Không Sao Đâu!

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Không Sao Đâu!

Người tà kiến nếu làm phước thiện thì cũng trên nền tảng tà kiến.

Người thường kiến nếu có làm phước để nuôi dưỡng ảo tưởng về cái "tôi". Người đoạn kiến nếu làm phước chỉ là ngẫu nhiên hay do hoàn cảnh hoặc vì còn chút lương tri. Họ không có tin. Đoạn kiến nhẹ thì không có khuynh hướng làm thiện tránh ác nhưng nếu được nghe chánh pháp thì cũng hy vọng sửa đổi quan điểm. Người đoạn kiến nặng nề thì chư Phật cũng không giúp được.

Người tà kiến thường làm khổ chính mình và đồng thời gieo rắc khổ cho thiên hạ. Nghĩa là những gì mình làm, mình nghĩ đều đi ngược lại chánh pháp. Nếu người này có trong tay quyền lực, uy tín, sự ái mộ của quần chúng thì chết cả đám vì họ sẽ gieo rắc cái suy nghĩ tào lao của mình. Khuynh hướng tâm lý của chúng ta đều có thiện và ác. Cái nào mạnh cái nào yếu là tùy mỗi người. Do đó nó có cái đáng ngại là nếu ta ở gần người tà kiến thì khuynh hướng tà kiến của ta dễ dàng phát triển. Còn ở gần người có chánh kiến thì ngược lại, khuynh hướng chánh kiến sẽ tăng trưởng.

Trong quý vị sẽ có nhiều người bực mình nghĩ chúng tôi là tu sĩ Phật giáo nên cứ cái nào trong kinh thì chúng tôi nói là chánh, cái nào ngoài kinh thì nói là tà, chứ dựa vào đâu mà nói người ta là chánh là tà? Đối với những vị có suy nghĩ bực mình như vậy, thì tôi xin gửi đến quý vị món quà đầu năm. Một suy nghĩ thôi: Khoan nghĩ đến việc đúng sai, chỉ nói đến khía cạnh khoa học, thì cách nghĩ của người chánh kiến luôn an toàn hơn của người tà kiến. Thí dụ: kiểu sống và cách nghĩ mà có trách nhiệm thì luôn chắc ăn hơn là kiểu sống và suy nghĩ bạt mạng, phủ định mọi thứ mà mình không có kiểm định được. Ví dụ giờ quý vị đến thăm tôi ở chỗ tôi đang ở; sát bên rừng bên Thụy Sĩ. Ở Thụy Sĩ thì không có rắn độc. Giả sử quý vị hỏi tôi "Ở đó có rắn không?" Thì tôi sẽ nói "Thỉnh thoảng cũng thấy vài lần, cỡ chiếc đũa, nó hiền lắm, nhát lắm và không có độc. Nhưng mà quý vị cứ cẩn thận. Đêm hôm ra ngoài cầm theo cái đèn pin thì nó vẫn an toàn hơn là quý vị tin là chắc chắn không có. Mình ở giáp bìa rừng, ngoài rắn ra thì còn có con nhện, côn trùng độc hại khác, ai mà biết."

Kiểu sống an toàn, có trách nhiệm với bản thân, với thiên hạ vẫn chắc ăn hơn. Còn chưa gì hết mình đã phán “Không sao đâu!” là tôi sợ lắm. Trên xa lộ đang lái xe mà người tài xế cứ mở miệng ra nói “Không sao đâu!” thì tôi ngán lắm. Chữ đó nói tùy lúc, có lúc mình nghe yên tâm, nhưng có nhiều lúc mình nghe thấy ngán. Tôi thấy mặt hắn đỏ ké mà mình hỏi "Ông mới uống hả?" Chả nói “Không sao đâu!” Là mình bắt đầu run rồi. Có nhiều trường hợp “Không sao đâu!” nó trấn an mình, nhưng hiếm lắm. Số lần nó làm cho tôi an tâm không nhiều bằng số lần làm cho tôi run.

Tôi thấy cái nghĩ của người chánh kiến nó chắc ăn hơn. Nói theo khoa học, cái cách nghĩ nào có tinh thần trách nhiệm thì an toàn hơn.

Cái này cũng khoa học nữa: khi ta tin là có thì trước mắt ta có vô số lối đi. Và khi ta không tin gì hết thì rõ ràng ta đã đóng kín tất cả đường hướng tư duy. Khi tôi nói không thì tôi không còn bận tâm nữa. Khi tôi nói có thì tôi còn bận tâm.

Ví dụ quý vị hỏi tôi chỗ tôi ở có khách tới hay không? Nếu tôi nói "không bao giờ có khách" thì quý vị biết là đừng hòng tôi có sự chuẩn bị nào cho khách hết. Nhưng nếu tôi trả lời là "hiếm lắm, biết đâu ..." thì ít ra tôi cũng có chuẩn bị một chút gì đó.

Hoặc như hỏi: "Có tin vào sự tồn tại của giới vô hình khuất mặt hay không?" Một người nói "biết đâu" hoặc "có tin" thì họ còn có hướng suy tư. Đúng sai không biết nhưng về lĩnh vực đó họ còn không đóng cửa. Còn một người nói "tôi không tin gì hết" là họ sẽ không hề để tâm đến đề tài đó, lĩnh vực đó. Họ sẽ không hề có một chút thời gian suy tư nào hết.

Vì vậy khi mình nói không, thì chuyện đầu tiên mình đã đóng cửa tất cả cánh cửa tư duy. Còn khi mình nói có là mình đã mở ra vô số con đường để mình đi trong đó.

Vì vậy một người tà kiến dù có làm thiện thì họ cũng làm thiện trên quan điểm của một người tà kiến. Do tà kiến mà làm ác thì xa đọa và từ đó cơ hội đi lên rất là hiếm hoi. Nếu tà kiến có làm thiện thì khi được sanh về cõi lành nhưng cũng rất dễ dàng quay lại với quan điểm tà kiến ngày xưa. Và cơ hội làm ác luôn lớn hơn làm thiện. Còn người có chánh kiến, dù có làm ác thì đó chỉ là giai đoạn và cái chuyện họ sa đọa cũng vậy, cũng là giai đoạn. Khi họ có cơ hội lắng nghe chánh pháp thì người chánh kiến luôn có cơ hội trở mình.

Ở đây tôi kể chuyện cho quý vị ngồi nghiệm. Cho đến hôm nay, thế kỷ 21, mà hiện giờ tại chùa Tàu ở Chợ Lớn, mỗi năm người ta vẫn còn tin và tiến hành chuyện giết heo lấy máu tươi mà bôi lên tượng con cọp đá trong chùa Tàu ở quận 5 Nguyễn Trãi. Dễ sợ chưa? Thế kỷ 21 người ta có thể đi chùa online, có thể coi internet, nghe băng giảng trực tiếp hoặc gián tiếp. Nói chung ở thế kỷ này chúng ta có nhiều cơ hội để nhìn lại mình và nhìn ra thế giới hơn ngày xưa. Ngày xưa cơ hội nhìn ra thế giới cực kỳ hạn chế, chỉ có sách và báo thôi. Mà mình là dân tiểu nông thì làm sao mình có cơ hội nghiên cứu tìm hiểu. Ngày nay thì dễ ẹc. Chỉ cần mình chịu khó ngồi bấm bấm smartphone thì ra vô số. Cho nên ngay trong thời điểm này sinh ra trong thế kỷ văn minh, khoa học thì điều kiện thông tin cực kỳ thuận tiện. Vậy mà người ta vẫn tiếp tục làm những chuyện tào lao đó. Giết heo lấy máu tươi bôi lên tượng con cọp đá.

Hễ mình có chủng tử tà kiến thì ở môi trường nào mình cũng làm việc bất thiện được hết. Nếu mình sinh ra trong thời không có văn minh khoa học, hoặc trong bộ lạc ở rừng sâu núi thẳm, khi đó làm ác thì không nói. Còn ở đây mình có chủng tử tà kiến, dầu sanh ra trong một xã hội văn minh tràn ngập ánh sánh khoa học thì vẫn có thể quay lại quan điểm tà kiến của mình.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 021
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép


Cổ hay Cũ | | Về Nguồn

Mahākassapa | | Pháp Tài Lữ Địa

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com