Sống Chánh Niệm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Sống Chánh Niệm

Khi mình còn bận tâm quá nhiều về vật chất, mình sẽ không còn thời gian cho tâm linh nữa. "Bây giờ tôi muốn sống đời sống tâm linh, tôi phải làm sao?"

Đức Phật dạy như thế này: Phải học giáo lý căn bản xong rồi sống Chánh Niệm. Đức Phật không có kêu mình làm việc thứ ba. Tôi chịu trách nhiệm câu nói này. Người Phật Tử hay người Xuất Gia chỉ làm hai việc đó thôi: Học giáo lý rồi sống Chánh Niệm. Học giáo lý là như quý vị đang làm đó.

Còn sống Chánh Niệm là gì?

Là kể từ khi ra khỏi cái nhà làm cái gì biết cái đó, tôi không có kêu các vị làm gì thêm, không lần chuỗi, không trì chú, không chuông mỏ, tôi không có kêu. Các vị cứ tiếp tục sống y chang như cũ vậy nhưng mà luôn luôn trong Chánh Niệm, làm gì biết nấy. Mà nếu các vị tập trung làm như vậy trong vong một ngày các vị thấy nó kì cục lắm, nó lạ lắm. Không lẽ một ngày làm không nổi? Đâu có ai kêu mình trồng chuối, đi bằng đầu gối đâu. Chỉ kêu mình một chuyện là cứ sống như cũ thôi, cứ rửa mặt, đánh răng, quét nhà, hút bụi, cứ y như cũ không thêm bớt gì hết nhưng một điều là làm gì cũng có Chánh Niệm. Tin tôi đi, làm trong một ngày đi, nó lạ lùng lắm, nó rất là lạ, nó lạ là nó an lạc hơn. Mà cái này mới ghê nè, mình lấy mắt mình nhìn thì chung quanh là tường, bước ra đường chung quanh mình là nhà cửa xe cộ và mình cứ tưởng đó là thế giới. Sai! Cái đó là thế giới của người không có Đạo họ hiểu như vậy đó. Có nghĩa là quý vị không học giáo lý, không nghe tôi giảng, quý vị nghĩ tôi ở trong một căn nhà, trên là trần, dưới là nền, chung quanh là vách, bên trái tôi là bàn Phật, lò sưởi, bên phải tôi là cây thông. Đó là người không biết Đạo, họ hiểu như vậy. Cái ghê là người biết giáo lý và còn sống Chánh Niệm thì lúc này những cái đó nó không có tồn tại nữa. Mà nó chỉ tồn tại có sáu thứ thôi: tôi đang thấy, tôi đang nghe, tôi đang ngửi, v.v... chứ không còn là tường, vách, trần, nền nữa. Cái cảm giác rất là lạ.

Trong Tứ Niệm Xứ, bốn cái: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Tôi nói thiệt là chậm "Muốn thành thánh nhân phải sống với Chánh Niệm. Muốn thoát cái khổ trước mắt phải sống với Chánh Niệm. Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, không bị sa đọa nữa phải sống với Chánh Niệm. Và khi thành A La Hán rồi, thành Phật rồi cũng phải sống với Chánh Niệm." Điều đó cho thấy Chánh Niệm rất là quan trọng.

Nhưng mà tại sao có bốn cái Thân, Thọ, Tâm, Pháp? Là bởi vì mỗi người có ba thứ hành trang không giống nhau. Ba thứ đó là gì? Tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Bba cái này không giống nhau. Chính vì ba cái này không giống nhau cho nên cách làm việc của mỗi người với sáu căn nó không giống nhau. Ai cũng cần phải ăn cơm nhưng do điều kiện hoàn cảnh khác nhau nên mâm cơm của chúng ta không giống nhau. Ở đây cũng vậy, ai cũng phải sống Chánh Niệm, ai cũng phải kiểm soát được sáu căn nhưng vì cái khuynh hướng tâm lý, tiền nghiệp, môi trường hiện tại, trình độ kiến thức của mình không giống nhau. Đức Phật xét thấy chính vì chúng sanh quá nhiều khác biệt cho nên Ngài mới đưa ra bốn cái phương pháp này. Mà không phải mình Ngài, tất cả Chư Phật ba đời mười phương đều có bốn cái pháp này giống nhau, không thêm một mà cũng không giảm một. Chỉ đúng bốn cái thôi: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

Thân, Thọ là sao? Mọi cử động của thân xác đều được ghi nhận. Mọi cử động ở đây gồm có đi, đứng, nằm, ngồi, hít thở, co duỗi, nhúc nhích, xê dịch, kể cả những động tác vô danh thì đều được mình ghi nhận hết. Ghi nhận bằng cách nào? Là làm cái gì biết cái nấy. Gãi biết gãi, đưa tay lên biết rõ, để tay xuống biết rõ, gọi là Chánh Niệm. Chánh Niệm trong Thân quán Niệm Xứ. Mà khi mình ngồi yên không có gì để làm thì sao ta? Trở về hơi thở! Ví dụ, tôi đang ngồi vầy, tôi muốn đi toilet, OK tôi đi, tôi đi tôi biết mình đang đi.

Nhưng mà tôi phải nói rõ cái này, có một hiểu lầm rất là lớn. Có nhiều người họ lăng xăng quá, Thiền Sư mới nói thế này "Chậm lại mới sống Chánh Niệm được!" Vô tình cái câu đó bị nguyên một cái đám "quân Nguyên" kia nó hiểu lầm. Nó tưởng Tứ Niệm Xứ là phải chậm lại hết. Thật ra cái câu đó nó chỉ có giá trị cho cái bà áo đỏ đó thôi vì bả quá lăng xăng đi. Ông Thiền Sư chỉ nói cho cô đó thôi "Chậm lại! Chứ cô như vậy làm sao cô Chánh Niệm được!" Nhưng mà cái câu đó bị nguyên một đám "quân Nguyên Thành Cát Tư Hãn" đó nó khoái quá thế là nó tu "rờ". Tôi qua mấy cái thiền viện mà tôi thấy họ ăn tôi nhức đầu luôn. Nó giống như bệnh mà mới mổ xong vậy đó. Giống như phim quay chậm vậy. Hả cái họng ra, bắt đầu nó đưa thức ăn vô, ngậm lại, rồi bắt đầu nó nhai, nó nhai như cái máy cưa bị hư vậy, nó xàng qua xàng lại, giống cái cua-rơ nó bị hư, mà yếu điện, điện 220V mà nó xài còn 110V, nó ăn tới Tết chưa xong chén cơm nữa. Cái đó là "thiền bệnh". Bệnh của người hành thiền mà hiểu sai. Cái câu đó nói cho cái bà áo đỏ, trong khi quý vị rất bình thường thì quý vị cứ sinh hoạt bình thường. Và tôi xin thề chưa hề có bài kinh nào Đức Phật kêu mình chậm hết, chậm hơn mức bình thường. Không có! Ngài chỉ kêu mình hạn chế những động tác, những công việc không cần thiết. Có! Trong kinh có nói cái đó. Tức là hạn chế lăng xăng, kiếm chuyện để làm. Thứ hai, Ngài kêu mình sống Chánh Niệm chứ Ngài không có kêu mình hạn chế tốc độ sinh hoạt. Chưa bao giờ!

Có câu chuyện vui mà tôi kể hoài là: Có bà đó bả đang đi kinh hành với một đám, tự nhiên bả đi thụt lùi lại, bả gài số de, bả de giống như người ta de xe vậy. Mấy hành giả khác họ mới hỏi "Sao kỳ vậy?" Bả nói: "Vì Thiền Sư nói mình đang đi kinh hành mà phát hiện mình thất niệm, mình quên niệm, thì mình phải bắt đầu lại từ đầu". Qúy vị hiểu chữ "bắt đầu lại từ đầu" không? "Khi phát hiện ra mình thất niệm thì làm lại từ đầu" Có nghĩa là sao? Là mình tiếp tục niệm coi như hồi nãy giờ không có gì hết. Bả lại hiểu cái chữ "làm lại từ đầu" là bả phải lùi lại cái chỗ hồi nãy, cái chỗ bả bị thất niệm, hên là bả de không trúng ai. Có người hiểu như vậy đó quý vị.

Trích bài giảng Sống Chánh Niệm (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Bủn xỉn và Tật đố | | Kiếm Chuyện

Trí tuệ và Đại bi | | Tu Lầm

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com