Con nước về đâu

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Con nước về đâu

Lần giở lại mấy trang Việt sử của dân mình, rồi giáo sử của đạo Phật Việt Nam mà nghe ngậm ngùi.

Thời tao loạn chiến chinh, hay những tháng năm thanh bình không khói lửa, lúc nào xứ ta cũng không thiếu người tài, không hề thiếu những cái đầu biết suy nghĩ, những tài năng trác việt, tót vời mà nếu được thu về một mối thì chuyện lớn nào lại chẳng làm xong.

Ấy vậy mà từng mảnh tinh hoa ấy cứ lạc lõng nổi trôi trong niềm nỗi vô danh rồi vô nghĩa, để cuối cùng lặng lẽ rớt rơi đâu đó trong những góc tối đìu hiu của cái biển người nhộn nhịp mà lắm lúc vô tâm đến đắng lòng...

Gọi là vô tâm vì trong mắt người ta, những món tài hoa ấy chẳng là gì đáng để bận tâm. Gọi là vô tâm vì anh phải về ngồi dưới chân tôi thì khả năng của anh mới được nhìn nhận. Gọi là vô tâm vì anh không được có riêng con đường của mình, phải nhắm mắt đi theo lối mòn đã vạch sẵn của đôi người mà xét ra chưa đáng là học trò của anh...

Đẩy sang một bên những chuyện đời rối rắm không cần nhắc đến ở đây, chuyện tôi bỗng dưng muốn nói tới ở đây là một ốc đảo nhỏ xíu trên cái biển đời mênh mông đó. Tôi muốn nói về một mảng nhỏ trong tăng ni Việt Nam.

Họ có tâm, có tài, không ít người còn được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Chỉ riêng nhánh Nam Tông Việt Nam hiện đang có không dưới 20 vị tăng ni đã có mảnh bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ từ các xứ Phật giáo. Không ít người trong số đó hoàn toàn có thể trở thành một giảng sư, giáo thọ, học giả hay dịch giả lớn có thể đóng góp không nhỏ cho nhu cầu hoằng đạo trong nước.

Nhưng tất cả tăng ni Nam Tông vừa nhắc trên đây hiện vẫn chưa có được một sự lưu tâm đúng mức từ các giới để có thể ngồi lại với nhau như một đoàn tàu để cùng lao về phía trước. Ai trong số đó cũng chỉ lặng lẽ cọc cạch như từng chiếc xe thổ mộ cô đơn ở một ngoại ô buồn.

Thế họ cần gì và mọi người có thể làm được gì cho họ ?

-Ai có thể đề nghị và hỗ trợ họ gầy dựng những lớp dạy giáo lý chuyên sâu ( không cứ quẩn quanh mấy lớp dạy Pháp cú và hướng dẫn tụng kinh Pāli) ?

-Ai có thể tài trợ họ phiên dịch mấy bộ chú giải Tam Tạng cùng các công trình khảo cứu Phật học của nước ngoài ? Tài trợ ở đây là lo giùm các mặt y tế, đi lại và những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Thượng tọa Giác Lộc ở chùa Trúc Lâm (Hóc Môn) là một minh chứng buồn cho trường hợp này.

-Ai có thể tìm giúp một trú xứ ổn định cho những vị tu nữ mà hiện không biết sẽ về đâu sau khi từ nước ngoài trở về ?

Hãy lập tức liên lạc các tu nữ VN ở Miến Điện để xem chuyện này có cần thiết lắm không. Ngay hôm nay khi nhận được nguồn tin về họ, tôi đã không thể ngồi yên và phải ngồi xuống để viết đôi dòng cho bài viết này.

-Đặc biệt có những tu nữ không tiện trở thành tỷ kheo ni để về một ni viên nào và do vậy cũng không tìm ra một trú xứ thích hợp để về sống và làm việc cho vừa sức với mình. Họ có nhiều thứ để cống hiến, nhưng người mình không ai nhận họ và thay vào đó là lăng xăng kiếm tìm nơi học đạo ở những địa chỉ không đủ thẩm quyền.

-Có những tu nữ VN hiện đang có trú xứ ổn định nhưng không có ai gợi ý và hỗ trợ họ làm việc vừa sức của họ ( giảng dạy, phiên dịch).

Chỉ vì một phút chạnh lòng mà viết ra mấy dòng tâm huyết, tuyệt không do chỗ quen biết hay vì chút tình riêng gì ở đây.

Trước mắt, tôi vẫn không biết ai sẽ đọc lá thư này và người đọc sẽ có phản ứng gì, và nếu có người hỏi nên làm gì hoặc liên lạc với ai trong vụ này, tôi cũng chỉ có một gợi ý nhỏ: Xin thử liên lạc sư Tuệ Dũng và các tu nữ VN ở Miến Điện xem các vị có ý kiến gì ...

Nếu Phật pháp còn duyên tồn tại ở Việt Nam thì chúng ta có thể hi vọng vẫn còn đâu đó những người có lòng, có mắt và có sức. Mong lắm vậy thay !

Toại Khanh, 26.1.2021


Bố Thí | | Vô Ngã

Tứ Lậu | | Đau xé mây

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com