Cūlapanthaka

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Cūlapanthaka

Bảng Hán Tạng dịch âm tên Ngài là Tiểu-bàn-đặc. pantha là con đường, panthaka nghĩa là hành nhân hay kẻ trên đường, cūla là nhỏ. Ngài có người anh ruột là Mahàpanthaka mahà là lớn. Chuyện đời của hai anh em cũng có chút ngậm ngùi. Mẹ của hai vị là một tiểu thư con nhà giàu sang, vọng tộc, nhưng lại đem lòng yêu anh người làm giúp việc trong nhà. Sau khi thương nhau, hai người mới dắt nhau bỏ xứ ra đi. 

Nếu mà quý vị đọc được bảng Pali thì nhân dịp này mình học được nhiều chữ hay lắm. Thí dụ như chữ videsa: desa là xứ sở, videsa là viễn xứ hay là tha phương. Tức là sau khi yêu nhau rồi, hai người mới bàn chuyện bỏ xứ mà đi, chứ không dám ở lại, bởi vì cha mẹ chắc chắn là không đồng ý. Thế là cô tiểu thư và anh người làm dắt nhau trốn đi. Chuyện đời của cô này giống giống như chuyện của bà Patàcàrà. Trốn đi rồi sau một thời gian có mang, cô tiểu thư mới nghĩ trong bụng bây giờ là lúc vượt cạn mà có cha mẹ kế bên thì nó ấm cúng hơn, và nhất là mình là tiểu thư nữa, mình cũng cần sự chăm sóc, chứ mình đâu có thể sanh con kiểu bờ bụi như mấy người nghèo khó được. Cô mới bàn với chồng. Ông chồng tìm cách để cản. Nàng lén chồng trốn đi nhưng tới lúc chồng rượt theo kịp thì nàng trở dạ và sinh con trên đường luôn. Vì sanh con trên đường mới đặt tên con là Panthaka, tức là kẻ trên đường, kẻ sanh ra trên đường. Lần thứ hai nàng mang thai, nàng lại trốn đi và ông chồng rượt theo kịp. Nàng cũng lại tiếp tục sanh đứa bé trên đường nữa, nên lần này đặt tên là Cūlapanthaka.

Sau khi mà sanh con rồi thì nuôi hai đứa bé lớn được khoảng 5, 7 tuổi, hai đứa nó đi chơi ngoài làng, về kể lại cho bố mẹ nghe. Nó hỏi rằng "Tụi con thấy người ta có ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, mà sao hai con chỉ thấy có ba má không, chứ không thấy ai khác hết?" Thì cô tiểu thư mới kể. Cô nói con có gốc gác bự lắm, tại hoàn cảnh thì lưu lạc vậy thôi, chứ còn con là nhà cửa tài sản không có thua ai, con cũng có ông nội bà ngoại ngon lành lắm. Một lần, hai lần, cuối cùng thì nàng thấy một phần là mệt mỏi, một phần là cũng chạnh lòng, muốn con mình lớn lên bằng chị bằng em với người ta, cho nên bàn với chồng rồi đem con về giao cho bà ngoại, tức là vợ chồng ông triệu phú. Vợ chồng ông triệu phụ nói là cháu thì nhận, nhưng mà con với rễ thì không nhận bởi vì làm vậy mất mặt lắm. Ông bà chỉ nhận nuôi hai đứa cháu thôi. Còn con gái với thằng rễ thì họ cho mớ tiền rồi muốn đi đâu thì đi.

Ôgn bà ngoại mới nuôi hai đứa bé này lớn lên. Tôi chỉ kể vắn tắt. Khi hai đứa bé lớn lên thì người anh là Mahàpanthaka một hôm thấy người ta đi chùa cũng bắt chước đi theo. Vào chùa nghe Pháp rồi có niềm tin, rồi về xin ông bà ngoại cho đi xuất gia. Xuất gia xong rồi trong thời gian tích tắc là đắc thiền. Thọ giới xong rồi, được dạy Pháp môn Tứ niệm xứ với Thiền chỉ Thiền quán. Vị này đắc tới Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ đó mới nhìn lại cái tầng thiền vô sắc mà mình đã chứng, rồi nhìn lại nó thấy nó vô ngã, vô thường, vị đó đắc A-la-hán. Cho nên vị đó được xem là Đệ nhất Chỉ Quán song tu. Ngài Minh Châu dịch "Đệ nhất tưởng thắng tiến", cái chữ này nghe hơi ngán. Trong Chú Giải giải thích tại sao trong tiếng Pali là sannàvivattakusalo là "thuần thục trong việc chuyển giao Chỉ Quán", nghĩa là từ Thiền Chỉ qua Thiền Quán trong tích tắc. Khi đạt đến tận cùng của Thiền Chỉ là Phi tưởng phi phi tưởng, và ngay trong tích tắc là đưa qua Quán liền. Với cái khả năng này Ngài được xem là Đệ nhất. Trong khi đó Ngài Xá-lợi-phất là Trí Đệ nhất nhưng mà Ngài Xá-lợi-phất Ngài đắc kiểu khác. Ngài Xá-lợi-phất đắc theo cách là đắc Tu-đà-hườn xong rồi thì thôi. Đạt tới Tu-đà-hườn xong rồi ngưng nửa tháng. Ngài Xá-lợi-phất đắc La-hán bằng quá trình tâm dục giới. Riêng vị này thì vừa rời Samatha thì Vipassana tiếp theo. Đặc biệt vậy đó, khác nhau một chút. Do vậy Ngài mới được xem là "Đệ nhất trong khả năng thuần thục chuyển giao Chỉ Quán", tức là từ Thiền Chỉ qua Thiền Quán liền. 

Sau khi đắc xong, Ngài nghĩ đến người em, Ngài nghĩ: Bây giờ Phật Pháp hay như vậy, mà có một mình mình biết, còn người em không biết thì tội nghiệp! Ngài mới về Ngài rủ người em đi xuất gia. Do duyên lành nhiều kiếp, nên người em Cùlapanthaka mới theo anh đi xuất gia. Tuy nói là do người anh rủ mà đi nhưng khi Ngài vào trong Đạo, xuất gia rồi, thì Ngài một lòng tin Phật, thiết tha tu học. Có một điều là trí nhớ của Ngài kém dữ lắm. Trong Kinh nói người anh của Ngài cho Ngài một câu kệ bằng tiếng Pali có 4 câu thôi như thế này:

Padumam yathà kokanadam sagandham,
Pàto siyà phullamavìtagandham,
Angìrasam passa virocamànam,
Tapantamàdiccamivantalikkhe.

Chúng tôi mạn phép dựa theo bảng đó mà chúng tôi dịch qua tiếng Việt:

Như cành sen nở đẹp xinh,
Giữa màn sương buổi bình minh thơm lừng,
 Phật-đà vô thượng nhân trung, 
Tuệ quang chói rực mấy tầng thái không.

Suốt 4 tháng trời vị này học mà không cách nào thuộc được 4 câu đó. Ngài Mahàpanthaka tuy là vị A-la-hán nhưng mà Ngài không thể xét được cái duyên của em mình. Lạ chỗ đó, Ngài xét không được. Các vị còn nhớ là Thinh Văn có hai hạng: một là Buddhaveneyya là chỉ có duyên với Phật; hai là Savakaveneyya là chỉ có duyên với Thinh Văn thôi. Thì vị này chỉ có duyên với Phật thôi. Cho nên ngay cả Ngài Xá-lợi-phất cũng không có nhìn suốt được cái huệ căn của vị này nữa. Đặc biệt vậy đó. Cho nên người anh, tuy là vị A-la-hán, nhưng mà Ngài nói với người em như thế này:

- Bây giờ 4 tháng trời mà em không có học được một chút xíu xìu xiu nào hết, như vậy thì em lấy cái gì mà em học Giáo Lý? Em lấy cái gì mà em học Phật Pháp? Không biết Giáo Lý thì em lấy cái gì mà em tu đây? Không học được lấy gì tu? Không tu không học thì em xuất gia làm gì? Thôi em đi về nhà đi, làm cư sĩ rồi tạo phước, công đức được rồi! 

Thì Ngài Cūlapanthaka buồn lắm vì trong bụng không có muốn về đời, không muốn hoàn tục, không có muốn bị như vậy nên buồn lắm!

Thì trong lúc Ngài đang buồn như vậy thì có ông lương y Jìvaka thỉnh Đức Phật và Chư Tăng ngày hôm sau đến nhà trai Tăng. Chùa Kỳ Viên lúc đó đông lắm thường xuyên có mấy ngàn vị nên họ mới cần một vị gọi là bhattuddesaka nghĩa là vị chuyên môn sắp xếp ai đi trai Tăng chỗ nào. Thí dụ chùa mình có 2 ngàn vị, vua mời thì có bao nhiêu vị đi, mình đã nhận lời ông Cấp Cô Độc bao nhiêu, bà Visàkhà bao nhiêu, rồi ông tướng này, ông thương gia kia, ... Nói chung là ai mời bao nhiêu phải có cái vị đứng ra sắp xếp, chứ chư Tăng cả mấy ngàn vị ai mà trông coi chuyện đó đây? Thì trong thời điểm này, Ngài Mahàpanthaka là người chịu trách nhiệm làm người tri phạm bhattuddesaka đó. Ngài mới sắp xếp như thế này: 

- Ngày mai chư Tăng đi hết, chỉ chừa lại một vị ở nhà thôi đó là ông Cūlapanthaka. Ông này không có biết cái gì hết, ông chỉ biết quấn Y ôm bát vậy thôi, cho nên thôi để ông ở nhà.

Thì người em nghe vậy tủi thân lắm, buồn ra đứng một mình ở cuối chùa. Lúc đó Đức Phật Ngài thấy, Ngài mới nói:

- Người khác không thấy ngươi, nhưng mà Ta thấy ngươi.

Rồi Ngài mới dùng thần thông Ngài tạo ra một cái khăn tay màu trắng sạch sẽ, Ngài đưa Ngài nói:

- Cứ lau mặt đi, mỗi lần lau mặt niệm là đồ lau bụi, đồ lau bụi. Cứ mỗi lần lau cứ nhớ như vậy, cứ đọc câu đó thôi! 

Ngài Cùlapanthaka không học được gì, nhưng dặn cái này thì nhớ. Chữ rajoharanam là đồ lau bụi, chỉ vậy thôi. Rồi cứ niệm hoài như vậy "rajoharanam rajoharanam rajoharanam". Ngài lau được vài lần như vậy, thì nhìn thấy miếng vải nó đen đi, nó ố, nó dơ. Ngài nhìn đó Ngài quán tánh sanh diệt. Tự nhiên cái Trí nó tới, Ba-la-mật chín muồi, Ngài quán tánh sanh diệt: nó lúc nãy trắng sạch, bây giờ nó đen, nó dơ. Thân tâm mình cũng vậy, lúc vầy lúc khác, tâm lúc tham lúc sân, lúc thiện lúc ác, cái thân thì lúc thở ra lúc thở vô, lúc khó chịu lúc dễ chịu. Ngài quán vậy rồi Ngài đắc A-la-hán Lục thông Tam minh và Bốn Tuệ phân tích. Chuyện đó xảy ra rất là nhanh mà không ai biết hết. Lúc Ngài đắc là vào buổi sáng.

Lúc đó Đức Phật và Chư Tăng đi về nhà ông lương y Jìvaka để dự trai Tăng. Khi ông Jìvaka quỳ xuống đặt thức ăn vào bát của Đức Phật, thì Đức Phật Ngài lấy cái tay Ngài chặn lại Ngài không có nhận. Trong Kinh kêu là Satthà (Bậc Đạo Sư) hatthena pattam pidahi (dùng tay che cái bình bát lại).

Ông Jìvaka hỏi Kasmà, Bhante, na ganhathà? (Vì sao bạch Thế Tôn Ngài không nhận?) Đức Phật nói: Vihàre eko bhikkhu atthi jìvakàti (Ông lương y, chùa còn một vị nữa). 

Thì cái ông này mới cho người chạy về chùa gọi. Người nhà thì vô chùa thấy có một ngàn vị Tỷ-kheo mặt mũi mỗi người một vẻ.

Cái khúc này quan trọng. Mỗi vị một nét mặt mà có gồm một ngàn vị. Mà tại sao tôi nhấn mạnh cái này? Là bởi vì trong Chú Giải nói thế này: Anne bhikkhù manomayam kayàm nibbattentà tayo và cattàro và nibbattenti na bahuke Những vị Tỷ-kheo khác mà có dùng thần thông mà hóa hiện ra người này ngươi kia thì hóa hiện không có thể nhiều được, vài ba vị mà thôi. tayo và cattàro và nibbattenti (chỉ vài ba vị mà thôi), na bahuke (không có nhiều được). Thứ hai là Ekasadiseyeva ca katvà nibbattenti ekavidhameva kammam kurumàne : Những vị khác chẳng những hóa hiện không có nhiều được mà đã vậy những vị mà hiện ra giống nhau y chang. ekasadiseyeva giống như một, ekavidhameva kammam kurumàne mặt mũi giống nhau y chang và cái hoạt động cũng giống nhau y chang, giống như là nguyên một bộ robot mà được sản xuất hàng loạt như vậy đó.

Nhưng riêng Ngài Cùlapanthakatthero thì ekàvajjanena tác ý có một thôi. Tức là một cái hướng tâm, samanasahassam màpesi Ngài đã tạo ra một ngàn vị. Dvepi ca jane na ekasadise akàsi dầu chỉ có hai vị thì hai vị cũng không giống nhau, nói chi là nhiều hơn, tìm hai vị giống nhau cũng không có. Trong khi các vị kia hóa hiện đã ít rồi mà mặt mũi lại giống nhau y chang, hoạt động giống nhau y chang. Tức là vị này giơ tay, vị kia cũng giơ tay, vị này cười, vị kia cũng cười. Còn đằng này Ngài Cūlapanthaka có khả năng hóa hiện cả ngàn vị mặt mũi khác nhau mà mỗi vị làm việc một kiểu! 

Thì người nhà của ông Jìvaka chạy vô chùa thỉnh vị còn sót lại, nhưng vô thấy cả ngàn vị, vị đang đi kinh hành, vị ngồi thiền, vị quét sân, vị xách nước, ... ông này bối rối quá, ông chạy về nói: "Dạ hổng phải một mà cả ngàn, đông lắm!" 

Đức Phật dạy: "Cứ vào hỏi ai là Cūlapanthaka, và vị nào lên tiếng đầu tiên thì hãy nắm lấy cái chéo y của vị đó!"

(cīvara là lá Y , cīvarakaṇṇa là chéo Y, chéo áo, kaṇṇa này có hai dấu chấm dưới chữ n, kaṇṇa là lỗ tai, nhưng mà civarakanna nghĩa là chéo Y hay chéo áo. Tại sao họ kêu chéo áo là kaṇṇa? bởi vì giống lỗ tai.)

Người nhà họ nghe lời làm y như vậy. Họ vào hỏi ở đây ai là Cūlapanthaka, thì cái vị trả lời đầu tiên là ổng liền nắm cái chéo áo của vị đó. Vì nếu ổng không có làm như vậy, thì cả ngàn vị đúng là nét mặt khác nhau, sinh hoạt khác nhau, nhưng mà khi trả lời, ai cũng nhận mình là Cùlapanthaka hết! Cho nên ổng theo cách đó ổng rước được Ngài về nhà trai Tăng. Trai Tăng xong rồi, chư Tăng nghe Ngài Cūlapanthaka thuyết Pháp. Chư Tăng rất là ngạc nhiên và về chùa mới bàn: Thật là lạ. Một người mà 4 tháng học không xong một bài kệ, mà bây giờ đùng một phát trở thành một người tinh thông Tam Tạng, thuyết Pháp làu làu như vậy! 

Thì Đức Phật Ngài mới dạy rằng: "Không phải chỉ hôm nay. Ta đã giúp những người chậm chạp như vậy, mà thuở xưa Ta cũng đã từng giúp như vậy rồi." 

Ngài mới kể câu chuyện xưa, kiếp quá khứ Ngài từng giúp một người nghèo khó, từ một cái vốn nhỏ, mà biết tính toán đầu tư, nói theo cái từ trong nước là hạch toán kinh tế nhờ sự tư vấn khôn ngoan của một cái đồng chí có huệ căn về kinh tế, nên cuối cùng trở thành một đại gia phú hào.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 008
Kalama xin tri ân bạn sumanaduong ghi chép


Thầy Thuốc | | Bói Kinh

Vô Hữu Duyên | | Thập Thiện

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com