Đau xé mây

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đau xé mây

Ngài Xá Lợi Phất ngài đến thăm một ông cư sĩ bị bệnh đau nhức. Ngài nói thế này "Ông đau lắm phải không, có chịu nổi không?". Ổng nói "Đau quá. Bây giờ con thấy thà chết hay hơn. Trước đây con sợ đau, con sợ chết, bây giờ con chỉ muốn đi thôi chứ nó đau quá đi". Ngài Xá Lợi Phất nói "Cái đau của xác hãy để riêng phần xác, đừng để cái tâm nó bị vướng vô cái đau của cái xác. Phần hồn phần xác phải tách nó ra".

Đa phần khi mình đau quá là cái đầu mình cứ quay cuồng tiếc nuối, sợ hãi, nhớ thương tùm lum hết. Còn đằng này Ngài nói cái nào để yên phần đó. Ông hãy nhớ ông niệm cái câu này: "Dầu thân ta có bệnh nhưng tâm ta đừng bệnh". Ngài hỏi thêm "Ông biết thân bệnh và tâm bệnh là sao không?" - "Dạ thân bệnh thì con biết rồi, con đang bị đau; nhưng tâm bệnh là sao?"

- "Tâm bệnh có nghĩa là ông đừng có nghĩ cái thân này là của ông. Khi ông nghĩ nó là của ông thì nó đau một ông đau mười. Ông biết đây là cái nùi dẻ, là món đồ cũ, phế liệu, mà ông đã dùng nó quá lâu năm rồi. Người đại phước trí nhiều dùng nó lâu năm người ta chán". Chỗ này tôi nói thiệt chậm, qúy vị phải xăm lên người câu này.

Người phước nhiều trí nhiều xài thân xác lâu năm người ta chán. Còn đám phước ít trí ít xài lâu thì lại ghiền, bỏ thì tiếc. Từ đó nó mới lòi ra cái sự sợ chết. Phước nhiều trí nhiều xài nó lâu năm thì thấy nản, chán ngán. Phước ít trí ít thì bị ghiền, bỏ không đành. Mà y như ngoài đời vậy. Cái tên nhà nghèo đồ nó chất đống trong nhà không dám liệng. Còn nhà giàu nó dòm cái này không xong là nó liệng bỏ. Phước nhiều trí nhiều nó không có bị dính mắc vào thứ rẻ tiền.

Rồi có ông Phật tử kia ổng nghe tôi giảng ổng về nói với vợ ổng. Rồi bà vợ ổng tới kiếm tôi. Bả khóc là ông chồng về nói với bả "Em thấy không? Sư nói "giàu đổi bạn, sang đổi vợ", có phước nhiều hỏng có xài đồ cũ nữa". Trời ơi tôi không có ý đó đâu, khổ quá! Nghe Pháp mà hiểu như vậy có phải cháy chùa không.

Cho nên, khi Ngài đến Ngài thăm bệnh là thăm như vậy đó. Nhớ hãy tâm niệm "Dầu thân có bệnh giữ sao cho tâm đừng bệnh". Rồi Ngài mới giải thích tâm bệnh là sao. Đó là coi cái cục nợ này, cái thân xác này là của mình. Trước khi mình nghĩ về nó thì nó là vật chất nhưng mà anh nghĩ về nó bằng cái sự thương luyến tiếc nuối. Thì lúc bấy giờ anh đã rước vào một cái tâm bệnh và lúc đó nó đau một mà anh thấy đau mười. Là vì sao? Vì lúc đó anh nghĩ cái thân này là "của tôi" nên "tôi đang bị đau". Vì thân này là của tôi nên tôi đang bị đau. Trong khi lẽ ra anh phải thấy rằng cơn đau đang có mặt là đủ rồi, không đi xa hơn nữa. Các vị có phân biệt được hai cái này khác nhau không? Một bên là tôi đang bị đau, một bên là cơn đau đang có mặt. Bây giờ bà con đang ngon lành bà con thấy lời nhắc này của tôi nó không quan trọng. Tới hồi mà ung thư nó di căn nó đau "xé mây" mới nhớ đến câu này. Lúc đó chắc tôi cũng đã tịch trước rồi. Cứ nhớ rằng cơn đau đang có mặt hoàn toàn không giống với quan niệm tôi đang bị đau. Khác nhau xa lắm, bởi vì mình tách bạch nó ra, nó không phải là một. Và cái câu mà tôi thấm thía nhất là: Người phước nhiều trí nhiều sẽ chán món đồ cũ vì họ đủ tiền để họ mua món đồ mới. Mớ phước ít trí ít không dám bỏ cái "nhà lá" này vì không dám tin là mình tậu được cái khác ngon hơn.

Và tại sao mình sống an vui? Là do cái tinh thần này của mình thường xuyên sống bằng chất liệu gì, bằng cái thứ thực phẩm gì. Qúy vị nhớ ăn bậy thì cơ thể nó bệnh thôi. Hồi sáng tôi có hỏi bà con coi trọng vật chất hay tinh thần. Bà con nói tinh thần. Nhưng tôi dòm tôi thấy bà con ăn kĩ nhưng cái tinh thần thì không có kĩ. Cái đầu óc tinh thần của bà con sáng chiều ăn uống toàn axit độc hại không.

Trích bài giảng Thế Giới Qua Tứ Thục
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Hai Con Một Hột | | Hòn Sỏi Và Núi Hy Mã

Con nước về đâu | | Giáo lý Tứ Đế

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com