Khóa Trong Khóa Ngoài

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Khóa Trong Khóa Ngoài

KTC I. XX. Phẩm Thiền Ðịnh 192 Thật Sự Là Vậy
Thật sự cái này là một trong những điều lợi, này các Tỷ-kheo, tức là sống trong rừng, sống khất thực, mang y phấn tảo, chỉ mang ba y thuyết pháp, trì luật, biết nhiều về sự thật, đã lâu ngày là vị trưởng lão, có oai nghi nghiêm chỉnh, có được hội chúng quy tụ, có đại hội chúng đoanh vây, con gia đình tốt đẹp, diện mạo đoan chánh, ngôn ngữ hòa nhã, thiểu dục, không có bệnh hoạn.
Nếu chỉ trong thời gian búng ngón tay, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Thiền thứ nhất, vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là một Tỷ-kheo trú Thiền không phải uổng phí, đã làm theo lời dạy bậc Ðạo sư, là vị chịu nghe lời giáo giới, ăn đồ ăn quốc độ không phải vô ích, còn nói gì vị ấy làm cho sung mãn Thiền ấy.

Có nhiều cách để có mặt trong giáo pháp của Đức Phật dầu cho sống đầu đà hay giữa đám đông đều tốt miễn luôn lấy lý tưởng giải thoát làm trọng. Một người dốt đặc cán mai, không biết gì hết, ăn rồi chỉ biết bái sám tụng niệm, đọc thần chú nhưng định nghĩa Bốn đế không nắm được thì không xứng đáng là Phật tử. Cái đó là mơ hồ. Tôi rất mong có một dịp mình thực hành ở một thiền viện nào đó chứ không phải là lớp học suông như thế này. Tôi mơ dữ lắm. Tôi mơ có một nơi nào đó bên Thái hay Miến, mình gặp mặt nhau ở đó, bỏ ra thời gian khoảng một tháng, học kỹ về 12 Duyên sinh, 24 duyên hệ, bốn đế và 37 phẩm bồ đề. Học bằng tiếng Việt với nhau. Chứ còn các vị cứ muốn bằng chị bằng em, đi qua Miến Điện hoài, nhưng cái mà quý vị nghe được phải qua trung gian người phiên dịch và rất lõm bõm. Không tập trung được như trong cái lớp tiếng Việt. Xứ đó là xứ tam Tạng, nhưng khổ nổi mình qua đó mình không lấy được tinh hoa của người ta. Giống như mình vô chợ bến Thành mà chỉ ăn được một tô bánh canh rồi đi về thì chưa đủ, chưa đúng mức gọi là đi chợ bến Thành. Nói vậy thôi chứ tôi chưa có vô chợ bến Thành để ăn uống gì đâu. Có người trong quý vị sẽ tưởng đâu là tôi đã vào chợ bến Thành ăn rồi.

Người mình khổ lắm. Nghe nói ví dụ mà thiếu mùi nhang khói tôn giáo là tha hồ thêu dệt. Cách đây hai năm khi tôi ra Hà Nội giảng, tôi bắt đầu buổi giảng như thế này: Có một cuốn phim ngắn của Nhật Bản, có tên là Blind Sumurai. Khi hiệp sĩ mù ra tù bạn bè đến thăm, ông nói: Đối với tôi tù hay không tù nào có khác gì nhau. Vấn đề là ổ khóa được khóa bên trong hay bên ngoài và ai là người giữ chìa khóa. Tôi bắt đầu buổi giảng ở Hà Nội bằng câu chuyện đó và tôi nói đó là một cuốn phim Nhật. Thì người ở Hà Nội vốn quen với các vị ở Pa-auk, những vị mà lim dim lim dim, nên nghe vậy họ khó chịu lắm. Họ nói rằng tại sao không trích dẫn kinh điển mà lại trích dẫn phim ảnh? Như vậy rất là Phàm, thiếu đi phần nhang khói tâm linh. Họ nói tùm lum. Từ đó tôi ra lăng Bác tôi phát nguyện không bao giờ trở lại vùng biên địa này nữa. Họ đã hiểu sai ý chúng tôi.

Có nhiều cách để chúng ta có mặt trong Phật pháp và như trong câu chuyện tôi vừa kể bà con, tù hay không tù nằm ở điểm là ổ khóa được khóa trong hay khóa ngoài và điều quan trọng nhất ai giữ chìa khóa. Nếu mình đang ở trong phòng khóa cửa và mình giữ chìa khóa thì mình đâu phải đang ở tù. Nhưng cũng căn phòng đó, cũng ổ khóa đó mà người khác giữ chìa khóa thì đúng là ta đang bị giam. Thưa quý vị. Ở đây cũng vậy. Tôi mong quý vị nghe chỗ này mà về tự hỏi mình: Những thứ mình đang nắm giữ trong tay mỗi ngày là mình làm chủ nó hay nó làm chủ mình? Và hiện giờ mình có phải là người đang bị sống trong một nhà tù hay không, nhà tù của tình cảm, gia đình, tài sản, của sức khỏe, của nhan sắc, của thị phi, của ý tưởng trốn khổ tìm vui, ham sống sợ chết,... tất cả đều là nhà giam hết. Vấn đề là ai giữ chìa khóa và nhà giam khóa trong hay khóa ngoài. Sự có mặt của mình trong đạo có nhiều kiểu. Sự có mặt của người chuyên tu khổ hạnh cũng là một kiểu có mặt, rồi có mặt giữa đám đông có quần chúng, sự có mặt của một giảng sư, pháp sư, của một cư sĩ có bạn đạo có thầy tổ, cũng là một kiểu có mặt. Nhưng kiểu có mặt nào đi nữa cũng phải hướng đến lý tưởng cao nhất: đó là sự giải thoát. Cái đó quan trọng lắm. Rồi từ trên một loạt xuống Đức Phật dạy là sống khổ như sống đầu đà thì lợi ích đã đành rồi. Ngoài khả năng sống chuyên tu một mình, nếu được người ta đến học hỏi thì cũng nên có khả năng giúp đỡ người khác. Nguyên loạt sau Ngài nói về giúp đỡ người khác. Nghĩa là có khả năng thuyết pháp.

“Đã lâu ngày là vị trưởng lão”. Nghĩa là tu lâu cũng là một cái lợi. Biết ít hay biết nhiều mà thiếu kinh nghiệm vẫn không bằng biết bằng kinh nghiệm. Cùng một vấn đề qua thời gian sự nhận thức của ta sẽ chín muồi và chín chắn hơn.

Có nhiều chuyện mà lâu lắm rồi tôi cứ tưởng tôi đã hiểu, nhưng phải nói cần có tuổi đời mới thấm. Có một thời gian rất sớm trong đời, tôi đã biết câu kinh: "không gần gũi người ác, sống gần người hiền Thiện." Câu đó tôi biết từ nhỏ nhưng cách hiểu lúc nhỏ thì khác. Đến năm 20, 30, 40, năm nay cũng gần 50, thì cách hiểu của tôi về câu kinh này lại khác. Người ác là sao? "Người" ở đây không phải chỉ là con người hai chân hai tay, mà còn là những thứ mình thường đọc thường nghe cũng phải kể luôn vào. Nếu không kể cái đó thì mấy cái đọc, nghe đó xếp vào đâu? Tại sao không gần người ác? Không gặp người ác để mình không nghe, không thấy những điều họ làm, họ nói. Điều đó cho thấy mình sống gần ai mình cũng xài mắt, tai nghe ... Như vậy có những thứ không phải là con người nhưng mình biết chúng bằng mắt bằng tai thì cũng tương đương với con người. Chứ không phải ở với người có hai tay hai chân. Vì mình cũng làm việc với nó bằng hai mắt hai tai như website báo chí, YouTube, Facebook, cũng là bạn ác hay bạn lành đó chứ.

Và cũng từ lâu lắm rồi tôi nghĩ rằng nói phiếm luận đâu có hại ai đâu mà được kể vào trong thập ác. Nhưng mà già một chút tôi thấy nó ghê nhất. Phiếm luận độc lắm chứ không phải thường. Sau khi nghe bài giảng này bà con về nghiệm thử: Mỗi lần họp mặt mà bàn về chuyện tào lao, thế nào cũng phiền lắm. Từ chính trị, văn hóa, lịch sử, xã hội, đến cả bóng đá sẽ phiền lắm. Không sân thì tham. Sau những cuộc phiếm luận đó, dư hậu rất tệ, hoặc là nhạt nhẽo vô vị, hoặc là đắng chát chua cay. Cái đầu của mình phải là tào lao thì miệng mình mới nói tào lao được. Cái phiếm luận nó ghê lắm. Có những chuyện đơn giản nhưng phải cần thời gian để nhận thức của ta về nó trở nên sâu sắc hơn. Đó là lý do tại sao đã lâu ngày là vị trưởng lão lại có lợi.

“Có oai nghi nghiêm chỉnh”. Nghĩa là phải có chánh niệm. Phải sống chánh niệm thì sinh hoạt mới thong dong, điềm đạm. Đây cũng là một vấn đề mà tôi phải cần đủ chín chắn mới hiểu được. Tôi có đọc câu chuyện thiền: Có một chú tiểu nhỏ xíu ở gần vị hòa thượng thiền sư. Mỗi lần chú chạy thì hòa thượng nói: "Tu không có chạy!" Mỗi lần chú hổn hà hổn hển kể chuyện thì hòa thượng nói: "Chậm lại không ai dành đâu! Nói thông thả, nói chậm lại!" Nói chung là vị hòa thượng thiền sư luôn luôn tìm dịp kìm hãm tốc độ của chú lại. Rồi một ngày chú lớn lên đến mười lăm tuổi, chú khá hơn nhưng vẫn bị kềm quá nên chú hỏi: "Kinh Phật bao la mà con thấy sư phụ không dạy cuốn nào, chỉ có nhắc con cái gì cũng chậm lại." Hoà thượng trả lời: "Khi con chậm thì con mới có thời gian để con nhìn lại con. Bao nhiêu lỗi lầm trên đời này đi ra từ chuyện là người ta không biết mình đang làm cái gì. Tại sao? Vì gấp quá, ai cũng đặt mình vào cái thế không đủ thời gian nên người ta mới làm bậy. Khi con chậm lại thì con được vô vàn lợi ích. Khi nói chậm lại, làm chậm, thong thả thì mới có thời gian nhìn lại mình. Và khi có thời gian nhìn lại mình thì mới bớt đi nhiều chuyện đáng tiếc manh động." ('Manh' là mù).

"Oai nghi nghiêm chỉnh" ở đây không phải là đạo đức giả mà là phải đi ra từ chánh niệm. Đây là pháp tu rất là hay. Khoan nói đến kinh điển nghĩa lý cao siêu gì hết. Chuyện đầu tiên là cứ nhớ thế này. Quý vị đọc kỹ bài kinh Brahmayu, Trung bộ kinh. Trong đó kể Thế tôn sinh hoạt như thế nào. Khi ngài ngồi xuống, sửa soạn đứng lên, ngài luôn luôn bước đi bằng chân phải trước. Ngài bước đi không quá nhanh, không quá chậm. Khi rời đám đông, ngài không đi bằng tốc độ cho người ta thấy ngài muốn vội lìa bỏ đám đông sau lưng mình và ngài cũng không đi với tốc độ chậm để người ta nghĩ rằng ngài lưu luyến không nỡ rời. Không ai đoán được ngài, ngài nằm ngoài mọi suy tưởng dự kiến của người khác vì Ngài có một nội tâm chánh niệm liên tục, Ngài sống trong chánh niệm. Còn chúng ta vì thất niệm nên chúng ta không thể nào hình dung được một người sống chánh niệm, một bậc đại trí như Ngài.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 022
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép


Trung Bộ Kinh 91. Kinh Brahmàyu
"... Tôn giả Gotama ấy có đầy đủ ba mươi hai Ðại nhân tướng. Tôn giả Gotama có lòng bàn chân bằng phẳng. Ðây là Ðại nhân tướng của Ðại nhân Tôn giả Gotama. Dưới hai bàn chân Tôn giả Gotama, có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ. Tôn giả Gotama có gót chân thon dài. Tôn giả Gotama có ngón tay, ngón chân dài. Tôn giả Gotama có tay chân mềm mại. Tôn giả Gotama tay chân có màn da lưới. Tôn giả Gotama có mắt cá tròn như con sò. Tôn giả Gotama có ống chân to như con dê rừng. Tôn giả Gotama đứng thẳng, không cong lưng xuống có thể rờ đầu gối với hai bàn tay. Tôn giả Gotama có tướng mã âm tàng. Tôn giả Gotama có màu da như đồng, màu sắc như vàng. Tôn giả Gotama có da trơn mướt khiến bụi không có thể bám dính vào. Tôn giả Gotama có lông da mọc từng lỗ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông. Tôn giả Gotama có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt. Tôn giả Gotama có thân hình cao thẳng. Tôn giả Gotama có bảy chỗ tròn đầy. Tôn giả Gotama có nửa thân trước như thân con sư tử. Tôn giả Gotama không có lõm khuyết xuống giữa hai vai. Tôn giả Gotama có thân thể cân đối như cây bàng. Bề cao thân ngang bằng bề dài hai tay sải rộng, bề dài hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân. Tôn giả Gotama có bán thân trên vuông tròn. Tôn giả Gotama có vị giác hết sức sắc bén. Tôn giả Gotama có quai hàm như con sư tử. Tôn giả Gotama có bốn mươi răng. Tôn giả Gotama có răng đều đặn. Tôn giả Gotama có răng không khuyết hở. Tôn giả Gotama có răng cửa trơn láng. Tôn giả Gotama có tướng lưỡi rộng dài. Tôn giả Gotama có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim ca-lăng- tần-già (karavika). Tôn giả Gotama có hai mắt màu xanh đậm. Tôn giả Gotama có lông mi con bò cái. Tôn giả Gotama, giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên mịn màng như bông nhẹ. Tôn giả Gotama có nhục kế trên đầu. Ðây là Ðại nhân tướng của Ðại nhân Tôn giả Gotama.
Khi Tôn giả Gotama đi, Ngài bước chân mặt trước, không đặt chân xuống quá xa, không rút chân lên quá gần, không bước quá mau, không bước quá chậm, khi đi đầu gối không va chạm đầu gối, khi đi mắt cá không va chạm mắt cá; Ngài đi không co bắp vế lên, không duỗi bắp vế xuống, không đưa bắp vế vào trong, không đưa bắp vế ra ngoài. Khi đi Tôn giả Gotama chỉ di động phần thân ở dưới, và không dùng toàn thân lực. Khi ngó quanh, Tôn giả Gotama ngó quanh với toàn thân. Khi đi không có ngưỡng mặt lên, không cúi mặt xuống, không có ngó quanh, và chỉ ngó xuống khoảng một tầm (yugamattam, bề dài một cái cày). Xa hơn, tri kiến được mở rộng (anavatam: không bị che đậy).
Khi đi vào nhà, (Tôn giả Gotama) không ngửa thân về phía sau, không cúi thân về phía trước, không đưa thân về phía trong, không đưa thân về phía ngoài; vị ấy quay lưng không quá xa ghế ngồi, không quá gần ghế ngồi; ngồi trên ghế, không nắm chặt thành ghế, không gieo thân ngồi xuống ghế.
Khi ngồi trong nhà. Ngài không rung tay, không rung chân, không ngồi tréo đầu gối với nhau, tréo mắt cá với nhau, không ngồi tay chống cằm. Khi ngồi trong nhà, không có sợ hãi, không có run rẩy, không có dao động, không có hoảng hốt. Như vậy Tôn giả Gotama ngồi, không sợ hãi, không run sợ, không dao động, không hoảng hốt, lông tóc không dựng ngược, Thiền tịnh độc cư.
Khi nhận nước để rửa bát, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận nước không quá ít, không quá nhiều. Ngài rửa bát, không sanh tiếng động, rửa bát không xoay tròn bình bát, không đặt bình bát xuống đất rồi rửa tay, khi hai tay rửa xong, bát cũng rửa xong, khi bát rửa xong, tay cũng rửa xong. Ngài đổ nước bình bát không quá xa, không quá gần, và không vẩy nước cùng khắp.
Khi Ngài nhận cơm, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận cơm không quá ít, không quá nhiều. Ngài ăn đồ ăn vừa phải (với cơm), không có bỏ miếng cơm, chỉ lựa miếng thức ăn. Tôn giả Gotama đưa miếng cơm quanh miệng hai ba lần rồi mới nuốt, không hột cơm nào được vào trong thân không bị nghiến nát, và không một hột cơm nào còn lại trong miệng trước khi ăn miếng cơm khác. Tôn giả Gotama không thưởng thức vị ăn khi ăn đồ ăn, không thưởng thức lòng tham vị. Tôn giả Gotama ăn đồ ăn có đầy đủ tám đức tánh, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, Ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và Ta sẽ không lỗi lầm, sống được an ổn".
Ngài ăn xong lấy nước rửa bát, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận nước không quá ít, không quá nhiều. Ngài rửa bát không sanh tiếng động, rửa bát không xoay tròn bình bát, không có đặt bình bát xuống đất rồi rửa tay, khi hai tay rửa xong, bình bát cũng rửa xong, khi bình bát rửa xong, hai tay cũng rửa xong. Ngài đổ nước bình bát, không quá xa, không quá gần, không vẩy nước cùng khắp.
Khi ăn xong, Ngài đặt bình bát xuống đất, không quá xa, không quá gần, không phải không nghĩ đến bình bát, cũng không quá lo cho bình bát.
Khi ăn xong, Ngài ngồi im lặng một lát nhưng không để quá thì giờ nói lời tùy hỷ (công đức). Ngài nói lời tùy hỷ (công đức), không chỉ trích bữa ăn ấy, không mong bữa ăn khác; trái lại, Ngài với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Ngài sau khi với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Ngài đi không quá mau, không quá chậm. Ngài đi không phải (như muốn) lánh xa hội chúng ấy.
Tôn giả Gotama đắp y không kéo lên quá cao trên thân, không kéo xuống quá thấp, không dính sát vào thân, không có lơi ra khỏi thân, gió thổi không thoát y khỏi thân Tôn giả Gotama; bụi nhớp không dính trên thân Tôn giả Gotama.
Ði đến tu viện, Ngài ngồi trên ghế đã soạn sẵn, sau khi ngồi liền rửa chân, và Tôn giả Gotama không sống chú tâm vào công việc làm đẹp hai chân. Ngài ngồi kiết già, lưng thẳng, và đặt niệm trước mặt. Ngài không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai. Tôn giả Gotama ngồi, tâm hướng đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới.
Ði đến tu viện, Ngài thuyết pháp cho hội chúng, không tán dương hội chúng ấy, không chỉ trích hội chúng ấy, trái lại với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Tiếng nói thoát ra từ miệng Tôn giả Gotama có tám đức tánh; lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động. Khi Tôn giả Gotama giải thích cho hội chúng với tiếng nói của mình, tiếng nói không vượt ra khỏi hội chúng. Hội chúng sau khi được Tôn giả Gotama khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi vẫn quay nhìn lại, không muốn rời bỏ.
Chúng con thấy Tôn giả Gotama đi. Chúng con thấy (Tôn giả) đứng. Chúng con thấy (Tôn giả) ngồi im lặng trong nhà. Chúng con thấy (Tôn giả) ăn trong nhà. Chúng con thấy (Tôn giả) sau khi ăn xong, ngồi im lặng. Chúng con thấy (Tôn giả) sau khi ăn xong, nói lời tùy hỷ (công đức). Chúng con thấy (Tôn giả) đi trở về tu viện. Chúng con thấy (Tôn giả) đi đến tu viện ngồi im lặng. Chúng con thấy (Tôn giả) đi đến tu viện thuyết pháp cho hội chúng. Như vậy, và như vậy là Tôn giả Gotama ấy và lại còn nhiều hơn như vậy nữa." ...


Ca Uống Nước | | Dục Thiền Quán Tưởng

Thập Thiện | | Thích và Ghét Nhân và Quả

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com