Tự Thắng

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tự Thắng

Chữ điều phục dịch từ chữ danta, chữ danta từ chữ dameti nghĩa là điều phục.

Hay một chỗ là chữ danta còn có nghĩa là cái răng, giống như trong tiếng Latin là chữ dent, từ đó mới ra tiếng Anh là dental, là răng hay thuộc về răng.

Còn có cái hay nữa là bởi vì răng là cái nghiền, cái bộ phận cơ thể có tác dụng là nghiền nát thức ăn. Nói kiểu hơi khó nghe là nó "thuần hóa" thức ăn. Thức ăn cứng cỡ nào, hình vuông, hình tròn, mềm hay là cứng, hình dáng ra sao không cần biết, cứ đưa vô là hàm răng nó nghiền, nó khiến tất cả trở thành giống nhau hết. Chức năng của răng là nó biến mọi thứ thức ăn trở thành giống nhau hết, nó thuần hóa mọi hình dáng của thức ăn trở thành "giang sơn thu về một mối".

Cho nên danta có nghĩa là cái răng, nhưng cái gốc của nó là điều phục. Mọi thứ thức ăn giòn, mềm, hình vuông, hình tròn hoặc hình đa giác, hình bình hành, hình thang, hình lục giác, thất giác không cần biết, cứ đưa vô là cái hàm răng nó biến tất cả thành giống nhau. Mình nói hơi kỳ là sự thuần hóa tất cả các món ăn.

Ở đây cũng vậy, chữ danta này là cái răng mà còn có nghĩa là điều phục.

Tâm mà có điều phục là tâm có dạy. Cái tâm có tu tập thì dễ sử dụng, dễ dạy bảo, được dạy bảo.

Con thú mà có dạy bảo, có thuần hóa, thì dĩ nhiên dễ xài rồi. Chúng ta cũng biết là người Mông cổ xưa, nói chung là dân phương bắc của Trung quốc ngày xưa có những giống ngựa quý. Như ở Khiết đan, Tây hạ có loại ngựa quý là loài Huyết hãn. Nó ra mồ hôi đỏ như máu, một ngày có thể đi nghìn dặm. Vua Tàu, triều đại nào cũng mê loại ngựa này. Mà khổ thay, con ngựa này muốn bắt nó rất là khó, vì gốc nó là ngựa rừng, ngựa hoang, người ta phải dùng ngựa nhà để người ta rượt, dí, lùa về một góc bắt nó về. Thường người ta bắt ngựa cái với ngựa đực về phối giống rồi mới đẻ ra ngựa con. Rồi họ dạy ngựa con từ lúc còn nhỏ. Từ đó người Tàu Trung nguyên mới có được loài Huyết hãn mã để mà dùng. Chứ còn nếu bắt hẳn con ngựa đó lúc đã trưởng thành rồi thì đem về xài không được. Nó chạy nhanh thiệt, nó khỏe thiệt nhưng mà cái đầu nó đã hư rồi, không dạy được nữa. Cho nên nói nuôi ngựa theo kiểu trồng chuối lấy con nghĩa là bắt về phối giống. Một là bắt được con ngựa cái về phối giống với con ngựa nhà, hai nữa là bắt con ngựa đực về phối giống với con ngựa nhà.

Tại sao tôi phải nói dài dòng như vậy? Tôi muốn nói rằng ngựa quý cỡ nào mà không có dạy thì xài chỗ nào? Một người thông minh tài trí nhưng mà không làm chủ được cái tâm của mình thì đời đời sanh tử, đời đời là phàm phu. Mà đã nói là phàm phu thì sao? Lúc lên voi, lúc xuống chó, lúc lên núi cao, lúc xuống cống mà nằm! Đã nói phàm phu là phải như vậy thôi.

Chỉ có một cái tâm điều phục, được dạy thì cái tâm đó mới có thể giúp mình thành tựu Thiền Định, Thánh Trí, Đạo Quả, giải thoát luân hồi sanh tử phiền não.

Ngựa quý cách mấy không được dạy thì cũng chỉ có đem đi ăn thịt. Con người mà không dạy được tâm mình thì - nói theo trong Kinh - chỉ có ăn cho nó mập rồi chờ chết!

Trong Kinh Pháp cú :

Thắng người trăm trận muôn nơi,
núi cao chồng chất xương phơi chiến trường.
Thắng mình lòng ngát hoa hương,
vẻ vang dũng tướng mười phương không bằng.

Hồi còn nhỏ tôi đọc tôi không có hiểu. Tôi thấy chuyện tự thắng mình không có gì hơn chuyện chém đầu ngàn viên dũng tướng trong trận. Nhưng mà sau này già rồi tôi mới hiểu là đúng! Một ngàn viên dũng tướng mình có thể dùng kế ly gián hay là mỹ nhân kế, mình có thể giết sạch một ngàn viên tướng, còn nếu khùng nữa mình lấy bom nguyên tử mình dội xuống. Nói chung là cũng có cái cách để cho một ngàn viên tướng đó chết.

Nhưng để mà điều phục được cái tâm của một người thì thật sự không có cách. Bởi tôi nhớ có ông đó hỏi vợ: "Vậy chứ em có biết để thử cái lòng chung thủy của đàn ông thì mình dùng kế gì?" Bả nói "Thì mỹ nhân kế." Rồi ổng hỏi "Chứ muốn thử sức khỏe của đàn ông thì sao?" Bà vợ không biết, ổng nói "Phải dùng ... bà vợ kế!" Có nghĩa là muốn thử cái lòng chung thủy thì mỹ nhân kế, mà muốn biết cái sức khỏe của đàn ông thì phải nhờ tới vợ kế, cả hai đều là "kế" hết.

Thì ở đây cái tâm mà có điều phục thì nó làm được cái chuyện mà một viên dũng tướng bậc thầy chưa chắc làm nỗi. Bên Tàu có câu: "Chém đầu ngàn viên tướng ngoài trận, vẫn không khó bằng thay đổi cái chí của kẻ thất phu". Lại một câu nói mà thời tuổi trẻ tôi không hiểu. Nghĩa là nó là thằng không có chí lớn, sống không có lý tưởng, "ù ù cạt cạt", không có tư duy, không có trí tuệ, không có khả năng suy nghĩ. Thì bây giờ mình muốn biến cái đầu tàu hủ của nó thành ra một cái đầu minh triết, kiệt xuất, trác việt thì làm không nỗi! Thà chém đầu một ngàn viên tướng vậy mà còn có cách!

Cho nên nói đi cũng phải nói lại. Cái tâm của mình nó khó kinh khủng lắm, mà hễ mình điều khiển được nó, làm chủ được nó, kiểm soát được nó thì công đức vô lượng.

Nhiều lần rất nhiều lần tôi đã nói. Đặc biệt là ở trong quyển Kinh nghiệm tuệ quán, tôi thấy có nhiều thiền sư Miến điện nhắc đi nhắc lại câu này : Toàn bộ vấn đề của thế giới nó khởi đi từ nội tâm của mỗi người. Một hành giả có thể giải quyết cái vấn đề của tâm mình bằng cách là chú mục, tập chú vào hơi thở. Khi mà mình sống chánh niệm trong từng hơi thở có nghĩa là mình đã phần nào làm chủ được cái tâm. Và khi ta làm chủ được cái tâm là ta đã làm chủ được một phần của thế giới!

Nói ra rất là ghê gớm khó tin, nhưng xin thưa đó là sự thật!

Khi mỗi người tốt thì thế giới sẽ tốt. Bởi vì nội tâm của mỗi người là một phần quan trọng để tạo nên cái diện mạo và bản chất của thế giới. Với một nội tâm có tu tập thì coi như đó là một sự đóng góp lớn cho cả cái hành tinh này.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 003
Kalama xin tri ân bạn sumanaduong ghi chép.


Kế Hoạch Lâu Dài | | Số 3

Lượm Rác | | Ai Trên Thuyền Kia

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com