng cà chớn, thì bây giờ mình đâu có nằm lủ khủ ở đây.

Giờ mình học mấy cái hỗ tương duyên rất là quan trọng. Vì sao? Trong đời sống của mình, những gì mình làm mình nói, nó đều kín đáo, âm thầm và lặng lẽ trở thành điều kiện cho một cái gì đó, thì đó gọi là hỗ tương duyên. Ví dụ như trưa nay tôi ăn một thứ rất là tào lao, đó là nước cốt dừa. Thì cái nước cốt dừa trưa nay là cái hỗ tương duyên cho cái tiêu chảy chiều nay. Vì cái bụng tôi đã yếu sẵn rồi, gặp thêm cái nước cốt dừa nguội để từ qua giờ. Hai đứa nắm tay nhau thành ra tiêu chảy. Hiểu không?

Nghĩa là mình sống làm sao mà cái gì đó nó diễn ra, xảy ra ở mình, nó trở thành điều kiện tương tác với những thứ thiện ác nào đó có sẵn. Có nghĩa là trong bụng các vị luôn luôn có sẵn cái thùng hạt giống, trong đó gồm có mùng tơi, bí bắp, mắt mèo, mã tiền tùm lum. Thì vấn đề là quý vị sống như thế nào để cho mã tiền nó phát triển, để cho mắt mèo phát triển, để cho cỏ dại phát triển, để cho bầu bí mướp nó phát triển. Đó là tùy kiểu sống của mình. Mưa rơi xuống mặt đất không lựa chọn nơi chốn. Vấn đề ở chỗ khi mưa rơi xuống ở một mảnh đất nào đó thì tự nhiên cỏ dại mọc đầy. Có những nơi mưa xuống thì cây trái mọc đầy. Tại sao vậy? Là vì mưa không có lựa chọn nơi chốn rơi xuống, nhưng chỗ tiếp nhận mưa cái căn bản của nó là cái gì. Cho nên mưa xuống nó cứ thế mà đi tới. Nên nhà văn mình mới có chữ tâm địa. Địa là đất. Anh phải dọn cái đất tâm thế nào để mà anh dễ dàng đón nhận những điều hay điều đẹp. Nếu mà anh dọn không khéo, tâm anh toàn cỏ dại không thì dầu anh đi chùa, đi nhà thờ thì cái chùa, cái nhà thờ đó đều là cơ hội để anh tệ hơn.

Cho nên điều quan trọng là sống như thế nào để mình dễ dàng đón nhận những điều hay. Mà tôi nói không biết bao nhiêu lần. Để đi vào đọc và xem một cái gì đó trên laptop, hay cái phone của người khác, thì việc đầu tiên là ta phải có password (mật mã) của người khác. Tất cả thánh hiền đều có password hết. Mà mình tu hành ngon lành, là tự nhiên mình hiểu được cái password hết. Cái trang kinh mình mở ra mà nếu mình bơ quá, mình đọc không có hiểu. Khi mở một trang kinh ra, thì cái hiểu của người này và người kia khác nhau, có phải không? Vì mình có password để mở được cái phone của thánh hiền hay không? Còn không mình chỉ xem được cái hình ở ngoài – wallpaper thôi.

Và tất cả những gì hôm nay chúng ta vào chùa, chúng ta lạy phật, chúng ta nghe pháp thì chúng ta toàn là thấy cái wallpaper của thánh hiền không thôi. Chúng ta chưa vô tới cái nội dung bên trong. Có những cái file document ở bên trong đó mà chúng ta không thể thấy được.

Ở bên Đức tôi nhớ có một phật tử người Đức. Anh đi tu với một ông sư người Miến. Anh hỏi thế này: "Sư ơi con tu con có được quyền xài email không. Thì ông sư nói “It's ok until you have a attachments”. "Attachment" có 2 nghĩa, 1 là dính mắc, 2 là tập đính kèm. Ghê không? Nghĩa là con có thể dùng email, phone nhưng mà cho đến lúc nào thấy attachment thì con phải ngưng. Tức là dùng email, phone trong lúc cần thiết thì được. Nhưng còn ngồi quẹt quẹt là dính mắc rồi đấy.

Có những thứ mình tưởng mình là chủ của nó, nhưng thực ra nó là chủ của mình. Mình đi đâu cũng nói cái xe Lexus là của mình, nhưng thực ra nó là chủ của mình. Vì sao? Vì mình có bị gì thì chiếc xe nó không buồn, mà nó bị gì là mình buồn, mình lo. Nên nó là chủ của mình, là bà nội của mình, mình không phải là chủ của nó. Hiểu không?

Đi đâu mình cũng khoe là con của mình. Mà nó đâu biết thương mình, mình thì khổ sở vì nó. Vậy nó là má của mình chứ mình không phải là má của nó.

Nên hỗ tương duyên rất là quan trọng. Vì ở đây Đức Phật nói ra một quy luật: anh muốn tôi giúp anh, thì trước hết anh phải có khả năng tương tác với tôi thì anh với nhận được sự giúp đỡ của tôi. Cứ như một cơn mưa, cơn mưa rơi xuống không phân biệt nơi chốn. Nhưng khi Đức Phật thuyết pháp thì ta phải hợp tác với người. Đó là hỗ tương duyên.

Và với người xấu cũng vậy. Có nhiều người mình đi ngang một anh cờ bạc, nhậu nhẹt mình miễn nhiễm. Nhưng có nhiều người sống gần người cờ bạc, nhậu nhẹt thì bị lây nhiễm. Là vì sao? Vì giữa 2 người có điểm tương đồng. Là có tương tác. Chúng ta không nhất thiết phải có sự tương tác với những người như vậy. Đời sống là một mâm cỗ, nhiều thức ăn. Có những thứ thức ăn chúng ta nhai thiệt kỹ và nuốt sạch vào trong bụng. Nhưng có những thức ăn chúng ta chỉ ăn ít thôi rồi đẩy nó qua một bên. Có những thức ăn chúng ta chỉ nếm cho biết rồi thôi. Có những thức ăn chúng ta phải mạnh dạn đẩy nó sáng một bên. Vì tại sao? Vì có những thứ mình đưa vào trong người nó chỉ có hại nhiều hơn lợi.

Trong thức ăn đã vậy, thì nói gì trong đời sống tinh thần. Cho nên cái hỗ tương duyên là sự giúp đỡ qua lại của nhân và quả. Mình sống như thế nào đó để với cái thiện mình có sự tương tác, với cái xấu mình không có sự tương tác. Hãy tránh xa những thứ không có lợi cho mình. Vì mình có sự qua lại với quỷ dữ thì mình sẽ có quả ngục. Đó là luật tự nhiên thôi.

Trích bài giảng Hỗ Tương, Tương Ưng và Quyền Duyên
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép.


Yêu Ghét | | Buông và Nắm

Nền Đất Nền Gạch | | Tam Tướng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com