Lạy

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Lạy

Trên đời này chúng ta có thể cúi đầu quỳ lạy rất nhiều đối tượng: ông Tà, ông Táo, rồi thần này thánh kia, miếu này đền nọ, bất cứ một đối tượng nào trong tưởng tượng hay thực tế ngoài đời. Nhưng thánh nhân sở dĩ đáng được xem là đối tượng lễ bái vì không có sự lễ bái nào đem lại công đức lớn hơn sự lễ bái đối với thánh nhân. Dầu không có người trước mặt, mà chỉ nghĩ tưởng thôi, chắp tay lại rồi nghĩ tưởng rằng: "Con xin lạy tất cả những cha nào không còn phiền não. Chuyện đó rất khó thực hiện mà các Ngài đã làm được, con xin lạy các Ngài." Chỉ nghĩ như vậy rồi lạy bừa ra ngoài rừng ngoài bụi thì công đức vẫn vô lượng. Nói chi là có một đối tượng cụ thể điển hình ngay trước mắt.

Cứ mỗi sáng chỉ làm một việc đó thôi, chắp tay lại và khấn: “Con xin cúi đầu trước tất cả những người đang tu tập cái hạnh kham nhẫn. Con xin cúi lạy trước tất cả những người đang tu hành từ tâm, chánh niệm, thiền định, buông bỏ. Con xin cúi lạy tất cả những nhân vật nào mà đối trước sáu trần lòng không tham sân. Con xin lạy hết các cha, không sót cha nào hết." Thì đó đã là công đức rồi. Còn hơn là dựng lên một cái tượng sơn son thếp vàng, kêu réo một cái tên xa lạ nào đó và quỳ lạy xin được ban phước tha tội mà không hề có được một nhận thức như tôi vừa nói. Thì cái lạy ấy là cái lạy của trẻ con, của người tâm thần, của người bị ngây dại, của người lú lẫn, cái lạy không có ý nghĩa.

Trong khi đó, một người tu tập, học Phật, hiểu Phật và tin Phật thì không cần tượng gì hết, chỉ cần quỳ lạy khơi khơi là được. Cái vấn đề là cái đầu mình suy nghĩ: "Con biết trên đời này tất thảy phàm phu đều có thích có ghét. Nhưng con biết dưới gầm trời này có những người không còn thích không còn ghét, luôn luôn sống trong từ bi và trí tuệ, trước muôn loài vạn vật không tham đắm, không ghét bỏ cái gì. Con xin cúi lạy dưới chân mấy người đó."

Đấy. Cái đó là công đức vô lượng. Chứ đằng này cứ chổng mông gục mặt cúi đầu đi lạy những thần tượng mà chớ hề có một khái niệm trí tuệ nào trong đầu hết thì cái đó lại là gieo mầm cuồng tín cho kiếp sau. Tôi nói cho các vị nghe các vị mới teo: Nếu hôm nay mình là Phật tử mà coi như mình cứ quỳ lạy sì sụp mà trong đầu không có nổi một tí ti kiến thức giáo lý thì các vị tưởng như vậy là ngon lành; nhưng tôi xin báo một tin buồn. Hôm nay mình đến với Đạo mà chẳng hiểu gì về Phật Pháp, thấy người ta sao mình vậy, thì chuyện mai này sanh ra các vị làm tín đồ của cái đạo tào lao là chuyện cực kỳ dễ dàng. Chớ đừng nói với tôi "Tôi là Phật tử Phật tôn", không có đâu! Hễ mình theo Phật cái kiểu nông cạn, cái kiểu dễ dàng, dễ dãi thì đời sau kiếp khác sanh ra gặp cái đạo tào lao cà chớn thì mình theo nó rất là dễ. Bởi vì ngay lúc mình gặp Phật là mình đã không chịu tìm hiểu mà mình vẫn cắm đầu mình theo. Theo cái kiểu năm ăn năm thua thì mai này sanh ra mình gặp mấy cái đạo tào lao cà chớn mình theo rất là dễ. Buồn buồn nó kêu om bom tự sát là mình ôm. Nó kêu mình cắt cổ gà giết heo giết bò gì đó để cúng bái là mình làm luôn. Là bởi vì mình không có một cái chủ kiến, không có một bản lĩnh nhận thức. Cho nên đừng tưởng có Pháp danh, có tượng Phật đeo trên cổ, rồi có một ông sư phụ thỉnh thoảng chạy lên chạy xuống thì đó là Phật tử, thì coi như là một nhầm lẫn.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 150
Kalama xin tri ân bạn buithibuukim ghi chép


Sữa Nặn Chanh | | Sân Si

Tự Vệ | | Dao Lam Áo Lam

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com