Phạm Thiên

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Phạm Thiên

Tôi định nghĩa đi định nghĩa lại đến khi quý vị chán thì thôi: Thiện là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành. Ác là sáu căn biết sáu trần bằng tâm xấu. Buồn là sáu căn biết sáu trần bất toại. Vui là sáu căn biết sáu trần như ý. Tứ Niệm Xứ là biết rõ sáu căn biết sáu trần bằng tâm gì, bất kể trần đó là bất toại hay như ý. Chỉ ghi năm cái định nghĩa này về là xong rồi. Tại sao phải học thuộc năm cái này? Vì năm cái này là cách nói gọn nhất. Và bây giờ các vị có nghe cái gì đi nữa nó cũng không ra ngoài năm cái định nghĩa này.

Chẳng hạn tôi có nhắc đến cái hạng thứ tư trong bốn hạng người. Hạng thứ Tư là thấu suốt và buông bỏ. Tại sao ở trên đời có cái hạng thứ tư? Vì cái hạng thứ tư là hạng mà họ giải quyết vấn đề sanh tử bằng cách là họ hiểu thấu để họ buông.

Nhắc lại hạng chúng sanh thứ một là chìm sâu trong số 3 tức là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống.

Hạng thứ hai là cũng trong số 3 mà có chọn lọc. Thiện có chọn lọc, ác có chọn lọc, buồn có chọn lọc, vui có chọn lọc.

Hạng thứ ba thì thấy là còn quẩn quanh thì chưa khá nhưng mà họ không tìm được con đường nào để thoát, nên họ chỉ còn con đường duy nhất là không dòm đến nó nữa. Bao nhiêu thứ trong đời họ gom hết vô chỉ còn có mười thứ thôi đó là: đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng. Nhờ họ gom cái tâm họ vô mười thứ này họ về cõi Phạm Thiên.

Và khi họ về cõi Phạm Thiên là họ không có sáu căn như mình, họ chỉ có ba căn thôi, tức là họ chỉ có mắt để nhìn, tai để nghe và ý để suy nghĩ nhưng mặt mũi vấn đẹp trai, chứ không phải nó bằng như tấm ván. Trong Kinh nói mặt mũi của Phạm thiên là nét đẹp chuẩn của tam giới. Chư Phật đẹp như Phạm Thiên. Cái dáng đi của Đức Phật đẹp như Phạm Thiên. Giọng nói Đức Phật hay như Phạm Thiên. Chứ mình đừng có nghe nói người ta có ba cái đó là mình tưởng người ta bằng chang, không phải. Người ta không có cái thần kinh khứu giác, vị giác và xúc giác nhưng cái hình thức bên ngoài vẫn y chang. Như lúc quý vị bị nghẹt mũi thì không ngửi được mùi nhưng mũi vẫn còn; đúng không? Lúc mình bị bệnh cái lưỡi mình bị lạt nhưng cái lưỡi mình vẫn còn; đúng không? Phạm Thiên khá hơn là họ không có bị nghẹt mũi nhưng họ không có thần kinh khứu giác. Họ không có cần biết đến khía cạnh mùi của thế giới. Thế giới này nó có sáu cái khía cạnh để mà nhận biết, đó là: sắc, thinh, khí, vị, xúc, ý. Mà cái người ở cảnh giới thấp họ mới cần biết thế giới này qua đủ sáu thứ đó.

Trong A Tỳ Đàm nói rất rõ: Có hai trường hợp ta không đủ sáu căn. Một là do thiếu phước, hai là do ta không cần. Ở cõi dục mà không đủ sáu căn bị xem là khuyết tật. Nhưng mà ở cõi trên đó họ không có là do họ không cần.

Bây giờ tôi hỏi ngược lại. Ở trong cái cõi người của mình có trường hợp nào thiếu do không cần và thiếu do không có không? Thí dụ quần áo rách trong nhà người nhà giàu không có. Thậm chí tôi biết mấy movie stars của Mỹ họ có nhiều bộ đồ bạc ngàn mà họ chỉ mặc một lần, vì họ sợ mặc lại lần hai lắm tại vì bị phóng viên cứ rượt họ chụp hình hoài. Họ nói Britney Spears mặc cái áo này chín tháng trước rồi trong cái event nào đó. Đối với bả đó là một sự sỉ nhục. Cho nên trong nhà của Britney Spears kiếm một cái quần xà lỏn rách là không có, kiếm một bộ đồ cũ là không có. Cho nên có nhiều cái người ta không có là do người ta không cần. Có nhiều cái món đồ bếp ở nhà tỷ phú không có bởi vì họ không cần. Nhưng ở nhiều gia đình nghèo có nhiều món mình không có là do mình bị thiếu. Nhiều cái người ta không có là do người ta không cần, nhiều trường hợp người ta không có là do người ta bị thiếu. Ở đây cũng vậy, ở cõi dục giới mà anh không có đủ sáu căn thì đó là khuyết tật. Nhưng mà trên cõi Phạm Thiên anh không có đủ là do anh không có cần.

Sẵn ở đây tôi nói luôn một chuyện nữa hơi khó nghe và khó chấp nhận nhưng mà đã học thì phải học cho tới. Có hai trường hợp chúng ta xài tâm thiện. Đó là lúc làm việc lành và lúc làm việc khó. Việc khó mà cần khéo thì phải xài tâm lành. Thí dụ như thêu thùa, máy móc, cơ khí, những cái chuyện mà tinh vi thì lúc đó mình phải xài tâm thiện. Nhưng mà đừng nghe vậy rồi về không chịu tu hành mà đi mua mấy cái đồng hồ cũ về sửa hoài là sai. Vì cái tâm thiện mà Đức Phật khích lệ, khuyến khích là cái tâm có tín, tấn, niệm, định, tuệ, có từ bi, hỷ xả, chánh niệm, thiền định. Cái tâm đó Ngài mới khen. Cái tâm hướng đến cảnh giới tu hành, giải thoát, hướng tới lợi ích của chúng sanh thì mới được. Còn cái tâm thiện của mấy người thợ sửa đồng hồ, của mấy người làm việc cần sự khéo léo, họ vẫn xài tâm thiện nhưng cái mục đích, cái chủ ý, 'intention' trong lúc đó không phải là lợi ích cho chúng sanh, không phải là tu hành giải thoát. Cho nên có nhiều khi các vị nói cái bà đó bả không biết Đạo mà sao Sư nói khi bả làm việc khó bả phải xài tâm thiện? Tôi nói đúng. Thí dụ như có những việc mà khi mình làm tâm mình phải lắng các vị biết không? Lúc đó không được giận dỗi, không được buông lung. Lúc đó cái mặt họ rất là hiền, mặc dù họ làm xong họ đi chém người ta nhưng mà lúc đó họ lại rất là hiền. Cho nên tôi gặp mấy người mặt hiền tôi cũng ớn lắm! Lúc nó đang làm việc khó thì nó xài tâm thiện. Nó làm việc xong nó xếp vô, nó đi rửa tay rồi nó đi kiếm mình.

Khi mà chúng ta sống vật lộn và chìm sâu với sáu trần, chúng ta chắc chắn sẽ mắc vào hai cái vấn đề, hai cái hệ lụy sau đây. Một là hễ có vật lộn và chìm sâu trong sáu trần thì phải có thích và có ghét. Được cái nhắc hoài mà quên hoài à. Hễ sống vật lộn và chìm sâu trong sáu trần là phải có thích và ghét. Và cả hai cái đó nó đều độc như nhau. Chính cái thích mà nó cộng thêm cái phước thì nó sẽ tạo ra cái này cái kia trong kiếp sau, tạo ra cái điều kiện sống và môi trường sống khác. Còn cái thích mà nó cộng thêm cái tội thì nó tạo ra điều kiện sống và môi trường sống xấu. Cái ghét cũng vậy. Do cái ghét mà nó cộng với phước báu thì nó tạo ra điều kiện sống và môi trường sống khác. Còn cái ghét nó cộng với tâm bất thiện thì nó tạo ra điều kiện sống và môi trường sống xấu.

Cái thích nó giống như đường mà cái ghét nó như muối vậy. Đường mà mình bỏ vô thức ăn quý vị có chắc sẽ ngon hơn không? Vấn đề là bỏ vô cái gì, liều lượng bao nhiêu. Muối cũng vậy. Mình thấy muối mặn chát nhưng mà chưa chắc nó dở. Mình thấy có trường hợp muối bỏ vô thì thích hợp. Vấn đề là muối cộng với cái gì và đường cộng với cái gì. Cái thích cái ghét cũng vậy. Cái thích nó giống như đường vậy. Thích mà cộng với phước báu nó khác. Cái thích đó nó cộng với tội lỗi thì nó ra cái khác. Tôi thích ăn ngon mà tôi không tu hành gì hết thì tôi làm loài ăn tạp. Tôi nhắc cho quý vị run, quý vị có biết loài ăn tạp không? Không có biết sạch dơ gì hết, nó quất hết. Còn mình, mình lấy trong tủ lạnh ra món đồ mà nó hơi chua chua, hơi lạ lạ là mình đã ớn rồi. Còn có nhiều con nó ăn những cái đồ trộn chung hầm bà lằng, múc lên nó nhớt kéo sợi mà nó vẫn ăn. Qúy vị có muốn làm cái loài đó không?

Trích bài giảng Thế Giới Đời Sống Muôn Loài
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Tâm Ác | | Hư Không

Nghiệp và Thú Tướng | | Học Đạo

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com