Tùy Niệm Thí

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tùy Niệm Thí

Buddhanussati là niệm Phật, Dhammanussati là niệm Pháp, Shanghanussati là niệm Tăng, Cāganussati là niệm thí. Cái chữ Cāga ở đây nó ghê lắm. Dāna và Cāga cũng là cho, đều là bố thí nhưng cāga nhấn mạnh ý nghĩa buông bỏ. Mahāpariccāga là phép đại thí của Bồ Tát Chánh Đẳng Giác gồm tánh mạng, ngai vàng vợ con và tứ chi.

Vậy Niệm Thí là gì? Các vị còn nhớ tôi kể hai kiểu bố thí. Bố thí kiểu thả diều và bố thí kiểu thả chim. Bố thí mà còn cầu công đức để sanh về cõi này cõi kia để được cái này cái nọ là bố thí kiểu thả diều. Mình buông ra nhưng vẫn còn sợi dây chằng lại. Bố thí kiểu thả chim là chim bay đâu thì bay, kiếp này mình ân đoạn nghĩa tuyệt với chim, nó đi đâu phần nó, còn ta thì quên mất. Ta không thể nào về còn tơ tưởng con chim ra sao sau khi chính mình thả nó bay mất. Chỉ có người khùng mới nghĩ ngợi như vậy. Nếu anh thương nó quá thì anh nhốt trong lồng, anh nướng anh ăn thịt nó. Chứ không ai đi thả rồi tối ngày lo không biết con chim bay đi đâu. Một khi đã buông nó ra thì mình biết nó là hết rồi. Còn thả diều là khác, khi mình rê rê nó theo gió, nó bốc lên cao mình chơi cho đã, ngó mỏi cổ kéo mỏi tay xong khi nắng tắt gió lặng, ba má kêu về ăn cơm thì mình bèn thu dây lôi nó về cất. Bữa nào quởn kéo đi chơi tiếp – đó là kiểu thả diều. Bố thí kiểu thả diều là mình cho đi mà còn lòng tơ tưởng với cái mục đích là cầu công đức hữu lậu, sanh tử. Còn bố thí kiểu thả chim là đã trao đi thì không mong nhận lại bao giờ.

Trong tiếng Mỹ có 2 chữ: “giving” là cho ra, khác với “giving up” là buông bỏ. Cāga là buông luôn.

Niệm thí có nghĩa là người nghèo hoàn toàn có thể tu tập đề mục này bằng cách tự xét mình có thể tùy khả năng mở rộng bàn tay.

Ví dụ trong kinh Tạng nói một vị tỳ-kheo hoàn toàn có thể tu hạnh bố thí bằng bình bát khất thực của mình. Một tỳ kheo thanh tịnh không tiền bạc nhà đất tài sản nói chung, có thể tu hạnh bố thí bằng đồ ăn khất thực trong bình bát của mình qua sự chia sẻ với thầy bạn.

Quý vị đừng coi thường. Quý vị có thể nghĩ "Ôi, xá gì cái trong bình bát, đồ rẻ tiền trong bình bát." Mà nó rẻ thiệt... Nếu đổi ra tiền Việt Nam thì tôi nghĩ đầy cái bình bát vừa bánh mì, tàu hũ, gạo, chao tương, chuối trái … chắc trị giá tầm 100.000 đồng Việt Nam là tối đa. Thì nó đâu có đáng gì. Nhưng ở đây không phải là tính đến giá trị vật chất của các món trong bình bát. Mà đó là tất cả gia tài của tôi chỉ có bao nhiêu đây thôi. Mà thấy ông kia bị bệnh đau chân trời mưa không đi được, nên tôi về chia lại cho ổng một nắm xôi, mỗi người ăn một nửa, ba khúc bánh mì chia một nửa, trái chuối một nửa... Không biết quý vị nghĩ làm sao. Có thấy đó là bố thí hay không? Tôi thì thấy đó là Đại Thí chứ không phải bố thí. Bởi vì sao? Đi bộ thì đói dữ lắm, mà về chia lại hết một nửa. Xác phàm làm không nổi đâu. Chưa kể bữa đi bát về ngồi kế bên ông sư già răng rụng, mình ngó trong bình bát có món mà người già không có răng ăn được, là mình nhường miếng mềm mềm cho ông. Các vị nghĩ làm sao? Có phải là bố thí hay không. Tôi nghi ngờ đó không phải là bố thí mà là đại thí đó. Cho nên tùy niệm thí là tự xét mình rằng tùy khả năng mà hoàn toàn có thể chia sẻ cho người khác với một bàn tay rộng mở, không tiếc nuối và đối tượng thì không phân biệt. Khi suy tưởng như vậy thì dầu mình nghèo cách mấy đi nữa mình vẫn có thể tu hạnh này.

Niệm thí có nghĩa là ngồi xếp bằng thẳng lưng và suy tư như sau. Ta bây giờ hoàn toàn có thể chia sẻ vật chất cho người khác theo khả năng của ta, ta không có tiếc gì hết. Ta chỉ giữ lại vật chất cho mình vì một trong hai lý do sau đây. Một là ta đang có nhu cầu sử dụng và không phải có ý tích lũy. Thứ hai, trước mắt chưa có đối tượng để ta trao ra, chứ không phải ta kẹo. Tự hành giả phải hiểu cái đó. Thì cái đó gọi là tùy niệm thí.

Và tôi nhắc lại lần nữa vì sao tôi nói nhiều về vị tỳ kheo. Vì tôi lựa cái người mà cùng đinh nghèo mạt đó, chứ dù sao một ông cư sĩ vẫn đỡ hơn một ông tỳ kheo trong sạch nhé. Vị đó tài sản hoàn toàn chỉ có 1 bình bát mỗi ngày mà vị đó còn bố thí được. Thì xá gì kể chi mà quý vị là người cư sĩ.

Cho nên tùy niệm thí là vậy. Tức là hành giả ngồi thẳng lưng và suy niệm một cách hoan hỉ như sau. Ta bây giờ hình như ta không có gì hết. Những gì mà ta đang giữ chỉ có 1 trong 2 lý do. Một là ta đang giữ món này vì ta đang có nhu cầu sử dụng - như áo quần, nồi cơm. Ta đang có nhu cầu sử dụng mây thứ này. Thứ hai là hiện giờ chỉ cần có ai đó có nhu cầu bước đến là ta cho liền. Tuy hiện giờ thì chưa có ai cần nhưng mà lòng ta biết là ta sẽ cho mà không có tiếc. Từ sáng đến chiều ngồi nghĩ như vậy mà vẫn vui. Đó là Tùy Niệm Thí.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 020
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép


Giải Pháp cho Đau Khổ | | Chí Hiếu

Tín Định Tuệ | | Tham nhiều Trí chậm

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com