sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
AkkosakaKinh Mắng nhiếc - tiếng Pāli là ‘akkosaka’.
Ở đây Đức Phật ngài dạy một vị tỳ kheo mà có tâm bất mãn thầy bạn đồng tu, đặc biệt là có lòng bất kính đối với các bậc hiền thánh thì coi như đời tu của vị đó đã bị kết thúc, bị chận đứng đường tu hành, có khi còn bị sa đọa. Ngài nói một tỳ kheo như vậy thì sẽ mắc vào 5 cái nguy hiểm sau đây.
1. Nguy hiểm thứ nhứt.
Khi bất mãn thầy bạn, bất kính hiền thánh thì vị đó dễ dàng vi phạm các đại trọng giới như tội Bất cộng trụ. Rất dễ dàng. Tỳ kheo có 227 giới, trong đó có 17 giới đầu được xem là quan trọng nhứt. Trong 17 trọng giới đó thì 4 trọng giới đầu tiên là đã vi phạm rồi thì không còn là tỳ kheo nữa. 13 trọng giới tiếp theo là coi như vị tỳ kheo chỉ còn mấy chục phần trăm giới phẩm thôi, phải trải qua một số tăng sự mới có thể phục hồi giới phẩm như cũ. Các giới còn lại được gọi là ‘samkilittham apattim’, được gọi là những vi phạm chỉ vừa đủ cho đương sự ‘bị đốt nóng’ (tâm lý bất an). Nhưng riêng đặc biệt các trọng giới đầu, gọi là paratika có nghĩa là ‘thua cuộc, bại trận’. Đối với một người lính, bại trận đồng nghĩa với cái chết. Đối với một tỷ kheo mà mắc vào bốn đại trọng giới này thì coi như không còn là tỳ kheo nữa.
Mà 4 đại trọng giới đó có mắc mớ gì chuyện bất mãn thầy bạn và bất kính hiền thánh? Nó có liên quan thế này. Có hai lý do khiến cho một tỳ kheo vi phạm 4 đại trọng giới này:
Trước khi phạm thấy chuyện đó không quan trọng nên phạm. Khi phạm rồi thấy nó cũng không có gì đáng sợ cho nên tiếp tục giấu kín.
Trong bốn đại trọng giới tỳ kheo có hai lý do để mình phạm: một là thiếu cảnh giác, hai là thiếu niềm tin. Trong Tứ thanh tịnh giới gồm:
Trong bốn cái đó, đầu tiên là Giới bổn thanh tịnh, thành tựu được là nhờ đức tin. Thu thúc lục căn thanh tịnh thành tựu được là nhờ chánh niệm. Nuôi mạng thanh tịnh thành tựu được là nhờ tinh tấn. Còn Quán tưởng thanh tinh thành tựu được là nhờ trí tuệ. Cho nên đối với một tỳ kheo mà thiếu niềm tin Phật pháp là không xong. Các vị nghe qua sẽ rất ngạc nhiên vì sao tỳ kheo mà lại thiếu đức tin. Mình là cư sĩ, mình phải có đức tin mình mới đến chùa, mới lạy Phật, thọ Giới, phải có Tam quy, mà sao một tỳ kheo lại thiếu đức tin? - Xin thưa chuyện đó rất là đơn giản. Bởi vì có tới một ngàn lẻ một lý do để một người cạo đầu khoác áo, chớ không phải chỉ có một lý do là chán sợ sanh tử, cầu giải thoát Vô thượng Bồ đề. Lý do đáng kính nhứt là cầu giải thoát. Lý do thứ hai tệ hơn một chút là cầu được sanh về các cảnh giới này nọ (cảnh giới hữu lậu), cầu được thần thông phép màu. Lý do thứ ba là tệ nhứt, đó là giải quyết nhu cầu sinh kế, hoặc cầu danh cầu lợi. Hoặc ở các xứ quốc giáo như Tích Lan, Miến Điện, Thái có thời kỳ nhiều chính khách đã đi xuất gia để tranh thủ phiếu bầu của dân chúng. Có trường hợp đó nữa.
Ở đây, tại sao một tỳ kheo bất mãn thầy bạn đồng tu, bất kính đối với thánh nhân là dễ dàng vi phạm vào các đại trọng giới? Là bởi các vị ấy không có niềm tin. Khi không có niềm tin thì chuyện vi phạm các đại giới đó rất là bình thường, rất dễ hiểu, rất đơn giản, rất dễ xảy ra.
2. Nguy hiểm thứ hai.
Nếu không phạm các đại trọng giới thì cũng rất dễ dàng coi nhẹ các giới còn lại, những giới đủ để đốt nóng mình, gọi là saṃkiliṭṭha apatti có nghĩa là giới không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến Giới phẩm tỳ kheo nhưng đủ để đốt nóng đương sự. Thí dụ Đức Phật cấm vị tỳ kheo không được giữ tài sản, tiền bạc, không được sử dụng các thứ như ngà, đồ da, đồ lông. Các tỳ kheo không được giữ thực phẩm qua đêm. Không được sống chung một mái che với phụ nữ. Không được ngồi cùng một chỗ kín khuất với phụ nữ. Không được giữ y bát dư nhiều quá mức hạn định. Ngoài con số dự phòng, các tỳ kheo ngoài y mặc trên người thì tối đa chỉ được giữ bộ Tam y thứ hai để dự phòng. Mà bộ y đó phải đi gởi cho kappiya chớ mình không nên giữ nữa.
Những Giới đó được gọi là những giới đủ đốt nóng tỳ kheo. Nghĩa là đối với một người cầu Đạo giải thoát, trong Kinh nói họ xem một tiểu giới giống như một đại giới, và họ xem một đại giới giống như chuyện mất mạng vậy. Đối với một người tham sống sợ chết thì bằng mọi cách họ tránh cái gì nó nguy hiểm đến tánh mạng. Thì một tỳ kheo cầu giải thoát bằng mọi cách tránh mọi cái cơ hội vi phạm trọng giới. Còn với một người thiếu niềm tin đến mức bất mãn thầy bạn đồng tu, bất kính đối với hiền thánh và chuyện này mình có thể thấy rất rõ trong đời sống thường nhật. Hàng xuất gia thì tôi không dám đụng tới. Bây giờ tôi nói cư sĩ nhé. Do không học giáo lý, hoặc do bẩm sinh là người không có niềm tin tôn giáo, vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó các vị đến chùa cũng thọ giới quy y, cũng có Pháp danh, cũng có làm công đức bố thí, tụng Kinh, ngồi thiền. Nhưng mai này chỉ cần bị một cái sốc nào đó các vị không ngần ngại phán cái câu bất kính về Tam Bảo, về tăng ni rất dễ dàng. Chuyện đó tôi có gặp. Một khi họ bất mãn rồi thì cỡ nào họ cũng phun ra hết. Sẵn đây các vị cho tôi nói thiệt cái này. Đến với Đạo mà không có lý tưởng, không có lý do, đến với Đạo mà không tìm hiểu giáo lý, đến với Đạo một cách dễ dàng đơn giản thì mai này mình rất dễ dàng quay lưng lại với Đạo. Tôi nói không biết bao nhiêu lần, tình cảm nam nữ y chang như vậy. Chúng ta đến với nhau nó quá dễ dàng, chúng ta cưới nhau dễ dàng như mua một cái áo thì mai này chúng ta dễ dàng xa nhau, mất nhau, bỏ nhau, phụ nhau, lừa dối nhau vì lý do chúng ta chưa kịp hiểu nhau, chưa kịp biết gì về nhau hết. Ngay ngoài đời nó còn như vậy thì nói gì chuyện tu hành, nói gì chuyện đến với Đạo.
Cho nên bài Kinh này là bài Kinh chạm vào tử huyệt của người tu hành chớ không phải đọc cho vui. Có nghĩa là một người tu, dầu là người xuất gia hay một cư sĩ khi mà không có được niềm tin, không có được kiến thức đúng mức thì rất dễ dàng rơi vào tình trạng báng bổ, xúc phạm những bậc chân tu khả kính thầy hoặc bạn của mình. Khi đã có lòng bất mãn như vậy thì chuyện gì mình cũng làm được hết.
Như vậy mình thấy có 5 điều nguy hiểm, có 5 quả xấu của người như vậy dễ dàng phạm trọng giới, tự chặt đứt con đường hướng thượng, Chú giải nói là ‘con đường giải thoát’. Thứ hai là phạm cái tội làm mình đủ một đời bị đốt nóng. Trong bản Hán Tạng ngài Minh Châu dịch là ‘tội nhiễm’ (bản Hán Tạng là kilesa saṃkiliṭṭha). Nghĩa là phạm những tội còn lại, những cái Giới làm cho đương sự bị đốt nóng.
3. Nguy hiểm thứ ba.
Điều thứ ba là khi mình không có Giới, không có niềm tin thì mình rất dễ bị trọng bịnh. Trong room không tin chuyện đó nhưng mà tôi tin. Rất dễ bị trọng bịnh! Bởi vì đời sống tâm linh, tâm lý không ổn định rất dễ dẫn đến trọng bịnh. Các vị cũng đồng ý với tôi là qua một thời gian dài bà con sống trong âu lo, sợ hãi, hờn giận, ghen tuông thì các vị thấy vấn đề tiêu hóa, bài tiết, tim mạch, thần kinh, huyết áp của các vị dứt khoát là sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cái đó tôi hứa, tôi bảo đảm, nghe! Tôi không phải bác sĩ nhưng trong room này nhiều người có thẩm quyền để xác nhận chuyện đó. Tức là sau một thời gian dài các vị sống bi quan, tiêu cực, bịnh hoạn, sống thiếu năng động, thiếu tích cực, sống bị vây bủa, bị đè nén, bị nặng lòng với bao nhiêu cái tâm cảm tiêu cực kiểu như ghen tuông, sợ hãi, căm thù, tức tối, nghi ngờ, thì sau một thời gian dài như vậy thì dễ dàng suy nhược thần kinh, ảnh hưởng tim mạch, rồi ung bướu bao tử. Chuyện đó đừng lấy gì làm lạ hết! Cho nên người sống thiếu thiện tâm dễ bị trọng bịnh.
4. Nguy hiểm thứ tư.
Nếu có một đời sống tinh thần trục trặc, lấn cấn, lợn cợn như vậy thì vào giờ phút lâm chung, hấp hối cận tử rất dễ bị rơi vào tình trạng hoảng loạn, tiếng pali là (sammuyhamarana). Trong khi một người sống lành thì họ đi nhẹ, đi êm lắm. Kể cả họ bị trọng bịnh thì họ cũng đi êm lắm. Chính cái phước nó dàn xếp. Mình thấy họ trương sình bụng to, hôi hám vậy đó nhưng bản thân họ sẽ ra đi rất nhẹ rất êm, rất ngọt, mát lạnh. Họ có thể mỉm cười, trong khi người khác nhìn họ thấy ớn nghĩ người này chắc đau đớn lắm. Nhưng mà nhờ cái phước nó gia trì nên trong phút cận tử người này sẽ ra đi họ không cần nhiều. Họ chỉ cần một phút đồng hồ thôi, quí vị. Mà cái đó thì phước báo quí vị dư sức làm. Dư sức làm. Một phút thôi. Một phút nó làm cho các vị có được một phút êm ái, mát lạnh, gọi là leo lét, leo lét ... Lấy một hơi thở vô rồi thì khì ra là đi luôn. Mát lạnh! Không phái trải qua những giây phút hoang tưởng, thấy bậy bạ, tay chân co quắp, lạnh ngắt, đau chỗ này nhức chỗ kia, nhói chỗ nọ. Không có. Phước báo nó gia trì mình như vậy. Mấy chục năm tu hành mà chỉ đổi một phút đó thôi. Còn nếu quí vị không có được một nội tâm thanh tịnh thì có được một phút đó không phải là chuyện dễ.
5. Nguy hiểm thứ năm.
Cuối cùng một người mà ngay trong lúc bình sinh sống bằng tâm bất thiện, lại ra đi bằng tâm cảm tâm thái không lành thì chuyện sa đọa là chuyện đương nhiên.
Cho nên nhớ bài Kinh này là nói cho mình, chớ không phải nói chuyện của ai khác đâu. Đừng thấy là ‘các tỳ kheo’ mà nghĩ không mắc mớ gì tới mình là không được. Nhớ nhe!
Trích bài giảng Kinh Mắng Nhiếc
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english