Tu Lầm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tu Lầm

Tuệ mà tới nơi tới chốn là phải thành tựu được 3 cái trí:

  1. nātapariñña - Sơ chứng. Là nhận diện biết rõ cái nào là Danh, cái nào là Sắc. Danh là do các duyên mà có, sắc là do các duyên mà có. Sau khi có rồi thì nó sẽ mất. Biết rõ không có người, thú, Chư Thiên, phàm, thánh gì hết. Chỉ là Danh và Sắc. Danh không phải là Sắc mà Sắc không phải là Danh, mọi thứ nó đều do duyên tạo ra.

  2. tiranapariñña. Là thấy rằng Tam Tướng chính là Danh Sắc và Danh Sắc chính là Tam Tướng. Mới tu buổi đầu lơ mơ lớ mớ ba mớ thì thấy tâm này là vô thường, thân này là vô thường, thân này luôn luôn biến đổi. Nhưng mà sẽ có một lúc hành giả không phải thấy bằng sách vở mà thấy bằng sự thấm thía, thấy rằng Tam Tướng chính là 5 uẩn và 5 uẩn chính là Tam Tướng. Không bao giờ có Tam Tướng mà lại không có 5 uẩn, và cũng không bao giờ có chuyện có 5 uẩn mà lại không có Tam Tướng. Thấy được như vậy được gọi là tiranapariñña.

  3. pahānapariñña. Nghĩa là sau khi có được 2 trí đầu thì hai cái này cộng lại nếu nó đủ lực thì sẽ giúp cho ta bước vào cái tầng thánh thứ nhất.

Tầng thánh một là đoạn trừ thân kiến và hoài nghi. Còn giới cấm thủ không cần kể bởi vì giới cấm thủ là chấp sai cái đường lối tu hành ngoài Bát Chánh Đạo. Cái sai này nó có do cái thân kiến, hoài nghi. Do vậy trong kinh có chỗ chỉ kể có 2 thôi. Vị Tu-đà-hườn là diệt trừ được thân kiến và hoài nghi. Nếu mà Ba-la-mật ngon lành thì đi luôn cái thứ hai đó là giảm nhẹ dục ái và sân. Tầng thứ ba là dứt hẳn dục ái và sân. Tầng thứ tư là dứt hẳn tất cả phiền não còn lại.

Tôi nói mà tôi không biết quý vị hiểu ra sao, nhưng đã nói thì tôi phải nói thôi. Chứ còn tôi không tin là trong room này có người hiểu nỗi. Bởi vì quý vị không phải là hành giả hoặc không có học A tỳ đàm mà nghe cái này thì chỉ có điếc con ráy thôi. Mà tôi đã cố gắng lắm rồi, tức là tôi đem những cái đề tài nó khô queo thế này ra tôi giảng bằng cách nói quần chúng nhất, đời thường nhất mà không hiểu thì thôi coi như hẹn kiếp lai sinh nha.

Cho nên cái thấy của tuệ là 5 uẩn vô thường, thấy các thứ do duyên mà có, có rồi phải mất. Còn mình thì nhiều lắm chỉ có thấy trên lý thuyết chứ không tài nào mà mình có được bằng cái trí thực chứng. Là sao? Bởi vì khi mình thấy bằng cái trí thực chứng thì những cái được gọi là nam, nữ, đực, cái, trống, mái, đẹp, xấu, sang, hèn, ngu, trí, thánh, phàm... tất thảy là sự cộng ghép của 5 uẩn. Mọi thứ do duyên mà có và có rồi phải mất. Và cái thấy đó nó đủ cho mình không còn phiền não nữa thì cái thấy đó mới là đáng kể. Còn cái thấy của mình kiểu mình học cho vui, cái thấy này chỉ cần nay mai ai đó mà gõ vô trong cái đầu 1 cái boong là coi như xong, vứt đi luôn. Hoặc bây giờ các vị uống vô cho tôi 1 mớ chất kích thích, rượu, bia gì đó là cái mớ kiến thức này cũng bay mất. Hoặc khi các vị tắt thở đi qua cảnh giới khác thì cũng bay mất.

Riêng các vị thánh thì không, một khi đã hiểu rồi thì ... sông có thể cạn, suốt có thể mòn nhưng nhận thức ấy không bao giờ thay đổi. Vị ấy chỉ có phát triển từ tầng thánh thấp lên tầng thánh cao chứ không có cái chuyện thay đổi. Đó là điểm đặc biệt thứ nhất.

Điểm đặc biệt thứ hai đó là cái thấy bằng sự thực chứng thánh trí thì cái thấy đó mới đủ cắt đứt phiền não. Còn cái thấy của mình chưa có đủ. Ở đây mình học cho đã vậy chứ bây giờ tôi hỏi các vị: Các vị có sợ chết hay không? Các vị có sợ chồng mình, vợ mình cắm sừng mình không? Các vị có sợ con mình hư không? Các vị có sợ cháy nhà hay phá sản hay không? Nếu mà các vị nói còn sợ có nghĩa rằng cái hiểu của các vị chưa có tới. Một vị Sơ Quả nghĩa là họ còn tâm sân nhưng mà mấy cái sợ đó họ không còn nữa. Ví dụ như sợ tai nạn, sợ chết ... thì vị thánh Tu-Đà-Hườn họ không có. Họ vẫn còn phiền não, vẫn còn thích cái này và bất mãn cái kia nhưng cái phiền não của họ chỉ có đủ để họ bị xao động trong 3 nốt nhạc thôi chứ họ không thể nào v ì những cái nỗi sợ hoặc các niềm thích thú đam mê nào đó để họ làm các nghiệp thiện ác. Nhớ nha.

Tức là cũng là 3 trí tuệ học này nhưng mà bậc thánh thì cái thấy của người ta nó là cái thấy xác chứng, cái thấy ấy đủ để cho người ta không tiếp tục phiền não nữa.

Tôi đã ví dụ không biết bao nhiêu lần cái vụ này đó là: Các vị nghe ai đó nói lại là ông Sư Giác Nguyên - Toại Khanh nói xấu quý vị. Quý vị giận ghê lắm. Sau đó các vị về có nghe người khác nói chuyện lại bảo là:

- Không, bữa đó có tui ở đó mà, tui đâu có nghe ổng nói cái gì đâu.

Nghe vậy mình cũng có vơi vơi chút đỉnh nhưng mà cũng chưa. Tối mình về nghe má ruột của mình - cái người mà đẻ ra mình bả nói:

- Con tin má nè, má có ngồi ở đó mà. Ổng không có nói cái gì con hết, con nhỏ kia nó hiểu lầm đó.

Nhưng mà mình cũng chưa có phê lắm. Tới cái lúc mà có ai đó đưa cho mình cái video, mình nghe từ đầu tới đuôi. Mình nói: À, thì ra cái bà kia bả nhiều chuyện chứ không phải.

Đến khi mà coi cái clip đó rồi các vị mới không còn giận tôi nữa; hiểu không? Chứ mà bây giờ một người dưng mà nói các vị thì các vị cũng không hết giận, má ruột của mình nói mình cũng không hết giận, đến khi mình coi cái clip video đó thì mình mới hết giận.

Ở đây cũng vậy. Mình chưa là thánh thì dầu mình có trí tuệ, có chánh niệm, có thiền định, có kiến thức giáo lý trùng trùng nhưng mà cái lòng tham sống sợ chết, bỏn xẻn ganh tỵ vẫn còn nguyên. Nhưng mà cái người mà chấm dứt thân kiến như là Tu-đà-hườn, người ta mang tiếng là còn tâm sân nhưng thực ra Tu-đà-hườn không còn ganh tỵ và bỏn xẻn nữa. Nhớ cái đó nha.

Có nhiều vị học A tỳ đàm mà chấp sẽ nói: Không, tui không chịu. Tới A-na-hàm mới hết dục ái và sân, Tư-đà-hàm (nhị quả) là giảm nhẹ, còn Tu-đà-hườn là chỉ có thân kiến và hoài nghi thôi. Cái này là sai bét. Thật ra Tu-đà-hườn không còn thân kiến, không còn nhìn cái thân này là tôi, là của tôi nữa. Cho nên họ có phiền hay bực cái gì thì chỉ 3 giây đồng hồ thôi là hết. Bởi vì họ thấy cái 4 đế chưa có rốt ráo.

Cho nên tôi có nói: "Ta tự nhủ lòng: Mình tu chừng ấy, hành thiền chừng ấy, bố thí chừng ấy, giữ giới chừng ấy, liệu nó có đủ khiến cho ta tốt hơn hay không. Chứ còn sân si thì vẫn còn nguyên."

Mới đây thôi, mới còn nóng hổi đây nè. Cách đây mới có 2 hôm tôi gặp một người tôi quen mới đi hành thiền 3 tuần ở bên Thái về. Lạ lùng lắm. Nó đang dễ thương vậy mà đi hành thiền về nó ngã mạn, nó sân si, nó nhỏ mọn, nó thấy ghét vô cùng. Lạ lùng như vậy. Cho nên phải cẩn thận. Mình bố thí cho nhiều lòng càng kiêu ngạo, càng tham. Rồi thiền cho nhiều để coi thiền nó có giúp cho mình tốt hơn không hay là thiền cho đã về rồi sinh kiêu mạn, sân si, tị hiềm, khinh bỉ người khác. Rồi coi cái đứa không tu là súc vật. Là không có được. Tu như vậy là tu lầm rồi. Cái đó tôi thấy có. Tu mà thấy ghét. Tu ba mớ, giữ giới ba mớ, hành thiền ba mớ rồi coi người ta như con thú thì cái đó không có được.

Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 137
Kalama xin tri ân bạn phamquynhnhu1989 ghi chép


Suy Tư Mùa Đại Dịch | | Trợ Sinh Và Trợ Lực

Sống Chánh Niệm | | Con Đường Thoát Khổ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com