Thân hành niệm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Thân hành niệm

Tại sao lại phải tu hơi thở? Bởi vì hơi thở là hiện tượng lý tưởng nhất để ta nhận ra hoạt động và sự tồn tại ngắn ngủi của thân tâm. Không một hoạt động nào của cơ thể lại thường trực và dễ nhận ra như hơi thở. Ví dụ tuần hoàn của máu huyết thì tuy là liên tục và thường trực nhưng làm sao mình cảm nhận được? Còn những tư thế sinh hoạt như ăn uống, nằm ngồi, đi đứng, nhai nuốt, gãi vuốt, chà xát, cầm lên để xuống, tiểu tiện, tắm giặt,… thì lúc có lúc không. Chỉ có hơi thở. Hơi thở là hoạt động thường trực nhất mà dễ nhận ra nhất trong người mình. Còn những cái kia thường trực mà khó nhận ra.

Chỉ quan sát hơi thở thì ta mới toàn tâm toàn ý dốc hết sự chuyên chú vào đề mục, vào tấm thân này cùng với những biến chuyển tâm lý đi kèm. Đây! Tôi đang thở ra bằng sự hờn giận. Đây! Tôi đang thở ra bằng sự ghen tuông, sợ hãi, tiếc nuối, áy náy, ray rứt, thao thức, trăn trở… Không có hiện tượng nào trong cơ thể của mình lý tưởng hơn hơi thở. Quý vị tìm cho tôi đi. Những hoạt động thường trực khác là quá sâu kín, quá trừu tượng. Chỉ có hoạt động hơi thở là cái mình có thể theo nó, dựa vào nó để nhận ra thân tâm này, bản chất của nó ra sao. Tức là dựa vào hơi thở mình mới thấy được "À, thì ra sự tiếp nối buồn và vui liên tục như vậy, sự tiếp nối của cảm giác dễ chịu và khó chịu liên tục như vậy." Không quan sát hơi thở thì chúng ta khó bề mà nhận ra được sự biến chuyển liên tục, thường trực, thường xuyên của tấm thân này. Chỉ quan sát hơi thở.

Quan sát tâm thì lại là đề mục khác. Trong bài kinh này Đức Phật nhìn căn cơ của những vị Tỳ kheo đang ngồi trước mặt mà Ngài giảng về đề mục thân hành tùy niệm. Ở một chỗ khác, thì Ngài lại dạy quán thân quán thọ, quán pháp. Nhưng ở đây, ngay chỗ này, Ngài nói về thân hành niệm.

Một lần đó Đức Phật và chư tăng sau một chuyến du hành hoằng hóa lâu ngày, chuyến đi đường xa trở về chùa Kỳ Viên. Buổi chiều đó chư tăng ngồi với nhau. Các vị phàm tăng nhắc lại chuyến đi. Một vị thích hồ thì nói rằng: “Ở yên một chỗ đâu ngờ trên đời này lại có những cái hồ đẹp vậy.” Vị thích rừng thì nói: “Đâu ngờ trên đời lại có những cánh rừng đẹp vậy.” Có vị thích suối, thích hoa, thích ong bướm, có vị thích ngã ba sông bát ngát, những cánh đồng ngút mắt. Đức Thế Tôn từ hương thất bước qua giảng đường, ở đó lúc nào cũng có chỗ ngồi sẵn cho Ngài, Ngài bước vào ngồi xuống và hỏi: “Các ngươi đang bàn chuyện gì?” Câu chuyện bị gián đoạn bởi sự có mặt của Như Lai. Chư tăng thưa họ đang nhắc lại những nơi chốn đã đi qua. Đức Phật dạy rằng: "Này các Tỳ kheo, không có vùng đất nào đáng để chúng ta lưu tâm chú ý cho nhiều bằng cái thân này, cái tâm này. Thân tâm này chứa hết vũ trụ trong đó, siêu đọa hay giải thoát mai sau đều nằm hết ở đây”.

Tức là mai này mà mình có thành Bill Gates hay Steve Jobs, có giàu, có giỏi, có tiếng tăm, hay vô danh, nghèo đói dưới gầm cầu, mái hiên hay con giòi, con bọ dưới cống, hay phạm thiên trên các cõi, thì tất cả các điều đó đều khởi đi từ thân tâm này. Có đúng không?

Bây giờ tự nhiên có người ăn rồi là chui vô một góc ngồi hít thở. Khi nào có dịp bố thí thì đi bố thí, có dịp đi phục vụ thì đi phục vụ, có dịp nghe pháp thì đi nghe pháp. Còn hễ không chuyện gì thì liền chạy về góc ngồi lim dim. Đời sống người đó nhìn thì có vẻ hình như hơi bị hâm, không bình thường. Nhưng mình đâu có ngờ người đó đang từng ngày từng ngày làm 2 chuyện sau đây: Một là đang đổ nhựa cho con đường giải thoát, mai này chiếc xe của họ cứ lăn bánh mà đi thôi. Hai là trong thời gian chờ đợi giải thoát thì họ đang kiến tạo những khu vườn, những lâu đài, hồ nước, hoa viên cực đẹp mà mình không ngờ. Bởi vì họ đang tu. Cứ quởn là ngồi thiền chỉ, thiền quán. Còn có dịp thì bố thí, phục vụ, nghe pháp. Quý vị tưởng tượng đó có phải là kiểu sống đang đổ nhựa cho đường giải thoát, đang âm thầm xây những lâu đài hoa viên cho kiếp sau không? Chính xác là đúng! Thay vì bàn bạc về phong cảnh này phong cảnh kia thì họ quay về với tấm thân này và họ xử lý nó. Họ đã ngẫu nhiên, tình cờ, âm thầm kiến tạo ra cảnh giới cho họ có mặt mai này trong thời gian họ đi trên đường giải thoát sinh tử. Qua thân hành niệm, hành giả mở ra con đường giải thoát và âm thầm kiến tạo những lạc cảnh tuyệt vời cho mai sau.

Xưa nay ta chỉ cử động theo ý thích nên ta sống thất niệm, phóng dật, lúc buồn lúc vui không kiểm soát. Sinh hoạt kiểu đó một tỉ năm cũng chỉ là tạo nhân sanh tử. Nay biết pháp môn thân hành niệm, ta thở ra thở vào cũng là thở công đức, đi đứng nằm ngồi bằng niệm và tuệ đều là hoạt động công đức. Mỗi nhúc nhích đều là công đức. Phải tin như vậy, có chết cũng phải hiểu như vậy. Bởi vì niệm và tuệ là tâm lành. Nếu đủ duyên thì chứng thánh ngay đời này. Còn chưa đủ duyên thì đi cầu cũng là công đức. Chải tóc, rửa mặt, lau mặt, xức dầu,... tất cả đều là công đức. Vì sao? Vì mình sống bằng niệm.

Hôm nay mình học thân hành niệm mới thấy cái đề mục này sâu lắm. Nghĩa là từ khi có được cái pháp này, thì có dịp mình vẫn đi bố thí. Bố thí là vitamin C, còn trì giới là calcium, còn những công đức khác là vitamin B1, B6, B12. Mình không thể nào lấy thuốc bổ này thay thuốc bổ kia được. Thân hành niệm nói riêng, và tứ niệm xứ nói chung là tu tập đường tuệ học. Nhưng mà không phải vì vậy mà mình bỏ lơ những cái khác. Cả vitamin C và calcium đều là những thứ cần thiết. Nhưng mình còn cần bao nhiêu thứ khác nữa, còn cần sắt, magnesium nữa chứ.

Có dịp thì vẫn đi tụng kinh, đi lễ Phật, vẫn nghe pháp, bố thí, vẫn phục vụ người khác, vẫn quét tước, dọn dẹp, rửa chén như bình thường. Nhưng tất thảy những hoạt động lớn nhỏ đều được diễn ra trong chánh niệm. Như vậy thì lúc bấy giờ hít thở cũng là công đức. Gãi lưng, vuốt tóc là công đức. Đi cầu không giúp ai mà cũng là tạo phước. Tôi nói hơi toẹt móng heo như vậy nhưng phải nói như vậy. Vì tất cả đều làm trong chánh niệm. Cái gì làm trong chánh niệm thì cái đó là công đức.

Khi anh sống trong chánh niệm thì thế giới biến đi một mầm loạn. Đó là vô úy thí. Nhắc lại có 3 loại thí: tài thí là cho vật chất, pháp thí là chia sẻ kiến thức phật pháp, vô úy thí là khiến mình không còn là mối đe dọa cho bất cứ ai.

Quý vị đừng có nói rằng quý vị tay yếu chân mềm, xưa nay quý vị nhút nhát không có lòng hại ai nên quý vị không là mối đe dọa cho ai. Hãy bỏ tư tưởng đó đi vì nó rất là sai. Quý vị có ốm yếu, thiếu máu, kiệt sức nhưng nếu quý vị có cái tật nói xấu, nhiều chuyện, nói đâm thọc người khác thì quý vị đã là mối họa cho nhiều người rồi. Quý vị có thể hoàn toàn khiến cho người ta tan nhà nát cửa bằng một cái email, một cú phone, một tin nhắn. Biết bao nhiêu người đã tự tử vì kẻ khác lấy hình họ đăng trên facebook, để họ nhục mà tự tử chết. Khi thân nhau thì kể cho nhau nghe những bí mật, lúc ghét nhau thì khai quật bí mật của nhau. Vì vậy mình đừng nói rằng sống chánh niệm là vô nghĩa với tha nhân. Kiểu sống chánh niệm tự thân nó đã là vô úy thí, là một pháp bố thí, vì người sống chánh niệm khiến mình trở nên vô hại đối với thiên hạ.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 023
Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép


Thiếu Định | | evam me suttam

Vì Sao Là Miến Diện? | | Cù Là

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com