Độc hành

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Độc hành

Thời Đức Phật có một vị tì kheo từng có suy nghĩ rằng: "Đức Thế Tôn và các Thánh tăng thường xuyên tán thán người sống một mình, thế thì để cho việc tu học của mình có hiệu quả hơn, được thành tựu hơn thì mình hãy sống một mình. Mà sống một mình là sao?" Thế là vị này đang sống với tăng thân thì tự tách riêng ra sống một mình. Y bát buổi sáng thường là một đoàn 50-70 ông sư đi, còn mình thì mình tách riêng ra để đi riêng một con đường làng. Trưa về, anh em tăng thân tụ họp nhau ở một góc đường nào đó ăn cơm chung với nhau thì ổng không thèm ăn chung, ổng ôm bình bát ra ngồi gốc cây ăn một mình. Rồi kinh hành ban đêm cũng đi một mình, ngồi thiền một mình, y bát một mình, sống một mình, không nói chuyện với ai hết, cái gì cũng một mình.

Rồi mấy tăng ni khác mới hỏi: "Chúng tôi làm gì mà sư buồn, sao sư có vẻ tránh tụi tôi, anh em có gì nói với nhau chứ đừng làm vậy kì. Sư không giải thích làm chúng tôi cũng áy náy." Vị này mới giải thích: "Anh em hiểu lầm tôi thôi chứ tôi đâu dám có ý gì với chư tăng đâu. Anh em cũng biết Đức Thế Tôn tán thán lối sống một mình, cho nên tôi quyết định sống một mình. Người ta tu thì đắc cái này cái kia, còn mình không đắc được thì cái nào mình làm được thì mình làm. Người ta tâm thanh tịnh, mình thì thanh tịnh không được cho nên mình ăn một mình, ở một mình, đi một mình, ngủ một mình".

Câu chuyện đó mới đến tai Đức Phật, Đức Phật mới nói thế này: "Này vị tì kheo, không phải cứ đi một mình, ăn một mình, ở một mình mà gọi là sống độc cư theo lời dạy của Như Lai đâu. Bởi vì độc cư hay viễn ly có tới 4 hình thức.

Trường hợp 1: thân viễn ly, tâm không viễn ly.

Trường hợp 2: tâm viễn ly, thân không viễn ly.

Trường hợp 3: thân tâm đều viễn ly.

Trường hợp 4: thân tâm đều không viễn ly.

Viễn là xa, ly là rời, tức là rời xa đại chúng, đám đông. Có người thân ở đám đông mà lòng thế tại cao nhân. Có người sống một mình thôi mà lòng ở phố xá chợ búa, um sùm một mình, dù một mình nhưng vẫn có cái um sùm của riêng mình. Có người sống ở rừng sâu núi thẳm một mình, nhưng tâm cũng là một cảnh giới rừng sâu núi thẳm rất riêng tư, an tĩnh.

Hạng thứ 4 là hạng mà thấy ở 95% dân số thế giới. Tức là thân tâm đều không viễn ly. Có nghĩa là mình tìm mọi cách để mình sáp vô, gắn liền với cộng đồng, hội đoàn mới chịu nổi. Còn sống một mình chịu không nổi. Mưa gió một mình cũng buồn, trời lạnh, trời nóng một mình cũng buồn, đi chợ một mình cũng buồn, ăn một mình cũng buồn, làm biếng nấu cơm làm biếng rửa chén làm biếng giặt giũ. Đi đâu đó một mình buồn chịu không nổi, mà nội tâm luôn luôn hướng về đại chúng, trường hợp này gọi là thân tâm đều không viễn ly.

Đức Phật đã dạy rằng việc ý nghĩa của việc sống độc cư, sống một mình không có nghĩa là trên hình thức mà thôi. Vấn đề là chúng ta dàn xếp được nội tâm của chúng ta. Vì nếu nói sống một mình nghĩa là chúng ta không góp mặt với ai, chỉ đơn giản như vậy thôi thì chúng ta cũng thấy rằng nếp sống đó đâu phải là nếp sống giải thoát. Bởi trên đời này thiếu gì người có nếp sống một mình.

Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài báo về những nếp sống cô đơn nhất hành tinh. Tôi mới thấy lạ là làm sao trên đời này có những nếp sống cô đơn mà được báo chí biết mà nhắc. Thì ra quý vị có biết trong thế giới ồn ào của chúng ta, ngay bây giờ, ngay lúc tôi đang nói chuyện với các vị đây thì ở một góc trời nào đó, vẫn có những người sống rất đơn độc, lẻ loi. Đó là: lính kiểm lâm, lính gác hải đăng ở ngoài biển. Đó là những người cả đời không gặp ai cả. Bài báo kể có một ông già suốt 40 năm trời đứng gác ngoài biển mà không gặp ai hết, chỉ gặp người tiếp tế lương thực, báo chí, thuốc men cho ổng mỗi tháng một lần mà thôi. Ổng đã sống 40 năm trong một hoang đảo ở ngoài biển như vậy. Rồi có nhiều người lính kiểm lâm, sống để canh giữ một khu rừng nào đó, họ có thể sống mấy chục năm trời mà không vợ không con mà chỉ có một con chó Berger mà thôi. Hôm nay chúng ta đi về những vùng Đông Âu, những vùng núi rừng Đông Âu, những vùng như Ba Lan, núi non có những bầy cừu, bầy bò thì cũng chỉ được chăn dắt bởi một, hai người chăn mà thôi, không có nhiều. Trong trường hợp đó thì chữ 'độc hành' trong đạo Phật không có nghĩa đơn giản chỉ là độc hành lẻ loi trong hình thức như vậy.

Độc hành ở đây mang một ý nghĩa rất quan trọng.

Chúng ta biết có một khái niệm phổ thông rất phổ biến, rất rất quan trọng mà tôi cũng đã nói rất nhiều lần, mà sáng nay tôi cũng muốn nhắc lại ý nghĩa đó, định nghĩa đó trong bài kệ này, nhằm để nhấn mạnh chữ ekacara (độc hành). Nghĩa là sao? Chúng ta biết rằng dù là đời sống của một vị giáo hoàng, hay là đời sống của một vị tổng thống hay đời sống của anh homeless không nhà ở Hoa Kì, hay đời sống của một vị tu sĩ đi nữa, thì nói một cách chuyên môn theo tinh thần A-tỳ-đàm, theo tinh thần của Phật giáo Nam tông thì cho dù là đời sống của ai đi nữa thì cũng chỉ là sự tồn tại của 6 căn mà thôi.

Trên đời này có nước mắt, nụ cười, niềm vui, đau khổ, bông hoa, gai góc, vị đắng và mật ngọt. Tất cả cái đó nó có từ đâu? Nó có từ chỗ chúng ta xử lý như thế nào đó, dùng thế nào đó cái 6 căn của mình đối với 6 trần. Tại sao chúng ta buồn, tại sao chúng ta vui, tại sao chúng ta thương nhớ, tại sao chúng ta tiếc nuối? Bởi vì chúng ta không dùng 6 căn đúng như chức năng cần thiết của nó. Chúng ta ở đây ai làm nội trợ thì biết rồi. Con dao có thể dùng làm rất nhiều việc, chúng ta có thể thái rau, cắt bầu, cắt mướp, con dao có thể làm cho mình đứt tay, rọc một phong bì, mở một tờ bill, dùng để tự sát, giết người, cứu người. Thì lục căn cũng như vậy: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy. Cuộc đời thì cũng có chỉ chừng đó thôi. Lúc thì ta gọi là nước mắt, lúc thì ta gọi đó là chanh muối, cũng vị mặn đó mà do mình nghĩ khác thôi. Có lúc mình cần trời mát mà thấy trời không nắng không mưa, hiu hiu gió gió cho vừa nhớ thương, mình cần bầu trời như vậy thì thấy bầu trời nó đẹp. Có lúc mình thấy trời ui ui thì mình buồn, thì đó là thái độ cuộc đời của ta đối với 6 trần mà thôi.

Trong bản chất đời sống của ta, ta vốn dĩ đã là những người cô đơn từ lúc lọt lòng mẹ rồi. Cô đơn là sao? Nghĩa là cho dù mẹ có cho chúng ta bú mớm, nuôi dưỡng chúng ta, rồi lớn lên chúng ta có chồng có con cái nhưng niềm cô đơn căn bản của chúng ta vẩn có đó. Tức là không ai hiểu chúng ta bằng chính chúng ta cả. Và thế là để giải quyết nhu cầu cô đơn đó, mỗi người tìm đến cho mình một cảnh giới khác nhau. Chính vì sự tìm đến đó, chữ tìm đến phải được gạch dưới bằng mực đỏ, ta gọi bằng một thuật ngữ chuyên môn là: ekacara.

Có người họ đến với hội họa, có người họ đến với những 'cuộc vui tráng tác, trận cười thâu đêm'. Rồi có người họ chạy trốn sự cô đơn bằng cách họ đi câu cá, đánh golf, đàn đúm bạn bè để đánh bài, hoặc đi du lịch chỗ này chỗ kia..v.v... Mà chúng ta khổ, chúng ta buồn, chúng ta tiếc nuối, khổ lụy, bởi vì chúng ta luôn luôn đem lục căn của mình đem bán cho lục trần một cách rẻ tiền. Đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Cuộc hôn nhân ở đây chúng tôi muốn nói đến ở nghĩa rộng, là sự lắp ráp.

Chữ ekacara ở đây mở ra cho chúng ta một ý nghĩa khác, một ý nghĩa bè bạn. Chữ bè bạn trong đạo Phật có nghĩa rộng lắm. Nó có nghĩa là người đi bên cạnh mình cũng được gọi là bạn, một người nào đó, một con chó berger ở trên thảo nguyên mênh mông của một người chăn bò cũng là bạn. Hoặc một niềm vui, một trò tiêu khiển, giải trí nào đó cũng có thể là bạn của mình, tùy theo khuynh hướng tâm lý, tùy theo trình độ văn hóa, tùy theo trình độ tư tưởng, tùy theo tâm cảnh tam giới của mỗi người mà chúng ta có cách chọn bạn khác nhau. Chữ 'bạn' ở trong đạo Phật có nhiều nghĩa lắm: một con người cũng có thể là bạn của mình, một cảnh giới nội tâm nào đó cũng có thể là bạn của mình. Chẳng hạn trong tiếng Pali có chữ taṇhādutiyatā, có nghĩa là người nào làm bạn với ái dục thì người đó mãi mãi trong vòng sinh tử. Làm bạn với ái dục là sao? Là trong đời sống của mình, mình không thể nào thiếu được, vắng được một nhu cầu nào đó của mình. Mình nghiện ngập, thèm khát một điều gì đó, mà thiếu nó thì mình sống không nổi.

Trích bài giảng Kinh Pháp Cú số 329
Kalama xin tri ân bạn phmkhoi2002 ghi chép


Ngài Sivali | | Chí Thiện

Con Đường Thoát Khổ | | Tu Học

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com