sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Pháp Tài Lữ ĐịaTrong kinh nói rất rõ. Khi hành giả tu Tứ niệm xứ chuyện đầu tiên là Pháp, Tài, Lữ, Địa. Pháp có nghĩa là phải có đề mục. Và đề mục đó là do kiến thức, tức là phải có học giáo lý đàng hoàng. Phải có hiểu, có nhớ, phải có học qua. Tài ở đây là cái điều kiện vật chất. Thí dụ như y phục, thực phẩm thích hợp. Chứ mấy cái đó mà mình chê, mình nói "tu là tu tâm" là mình nói khoác. Nói "tu tâm không có lo vật chất" là đúng. Tu mình phải đơn giản, kiệm bạc. Nhưng điều kiện tối thiểu mình phải có. Bởi vì mình chưa đủ năng lực để vật qua một bên mà lo hết cho tâm đâu. Tâm với vật phải đề huề. Pháp là về mặt tâm linh tinh thần phải có chuẩn bị kiến thức trước. Phải có cả nhận thức và kiến thức trước. Tại sao tôi phân biệt nhận thức và kiến thức? Tại vì có người có kiến thức chứ không có nhận thức. Họ học như vẹt nhưng khả năng tiêu hoá không có nhiều. Tôi có biết nhiều vị rất giỏi về A tỳ đàm, mở miệng ra là 15, 18, 23, 41, nói ào ào nhưng họ không biết đưa nó vào trong thực tế tu chứng. Cái đó mới chỉ là kiến thức. Hiểu được cái linh hồn, cái tinh hoa, cái cốt yếu thì đó mới là nhận thức. Có những người khả năng nhận thức rất tốt, nghe đâu hiểu đó nhưng mà vì thiếu kiến thức cho nên cũng thiếu căn bản, cũng không được. Cho nên phải có nhận thức và kiến thức thì 2 cái này làm nền tảng cho quí vị tu học mai sau cho cả đời sống lẫn cuộc tu. Thì đó gọi là Pháp. Tài là điều kiện vật chất. Còn Lữ ở đây là gì? Lữ đây là thầy bạn. Thầy là người trên mình dạy cho mình. Còn bạn là người ngang với mình, chia xẻ với mình, trang lứa với mình, cùng khóa cùng lớp với mình. Lữ rất là quan trọng. Tây phương có câu "Anh nói cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ nói con người của anh như thế nào". Trong chú giải ghi rõ những điều kiện để phát triển thiện pháp và ác pháp, trong đó có một điều kiện tiên quyết, đó là gần gũi với ai. Anh muốn trau dồi chánh niệm thì anh phải ở gần người chánh niệm, anh muốn điềm tĩnh thanh thản thì anh phải ở gần người điềm tĩnh thanh thản, anh muốn hào sảng rộng rãi mà anh ở gần người bủn xỉn thì sớm muộn gì anh cũng chết. Tôi đã nói nhiều lần, tâm lý chúng sinh đi theo hệ thống như sau: Buổi đầu mình sống với người ta trong tâm thức đối kháng. Có nghĩa là mình không có vừa ý. Nhưng mình ở lâu thì từ tâm thức đối kháng nó chuyển qua tâm thức hòa giải, thấy chuyện đó là bình thường. Rồi sau đó mình thấy nó hay hay và từ hòa giải nó chuyển qua thỏa hiệp. Từ thỏa hiệp cuối cùng nó chuyển qua giai đoạn mình bị đồng hóa, mình giống người ta hồi nào không hay. Mình sống trong tâm thức đối kháng thì rất là mệt. Ở gần cái người mà họ nhiều chuyện quá, ở gần người bủn xỉn quá, ở gần người có tánh ganh tỵ quá mình rất là phiền. Thì đó là tâm thức đối kháng. Nhưng lâu dần mình qua giai đoạn thứ hai là tâm thức hòa giải. Mình thấy nó bình thường, mình thấy nó hay hay và cuối cùng mình thành ra nó hồi nào không hay. Như vậy đối kháng - hòa giải - thỏa hiệp và đồng hóa. Đó là Lữ, là điều kiện thứ 3. Thứ tư là Địa. Nghĩa là anh sống ở đâu, đất nước nào, vùng miền nào, khu vực nào, trụ xứ nào, tu viện, thiền viện nào. Chưa hết. Cốc liêu nào, cái giường anh kê ở đâu, chỗ anh thường ngồi thiền ở chỗ nào. Đừng có nói là anh về Miến Điện là OK rồi. Sai. Anh ở Yagoon khác ở Mawlamyine, mà anh ở Mawlamyine không giống như anh ở Mandalay, Mandalay không giống Taunggyi, Taunggyi không giống Heho, mà Heho không giống Pyin Oo Lwin, Pyin Oo Lwin Pa Auk không giống U Pandita, mà U Pandita không giống Chamyai Mahasi, mà Chamyai Mahasi không giống với Kalama. Kalama là một ngọn đồi, các vị ở cốc trên không giống ở triền đồi, vì hướng gió. Ở cùng triền đồi cũng không có giống nhau vì trong các phòng cửa sổ ngó qua vườn hay ngó qua tháp, và cũng 2 phòng đều ngó ra vườn thì còn tùy cái giường mình đặt ở đâu. Cho nên chữ Địa quan trọng lắm. Trước hết là trú xứ, đất nước, lãnh thổ, khu vực, vùng miền, tỉnh lỵ, quận xã, cuối cùng là thiền viện nào học viện nào và trong đó mình ở đâu và nó phải thật sự thích hợp. Bởi vì tôi biết bên Thụy Sĩ là xứ lạnh, một năm từ mát cho tới lạnh là 9 tháng chỉ 3 tháng hè là nóng cho nên nắng chiều người ta khoái và không có sợ. Nhưng dân Thụy Sĩ không thể nào ôm cái kinh nghiệm nắng chiều ấy, cái tâm tình nỗi niềm ấy mà qua bên Miến Điện là chết. Ôm cái nắng chiều của Thái Lan, Miến điện, Việt nam là chỉ có chết thôi. Cho nên Địa là cái trụ xứ của mình rất là quan trọng. Tổng cộng lại, muốn làm một hành giả ngon lành, qúi vị phải chú ý 4 điều là Pháp Tài Lữ Địa. Bốn cái này phải có trước rồi mình mới tu tập ngon lành được. Thì đó gọi là Tiền Sanh Duyên, điều kiện đó có trước mới dẫn tới kết quả sau. Bên phía bất thiện thì Pháp Tài Lữ Địa cũng y chang như vậy. Pháp là gì? Trong đầu của mình toàn là tỵ hiềm, ganh ghét, bủn xỉn, hờn giận, tham đắm, thích thú hưởng thụ tức là pháp của mình toàn là pháp bất thiện không. Tài là điều kiện vật chất. Sống dưới mức trung bình hay dưới mức cần thiết thì đều được gọi là những điều kiện không nên, không tốt cho các vị tu hành. Lữ là những người thầy, bạn tào lao. Bao gồm luôn những gì mình thấy, nghe, đọc, gặp gỡ, suy tư, giao tiếp, va chạm tiếp xúc mỗi ngày đều được gọi là Lữ hết. Địa là có những trú xứ mình càng ở thì mình càng đổ đốn, càng bị sa đọa, càng xuống dốc, càng bị hướng hạ thay vì là hướng thượng. Các vị xem lại bài kinh Khu rừng trong Trung bộ Đức Phật dạy rất rõ là có những người, những trú xứ mà mình càng ở gần mình càng tiếp xúc, mình càng có mặt chỉ có hại thôi. Có những người mình càng giao tiếp với họ thì thiện pháp của mình lại càng bị lui sụt. Có những trú xứ mà mình ở lâu ngày chỉ có đi xuống thôi. Ngài nói trong trường hợp người như vậy, chỗ như vậy thì chỉ có hại cho mình. Mình nên ra đi càng sớm càng tốt, nếu cần thì không cần từ giã cáo biệt. Đời sống của mình rất là mong manh, sống nay chết mai, tuổi nào cũng có thể lăn ra chết và cơ hội để có được thân người là cực hiếm, nói gì là cơ hội được gặp chánh pháp vì chánh pháp chỉ được tuyên giảng khi có Phật ra đời. Các vị biết ngàn tỷ kiếp trái đất mới có một lần vị Phật ra đời. Có khi ra 2, 3 vị cách nhau không lâu như trái đất này. Nhưng có trường hợp trái đất này bị hoại rồi thì nó trải qua một A tăng kỳ đại kiếp không có Phật. Ở thế giới khác thì có thể, nhưng trái đất này khi nó hoại rồi thì ngay khoảng trống này nó sẽ mọc lên cái mới. Mà một A tăng kỳ là 10 lũy thừa 140. Nghĩa là con số 1 và 140 con số 0. Mình thấy tỷ là 9 con số 0 là đã thấy ớn rồi, mà cái này lên tới 140 con số 0 đại kiếp không có Phật ra đời. Thân người lúc có lúc không là đã khó rồi. Trong kinh nói như trên biển có một tấm ván nhỏ, trên đó có một cái lỗ vừa cái đầu con rùa. Rồi có một con rùa mù ở dưới biển thí dụ 100 năm nó trồi lên mặt biển một lần và do cơ hội may mắn hạn hữu nào đó mà nó chọt được cái đầu của nó vô ngay cái lỗ ván đó, mà tấm ván thì cứ trôi dạt từ bên bờ biển này qua bờ biển bên kia, từ bờ Đông sanh bờ Tây. Ngài nói rằng cái chuyện ngẫu nhiên đó còn dễ hơn là chuyện chết rồi được mang thân người. Tuy nhiên, đó là nói cho người dễ duôi. Còn người có biết đạo có tinh tấn thì khác. Người biết đạo thì mỗi lần sống chánh niệm là một lần mình trồi đầu lên. Có hy vọng lớn là chỗ đó chứ không phải nói vậy mình rung quá mình khỏi tu luôn. Có nghĩa là cơ hội làm người của mình nhiều hơn. Một người có lòng tu tập trong kinh nói rất rõ là phải có Ba la mật. Tức là nhiều đời nhiều kiếp đã từng sợ sanh tử, từng muốn chấm dứt luân hồi và tu tập công đức. Đó là công đức mà được thực hiện bởi lý tưởng giải thoát thì công đức đó được gọi là Ba la mật. Còn cũng công đức đó mà không gắn liền với lý tưởng giải thoát thì đó là phước báu hữu lậu, là công đức sinh tử. Cũng công đức bố thí, niệm Phật, quét rác, chùi cầu nhưng bằng lý tưởng giải thoát thì đó là Ba la mật. Người mà có Ba la mật nhiều, sâu dầy, thì khi ra đời họ có được cái trí hiểu những điều mà người khác không hiểu, họ tin được những điều mà người khác không có tin, họ có khả năng tinh tấn mà người khác không có, họ có khả năng chánh niệm và thiền định mà người khác không có, nghĩa là tín tấn niệm định tuệ của họ tốt hơn người khác. Trích bài giảng Duyên
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english