Anantarapaccaya

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Anantarapaccaya

Mình cần học các mối liên quan và tương quan giữa duyên sinh và duyên hệ.

Duyên sinh là gì? Duyên sinh dạy cho ta biết vì đâu ta có mặt trên đời: là nhờ các điều kiện.

Duyên hệ là dạy cho ta biết mối liên quan giữa các điều kiện ấy với nhau.

Duyên sinh cho ta biết rằng: nhờ có cha, mẹ, cơm, áo mình mới sống được. Đó là Duyên sinh. Còn Duyên hệ cho mình biết thế nào là mối liên quan giữa thân xác này với xã hội, thế nào là mối liên quan giữa tiền bạc với kiến thức, với quan hệ xã hội, với tình cảm, với gia đạo, ... . Duyên hệ phanh phui cái đó ra. Còn Duyên sinh cho mình biết rằng vì đâu mình có mặt trên đời này. Thì mình ôn lại về Duyên sinh: từ cái chỗ vô minh trong bốn đế, ta tạo các nghiệp thiện ác.

Tôi ôn riết nghe nó kỳ, nhưng mà tôi mong quý vị vì ngán quá mà nó nhớ. Quý vị có biết cái đó không? Có nhiều người ghét Chế Linh mà ghét tới mức thuộc lòng hết trơn luôn: "Có ngày lòng anh buồn nhớ .. đừng phụ bạc anh nhé ..." Trời ơi tui ớn muốn chết. Tui ghét mà thuộc lòng luôn. Quá ghét. Ba cái “ Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” gì đó: “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi ...” Nghe mà rầu muốn chết. Mà ghét riết rồi nó thuộc làu làu vậy đó. Nhiều người không biết tưởng tui thuộc bởi vì tôi thích. Không phải, tôi oải quá nên tôi thuộc cái đó.

Thì A tỳ đàm cũng vậy, có hai hạng người thuộc làu làu. Hạng thứ nhất là nó thích. Hạng thứ hai là: Cứ gặp mặt ổng là ổng nói “Do không hiểu bốn đế nên tạo các nghiệp thiện ác” ... Tui làm riết mà các vị ngán là đành phải thuộc. Khi thuộc rồi thì khi đi hành thiền mới nhớ ơn. Nhưng giờ đó tui vô ngủ rồi. Tối tui vô ngủ rồi.

Do không hiểu bốn đế là gì? Do không hiểu rằng: mọi thứ ở đời là khổ. Do không hiểu rằng: thích trong khổ là con đường thêm khổ. Do không hiểu rằng: muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa. Do không hiểu rằng: khi hiểu được như vậy là con đường thoát khổ. Do vô minh trong bốn đế nên mới tạo các nghiệp thiện ác. Do tạo các nghiệp thiện ác, nên mới có tâm đầu thai đi về các cõi. Do có đi về các cõi nên tùy cõi mà ta có sáu căn hay không. Rồi tùy thuộc vào chuyện ta có sáu căn ta sống nhiều với trần cảnh nào. Và tùy thuộc vào việc ta sống nhiều trong trần cảnh nào ta sẽ đam mê nhiều trong thứ nào. Và tùy thuộc vào ta đam mê nhiều trong thứ nào thì ta sẽ tạo các nghiệp thiện ác nó tương ứng với niềm đam mê ấy. Và chính vì tạo thiện ác tương ứng với đam mê ấy cho nên ta mới đi vào cõi tương ứng. Và từ cái chỗ đi về cõi tương ứng đó đó thì ta mới có sanh có già có đau có chết.

Có người thì do họ sanh về cõi đặc biệt. Có người do sanh về cõi đặc biệt tức là là từ sanh tới tử hơi xa - thì ta gọi đó là cõi gì? Cõi sống lâu! Từ sanh tới tử mà cách hơi xa mình gọi là cõi sống lâu. Hoặc có những cõi mà chỉ có sanh có tử mà không có già, không có bệnh. Có không? Hình như là có. Nhưng mà mình nghe vậy mình có ham cõi đó không? Không có già không có bệnh mà sao không ham? Rồi cuối cùng hình như cũng chết phải không? Hình như vẫn chết phải không? Rồi nó chết rồi nó đi về đâu? Đó, thấy ghê không? Phi tưởng phi phi tưởng là lên đó sống 84 ngàn đại kiếp; tưởng sao, khi nó hết cái đó nó lại bất định nữa. Nghĩ cái đó mới run.

Phải nói thêm chỗ này. Tôi nói cái vòng sanh tử nó đáng sợ là vì: Thứ nhứt, cơ hội làm ác rất là lớn; cơ hội gặp bạn lành rất là hiếm. Và chính vì cơ hội gặp bạn lành rất hiếm cho nên cơ hội gặp bạn xấu rất là lớn. Chính vì cơ hội gặp người xấu rất là lớn nên cơ hội mình tập những cái xấu rất là lớn. Hễ khi cái này lớn thì cái kia nó teo. Cái gì teo? Cái thiện nó teo. Khổ quá. Cái ngực nó nở thì cái mông nó nhỏ. Cái mông nó nở thì cái ngực nó nhỏ. Thì coi như cái này nó phình thì cái kia nó teo. Nghe kịp không? Cho nên người ta nói, tướng bạn càng lớn thì trái tim sẽ teo lại. Hoặc là cái khối trí óc phát triển quá thì trái tim nó cũng teo. Duy lý quá thì cảm thông ít lại. Chỉ có Bồ Tát mới là Bi Trí kim ưu. Chỉ có Bồ Tát thôi. Bi Trí kim ưu là cái nào cũng phải tròn vo hết mới làm Bồ Tát được. Còn phàm phu mình, hễ nặng tình thì nó yếu trí, mà nặng trí thì nó yếu cái tình.

Giống như Việt Nam mình có câu: muốn thử nhiệt độ thì dùng "nhiệt kế", muốn thì sức khỏe đàn ông thì dùng cái "vợ kế". Cái nhiệt kế là cái gì? Là cái thermometer, muốn thử nhiệt độ thì dùng nhiệt kế. Còn muốn thử sức khỏe đàn ông thì dùng vợ kế. Thấy thằng cha nào có vợ kế là biết thằng cha đó khỏe. Trên đời cái gì cũng nhỏ chỉ có vợ nhỏ là chuyện lớn thôi. Có hiểu câu đó không? Trên đời gì cũng nhỏ chỉ có vợ nhỏ là chuyện lớn. Có người nói tới học với sự học đời nhiều hơn học đạo.

Ghi cho kỹ cái này: Do có nghiệp thiện ác rồi mới đi về các cõi.

Mình học trên lý thuyết thì đơn giản như vậy đó. Rồi từ việc về các cõi đó mình có đủ sáu căn hay không, từ cái chuyện mình có đủ sáu căn hay không thì mình mới sống nặng về cái gì. Và chính vì anh sống nặng về cái gì cho nên anh thích và ghét không giống nhau. Và chính từ chỗ anh thích và ghét không giống nhau, chỗ thích và ghét của anh không giống của tôi, cho nên cái thiện và ác của anh nó không giống tôi.

Đừng coi thường cái chuyện mà mình thích ghét cái gì, mình quan tâm mình nặng lòng cái gì. Mình cứ tưởng “Ôi cái đó chuyện nhỏ xíu”. Sai. Chính vì mình thích mình ghét mình nặng lòng mình phân tâm mình chia trí nhiều cho cái gì thì chính cái đó quyết định cái suy tư, cái cảm xúc rồi sau đó là hành động của mình. Chính hành động đó là nghiệp thiện hay ác.

Các vị hỏi tôi “Sư ơi, cái chuyện đó có hay không?” Tôi sẽ trả lời như thế này: Có khi tôi trả lời là “Có”; có khi tôi nói “Không”; nhưng có nhiều khi tôi nói “Tôi không rõ nhưng nếu có thì không có gì lạ”. Còn nhớ cách nói đó không? Tôi nói “Có nhiều chuyện tôi không có dám chắc, nhưng nếu mà nó có thì không có gì lạ”.

Ví dụ, quý vị hỏi tôi "Vậy chứ Sư tin có chuyện tái sanh không?” Tôi sẽ trả lời “Tôi tin”. Rồi các vị hỏi “Sư có tin các cảnh giới mà nghe nó hơi kỳ kỳ không? Ví dụ, có cảnh giới không tâm, có cảnh giới không sắc, có cảnh giới khổ như điên, có cảnh giới sướng như tiên không?” Tôi không dám nói “Có” hay “Không” nhưng tôi sẽ nói “Nếu có thì cũng không có gì lạ.” Là vì sao? Vì tôi đã từng nói rồi. Cũng cùng dòng điện đó, nhưng khi người ta áp dụng một số nguyên tắc đặc biệt thì dòng điện đó nó tạo ra hơi nóng. Và cũng dòng điện đó nhưng khi nó kết hợp với một số nguyên tắc vật lý nó sẽ tạo ra hơi lạnh. Rồi các vị sẽ đồng ý với tôi, là có những loại cây, có những loại cá, có những loại động vật và thực vật nó chỉ hợp với nguồn nước mặn thôi. Có đúng không? Có những sinh vật nó chỉ thích hợp với nguồn nước lợ thôi. Có những sinh vật, sinh vật ở đây là bao gồm động và thực vật, thì nó lại thích hợp với nguồn nước ngọt thôi. Cái cấu trúc sinh học của nó buộc nó phải sống trong đó, phải sinh sôi, phát triển trong đó. Nó không đi ra ngoài được; đúng không?

Cũng như vậy, đời sống tâm lý của chúng ta nó đưa ta về vùng đất thích hợp với mình mai này. Quý vị có nghe chữ “tâm địa” không? Địa là đất. Chính cái tâm địa của mình nó quyết định mình sẽ đi về phương trời nào trong cái trời đất này. Chuyện đó không có gì lạ hết. Mình sống nhiều về cái gì thì mình sẽ đi về chỗ đó.

Tôi nói hoài là tâm mình, cái mind của mình, giống như là nước vậy. Nước ở dạng khí thì tự động nó bốc lên, không cần quỳ lạy, cầu khẩn, van xin gì hết, tự động nó bốc lên. Mà nước ở dạng lỏng thì tự động nó tìm chỗ thấp nó chảy xuống. Một cái tâm hồn mà ích kỷ, nhỏ mọn, tị hiềm, ghen tuông, tham lam, sân hận, ái tham sân si, ái mạn, kiến nghi, thì khi chết tự động nó kiếm chỗ thấp nó chun xuống. Còn một tâm hồn bao dung, từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, thiền định thì tự nhiên khi tắt thở nó sẽ bốc lên.

Thực vậy, một tảng đá liệng xuống sông, cả làng ra cầu nguyện, nó vẫn chìm. Một thùng dầu đổ xuống sông, cả làng ra chửi cha nó, nó vẫn nổi. Cho nên mỗi lần tôi đi tụng kinh cầu siêu, tôi không biết tôi tụng cho đá hay dầu đây. Nếu dầu thì nó không cần tôi tụng. Còn nếu nó là cái cục đá bà cố tôi tụng nó cũng không có nổi. Cho nên mỗi lần tôi tụng tôi hay hỏi cái xác này là "thùng dầu" hay "cục đá" mà thấy cái mặt có vẻ ... "đá" hơi nhiều. Hồi nó sống, nó đâu có đi chùa, nó đâu có nghe pháp, nó đâu có hành thiền, có biết khỉ gì đâu. Tới hồi nó chết, gia đình quăng cho ông sư trăm đồng bạc, nhét bao thơ, đè ra tụng. Tụng cái gì? Rẻ quá! Có trăm đồng đòi siêu. Siêu về đâu? Tây Phương Cực Lạc hay Tây Ninh cực khổ? Các vị biết có một lần có trận bão lốc tornado, nó cuốn ngang một thành phố, nó hốt một đống tiền lên thiên đường. Thì Thánh Peter ra mở cửa, Thánh rước tất cả các tờ một đồng hai đồng vào trong hết, riêng tờ 100 thì Thánh đẩy ra ngoài rồi Thánh đóng cửa lại, không có nhận. Rồi mấy tờ 100 Euro, 500 franc Thụy Sỹ, 100 Đô la nó tức, tụi nó nói “Chúng tôi ở dưới trần có giá lắm mà sao trên đây Ngài bạc đãi chúng tôi như vậy?” Thánh Peter nói “ Tụi bây mấy thằng mà 50 trở lên đâu có đi chùa, đi nhà thờ gì đâu? Thấy đi nhà thờ toàn mấy thằng tiền lẻ không à. Cho nên đứa nào đi chùa nhiều, đi nhà thờ thì mới cho vô đây!” Đó! Cho nên tôi nhìn mấy tờ một trăm năm trăm tôi trân trọng ghê lắm! Bên Pháp mà thấy bà con đưa bao thơ mà mỏng mỏng thì mình nghĩ “chắc cũng không bao nhiêu”. Còn đưa dày dày thì ... “chắc bạc cắc”. Mà càng dày tôi càng làm biếng mở, vì đếm nó mỏi tay. Rồi có lần tôi đi dạy học mà cho cái bao mỏng lét. Tôi thầm nghĩ “chắc tấm cheque”; tôi còn hình dung “không biết là hai số không hay ba số không ta?” Tới hồi mở ra, tôi cầm tờ giấy thấy nó viết bài thơ tặng tôi. Trời ơi. Tôi nổi điên lên. Từ ngày đó tôi mới thù thơ cho đến bây giờ. Bài thơ mà thơ khen tui. Tui nói “Trời ơi, cho con năm đồng con mua cây cà rem con ăn được”. Ai ngờ nó tặng thơ cho mình. Tôi thù, tôi ghét thơ tới bây giờ luôn. Khi nó đưa thì mình làm màu mình không thèm dòm - “coi thường danh lợi”, “cứ để đó” ... mà trong bụng thì suy tính “hai số không hay ba số không?”. Coi cái mặt nó sang sang, nó xài túi LV, chắc “ ba số không?”. Trời đất ơi, về mở ra thấy nó quất cho mình cái bài thơ. Tôi lạy cái bà nội đó luôn. Kể ra mà nghe nhục.

OK. Tôi ôn lại. Đời sống này nói một cách đơn giản thì cơm gạo áo tiền nuôi lớn chúng ta. Nói xa một chút, thì tinh cha huyết mẹ cấu tạo nên hình hài này. Đó là nói một cách rất là duy lý, rất là thể lý nhưng mà nói rốt ráo theo đạo Phật, hiểu như vậy thì mình chưa có hiểu lắm về thân xác này và hiện hữu này. Và nếu anh không hiểu nó lắm thì làm sao anh giải quyết được vấn đề của nó? Anh hiểu về nó sơ sài quá thì giống kiểu người hay nói “tu không cần học giáo lý”. Nhưng khi anh hiểu sơ sài, anh sẽ tu sơ sài. Mà anh tu sơ sài, thì anh sẽ đắc sơ sài. Anh tu rốt ráo thì anh ngồi tòa sen. Còn anh tu sơ sài thì anh ngồi lá sen. Còn tu tệ nữa thì ngồi dưới đáy của hồ sen. Mà đáy của hồ sen nó còn một tên gọi nôm na khác là đáy ... sình. Có đúng vậy không? Đáy hồ sen là đáy sình nhưng mà mình gọi hơi sang là đáy hồ sen.

Tất cả vấn đề trên thế giới nó đều được giải quyết khi nó minh bạch. Nha sĩ muốn nhổ cái răng của mình thì họ phải biết rõ nó như thế nào, thậm chí khi họ quan sát cái răng của mình họ thấy cái răng này họ nhổ không được họ gửi cho specialist. Có biết chuyện đó không? Cách đây không lâu, có một bà nha sĩ bên Mỹ về Việt Nam mở phòng mạch - ế chỏng gọng. Cuối cùng mới điều tra ra là bả để quảng cáo là “ở đây nhổ răng không đau”. Răng đau mới cần nhổ mà bả lại nhổ răng "không đau". Có nghĩa là cái răng còn nguyên bả đè ra bả nhổ. Có hiểu không? Cho nên mình phải biết cái răng nó có vấn đề gì mình mới giải quyết nó được. Còn đàng này vì mình không có biết rõ vấn đề nên mình nhổ lộn cái răng. Ở Việt Nam vừa rồi có cái màn mổ lộn đó. Nên bây giờ người ta mới xăm tùm lum hết, xăm “đây là chân trái”, “đây là chân phải” - để bác sĩ không có mổ lộn.

Do đó ta phải biết chính xác, hiểu tận cùng vấn đề thì ta mới có thể giải quyết rốt ráo triệt để gốc rễ của vấn đề.

Thì ở đây cũng vậy. Trong kinh nói, mỗi giây phút trôi qua, chúng ta sống với một biển duyên hệ trùng trùng. Có nghĩa là sao? Trước hết vô số điều kiện đan xen, hòa quyện vào nhau để làm nên một tấm thảm sinh hữu. Vô số điều kiện và nhân duyên đan xen hòa quyện vào nhau để nó cộng nên dòng chảy tương tục. Và từng cái mắt xích nhân duyên ấy nó có một cái ý nghĩa, nó có một cái tác dụng khác nhau; nên từ đó nó cũng có tên gọi không giống nhau.

Thí dụ, để làm nên một dòng chảy, chúng ta cần yếu tố liên tục. Nó phải liên tục. Có rất nhiều thứ trên đời này nó phải phát triển, nó chỉ sinh sôi, nó chỉ tồn tại bằng lực đẩy của một cái sự liên tục. Ví dụ như hơi thở chẳng hạn. Hơi thở trước và hơi thở sau nó phải liên tục chứ nếu mà nó bị đứt khúc khoảng chừng 3 phút là chúng ta chết. Ăn cũng vậy, uống cũng vậy, vận động cơ thể cũng vậy.

Các vị biết, Mỹ nhiều khi người ta bỏ tiền ra người ta thuê những người ăn rồi nằm im trong năm tháng bảy tháng để người ta theo dõi biến diễn của một cơ thể không vận động, thì họ mới thấy ra một chuyện rất là giật mình. Đó là, cái gì lẽ ra nó phải được liên tục mà bây giờ nó không được liên tục thì bèn nảy sinh vấn đề. Các vị có biết không? Thí dụ như, cơ chân mà lâu quá không được vận động, tay cũng vậy, chưa hết, người lớn tuổi mà không có dùng cái này nó rất dễ bị Alzheimer. Ví dụ như không học nhạc, không học ngoại ngữ, rồi không có đi bộ, không có nuôi thú cưng, không có con cháu để chơi, không có chó mèo để nuôi, không có bạn bè để trao đổi, không đọc sách, v.v... Đặc biệt họ khuyên là nên học thử âm nhạc hoặc là ngoại ngữ. Không cần xài, chỉ học cho vui thôi, có xài thì quá OK. Còn đàng này hồi trẻ mình xài cho đã đến hồi lớn lên bỏ lơ thì nó mau sụm bà chè lắm.

Cho nên sự liên tục nó rất là quan trọng. Cái lực đẩy của sự liên tục ấy được Đức Phật gọi là "vô gián duyên". Từng mắt xích duyên khởi mà mình học mấy ngày nay nó cũng thúc đẩy nhau bằng sự liên tục.

Mà mình tu hành là gì?

Tu hành có nghĩa là mình làm gián đoạn cái không cần liên tục và làm giữ mức liên tục của những cái không nên gián đoạn. Học về vô gián duyên phải ghi cái câu này. Tu hành là: làm gián đoạn những thứ không đáng để liên tục, và giữ lại sự liên tục của những thứ không nên cho nó gián đoạn. Câu này hình như người huệ căn bình thường nghe hiểu mà? Tu hành là làm gián đoạn những thứ không cần thiết liên tục và giữ lại cái nhịp độ liên tục của những thứ cần phải.

Ví dụ những cái thói quen xấu là hình như không nên cho nó tiếp tục. Đúng không? Và những thói quen tốt hình như nên cho nó tiếp tục. Ví dụ, buổi sáng nào cũng có thói quen dậy bốn giờ, vệ sinh xong vô ngồi, có lễ phật một tí, có ngồi thiền một tí, cái chuyện này nên giữ cho nó liên tục. Còn buổi sáng nào cũng pha ly cà phê, chích ba điếu rồi mới vô, thì cái thói quen đó không cần cho nó liên tục. Hoặc ví dụ như trước một bữa ăn mình làm một cái ly nhỏ nhỏ cho nó tiêu hóa, thì cái đó đối với một số người thì nó là OK. Nhưng đối với một số người uống một ly cảm thấy nó hơi thiếu, bèn làm nguyên một chai.

Như có cha võ sĩ quyền anh, chả vô cái chỗ nhổ răng, chả nói với nha sĩ “Em đấu võ đài, chảy máu em không có sợ, mà sợ kim chích của nha sĩ lắm, nha sĩ có thể cho em xin một ly nhỏ nhỏ rượu mạnh được không?” Ông nha sĩ nói “Được”, ổng rót cho ảnh một ly. Uống xong ảnh nói “Sức vóc em như vậy mà một ly không có thấm!” Ông kia cho một ly nữa. Anh võ sĩ nốc xong nói “Em thề trước vong linh má em, cho em một ly nữa thôi, em không có đòi nữa!” Thì nha sĩ tiếp tục rót cho ổng. Đến khi ổng uống xong ly thứ ba, ổng làm khuỳnh tay ổng nói “Bây giờ thằng nào đụng vô tao đập chết cha nó luôn!!!”

Có nghĩa là, có những thứ nó không có nên liên tục, những thứ bậy là những cái không nên liên tục. Cho nên ta học về vô gián duyên là ta học được nguyên tắc rất là quan trọng trong cuộc tu và đời sống.

Vô gián duyên là nói về cái lực đẩy có được từ sự tiếp nối liên tục của cái gì đó. Bất cứ sự tiếp nối nào đó mà khi nó được liên tục thì tự nó sẽ tạo ra một lực đẩy, nó tạo ra một nguồn năng lượng lớn. Các vị biết cái turbine dynamo của thủy điện nó rất cần sự liên tục của dòng nước, đúng không? Đấy. Ở đây cũng vậy. Ở đây, trong đời sống chúng ta luôn luôn cần lực đẩy của những sự liên tục. Tuy nhiên, có những thứ không cần liên tục nữa thì mình phải làm cho nó gián đoạn, hoặc làm cho nó chậm dần để rồi nó ngừng hẳn. Có những thứ nó cần phải được liên tục thì mình phải thường xuyên kiểm soát và chăm sóc nó để cho nó không có bị chậm lại, không có bị dừng lại.

Cho nên đây là lý do tại sao ta phải học giáo lý. Chỉ riêng ba chữ “vô gián duyên” nếu không học kỹ, không học rộng, không học sâu thì mình đọc câu “vô gián duyên là cái sự liên tục” mình thấy nó không có mấy quan trọng. Nhưng mà tới hồi nó xé ra “Ô! Thì ra!!” Cái đời sống thể lý, sinh lý của mình cả đời sống tâm linh của mình lẫn đạo nghiệp tu hành giải thoát của mình, nó rất là cần đến kiến thức về vô gián duyên. Vì khi học về vô gián duyên là ta học về sự lệ thuộc của những sự tiếp nối liên tục. Và sự liên tục ấy, nó cần cho trường hợp nào và nó không cần cho trường hợp nào? Có những thứ mình tiếp tục nuôi dưỡng, có những thứ mình không cần tiếp tục nuôi dưỡng.

Tôi nói thật với quý vị nha. Bốn cái chữ “nối dõi tông đường” đối với tôi tôi nghĩ nó hơi ngộ. Có những dòng họ cho nó tuyệt tự cho rồi, nó cà chớn quá. Nhưng có những dòng họ sự tiếp nối dường như là cần thiết. Tôi ví dụ như là Trịnh Công Sơn, hay là Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Khuê, những gia đình mà mình thấy nó có sự tiếp nối đẹp, thì thấy “nối dõi tông đường” nó hay. Còn những thứ mà ông bố thì cho vay nặng lãi, ông nội ăn cướp, còn thằng con trai thì ăn trộm mà nó đòi lấy vợ "nối dõi" thì chắc tui cũng hơi run đó quý vị. Là vì sao? Là vì có những người, họ sống trên đời này, sự có mặt của họ nó không phải là sự đóng góp mà nó chỉ là sự góp mặt. Có những người mà cái chết của họ chỉ là sự vắng mặt chứ không phải sự mất mát. Có những người sống trên đời này sự có mặt của họ là sự đóng góp chứ không phải sự góp mặt. Đóng góp và góp mặt nó khác hay giống nhau? Và khi mà anh sống mà anh sống như một sự đóng góp thì cái chết của anh là một sự mất mát, anh sẽ để lại một khoảng trống cho đời. Nếu anh sống theo kiểu góp mặt thì cái chết của anh là sự vắng mặt, và anh không để lại khoảng trống nào hết, bởi vì khi anh đi người ta mừng thấy mụ nội luôn. Và chúng ta phải nhớ có hai kiểu sống: sống lâu để trở thành đồ cũ và sống lâu để trở thành đồ cổ. Hai cái này khác nhau. Đồ cổ là nó sẽ đi vào viện bảo tàng, nó sẽ đi vào những gian hàng đắt tiền sang trọng ở những khu phố lớn. Còn đồ cũ là "yard sale", "garage sale", và "goodwill" đúng không? Cho nên, ở Mỹ hình như có cái thriftshop nữa. Nó bán toàn là mấy cái đồ cũ, còn đồ cổ là đừng hòng lọt vô đó. Cho nên, có những người sống lâu trở thành đồ cũ và có những người sống lâu trở thành đồ cổ.

Và tôi nhắc lại lần nữa. Để trở thành đồ cũ hay đồ cổ, để sự có mặt của mình là góp mặt hay đóng góp thì tất cả những cái đó nó tùy thuộc vào việc chúng ta chọn kiểu sống nào. Chúng ta biết giữ lại dòng chảy nào và biết chặn lại dòng chảy nào. Biết chặn lại dòng chảy nào và biết giữ lại dòng chảy nào đó chính là học và tu theo nguyên tắc vô gián duyên.

(Xin quý đọc giả lưu ý: Những phần có đóng khung trên đây là những lúc Sư giảng thoát và khôi hài cho bà con tỉnh ngủ và hiểu thêm - xin tránh nhận xét phán đoán ngoài bối cảnh. Xin cảm ơn)

Trích bài giảng Duyên Hệ và Con Đường Tu Chứng
Kalama xin tri ân bạn HoThiVui ghi chép


Dhammacārī | | Cù Là

Kiểm soát cái hộp quẹt | | Đam mê trong chánh Pháp

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com