sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Bóng Tối và Ánh SángCó một từ rất quan trọng trong tiếng Mỹ đó là "to look". Có "to look" (nhìn) thì mới có "to see" (thấy). Cái tầng thánh đạo đầu tiên đó chính là Tu Đà Hườn, được đức Phật gọi bằng một thuật ngữ đó là dassana có nghĩa là sơ ngộ, là lần đầu nhìn thấy. Cũng như cái tấm bảng này lần đầu nhìn thấy những cái mà mình ghi lên đây. Hiện giờ các vị cũng thấy nhưng mà thấy thông qua bài vở, thông qua giải thích của người khác. Các vị có coi về Kinh Chuyển Pháp Luân có cái câu thế này "Này các Tỳ kheo, ngay dưới gốc Bồ đề ta đã nhận ra Bốn đế với những điều mà ta chưa từng được nghe". Nếu mà không có biết Phật pháp thì sẽ thấy rất là ngạc nhiên. Bởi vì trong Kinh nói đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi thành Phật Ngài đã có vô số kiếp gặp các vị khác và có vô số kiếp Ngài là người thuộc lòng Kinh điển. Thì tại sao mà Ngài lại nói rằng Ngài hiểu Kinh Tứ Diệu Đế với những chi tiết mà Ngài chưa từng được nghe. Tại sao vậy? Là vì bao nhiêu kiếp xưa Ngài biết những cái điều về Tứ Diệu Đế hoàn toàn là tấm ảnh không hồn, do người khác họ chụp rồi họ đưa cho Ngài, cũng giống như hôm nay mà quý vị nghe tôi nói vậy. Tức là quý vị nghe là mọi thứ ở đời là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ, muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa. Quý vị chỉ nghe giống như là nghe tôi đọc chú vậy. Nhưng phải là hành giả Tứ Niệm Xứ thì các vị mới hiểu ra là tại sao mọi thứ là khổ. Mấy ngày nay tôi giảng liên tục, tôi có giải thích tại sao mọi thứ là khổ. Là vì vầy: cái đắng nó là khổ thì đúng rồi, nhưng mà cái ngọt nó cũng là khổ. Là bởi vì sao? Muốn không được là khổ, đi tìm nó là cái hành trình khổ, tìm không được là khổ, tìm được rồi phải bảo quản là khổ, bảo quản không được là khổ. Đó là cái ngọt thôi đó. Các vị nghĩ dùm tôi trong cuộc đời các vị có cái ngọt ngào nào mà nó còn hoài không. Tuổi trẻ, sức khỏe, tình cảm, sự nghiệp mà chưa kể là nếu quý vị không có bị trục trặc về hôn nhân thì trong gia đình các vị, các vị tưởng tượng từng người từng người tiễn nhau về đất có khổ không. Một trong những cái mà tôi ngại là tôi có năm anh em, thì nhiều lúc tôi cũng ngại chuyện ông nào là ông cuối cùng. Buổi chiều mà đưa cái ông thứ tư đi thì không biết trong năm anh em trai thì ông nào còn ông lại cuối cùng đó. Dĩ nhiên là mình tu phải quen dần cái chuyện đó, nhưng mà lâu lâu cũng chột dạ chứ. Quý vị có hiểu cái đó không? Có nghĩa là sẽ có một ngày trong gia đình mình có người chết. Ba má mình đi trước thì đúng rồi nhưng còn mấy anh em trong nhà. Chết thì ai cũng phải chết nhưng mà cái mà ngại hơn nữa là nếu mình là cái người cuối cùng thì cảm giác nó kỳ lắm. Có lần tôi có nghe một ông người Việt Nam ở Mỹ ổng kể chuyện gia đình của ổng. Mấy anh em ổng không có thuận nhau, nghịch từ ở trong nước ra tới hải ngoại. Ở chung cái tiểu bang mà không có nhìn mặt nhau. Cuối cùng qua ở tiểu bang khác coi như là mất tích luôn. Ông kể xong rồi cái tôi không biết nói sao bởi vì mình an ủi thì giả dối quá mà mình êm re thì cũng kỳ quá. Thì tôi đang nghĩ cách không biết mình trả lời sao thì ổng mới phán một câu: "Thôi kệ, tại mình không có cái phước anh em nhưng mà mình được cái phước khác. Nữa mai mốt ai có chết mình không có buồn." Ổng buồn lắm ổng mới nói câu đó, nhưng mà không ngờ cái câu đó là cái câu gỡ mối tơ lòng của nhiều người. Nói câu rất là hay "Thôi kệ mình không có cái phước tình cảm gia đình nhưng mà bù lại mình sẽ không bị đau lòng khi mà người thân của mình ra đi." Tôi có biết bên Mỹ nhiều chuyện người vượt biên kẻ đi trước người đi sau. Nhiều người ruột rà trong gia đình mà phải mất tới mười lăm mười tám năm mới thấy nhau. Như tôi với sư huynh tôi, mất tới mười chín năm tôi mới thấy được sư huynh tôi. Cho nên có nhiều trường hợp bên Mỹ khi gặp nhau nó lạnh ngắt. Kể cả khi bảo lãnh nhau qua đó thì khi ở phi trường gặp nhau cũng ngỡ ngàng, mừng lắm nhưng khi ổn định rồi thì ai về nhà nấy thì nó lạnh ngắt. Dĩ nhiên tôi đối với sư huynh tôi thì khác vì ngoài cái tình đạo tình đời còn cái tình bạn. Nhưng mà ở ngoài đời nhiều lắm. Thì tôi muốn nói cái gì? Đó là khi ta sống trong cuộc sống này từ cái chuyện vô minh này, vì không hiểu gì hết thì chúng ta tha hồ sống trong cái hoang tưởng, sống trong cái ngộ nhận. Cho nên mọi sự sanh tử đều khởi đi từ chỗ này. Từ cái chuyện chúng ta không hiểu được Bốn đế mà nó mới nãy ra vô số vô vàn cái sự cố sự kiện. Chúng ta có thể nói thế này: Tất cả những rắc rối trên thế giới này đều bắt đầu từ bóng tối và tất cả mọi giải pháp đều đi ra từ ánh sáng. Vô minh chính là bóng tối. Ở đây các vị cũng nên nhớ một điều đó là tại sao cái câu trước giải thích nghe rất là khó hiểu. Tại sao mọi sự đi ra từ bóng tối? Bởi vì muốn giải quyết chuyện gì thì mình phải phanh phui coi nó là cái gì. Khi mà mọi sự kiện chưa được phanh phui thì chuyện không được giải quyết. Thí dụ bây giờ nha sĩ mà họ muốn nhổ cái răng của mình, họ muốn trám cái răng của mình, họ muốn niềng cái răng của mình ... thì họ phải biết tất tần tật về cái răng của mình. Rồi bác sĩ giải phẩu ổng muốn mổ mình thì ổng phải biết tất cả mọi chuyện về mình ổng mới dám mổ mình. Tại sao mà mình đi vào trong phòng mạch khám bệnh mà họ bắt mình phải điền phải khai là mình dị ứng với thuốc gì, mình đã qua mổ xẻ gì chưa, mình bao nhiêu tuổi rồi ...Tại sao vậy? Vì tối thiểu dầu đó là bác sĩ gia đình, thì chuyện đầu tiên trước khi bắt tay vào chữa mình thì họ phải biết đại khái về mình. Cái đó gọi là ánh sáng, không có ánh sáng thì vấn đề không bao giờ được giải quyết. Cái ngại nhất là một ngày nào đó ta đau mà không biết tại sao ta đau. Nhưng mà chỉ cần lại bác sĩ phán là tại sao đau thì ta hết lo. Khi bác sĩ họ soi rọi thử nghiệm xét nghiệm xong, chuyện đầu tiên là họ cho mình thuốc uống là mình hết đau. Cái chuyện thứ hai khi ổng cho mình biết lý do đau là từ cái gì thì mình hết lo. Trước khi hết đau là mình đã hết lo rồi. Mà có phải hai cái đó đi lên từ ánh sáng không? Ánh sáng có nghĩa là rõ ràng, là minh bạch. Khi mà còn có một góc tối chưa được giải quyết là còn có vấn đề. Tôi bảo đảm với quý vị một trăm phần trăm như vậy. Còn một chút góc tối có nghĩa là còn một chỗ nào đó chưa được soi rọi thì vấn đề sẽ không được giải quyết. Đó là lý do vì sao mà ta phải tu tập Tứ Niệm Xứ. Ta tu tập Tứ Niệm Xứ để ta có thể tỉnh thức trong từng phút, dầu ta chưa đắc gì hết nhưng mà thường xuyên chúng ta sống trong ánh sáng. Chỉ có sống với chánh niệm và trí tuệ chúng ta mới biết cái cơ cấu của thân và tâm này nó được cấu tạo bởi 'What' (cái gì) và nó đang hoạt động 'How' (như thế nào). Ngay bây giờ dầu chưa chứng thánh nhưng mà thường xuyên sống với nhận thức về 'What' và 'How' thì chắc chắn có khác so với người không có tu. Tất cả những vấn đề của nhân loại nó đều bất đầu từ cái chỗ là họ không biết là họ đang làm gì, họ không biết cái gì nó đang xảy ra trong cái đầu họ. Cái chuyện mà đặt bom tự sát, cái chuyện mà khủng bố, cái chuyện mà hại người, cái chuyện mà bạo lực bạo hành gia đình, cái chuyện mà trộm cướp, thù oán, ... tất thảy các tội ác đều bắt đầu từ cái bóng tối của tâm thức. Họ không biết rõ cái gì đang xảy ra. Chứ nếu họ biết thì họ khó mà thực hiện được. Tôi có nghe một cái câu chuyện đó là có một cái anh thanh niên đến gặp một vị thiền sư. Ảnh nói rằng: "Con tình cờ con biết được Phật pháp qua một cái hoàn cảnh rất là lạ. Con tính chôm đồ trong chùa này, con là ăn trộm chuyên nghiệp, con muốn trộm đồ trong chùa này. Nhưng mà trong lúc con rình thì con nghe mấy thầy nói Pháp với nhau cho nên con quyết định con bỏ nghề. Nhưng mà con thưa thiệt với thầy bỏ nghề trộm con không biết sống bằng cái gì. Nếu bây giờ con đi bán vé số ... thì cũng được nhưng mà con nói thiệt với thầy. Xin thầy dạy con cách nào mà con bỏ được cái máu ăn trộm, chứ bây giờ con mà đi ngang chỗ nào mà con thấy có thể ra tay được là con không có dằn lòng được." Thì ông thầy mới nói: "Bây giờ có cách này. Thầy nói thẳng đúng ra ăn trộm không phải chuyện xấu. Cái quan trọng là con có ăn trộm bằng chánh niệm hay không thôi. Làm cái gì biết cái nấy." Đây là câu nói mẹo của ổng, đừng có ngu mà hiểu theo cái kiểu mà chữ nghĩa. "Ăn trộm không phải là chuyện xấu nhưng vấn đề ở đây là con ăn trộm bằng chánh niệm hay thất niệm." Ảnh nghe vậy ảnh mới nói: "Ủa, ăn trộm cũng chánh niệm là sao thầy?" Thì ổng mới nói: "Khi con muốn chôm cái gì là con biết rất rõ là ta đang muốn tầm bậy, sắp làm chuyện bậy thì biết rất rõ là ta đang sắp làm chuyện tầm bậy, biết rất rõ là ta đang thực hiện từng bước chân vào tù, đang thực hiện từng bước chân đi vào bóng tối. Con biết rất rõ như vậy thì tha hồ con trộm." Ảnh nói: "Có lý vậy ta. Vậy là con vẫn làm nghề ăn trộm được." Ổng nói: "Được chứ, miễn là con làm đúng như vậy thôi. Con luôn luôn nhớ, nhớ rõ là ta đang từng bước đi vào tù, từng bước đang đi vào bóng tối của cuộc đời, từng bước đang đi vào đáy sâu của xã hội, con chỉ nhớ bấy nhiêu đó thôi, con muốn ăn trộm thì cứ ăn trộm thoải mái thầy không có cản." Nhưng mà khi ảnh bắt đầu ảnh mặc bộ đồ đen ảnh đeo cái túi vải ảnh tính nhảy qua tường thì ảnh phải làm theo lời ông thiền sư. Lúc này ảnh mới niệm lại: "... ta từng bước vào tù, ta đang lọt vào tầm ngắm của cảnh sát, ta đang từng bước..." Và ảnh cứ ngồi ảnh nhớ như vậy là ảnh nhảy trở lui liền. Thì ảnh thử ba lần như vậy rồi ảnh chạy vào ảnh kiếm sư phụ. Ảnh nói: "Không thể nào bằng chánh niệm mà con làm cái chuyện đó được." Thì ông sư phụ nói: "Nếu ngay từ hồi đầu mà ta nói với con như vậy thì con không tin, vì lúc đó con nghĩ tại thầy chùa hay dạy ba cái đạo lý gì mệt lắm, nên ta cứ cho con thực nghiệm mới thấy cái tác dụng của chánh niệm nó lớn tới mức nào." Hồi trưa tôi nói các vị còn nhớ không? Có nhiều cái chuyện trên đời này nó kỵ với sự tỉnh táo. Tức là có nhiều cái chuyện mà nó cần đến cái sự váng vất. Váng vất có nghĩa là có cái gì đó nó hơi lơ mơ, nó có cái gì đó nó hơi mộng mị hoang đường thì mình mới làm được. Có nhiều chuyện lắm. Ví dụ mình muốn ăn ngon mà mình tỉnh táo thì mất ngon. Vừa để cái mâm ăn ra là mình nói ngay: Cái này là cholesterol, cái này là đường, ... thì nó không còn hứng thú nữa. Lúc đó mình phải dại khờ phải thơ ngây mình thấy mâm ăn là mình cứ nhào vô ăn hùn hục vậy nó mới đã. Tin tôi đi. Các vị mà đặt vấn đề vệ sinh các vị ăn cũng không ngon nữa.
Trích bài giảng Vô minh - Hành trình giải thoát
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english