Pháp Tài Lữ Địa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Pháp Tài Lữ Địa

Có người hỏi tôi rằng: “Thờ Phật trong nhà có hết sợ ma không?” Xin trả lời : "Không!" Thời Phật còn, Ngài còn bị ma vương quấy phá, huống chi là tượng Phật. Có ma hay không không phải là vấn đề quan trọng. Mà vấn đề là ta có sợ ma hay không. Nhưng làm sao để thờ Phật mà không sợ ma?

Có hai cách thờ Phật. Thứ nhất là thờ cho vui, chưng cho đẹp thì vẫn sợ ma như thường. Còn thờ Phật để để mỗi khi nhìn thấy hình tượng phật lại nhớ tới đức lành của Phật. Mỗi lần nhìn tượng Phật là lòng chùng xuống không xao động. Mỗi lần nhìn tượng Phật là mình không dám nói bậy, nghĩ bậy. Thực hành được kiểu đó mỗi thì khi sợ hãi mình chỉ nhìn tượng Ngài là sẽ hết sợ. Bởi vì bức tượng mình thờ đó bây giờ là một đối tượng sống, không phải một miếng đồng, một miếng vàng, một miếng cẩm thạch, mà là một vật thể sống. Mình thờ ngài như mình cung kính một người sống thì khi gặp chuyện mình mới thấy Ngài ở bên cạnh mình.

Tượng Phật mà mình hay quên nhất là tượng mình đeo trên ngực. Tôi không thích việc đeo tượng Phật trên ngực. Vì thứ nhất, người mình có khi không sạch sẽ. Thứ hai, nhiều khi phải mang vào những chỗ không tôn nghiêm. Thứ ba, tạo khác biệt giữa mình và những người theo tôn giáo khác. Mình nên là giọt nước trong đại dương, chứ đừng là chiếc lá trong cái ly.

Tu hành là tu tâm. Ngoài việc chọn đề mục gì để tu, thì còn bốn thứ quan trong nữa hỗ trợ cho việc tu tập của mình đó là: Pháp, Tài, Lữ, Địa.

Pháp là đề mục, và phương pháp tu tập. Tại sao ta chọn đề mục đó? Do nghiệp đẩy đưa tới, hay đề mục đó phù hợp với khuynh hướng tâm lý nhiều đời của ta.

Tài là điều kiện vật chất, chỗ ở, thức ăn, phương tiện đi lại, giao tiếp, truyền thông. Cũng tùy theo nghiệp kiếp trước mà chữ tài này biểu hiện khác nhau. Có người đầy đủ vật chất, có người thiếu thốn, có người phải chịu chật hẹp, có người cần trống rỗng, có người ở khung cảnh sang trọng, có người thì phải vào rừng sâu hẻo lánh mới đắc vv. Tất cả đều do nghiệp.

Lữ là thầy bạn. Những người mình thường gặp gỡ, thường sống cạnh đều gọi là lữ.

Địa là khu vực địa lý mình đang ở.

Tất cả bốn điều kiện pháp, tài, lữ, địa chúng ta phải cẩn thận lựa chọn. Xin lưu ý một điểm: Đó là cần phải phân biệt giữa ưa thích và phù hợp. Thích không phải là hợp, nhiều cái phù hợp nhưng lại không thích. Con nít uống thuốc cần phải thơm ngọt, người lớn uống thuốc phải chữa được bịnh. Nhiều khi hành giả thích người đó, điều đó, pháp môn đó lắm, nhưng cái thích đó không giúp được cho việc tu của mình. Đôi khi cái mình không thích nó lại trợ giúp việc tu nhiều hơn. Không tự tỉnh thì dễ bị dính vào sự ưa thích, cản trở việc tu tập của mình. Cạm bẫy trùng trùng. Ác ma không hẵn phải là người hại mình. Đôi khi lại là người chiều chuộng mình làm cản trở việc tu hành của mình.

Bốn điều này đều do tiền nghiệp, do khuynh hướng tâm lý, do lối sống và cách tư duy đưa đẩy mình đến. Cần coi chừng những thứ mình thích, mình muốn, nó có thể cản trở cho việc tu tâp của mình.

Đừng coi thường những người mình ở gần. Đôi khi nghĩ rằng ở với người tốt sẽ hay hơn ở gần người xấu. Chưa chắc. Bởi vì chỉ có Phật mới tốt 100%.

Thí dụ mình sống gần một vị giới luật nghiêm ngặt, thiền định chuyên cần, học pháp sâu xa. Mình được sống gần họ một thời gian. Rồi đến khi mình rời xa họ, mình đã không giống họ về giữ giới, thiền định, học pháp v.v... mà mình lại giống họ ở cái tính đa cảm, hoặc là lây cái tính nhỏ mọn, bủn xỉn v.v.

Riêng về người xấu trong trường hợp pháp, tài, lữ, địa này lại có hai loại. Thứ nhất là người bất thiện. Thứ hai, không bất thiện, là người tốt nhưng không thích hợp cho pháp môn mình đang theo đuổi. Như khi tu Tứ niệm xứ, rất kỵ gần người nói nhiều, hay hỏi v.v...

Ở gần người xấu mình sẽ bị một trong hai điều này. Điều thứ nhất là lây lan, cảm nhiễm tánh xấu của người ta. Điều thứ hai là mình không nhiễm nhưng phải luôn luôn sống trong tình trạng đối kháng. Ví như chung sống với một người vừa bừa bãi, vừa keo kiệt, chuyên lấy vật dụng của mình xài rồi bỏ mất. Tuy mình không lây tính của họ, nhưng có thể mình sẽ đem cất dấu đồ của mình. Lâu ngày tâm đối kháng lớn dần thành tâm ích kỷ.

Trước khi hành giả ghi danh tu tập ở một chỗ nào cần phải tìm hiểu xem xét kỹ bốn yếu tố pháp, tài lữ, địa. Nhiều khi vào khóa tu rồi, tu 7 hay 10 ngày nhưng không gặt hái lợi lạc. Và vì mình ghi danh, nên người ta phải từ chối một người khác. Cho nên trước khi quyết đinh tu tập phải suy xét kỹ lưỡng.

Có người tốt trên quan điểm xã hội, nhưng không tốt về mặt hỗ trợ tu tập. Như một pháp sư, một người bạn vui tính, người tốt bụng, đó là người tốt về mặt xã hội. Nhưng trong việc tu tập họ không hỗ trợ mình được, thì phải xem họ là người xấu. Về mặt kỹ thuật, để gắn một cái máy phải cần bù lon số 6 mà người ta đưa bù lon số 8 thì không dùng được. Trong việc tu cũng vậy, người đó không tệ, nhưng gần gũi họ mình không tu được, thì bắt buộc mình phải xem họ là người xấu.

Pháp, tài, lữ, địa là bốn điều quan trọng. Mình phải để ý để chuẩn bị tâm lý, hoặc để đối phó trước khi quyết đinh lựa chọn một trú xứ tu hành. Điều đáng sợ nhất là nhẹ dạ cả tin, cho rằng nơi thiền môn bạn đạo sẽ hỗ trợ mình, người tu lúc nào cũng thanh tịnh, an hòa. Nhưng mà không; có nhiều lý do để người ta đến trường thiền lắm. Đến để cầu giải thoát, đến vì tò mò, vì rảnh rỗi, vì muốn tham khảo, có người muốn học thiền để về làm ... sư phụ nữa. Cạm bẫy trong việc tu tập là trùng trùng dầy đặc. Vấn đề là mình có tìm hiểu cẩn thận ngay từ đầu không.

Thầy bạn có thể hỗ trợ mình rất nhiều, kinh sách có thể hỗ trợ mình. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính bản thân mình.

Trích bài giảng Vài Nét Về Pháp Hành Thiền Quán
Kalama xin tri ân bạn tam-loan ghi chép


Lửa | | Vô Thủy

Appamāṇaṃ cetosamādhiṃ | | Kiểm soát cái hộp quẹt

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com