Luật

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Luật

Luật tạng tuy có nội dung nhắm riêng cho Tăng Ni, nhưng người có học luật và hành luật sẽ thấy được rằng các học giới của người xuất gia đều có tác dụng trực tiếp lên đời sống tu tập của chúng ta.

Mình học mình nghe nói tâm thiện là 1 + 13 + 25, còn tâm ác là 1 + 13 + 14, mình thấy nó không mắc mớ gì đến giới của người tu. Nhưng thực ra từng giới đều có tác dụng dẹp bỏ 14 cái bất thiện để xây dựng 25 cái thiện.

Ví dụ: Tỳ kheo không ăn buổi chiều và không giữ thức ăn qua đêm. Mới nhìn thì thấy hơi bình thường nhưng khi không ăn chiều mình đã giải quyết được rất nhiều phiền phức. Vì khi đã ăn là phải xào nấu, bằm xắt, rửa chén. Không ăn chiều là tránh được bao nhiêu cái rắc rối. Không ăn chiều nhưng nếu còn làm việc với thức ăn, còn giữ qua đêm, còn để tủ lạnh, còn sợ hư là có hàng ngàn hệ lụy ở trong đó. Thí dụ như khi mình không được để thức ăn qua đêm thì không có vụ gián, chuột, kiến, mèo. Ngày nào giải quyết ngày đó. Khi mở tủ thấy cái nào hư lòng cũng lo, thấy cái nào ngon thì lòng cũng khoái. Nên mới có nghiên cứu khoa học cho thấy người đàn ông độc thân ốm hơn người đàn ông có vợ. Vì người đàn ông độc thân mở tủ lạnh không thấy gì nên đi ngủ, còn người đàn ông có vợ lên giường thấy chán vợ nên mở tủ lạnh quất, cứ vậy nên nó mập. Không ăn chiều là tránh được bao nhiêu cái phiền, không giữ qua đêm tránh được bao nhiêu vấn đề. Rồi có chuyện chưa ăn đã sắm trước, chưa ăn ai cho cũng nhận vô, khách tới móc ra mời, tùm lum hết. Rồi sợ hư cái này, sợ hỏng cái kia. Nên theo nguyên thủy thì ăn bữa nào biết bữa đó. Còn đói quá thì chữa lửa bằng cái gì đó là xong. Ai từng sống cảnh chữa lửa thì biết. Hôm nay tui mách cho: gạo lứt, gạo nếp, đậu xay nhuyễn thành bột mịn, để vài kí trong balo. Qua Miến Điện thì buổi chiều pha nước sôi quấy lên, ăn mặn thì có tôm khô lấy ra làm cháo, nó không bốc mùi không ai biết đến, mà không muốn ai thấy mùi nữa thì làm buổi trưa trước. Cách nữa là hốt nắm gạo bỏ vô bình thủy nước sôi đậy nắp lại, 6 tiếng sau ra nguyên bình cháo lộng lẫy luôn. Bà con đi thiền đều có kinh nghiệm này hết. Mà tôi thương mấy người đó, vì là cách chữa lữa không, chứ vô thiền viện mà băm băm, xắt xắt, xào xáo tùm lum là sai.

Về lý thuyết tạng Luật nó không có ghê gớm, không có ảo diệu sâu sắc, huyền vi bí hiểm, trừu tượng như là 2 tạng kia. Nhưng trong hành trì thì 2 tạng kia phải chạy qua tạng Luật.

Nghĩa là giấc chiều ông không có gì hết, không tiếp xúc bừa bãi, không tiếp xúc tay đôi với phụ nữ chỗ vắng, không giữ thức ăn, không giữ tiền bạc, tài sản. Cốc liêu thì tự cất, mỗi cốc không quá 3 mét. Tỳ kheo mà tự ý cất thì chỗ đất cất phải hỏi ý chư Tăng. Không đi sớm về khuya mà không trình Tăng, phải có lý do chính đáng. Có những thuốc chữa bệnh được quyền giữ và sử dụng cho đến hết, có thuốc chữa bệnh chỉ được giữ trong một tuần, rồi tìm cách giải quyết. Ví dụ như mật ong. Lúc bị bệnh thì mật ong, sữa, những thứ ngon miệng, được quyền dùng. Khi xong phải nhờ người khác cất đi, bản thân không được tự ý giữ. Hũ muối, hũ đường dùng để nêm nếm, sau khi múc ra lập tức nó trở thành thức ăn buổi sáng. Buổi chiều khuấy nước mình không được dùng nó nữa, vì nó là thực phẩm rồi. Những chuyện đó phải học luật và giữ luật thì mới thấy nó rất là chi li. Người giữ luật trang nghiêm nhìn đâu họ cũng thấy phạm luật hết.

Về lý thuyết thì tạng Luật không hay bằng, mà về thực hành thì hay hơn 2 tạng kia. Mỗi tạng có cái sâu riêng. Tạng Kinh nó sâu sắc trong hình ảnh, minh họa. Tạng A tỳ đàm sâu sắc trong nghĩa lý. Tạng Luật sâu sắc trong đời sống thực tế.

Đời sống nhìn qua tạng Kinh không rõ nét bằng tạng Luật. Trong tạng Luật từ nhà cầu lên đến bàn ăn đều là luật hết. Thí dụ như vào nhà cầu thì cái gáo múc nước không được quyền để ngửa mà phải để úp. Ngày xưa người ta không có xài cái vòi vặn, họ dùng nước tích trữ trong cái lu. Nếu cái gáo mình múc rồi để ngửa thì nước đọng trong đó làm nhớt cái gáo, người sau vào sẽ thấy gớm. Vì vậy dùng xong phải úp gáo xuống. Thấy nước lu gần hết cần đổ đầy, thấy nhà cầu dơ phải dọn cho hết dơ, thấy nó có mùi dọn cho hết mùi. Tăng chúng sống với nhau phải tôn trọng nhau theo tôn ti hạ lạp. Ngoài đời là vua mà vào đạo nhỏ hạ hơn thằng lính thì phải kêu thằng lính là sư huynh. Tuy nhiên đứng trước nhà cầu không có tôn ti, em nào tiêu chảy được đi trước! Luật hay lắm. Tuy anh lớn hạ, nhưng anh bón thì anh đi sau tôi vì tôi tiêu chảy tôi được đi trước.

Tuy lớn hạ, nhưng người bệnh và người nuôi bệnh được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Trong Tăng chúng phải nể ông nuôi bệnh 3 phần, vì thằng cha nuôi bệnh không bỏ đi được. Có lần tỳ kheo bị bệnh mà chư tăng cứ lo ngồi thiền, đi bát. Chiều đến Phật họp chư tăng lại Phật nói: "Các ngươi đã bỏ nhà ra đi, không cha không mẹ không người thân, các ngươi không thương nhau thì ai thương? Hôm nay mình bỏ lơ người khác mai mốt đến phiên mình ai lo?" Ở Kalama làm phòng y tế tôi phải viết câu này bằng tiếng Pali: Ai chăm sóc tỳ kheo bệnh, người đó chăm sóc Như Lai. Khi ngài nói câu đó thì các vị tỳ kheo khỏe lắm.

Có buổi chiều Ngài ngồi thuyết pháp, có ông vua đến quỳ ông lạy. Ổng ở gần chùa ngày nào ông cũng vô gặp Phật, ông lấy cái miệng ông hôn bàn chân của ngài. Có lần Ngài hỏi: “Đại vương cũng là vua, ta trước khi xuất gia cũng là vua, đại vương với ta bằng tuổi, sao đại vương hạ mình như vậy?” Ông nói: “Ngài là vua, con cũng là vua, nhưng Ngài có những cái con không có được”. Ông là vị Phật tương lai, là 1 trong 10 vị gần sắp tới. Ông đang ngồi nghe pháp, có người vô nói gì, cái mặt ông sầm liền. Phật hỏi "Đại vương có an lạc không?" Ông nói: "Trước Bạch Thế Tôn con luôn an lạc, nhưng con mới nhận được tin không vui. Trong nội cung báo hoàng hậu mới sinh công chúa mà con thích con trai nên con nghe tin không được vui”. Phật bảo “Tại sao con coi thường con gái? Trong khi tất cả đàn ông vĩ đại nhất đều do phụ nữ sinh ra”. Kể từ lúc đó ông lạy Phật xong ông thương công chúa như vàng. Không giải thích gì hết, chỉ quất một câu một là ông vua xoay 180 độ. Hay quá, không có giải thích về nam quyền nữ quyền, mà chỉ một câu rất là dễ hiểu. Rùa cỡ nào cũng hiểu.

Lúc Ngài mới thành đạo, bà dì ruột thương Ngài quá, bà cúng Ngài một bộ y do chính tay bà dệt. Ngài từ chối và nói bà cúng cho chư Tăng. Bà sốc. Bà đem cúng cho ngài Xá Lợi Phất thì ngài nói "Tôi y đủ rồi, theo luật không được nhận y dư." Tới ngài Mục Kiền Liên cũng lắc đầu. Ai cũng lắc riết. Đến ông cuối cùng là ông mới tu thì ông này nhận. Đức Phật mới nói đem bình bát ra đây. Rồi Ngài cầm ngài chú nguyện: “Tất cả tỳ khưu ở đây, kể cả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên cũng không tìm ra trừ cái ông mới tu” Ngài nói xong Ngài thẩy một cái là cái bát biến mất tiêu. Ngài nói các vị tỳ kheo đi tìm giúp Như Lai cái bình bát. Ngài Mục Kiền Liên tìm không ra. Ngài Anuruddha là đệ nhất thiên nhãn, ngài rọi mấy chục cái ổ ếch cũng không thấy cái bình bát. Phật chú nguyện làm sao mà thấy được. Có những vị biết chuyện, mới nói ông mới tu tìm thử. Ông nói "Trời ơi tôi mới tu, chưa biết sơ thiền vuông tròn dài ngắn ra sao, nói gì đến thần thông." Nhưng vị đó có huệ căn nên vị đó mới nói "Chư tăng ở đây tìm hết rồi mà không ra. Còn có mình con, thôi để con tìm." Ngài quỳ xuống ngài khấn thế này: "Con đi xuất gia không phải vì danh vì lợi, cũng không phải vì cầu quả phạm thiên Đế Thích, mà con chỉ cầu quả Bồ đề vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như Thế Tôn. Nếu con mà thành Phật con xin bình bát của Thế Tôn có trên tay của con." Ngài khấn xong thì bình bát hiện ra nằm trên tay Ngài. Đức Phật mới mỉm cười. Ngài Ananda nhìn biết Thế Tôn không có vô vớ mỉm cười. Vị mới tu này chính là Phật Di Lạc. Nghĩa là lá y bà mới cúng là cúng cho vị Phật kế. Trong kinh nói, lúc đó trong vô lượng vũ trụ, vị Phật Di Lạc là người thứ hai mà phước báu nhiều, chỉ sau Đức Thế Tôn thôi. Phước gấp hơn ngài Xá Lợi Phất ngàn triệu tỉ lần, mặc dù ngài vẫn còn phàm, nghĩa là ngài chưa đắc La Hán thôi. Phật dạy: "Khi giáo pháp Như Lai hết, trái đất sẽ trải qua thời gian mông muội không có văn minh. Sau giai đoạn đó sẽ đến giai đoạn hoàng kim văn minh. Lúc đó tỳ kheo này sẽ ra đời làm Chánh Đẳng Chánh Giác thuyết pháp giống như ta bây giờ, độ vô lượng chúng sanh như ta bây giờ."

Trích bài giảng Ba Tạng và Con Đường Tu Chứng
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép

KỆ CÚNG DƯỜNG ĐẠI Y
Y là tướng, đạo mầu là thể.
Áo đại bi chi kể đức lành
Ba đời chư Phật tịnh thanh
Viên dung thể tướng mà thành đạo sư
lễ Phật Y có từ duyên cũ
Ghatikà phạm chủ thần uy
Cúng dường pháp cụ tam y
trợ duyên Bồ-tát xả ly hồng trần
Kịp đến khi Ngài thành đại giác
Bà Kiều Đàm đại phát tín tâm
trồng bông, dệt vải tự thân
may y ba lá cúng dâng Phật Đà
lễ cúng y đã ra huyền ấn
một đại y, hai đấng từ tôn
y vuông để đạo thêm tròn
đời đời chánh pháp hãy còn luân lưu
phước điền y đặc thù biểu tượng
từ xưa sau là ruộng phước duyên
ca-sa hình ảnh đạo thiền
lá cờ La Hán giữa miền tử sinh
nay chúng con tâm thành sắm sửa
vải thô may thành thửa phước điền
trên từng sợi chỉ đường kim
gửi theo đó trọn một niềm tín tâm
mong khi chưa công thành quả mãn
nẻo luân hồi bầu bạn hiền nhân
đời đời học đạo chánh chân
chỉ theo đường giác, chẳng gần ngõ mê
khi duyên kết Bồ-đề thánh trí
được xuất gia khất sĩ thiện lai
cận kề Điều Ngự hôm mai
hợp quần thánh chúng trong ngoài nhân thiên
cầu Tam bảo chứng miêng tấc dạ
cho chúng con đạo cả sớm thành
y vàng lễ phẩm tịnh thanh
hoà cùng tín trí kết thành Phật duyên.

Sư Giác Nguyên


Kiêu Mạn | | Bù Trừ

Lịch Sự | | Vô Ngã

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com