Năm Triền Cái

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Năm Triền Cái

Năm triền cái là gì?

  1. Dục triền cái là niềm đam mê ở trong 5 trần.
  2. Sân triền cái là sự bất mãn trong 5 trần.
  3. Hôn thụy là trạng thái tâm dã dượi, lười biếng và buồn ngủ.
  4. Trạo hối cái có 2 là trạo cử tức là không định, và hối hận về cái chuyện mà mình không có làm.
  5. Hoài nghi cái có nghĩa là sự hoang mang, nghi hoặc về bản thân mình, về con đường hành trì, về Tam bảo, về thầy bạn liên hệ đến chuyện tu tập.
Tổng cộng lại thì gọi là 5 triền cái.

Để đối phó với 5 triền cái đây, theo Chánh Kinh, thì đối phó với dục triền cái thì mình có bất nhã, sân triền cái thì có từ tâm, hôn thụy thì có sự tinh tấn, trạo hối thì có tâm tịnh chỉ, còn nghi hoặc thì có như lý tác ý. Đó là phần Chánh Tạng. Ở đây mình học thêm ở phần Chú giải.

Chú giải là phần triển khai rộng rãi hơn nữa, các vị Alahán xét thấy rằng nói gọn quá thì có nhiều người mơ hồ, nên các vị mới giải thích thêm, nhưng nội dung vẫn xoay quanh Chánh Tạng.

Trong Chánh Tạng nói rằng để đối phó với dục triền cái thì không nên tác ý đến cái đẹp, hay ho của sự vật, mà thấy cái gì cũng là vô ngã vô thường. Bởi vì có chữ như lý tác ý yonisomanasikara rất là hay, tức là tác ý đến tánh sanh diệt, vô ngã vô thường của trần cảnh, đó gọi là khéo tác ý.

Đó là nói theo Chánh Kinh.

Còn các vị Alahán triển khai thêm. Các vị nói rằng có 6 điều kiện đối trừ dục triền cái:

  1. Asubhanimittassa uggaho là học kỹ các đề mục bất mỹ. Học kỹ các đề mục bất mỹ gồm có 32 thể trược và 10 loại tử thi. 32 thể trược là tính từ trên đầu mái tóc xuống tới gót chân : tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tức là từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ tế đến thô.
  2. Asubhabhavananuyogo là thực hành quán chiếu các đề mục bất mỹ.
  3. Indriyesu guttadvarata Thu thúc lục căn.
  4. Bhojane mattannuta Ăn uống chừng mực, có nghĩa là không có 2 cái quá : không ăn quá no như mình thích và không tìm cái quá ngon - quá thơm - quá vừa miệng như là mình muốn.
  5. Kalyanamittata Gần gũi minh sư thiện hữu, minh sư là thầy giỏi, còn thiện hữu là bạn lành.
  6. Sappayakatha có nghĩa là chỉ nói năng, trao đổi những cái đề tài hỗ trợ cho mình chán dục, chứ gặp nhau toàn nói cái này cái kia để mà kích thích lòng dục thì không được.

Sáu điều kiện tiêu trừ sân triền cái:

  1. Học kỹ về đề mục từ tâm, thí dụ như có 7 đối tượng rải cho 10 hướng, rồi cộng với 4 lời nguyện. Như nguyện tất cả người nam trong hướng đông không oan trái lẫn nhau, được an vui, biết tự bảo trọng. Rồi tất cả người nam trong hướng bắc, xong lấy 10 hướng nhân cho 4 câu nguyện. Làm đúng như vậy thì tâm mình dính chặt vô đó không phóng được nữa, thì cái đó gọi là học kỹ đề mục từ tâm.
  2. Thực tập đề mục từ tâm, tức là mình học kỹ rồi mình bỏ túi là không được mà phải thực tập, thực hành đề mục từ tâm.
  3. Kammassakatapaccavekkhana là biết suy tư về nghiệp lý để biết mọi người có nghiệp riêng, nghĩ rằng ai đó hãy để cho nghiệp ác của họ xử họ là đủ rồi, thương ai mình giúp thì giúp nhưng mà mình cứ nghĩ trong bụng rằng mình giúp không bằng cái thiện nghiệp của họ giúp cho họ, mỗi người có nghiệp riêng.
  4. Thường có thói quen sống thâm trầm gọi là Patisankhanabahulata: gặp cái gì cũng sống suy nghĩ - suy tư về Phật Pháp.
  5. Gần gũi minh sư thiện hữu.
  6. Đề tài nói năng thích hợp với Pháp môn mình đang tu tập, mình đang trau dồi cái gì thì mình chỉ nói năng trao đổi về cái đề tài đó thôi, thì mình mới mạnh được. Trong khi mình đang tu tâm từ, mà người nhiều chuyện, họ cứ thọc đầu này, chọt đầu kia, mình ráng sức dóng cái tai lên nghe thì như vậy là chết rồi! Tôi không dám nói tôi là hành giả, mà tôi đã gặp trường hợp đó rồi. Có lúc mình cũng tự nhủ tu tâm từ kiếm chút phước, nhưng mà cầm phone lên là nghe họ tố khổ, họ tả oán người khác là mình chịu không nỗi, nổi điên theo. Cho nên Sappayakatha rất là quan trọng, tu cái gì không cần biết, chỉ biết là cái đề tài nói năng, trao đổi là rất quan trọng. Đầu bình thường nghĩ nhiều về cái gì, người bình thường gặp gỡ là ai, đề tài nói chuyện là gì, rất quan trọng.

Sáu điều kiện đối trừ hôn thụy:

  1. Atibhojane nimittaggaho: ăn uống chừng mực, biết rõ các tác hại của chuyện đầy bụng, không phải chỉ nghe thoáng qua mà phải biết rõ. Bản thân chúng tôi cứ bữa nào mà hơi lỡ đũa thì người rất là mệt, nó buồn ngủ, dật dờ, óc ách, nhiều khi cần uống nước cũng không có chỗ chứa nữa, cái đó khổ dữ lắm, mà nó buồn ngủ dữ lắm.
  2. Thường xuyên thay đổi oai nghi thích hợp, oai nghi tức là tư thế sinh hoạt. Ngồi, nằm lâu quá rồi không có tốt, đừng thấy nằm sướng quá cái nằm luôn, thấy ghế bố êm quá cái ngồi luôn, đó là không có được, đối với hành giả không có cái vụ mà quá quá, đã quá hoặc là khó chịu quá là hành giả phải có cách xử lý , chứ không thể nào để cho cơ thể mình, thân tâm mình trong tình trạng mà quá quá đó là không tốt.
  3. Tu tập đề mục ánh sáng, hoặc là đang nghĩ rằng mình ở chỗ sáng. Chánh Tạng kể khi Ngài Mục Kiền Liên đắc Tu đà hườn rồi Ngài đi xuất gia thọ Đại giới, Ngài cũng vào chỗ vắng vẽ để thiền định, mà Ngài bị buồn ngủ chịu không nỗi. Lúc đó Đức Phật xuất hiện chỉ Ngài Mục Kiền Liên cái cách như tự xoa bốp tay chân, lấy nước lạnh rửa mặt, mở to mắt nhìn lên bầu trời đêm, nháy mắt, nghĩ tới ánh sáng, nghĩ tưởng mình đang ở chỗ sáng sủa, chói rực, đó gọi là tác ý ánh sáng.
  4. Abbhokasavaso là phải sống chỗ thông thoáng, trống trải, không có che khuất.
  5. Sống gần người lành.
  6. Đề tài nói chuyện thích hợp.

Sáu điều kiện đối trừ trạo hối:

  1. Bahussuta: phải chịu khó siêng năng học hỏi Giáo lý.
  2. Paripucchakata: thường xuyên vấn đạo để phá nghi, không nên để thắc mắc hoài là không tốt.
  3. Vinaye pakatannuta: phải học kỹ và giữ kỹ Tạng Luật.
  4. Vuddhasevita : gần gũi thân cận Hiền Thánh.
  5. Sống gần bạn lành.
  6. Đề tài nói chuyện thích hợp.

Sáu điều kiện đoạn trừ hoài nghi cũng y như 6 điều kiện để đối trừ trạo hối, chỉ có điều 4. là tìm mọi cơ hội để trau dồi niềm tin.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 003
Kalama xin tri ân bạn sumanaduong ghi chép


Người Học Trò Hiểu Thầy | | Giải Thoát

Tâm Nhân & Tâm Quả | | Vivatta

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com