Đam mê trong chánh Pháp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đam mê trong chánh Pháp

Một hôm ngài A Nan đến gặp ngài Xá Lợi Phất, và hỏi ngài Xá Lợi Phất một câu thế này:

"Xưa nay kể cả từ khi Đức Thế Tôn ra đời người tự nhận thích nghe Pháp, giỏi giáo pháp, giỏi giáo lý cũng không hiếm. Người tự nhận mình thích nghe Pháp, giỏi giáo pháp thì không phải là ít. Nhưng mà người thành tựu được hai cái này rất là hiếm. Vậy làm thế nào mới được xem là người đam mê trong chánh Pháp một cách đúng mức đúng nghĩa? Làm thế nào để chúng ta xứng đáng với danh xưng là một người đam mê chánh pháp, ở hai khía cạnh: Một là thiết tha với những gì chưa biết. Và hai là trong những cái mình đã biết thì luôn luôn có thể sống hết mình một cách trọn vẹn trong đó?"

Điều này không dễ, thưa quí vị. Quí vị có thể tham dự cả chục cái room online, có thể tham dự cả chục lớp giáo lý ngoài đời, quí vị có thể đã đọc qua hàng chục bộ Kinh nhưng chưa chắc quí vị có được hai cái này: Một là thiết tha với điều chưa biết. Và đối với cái mình đã biết thì mình có thể sống trọn vẹn trong đó.

Tại sao tôi nói là khó? Tại vì thế này. Tôi tiếp xúc không ít những người tự nhận một cách kín đáo hay là công khai rằng mình giỏi. Nhưng khi tiếp xúc với họ mình dễ dàng nhận ra là đa phần họ có vẻ thỏa mãn với cái họ đã biết. Họ có vẻ tâm đắc, tự mãn với cái họ đã biết. Từ đó dẫn đến một hệ lụy, hệ quả thứ hai - đó là họ không còn khả năng lắng nghe cái điều mới nữa.

Chuyện này là chuyện đương nhiên. Khi mình thỏa mãn, tâm đắc với cái mình đã biết thì rất khó mở lòng ra đón nhận làn gió mới. Mà trời cao, đất rộng, thiên hạ mênh mông như biển thì có gì dại dột cho bằng mình đóng cửa, đóng cổng, vô phòng trùm mền, tắt đèn để tâm đắc với cái riêng tư của mình? Trong khi bên ngoài thì trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn vàng, núi đồi đại dương bao la bát ngát mà mình dẹp hết, cứ đóng cổng, đóng cửa thì bậy cỡ nào? Nó lớn chuyện lắm. Cho nên tôi nói bài Kinh này vẫn là vấn đề của chúng ta, vẫn là vấn đề thường trực, thường nhật của chúng ta. Nó vẫn là vấn đề cốt tử, xương máu trong cuộc sống tu học của chúng ta; tại đây và bây giờ.

Cho nên tôi nhắc lại. Làm thế nào để xứng đáng với danh xưng là một người đam mê thích thú trong chánh Pháp?

  1. Luôn luôn hướng lòng đến cái mới, và

  2. Luôn luôn sống trọn vẹn trong cái mình đã biết.

Nên nhớ cái này quan trọng nữa: Chánh Pháp chỉ có cái mới chớ Chánh Pháp không có cái cũ! Mới là điều mình chưa biết. Còn cái mình đã biết không thể gọi là cũ. Vì sao? Cái cũ vốn dĩ không có. Vì trong những cái mình đã hiểu đã nhớ liệu mình đã tiêu hóa nó tới nơi tới chốn hay chưa mà mình dám gọi nó là cũ? Các vị có hiểu ý này không? Trong những điều mình cho là đã nhớ đã hiểu, đã nằm lòng rồi vội vã cho nó là cũ, là sai bét. Vì cứ cho là mình hiểu, mình nhớ, nhưng thực ra mình đã thấm thía nó được bao nhiêu?

Sẵn đây tôi nhắc lại một điều vô cùng quan trọng, đó là: Trong từng vấn đề giáo lý mà mình tưởng đã làu thông, thông suốt đó thực ra chiều sâu của nó tới mức nào mình cũng chưa rõ. Tôi chỉ nói gọn chữ ‘giới’ thôi, chữ ‘thí’, ‘từ tâm’ nè, mình tưởng mình đã hiểu rồi. Tôi nói thiệt, cái này nói ra nó đau cho người khác mà nhục cho mình tôi vẫn nói. Nếu hiểu tới nơi tới chốn một vấn đề nào đó thì mình đã khác rồi. Tin tôi đi. Mình đã khác đi nhiều lắm chớ hỏng phải như mình thấy. Điều thứ hai, phải luôn luôn nhớ câu thần chú này: “Điểm khác biệt duy nhất giữa Thánh nhân và phàm phu nằm ở chỗ: Thánh nhân hiểu rất rõ điều mình tin và tin chết bỏ điều mình hiểu. Có nghĩa thà chết chớ họ không bao giờ chống trái hay mâu thuẫn với điều họ biết). Còn phàm phu thì vì không hiểu lắm điều mình tin nên không tin lắm điều mình hiểu”.

Thánh nhân hiểu rất rõ điều mình tin và tin chết bỏ điều mình hiểu.
Phàm phu vì không hiểu lắm điều mình tin nên không tin lắm điều mình hiểu.

Tin tôi đi. Các vị nhớ cái này rất quan trọng. Nếu nhớ được câu thần chú này tôi tin quí vị an toàn trong hành trình học Đạo và hành Đạo. Trong hành trình học Đạo và hành Đạo nếu các vị nhớ câu thần chú này các vị sẽ không sa vào cái vũng lầy của những thành tựu, những sở chứng. Tôi gọi nó là sa vào vũng lầy. Có nghĩa là vớ được ba mớ tưởng mình hay đó quí vị. Ngày nào chưa là thánh, chúng ta vẫn còn đoạn đường hun hút nghìn trùng trước mặt. Mà có gì bậy cho bằng bị sa lầy trên con đường vạn lý. Đi chưa được bao nhiêu bị sa lầy rồi. Thì làm sao, chúng ta làm gì với đoạn đường còn lại đây? Cho nên để được an toàn, khỏi bị sa lầy, khỏi bị sụp hố, sụp bẫy thì phải nhớ câu thần chú này:

- Nếu mình hiểu tới nơi tới chốn thì mình đã không tệ như bây giờ.

- Điểm khác biệt duy nhất giữa thánh nhân và phàm phu là Thánh nhân hiểu rất rõ điều mình tin nên tin chết bỏ điều mình hiểu. Còn phàm phu không hiểu lắm điều mình tin nên không tin lắm điều mình hiểu.

Chính vì không tin lắm nên miệng thì nói như sáo, két, vẹt, nhồng, cưỡng: "vô ngã, vô thường". Nhưng thử có ai đụng tới nhan sắc, đụng tới tiền bạc, đụng tới danh dự mình là mình nổi dịch, nổi điên như một con thú. Chớ nếu mình hiểu tới nơi thì mình không có như vậy đâu.

Ở đây Ngài A Nan hỏi ngài Xá Lợi Phất làm thế nào để được là người luôn luôn thiết tha với cái mới và luôn luôn sống trong cái mình đã biết. Trong Kinh cho mình biết một chuyện đẹp lắm. Một chuyện nếu mình đọc lướt qua mình không thấy. Đó là ngài A Nan khi hỏi ngài Xá Lợi Phất câu này thì khi đó ngài A Nan mới là vị Tu đà hườn thôi. Trong khi ngài Xá Lợi Phất đã là một vị A la hán đệ nhất Trí tuệ, đệ nhất Thinh Văn, là vị trưởng tử của Thế Tôn, là vị huynh trưởng ở trong Giáo Pháp - gồm có bốn chúng và Bát bộ (Bát bộ là Sa môn, Bà la môn, chư Thiên, Phạm thiên). Ngài đứng đầu bốn chúng Bát bộ, lục thông tam minh và bốn trí vô ngại. Có nghĩa là kiến thức của ngài A Nan về ba Tạng chẳng là gì so với ngài Xá Lợi Phất. Ấy vậy mà khi nghe ngài A Nan hỏi như vậy, ngài Xá Lợi Phất đã trả lời một cách rất Thánh. Ngài đã trả lời cách mà chúng ta có đầu thai 15.000 kiếp chúng ta cũng không có cách trả lời đó. Khi người ta hỏi Ngài một câu Ngài thừa sức trả lời mà Ngài lại trả lời bằng một câu hỏi ngược lại: “Tôi nghĩ hiền giả A Nan là người nghe nhiều. Ở lúc này không phải là lúc mà hiền giả nghe tôi. Mà tại đây và bây giờ, tôi mới là người muốn nghe hiền giả nói. Hiền giả là người đa văn, tôi muốn nghe hiền giả nói”.


Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp trước kia chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết?‘‘Kittāvatā nu kho, āvuso sāriputta, bhikkhu assutañceva dhammaṃ suṇāti, sutā cassa dhammā na sammosaṃ gacchanti, ye cassa dhammā pubbe cetasā samphuṭṭhapubbā te ca samudācaranti, aviññātañca vijānātī’’ti?
Tôn giả Ananda là vị nghe nhiều, Tôn giả hãy nói lên!‘‘Āyasmā kho ānando bahussuto. Paṭibhātu āyasmantaṃyeva ānanda’’nti.

Các vị coi có gì dễ thương hơn? Còn câu trả lời nào hay hơn và dễ thương hơn không? Mình là cái gì? Đệ nhất Thinh Văn, trưởng tử của Như Lai, đệ nhất Trí tuệ, thượng thủ tăng già, vậy mà khi nghe một sư đệ hỏi mình đã trả lời như vậy: ‘Lúc này là lúc tôi cần nghe hiền giả chớ không phải hiền giả cần nghe tôi. Hiền giả là người đa văn, hiền giả nói đi, tôi đang lắng nghe nè’. Đẹp như vậy đó quí vị. Đẹp lắm quí vị à! Chỉ riêng cái khoản đó mình đã học không nổi rồi chớ đừng nói học cái khác. Ngài A Nan biết hết chớ đâu phải Ngài nghe vậy rồi ham hố phô trương khoác lác như mình. Nhưng Ngài biết rõ người vừa đề nghị mình điều đó là thiết tha, chân thật. Và điều Ngài trả lời cho ngài Xá Lợi Phất vẫn là điều Ngài học lại từ Thế Tôn. Ngài biết rõ ngài Xá Lợi Phất biết điều đó. Biết là ngài Xá Lợi Phất muốn nghe lại ý kiến của Thế Tôn thông qua mình. Wow! Hay là hay chỗ đó!

Cho nên ngài A Nan nghe vậy rồi Ngài cung kính trả lời: “Dạ, nếu sư huynh nói vậy thì đệ xin trường thuật lại những gì đã được nghe”. Rồi bắt đầu Ngài kể sáu điều.

Tôi nhắc lại câu hỏi: “Làm thế nào để trở thành một người luôn luôn thiết tha với cái mới và có thể sống thấm đẫm sống trọn vẹn trong điều mình đã biết?”

1. Chuyện đầu tiên là vị tỳ kheo phải thông suốt giáo lý.

Phải bỏ công, dành thì giờ học hỏi giáo lý. Trong khi khuynh hướng của tăng ni Phật tử hôm nay trên thế giới mà mình cảm nhận được thì đa phần chia làm bốn nhóm:

  1. Nhóm một, vội vã tâm đắc điều mình có, điều mình biết.

  2. Nhóm hai, nghiêng nặng về niềm tin bái sám, cầu nguyện, khấn khứa.

  3. Nhóm ba, sống bằng tâm thức mặc cảm cho rằng Kinh điển bao la, sức mình thì có hạn, trăm năm thì ngắn ngủi học sao cho hết. Thôi thì bây giờ làm con ong, cái kiến trong Đạo tràng, trong tòng lâm cõi Phật đi. Tức là lầm lầm lũi lũi ai dạy nhào vô học, ai giảng nhào vô nghe. Suốt đời sống bằng tâm thức của con ong cái kiến.

  4. Nhóm thứ tư, còn học được thì học. Học được bao nhiêu hành trì bấy nhiêu.

Vì Giáo lý chính là dấu vết còn sót lại của Thế Tôn. Giáo lý là một phần, mảnh nhỏ của cái gọi là tinh hoa tuệ giác của một vị Chánh Đẳng Giác mà hàng triệu ức tỷ kiếp mới có một vị Phật ra đời. Nay ta có duyên may mang được thân người. Lại nhằm lúc Giáo Pháp vẫn còn đó. Mình có tâm đắc với pháp môn nào đi nữa, mình có hành trì với pháp môn nào đi nữa, nhưng với Giáo lý còn lại trau giồi được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Vì sao vậy? Vì cứ biết thêm một vấn đề Giáo lý là mình gỡ rối được một số vấn đề của mình. Bớt được một cái vô minh. Bớt được một cái u mê. Bớt được một cái không biết thì nó giải quyết được nhiều vấn đề lắm quí vị. Bởi vì chúng ta là những con bịnh mà! Những con bịnh trầm kha. Đủ thứ bịnh hết.

Cho nên chuyện đầu tiên là phải học Giáo lý, thiết tha với Giáo lý.

2. Sẵn lòng chia sẻ cái mình biết cho người khác.

Mình học xong mình giữ kín lại giống như người ta nấu ăn rồi bỏ vô ngăn tủ lạnh thì đau quá. Mình nấu giỏi, nấu ngon, nấu cho gia đình, cho bạn bè, hoặc mở nhà hàng nấu cho thiên hạ. Chớ đằng này mình học nấu ăn cho đã, mình có nhiều nguyên liệu quí hiếm, nấu xong bỏ vô freezer ngăn đá đóng lại để chờ ngày mình về đất thì đau quá.

Cho nên điều đầu tiên phải là người thiết tha trau giồi giáo lý thì cái thứ hai là phải luôn luôn sẵn lòng chia sẻ cái mình biết cho người khác.

3. Luôn tạo điều kiện cho người khác nói.

Đa phần chúng ta không để ý cái thứ ba này. Chúng ta có thể là người hiếu học. Chúng ta có thể là người rất sẵn lòng nói Pháp cho người khác. Nhưng cái thứ ba này khó ai có. Có nghĩa là luôn luôn tạo điều kiện cho người khác nói. Đây là cái hạnh lành mà chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Như nãy ngài Xá Lợi Phất trong bài Kinh khi được ngài A Nan hỏi lẽ ra Ngài nói rồi, nhưng Ngài không nói, mà Ngài lại tạo điều kiện cho Ngài A Nan nói.

Các vị biết có một bài học nhỏ xíu xìu xiu thôi mà chúng ta học cả đời không hết. Đó là

Chúng ta chỉ mất từ 2 đến 3 năm để học nói nhưng chúng ta phải mất mấy chục năm để học im lặng.

Các vị có biết không? Vì sao vậy? Vì cái thứ nhứt: im lặng là vàng. Chúng ta chỉ nên nói cái gì nó quý hơn vàng thôi. Điều thứ hai, đây là bài học rất rẻ tiền mà chúng ta quên. Đó là, tại sao ham nói? Khi nói ta được lợi ích gì hơn khi chúng ta nghe? Bởi vì khi mình sắp nói một tiếng đồng hồ là mình đã biết trước mình sẽ nói cái gì. Nhưng khi mình nghe lại khác. Khi mình bắt đầu nghe là biết bao nhiêu điều mới lạ có thể đến với mình. Vậy tại sao người ta ham nói? Là tại vì người ta quên mất bài học này. Khi anh nói là anh chỉ có chi ra chớ không có thu vô. Mà một nguồn tài chánh, nguồn kinh tế ổn định là có chi thu cân bằng. Còn đằng này mình khoái chi mà không có thu. Hoặc là nếu mình có thu mà không có chi thì có vấn đề. Thích chi mà quên thu cũng có vấn đề. Đời sống là có chi có thu, có cho và có nhận.

Cho nên ở đây, điều đầu tiên là anh phải có trau giồi. Anh phải có Giáo lý. Anh muốn trao cho người khác thì anh phải có cái gì trong tay mới trao được. Anh có học Giáo lý anh mới có thể biết cái gì nó hợp với anh chớ. Đằng này anh ù ù cạc cạc cứ trông đợi người khác ban cho một pháp môn để về anh tu thì có vẻ 50/50 quá. Nó nguy hiểm quá! Thứ hai là anh có giáo lý rồi anh mới có khả năng chia sẻ. Rồi cái thứ ba mới ghê. Đó là anh có khả năng tạo điều kiện cho người khác chia sẻ. Để lúc bấy giờ anh ở vào vị trí của người nhận chớ không cho nữa. Trước hết là mình tích lũy tài sản, thứ hai là chia tài sản. Thứ ba là khả năng đón nhận. Không phải chỉ biết cho ra mà còn phải biết nhận vào nữa chứ. Vật chất không quan trọng, mà cái điều tinh thần rất quan trọng. Anh phải có khả năng khích lệ, kích thích, tạo hứng khởi cho người khác nói. Khả năng này không phải ai cũng có. Vì anh có khả năng tạo cơ hội cho người khác nói thì anh mới có thể nghe nhiều hơn. Cho nên cái thứ hai là khả năng thuyết giảng cho người khác và cái thứ ba là có khả năng gây hứng khởi cho người khác thuyết giảng.

4. Vị đó phải có khả năng tụng đọc.

Tại sao vậy? Nói thì có khi có thì, phải có đối tượng. Còn chuyện tụng đọc, ở đây các vị đừng lầm tụng đọc là hình thức tôn giáo mà chúng ta thường thấy ở tăng ni hôm nay. Không phải cứ lim dim tụng hết bộ này qua bộ khác. Mà tụng đọc đây là một cách trau giồi với riêng mình không cần sự hỗ trợ với ai khác.

Muốn thấy cái này các vị phải có dịp gặp gỡ chư tăng Tích Lan, Miến Điện. Chúng tôi được biết qua Thầy Hộ Giác, xưa là sư phụ tiếng Phạn của tôi. Tôi nghe kể trong suốt bốn năm Ngài ở Tích Lan Ngài ở chung với mấy vị trưởng lão đặc biệt lắm. Giấc trưa ăn cơm xong các vị đi kinh hành tới lui, tới lui một tí. Ngài kể cho mình nghe về các vị uyên bác đó. Tại sao Ngài nhấn mạnh chữ uyên bác? Tại vì uyên bác giống như mấy cha trí thức ngoài đời, cái sinh hoạt của họ rất đáng cho mình để ý. Bởi vì họ giỏi quá mà. Cái sinh hoạt của họ có nhiều cái nó xuất phát từ cái tinh hoa tri thức, chớ không phải ngẫu nhiên như ở những người ít học. Cho nên họ rất đáng cho mình để ý. Ngài nói rằng những vị trưởng lão, thí dụ như vị đã dạy tiếng Phạn cho Ngài, các vị đó có thể nói tiếng Pali coi như nói mà không kịp thở. Ngài có thói quen lạ lắm. Đi kinh hành xong vô nằm ghế bố thiêm thiếp khoảng chừng một giờ, hai tiếng đồng hồ. Xong rồi khi mở mắt ra thì đầu tiên là vị đó đọc một loạt kệ ngôn Pali, hay lắm. Trầm bổng, đọc hay lắm. Ngài Hộ Giác nói rằng có cảm giác như vị này là sợ quên vậy đó. Hoặc giống như một cậu học trò ôn bài vừa mở mắt ra là đọc một loạt vậy đó. Tôi có duyên ở gần mấy vị trì Kinh Tạng của Miến Điện. Mấy vị như Ngài Gunasami, vị mà giúp mình làm thiền đường Kalama đó.

Chắc có lẽ cho tôi ngưng chỗ này một chút. Tôi phải khoe bà con một chuyện đặc biệt này. Tôi suy nghĩ rất là nhiều cái tên gọi thiền đường tương lai của mình đó. Nói tương lai chớ cũng sắp tới rồi. Tôi nghĩ hoài cuối cùng tôi đặt tên Parami là bởi chữ parami tôi phân tích trong bài đó nếu dịch ra là Việt, người Việt mình đó. Parami là ‘param’ với ‘i’, có nghĩa là ‘đi qua bờ kia’, là ‘vượt’. Vượt có nghĩa là ‘Việt’. Mà đồng thời từ ‘parami’ rất nổi tiếng trong Phật giáo mình. Tức là hành trình huân tu hạnh lành, kiến lập Phật Đạo đó. Nhưng mà lạ lắm. Cách đây ba đêm tôi bị cảm, tôi uống thuốc Neocitran của Thụy Sĩ nó giải cảm nhưng nó ngủ. Tôi ngủ say lắm. Lúc đó tầm tầm khoảng 3g sáng. Cái này các vị có thể không tin, các vị nói tôi kể phong thần cũng được. Nhưng tôi không nghĩ đó là cái gì huyền bí gì hết. Mà nó là một cái chấn động tâm thức nào tôi không hiểu. Khả năng đó tôi cho nó lớn hơn là khả năng của chư Thiên. Thì tầm khoảng 3g sáng tôi đang ngủ rất là say, thì tôi nghe văng vẳng, cái đó mới lạ. Ngủ rất say nhưng lúc đó lại nghe trên đầu giường mình, tại tôi đang xoay đầu về trong vách, mà tôi cảm giác có ai đó đứng ở đầu giường tôi, nói một câu nghe rất là khó hiểu. Là ‘Kalama’ đừng ‘Parami’. Tôi không có hiểu. Tôi nghe hơi nhỏ, thì cái câu đó được nhắc lại một lần nữa, là “Kalama đừng Parami”. Thì trong lúc đó tôi đang ngủ say lắm, thuốc nó mạnh neocitran người ta uống có nửa gói tôi quất một gói mà. Thì lúc trong giấc ngủ tôi nói thầm ‘Kalama không có nghĩa’, rồi tôi ngủ luôn.

Thì sáng hôm đó tôi giật mình dậy khoảng chừng mấy tiếng đồng hồ tôi giựt mình dậy tôi hết hồn! Là cái ‘parami’ là cái tên tôi đặt cho thiền viện, thiền đường thì ai biết. Mà người trong giấc mơ tôi cũng không biết là nam hay nữ, nhưng mà tại sao họ kêu ‘Kalama’, tôi mới giật mình; “Ô, chữ Kalama không có nghĩa. Nó là tên một ngôi làng mà Đức Thế Tôn ghé đó rồi dân làng họ ra họ mới nói với Ngài là nhiều cha ghé đây lắm. Cha nào cũng nói mình số một, thì con không biết Thế Tôn số mấy trong đám đó. Thì Ngài nói rằng: “Đừng quan tâm đến cái gì mà nó gọi là truyền thuyết, là Tổ sư, là Kinh sách, là truyền thống lâu đời, mà các ngươi phải xem cái đó là thiện hay ác, có hại mình hại người, lợi mình lợi người hay không, cái đó mới quan trọng. Chứ còn cái chuyện điều đó được tuyên bố bởi thầy nào, cha nào, sư phụ nào, tổ sư nào, giáo chủ nào, truyền thống nào, Kinh điển nào, cái đó không quan trọng. Mà cái quan trọng là nội dung trong đó." Cho nên Kinh Kalama là một Kinh rất nổi tiếng. Nổi tiếng đến mức mà chúng ta có thể nói rằng một trăm ông Tây bà Đầm mà nghiên cứu Phật Pháp đều biết Kinh Kalama. Bởi bài Kinh đó là một nhát búa đóng thẳng vào thánh Kinh của Thiên Chúa. Bên Cơ Đốc họ nói rằng "Phúc thay cho kẻ nào chưa thấy đã tin." Còn bên Nam Tông mình, Kinh điển Pali thì lại có một bài Kinh đặc biệt nói ngược lại là: Đừng tin vào truyền thống, đừng tin vào sư phụ mà chỉ quan sát cái nội dung điều mình được nghe, rồi mới quyết định tin hay bỏ.

Thì đặc biệt phải nói tôi lạnh xương sống và tôi rất là xúc động. Tôi không gọi đó là giấc mơ vì nó ngắn quá, nó khoảng chừng một giây rưỡi thôi quí vị, mà không biết ai nói, mà một câu nói rất là mơ hồ “Kalama dừng Parami”. Và tôi đã quyết định bỏ cái tên Parami. Và tôi cũng thấy hơi quê cái chỗ lý do cái nội dung nó hơi phong thần. Mà quê chỗ nữa là cách đây mấy ngày mình đã thiết tha tâm huyết viết cái bài về cái tên Parami. Rồi bây giờ mình ăn nói làm sao với thiên hạ bàn dân đây. Thế là tôi im luôn. Tôi âm thầm đặt người ta một miếng gỗ thông dát xéo, rồi khắc chữ là “Kalama Hermitage” có nghĩa là Ẩn Xứ, không biết hermitage tiếng Việt kêu là gì. Quá hay, đặc biệt, và tôi rất là hoan hỷ. Nếu mà nói hơi phong thần một chút, tôi nghĩ giống như chư Thiên họ cho mình cái tên đó. Biết đâu trong tiềm thức mình một cái thao thức, một cái trăn trở, cuối cùng tôi chọn tên Kalama. Và tôi gọi cho mấy người Phật tử quen ở châu Âu, tôi mới vừa nhắc tên Kalama, họ nói ‘Sư ơi, con thích cái tên đó. Con thích cái tên đó. Sư lấy cái tên đó đi Sư. Kalama hay quá’. Thế là chưa nói đến cái ý nghĩa tinh thần, ý nghĩa Kinh điển, ý nghĩa gì hết, chỉ riêng cái tên là thấy dễ thương rồi. Tôi đặt đó là Trung tâm Kalama mà cái hàm ý đó là một trung tâm mà chúng ta đến để chúng ta nhìn lại Kinh điển, nhìn lại chính mình. Đây là một trung tâm ‘nhìn lại’, chớ không phải một trung tâm ‘tin theo’, không phải là trung tâm ‘tin nhận’, không phải là trung tâm cắm đầu mù quáng. Mà đây là chỗ chúng ta nhìn lại, dầu có đến đó đọc sách cũng để nhìn lại. Dầu có đến đó để tu tập Tuệ quán cũng để nhìn lại mình thôi. Tôi gọi nó là Trung tâm Kalama.

Thì tôi quay lại chuyện vị từng hỗ trợ trung tâm Kalama cho mình là Ngài Gunasami. Vị này thuộc lòng Trường Bộ. Và tôi từng ở bên cạnh Ngài trong mấy hôm ở Miến Điện. Rồi sau đó Ngài có đi qua Thụy Sĩ tôi cũng ở bên cạnh Ngài mấy hôm. Cứ ở không một mình là Ngài cứ lầm rầm lầm rầm tụng Kinh Pāḷi suốt như vậy. Không biết do Ngài thích hay do Ngài sợ quên mình không biết, nhưng mình biết đó là một cách trì niệm, rất lạ và rất đẹp.

Cho nên ở đây, chúng ta trở lại, chuyện đầu tiên và vị tỳ kheo phải thiết tha trau giồi giáo lý. Thứ hai vị tỳ kheo phải sẵn lòng chia sẻ trao truyền cho người khác. Thứ ba vị tỳ kheo phải có khả năng tạo hứng khởi cho người khác nói Pháp. Thứ tư là có khả năng ôn luyện, ôn tập trùng thuật Giáo Pháp với riêng mình, không cần ai hỗ trợ.

5. Tùy tầm tùy tứ và ý tùy quán pháp.

Là thường xuyên suy tư suy ngẫm những cái mình đã học. Chỗ này chúng ta phải giải thích bằng một câu Pháp Cú:

“Vị tỳ kheo mến Pháp trú Pháp
Tâm tư hằng niệm Pháp
Sẽ không rời Chánh Pháp”
.

Có nghĩa là thuộc gì thuộc, đọc gì đọc, giảng gì giảng, nhưng khi còn lại một mình trầm tư trong cái mình đã học.

Bởi vì tôi đã nói rồi, cái chuyện đó mình tưởng mình biết rồi quí vị, Nhưng mà không! Phật Pháp lạ lắm. Cái biết này cộng với cái biết kia tạo ra cái biết khác đã đành rồi, mà nhiều cái biết khi cộng lại ngoài việc tạo ra cái biết khác, nó còn đào sâu, mở rộng cái mình đã biết. Nên đây là lý do vì đâu mà chúng ta ngoài giờ thực tập chánh niệm, thiền hành, thiền tọa, thì chúng ta cũng dành nhiều thì giờ suy tư, nghiền ngẫm, suy gẫm những vấn đề giáo pháp mà mình đã học. Phải nói tôi chưa bao giờ dám nhận là hành giả, nhưng cái thời gian tôi dành cho chuyện nghiền ngẫm thì tôi nghĩ là hơi nhiều. Bởi vì không phải khơi khơi mở Kinh ra, mở Chú giải ra mà tôi giảng cho bà con nghe. Không đủ đâu quí vị. Tôi phải dành nhiều thì giờ ở bụng mình thôi, đêm hôm khi không ngủ, đi tới đi lui, suy nghĩ về vấn đề giáo lý. Chẳng hạn như là, chỉ riêng chữ ‘phiền não’ kilesa thôi, tôi có thể khoe với bà con là chữ ‘phiền não’ tôi có thể giảng một tuần bà con nghe không hết. Nó nhiều chuyện để mình đào xới lắm quí vị.

Cho nên thuộc lòng, thuyết giảng nó là một chuyện nhưng phải thường xuyên suy gẫm, nghiền ngẫm cái mình đã học.

6. Sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho người khác.

Thuyết Pháp là một chuyện, nhưng mà mình có thể chịu cực ngồi lại nghe người ta hỏi đó lại là chuyện khác. Có nhiều vị tôi biết mời thuyết thời Pháp 2 tiếng vị đó sẵn sàng. Nhưng mà chuyện cà rị cà mọ ngồi lắng nghe người ta hỏi cái này hỏi cái kia thì họ lại không kiên nhẫn. Vị đó chỉ nói về đọc cuốn này, về đọc cuốn kia, vậy thôi. Thà giảng hai tiếng không ngán mà cứ ngồi phải chạy theo cái tào lao của người ta, để tìm cách dắt người ta về đường chánh tì mệt lắm, thưa quí vị. Cho nên nhiều khi chúng ta không đủ kiên nhẫn, không đủ bi tâm, từ tâm để giúp người khác. Nên cái thứ sáu này rất quan trọng, là có sẵn từ tâm bi tâm để mà giải đáp cho người khác.

Người nào có được sáu cái này mới xứng đáng gọi là người đam mê trong Chánh Pháp qua hai khía cạnh: Một là luôn luôn hướng lòng tới cái mới. Hai là chìm sâu thấm đẫm sống hết mình một cách trọn vẹn với điều mình đã biết.


Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo học thông suốt pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bản sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. ‘‘Idhāvuso sāriputta, bhikkhu dhammaṃ pariyāpuṇāti – suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthaṃ udānaṃ itivuttakaṃ jātakaṃ abbhutadhammaṃ vedallaṃ.
Vị ấy thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt.So yathāsutaṃ yathāpariyattaṃ dhammaṃ vitthārena paresaṃ deseti,
Vị ấy khiến cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt.yathāsutaṃ yathāpariyattaṃ dhammaṃ vitthārena paresaṃ vāceti,
Vị ấy tụng đọc pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt.yathāsutaṃ yathāpariyattaṃ dhammaṃ vitthārena sajjhāyaṃ karoti,
Vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng.yathāsutaṃ yathāpariyattaṃ dhammaṃ cetasā anuvitakketi anuvicāreti manasānupekkhati.
Tại trú xứ nào các Tỷ-kheo trưởng lão trú ở, các vị nghe nhiều, được trao truyền các tập Agama, bậc Trì pháp, Trì luật, Trì toát yếu, tại các chỗ ấy, vị ấy an cư vào mùa mưa, thỉnh thoảng đến các Tôn giả ấy; sau khi đến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi:Yasmiṃ āvāse therā bhikkhū viharanti bahussutā āgatāgamā dhammadharā vinayadharā mātikādharā tasmiṃ āvāse vassaṃ upeti. Te kālena kālaṃ upasaṅkamitvā paripucchati paripañhati
"Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì?‘idaṃ, bhante, kathaṃ; imassa kvattho’ti?
"Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác, còn có chỗ nghi ngờ, các Tôn giả ấy giải thích các sự nghi ngờ.Te tassa āyasmato avivaṭañceva vivaranti, anuttānīkatañca uttānīkaronti, anekavihitesu ca kaṅkhāṭhāniyesu dhammesu kaṅkhaṃ paṭivinodenti.
Cho đến như vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết.Ettāvatā kho, āvuso sāriputta, bhikkhu assutañceva dhammaṃ suṇāti, sutā cassa dhammā na sammosaṃ gacchanti, ye cassa dhammā pubbe cetasā samphuṭṭhapubbā te ca samudācaranti, aviññātañca vijānātī’’ti.
Kinh AnandaĀnandasuttaṃ

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 166
Kalama xin tri ân bạn buithibuukim ghi chép


Dính | | Tín Định Tuệ

Anantarapaccaya | | Pātheyya

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com