Khổ mình khổ người
Cattārome, bhikkhave, puggalā santo saṃvijjamānā lokasmiṃ. Katame cattāro? Idha, bhikkhave, ekacco puggalo attantapo hoti attaparitāpanānuyogamanuyutto. Idha pana, bhikkhave, ekacco puggalo parantapo hoti paraparitāpanānuyogamanuyutto. Idha pana, bhikkhave, ekacco puggalo attantapo ca hoti attaparitāpanānuyogamanuyutto, parantapo ca paraparitāpanānuyogamanuyutto. Idha pana, bhikkhave, ekacco puggalo nevattantapo hoti nāttaparitāpanānuyogamanuyutto na parantapo na paraparitāpanānuyogamanuyutto. So neva attantapo na parantapo diṭṭheva dhamme nicchāto nibbuto sītībhūto sukhappaṭisaṃvedī brahmabhūtena attanā viharati.
atta: tự thân | para: kẻ khác | paritāpana: hành hạ | tapo: tạo khổ | anuyoga: thực hành | anuyutto: nhiệt tâm |
Đức Phật Ngài dạy trên đời này có bao nhiêu chúng sinh đi nữa cũng chỉ nằm gọn trong 4 hạng người:
- Chuyên sống làm khổ mình.
Có những kẻ trong đây được định nghĩa là sống khổ hạnh tuân thủ một chế độ sinh hoạt nghiêm khắc vì một lý tưởng chính trị tôn giáo nào đó, được gọi là tự làm khổ mình. Trong đời tôi có thấy vài người như vậy, họ có những nguyên tắc sinh hoạt rất hà khắc. Họ đối với mọi người rất dễ thương nhưng đối với bản thân họ thì không. Có người do tính bủn xỉn nên không dám tiêu xài gì hết. Ăn, mặc, ở, vật dụng, sinh hoạt ... tất cả luôn ở cái mức tối thiểu mặc dù họ có đủ hay dư điều kiện khả năng nhưng do cái kiểu người như vậy. Có kẻ thì vì lý tưởng chính trị, tôn giáo nào đó mà cũng tự khép mình trong một cái nền nếp sinh hoạt rất khó khăn, chật vật. Hạng này được gọi là chuyên làm khổ mình.
- Chuyên làm khổ người.
Những kẻ do nghề nghiệp hoặc sinh kế của họ là nhắm vào chuyện làm hại chúng sanh khác, làm tổn thương loài khác như: trộm cướp, phá sơn lâm, lâm hà bá, săn bắn, đánh cá hoặc nghề giết mổ gia cầm, gia súc được trong đây kể rõ. Cả đời tay nhuốm máu tươi, đời sống của họ được đổi bằng máu và lệ của loài khác.
- Làm khổ mình và người.
Bản thân mình vì tuân thủ theo một nguyên tắc chính trị hay tôn giáo nào đó mà bản thân cũng không lấy gì là vui vẻ. Nạn nhân của mình dĩ nhiên là bội phần đau đớn. Cho phép tôi nhớ đâu nói đó chứ đừng nghĩ tôi có ác ý gì ở đây.
Ví dụ như Trung Quốc thời cách mạng văn hoá, trăm hoa đua nở, cải cách ruộng đất, bước đại nhảy vọt ... Những người cán bộ Trung Quốc thực thi chính sách để đàn áp dân chúng thì mấy người đó cũng không có vui vẻ gì. Họ cũng phải xếp hàng tem phiếu...cho nên bản thân mình cũng khó khăn, khốn đốn mà mình cũng phải đi thực thi chính sách để đầy đoạ người khác.
Hoặc mình đi theo một tín ngưỡng khổ hạnh cực đoan, bản thân mình cũng gầy nhom, muối dưa đạm bạc. Bản thân đi theo pháp môn ngoài trung đạo, rồi mình đi hướng dẫn cho nguyên đám người ăn rồi chỉ biết chạy tịnh, thiếu máu, suy dinh dưỡng từ thầy lẫn trò, đu nhánh đu đủ không gãy ... Cái trường hợp vì lý tưởng tôn giáo, văn hoá như thế nào đó mà bản thân mình khổ mà cũng cuốn theo một rừng người đông như quân Nguyên khổ theo mình.
Ở đây Ngài đưa một ví dụ: những ông vua chúa làm lễ tế thần: bản thân mấy ổng cũng mình mảy dính máu me tanh tưởi mà không có vui vẻ gì. Bên cạnh đó những súc vật bị đem đi hiến tế trong những cái lễ hiến sinh nó cũng không có vui vẻ gì. Nhưng mình phải hiểu rộng ra chứ không chỉ cái ví dụ trong kinh. Nghĩa là có biết bao kẻ trên đời này vì thực thi, thực hiện cái lý tưởng tôn giáo, chính trị nào đó mà bản thân mình không lấy gì là vui vẻ và bao nhiêu nạn nhân dưới tay mình thì bội phần máu lệ. Cái loại này được kể là sống vừa làm khổ mình, vừa làm khổ đời.
- Không làm khổ ai hết.
Hạng không hại mình, không hại người chính là vị tỷ kheo hành trì lời Phật. Có thể nói toàn bộ lý tưởng của Phật Pháp chỉ nằm trong câu này thôi: "Biết từ đâu mình khổ nên không gieo nhân sinh tử. Biết vì đời nhuốm nhiều máu lệ nên không gây tổn thương cho ai". Hạng này được gọi là không làm khổ mình, không làm khổ người.
Nguyên văn chánh kinh thì rất dài ở đây tóm gọn lại chính là con đường Tam Học: Giới, Định, Tuệ. Hành trình tam học là hướng đến lý tưởng chấm dứt sinh tử cho mình và không gây thiệt hại, thương tổn cho bất cứ ai.
Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 109 Kalama xin tri ân bạn phamquynhnhu1989 ghi chép
|