Tu Học

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tu Học

Tuệ học là mình có khả năng chánh niệm và khả năng trí tuệ.

Trí tuệ đây là VĂN -TƯ - TU.

  • “Văn” đây là những gì mình đọc, mình nghe từ người khác.

  • “Tư” là khả năng suy tư, tư duy dựa trên cái mình đã học. Và

  • “Tu” là thực tập, hành trì, đưa vào thực tiễn những cái mình đã học và đã suy tư.

Tu Tứ niệm xứ là phải có 3 thứ này. Ít nhiều, sâu cạn, rộng hẹp tùy người, nhưng phải có. Tức là phải có học giáo lý. Chớ đừng ngồi đó mà tưởng tu là giữ cái tâm thanh tịnh là được rồi không cần phải học trong khi mình mù tịt không biết cái tâm nó là cái gì. Và thế nào là thanh tịnh? Mình cũng không biết. Hỏi người học giáo lý đàng hoàng cái tâm là gì họ nói 3 tháng mới hết. Hỏi thanh tịnh là gì họ nói 3 tháng mới hết. Còn mình thì không chịu học. Nghe thì nó đơn giản thiệt. Tại vì nó hợp với tánh làm biếng của mình đó! Cứ nói "tu không cần học, giữ tâm thanh tịnh thôi, cư trần bất nhiễm..." Và cho đó là Đạo rồi!

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

Tức là sống nghèo mà hành đạo thì tùy duyên mà sống, chứ không có cưỡng lại cái vận hành của trời đất. Nghe nó cũng sang chứ. Đói ăn, mệt thì ngủ, Đạo đơn giản vậy. Trong nhà có của quý cần đi tìm đâu cho nó xa. Trước 6 trần mà lòng dửng dưng thì đó là thiền. Chẳng cần phải đi học thiền làm chi?

Nghe thì đã lắm, nhưng tôi xin hỏi từng chữ nè:

“Thả tùy duyên”. “Tùy duyên” đây là sao? – Đâu có học đâu mà biết?

Rồi “Cơ tắc xan hề khốn tắc miên”. Tức là mệt thì ngủ đói thì ăn cái đó ai hỏng biết. Nhưng ở đây ý của tác giả muốn nói cái gì? Chớ đâu phải mình hiểu cái nghĩa đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nằm ngủ, vậy thì ý vua Trần muốn nói cái gì? - Hỏng học sao mà biết?

“Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch”. Gia trung là cái gì? Hữu bảo, của báu đây là cái báu gì? Hưu tầm mịch là không cần tìm làm chi.

“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” - Cảnh đây là cảnh gì, tâm là gì, rồi vô tâm là gì?

Rồi “mạc vấn thiền” - thiền đây là thiền cái gì?

Khổ chưa, chỉ một bài kệ 4 câu tứ cú thôi, thất ngôn tứ cú mà quí vị thấy nó đuối rồi!

Cho nên tu Tứ niệm xứ chuyện đầu tiên là phải có chánh niệm và trí tuệ.

Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần. Chánh niệm nó cho mình biết cái HOW. Có nghĩa là biết cơ thể thân tâm mình nó đang như thế nào? Nó đang đi đứng, đang nằm, ngồi, tiểu tiện, nhai nuốt, co duỗi, cầm lên, để xuống...Đó là biết cái "how".

Còn biết cái WHAT là biết rõ cái gì mà nó đang diễn ra. Đang đi biết là đang đi. Bực mình nó xảy ra biết rõ “Ố ô đây là tâm sân. Ố ô đây là ganh tị. Ố ô đây là sự sợ hãi”. Biết cái đó là biết cái "what". "How" là thế nào, "what" là cái gì? Nhưng đủ chưa? – Chưa! Sẽ có một ngày khi niệm, tuệ nó đủ rồi thì tự nhiên các vị sẽ từng bước bỏ được 4 cái điên đảo kiến vì hiểu được những điều sau đây:

  1. Vạn hữu là vô thường. Vậy mà có kẻ lén lén âm thầm mong đợi một cái trường cửu. Có nghĩa là có ý kiếm tìm hoặc hy vọng cái “thường” trong cái “vô thường”. Đó là điên đảo kiến thứ nhứt. Từ bên Bắc Tông là “điên đảo mộng tưởng”, mà tu tuệ quán là “viễn ly điên đảo mộng tưởng”.

  2. Vạn hữu là bất trắc bất toàn, là đau khổ. Ấy vậy mà có kẻ dốc lòng trông mong đợi chờ đầu tư xây dựng và kiến thiết một cái lý tưởng trốn khổ tìm vui. Đây là cái điên đảo kiến thứ hai.

  3. Vạn hữu là do các duyên lắp ráp nên, không có gì tồn tại độc lập, không có một cá thể trường tồn bất biến. Cá thể là đã không có rồi, bởi tất cả đều là transitinal lắp ráp, composition, giả hợp chứ không có thật. Không có một cá thể đơn thuần, thuần túy. Như giọt nước (drop), drop là số ít. Nhưng theo trong Phật pháp không có cái nào là giọt nước. Mà nó là sự tổng hợp, sự gặp gỡ của nhiều thứ hóa chất ở trong một giọt nước, nó mới làm nên một giọt nước. Một sơi tóc,một hạt bụi li ti bay trong gió thì nó cũng không phải là một, mà nó có vô số thành tố, điều kiện nhân duyên để hạt bụi đó thành tựu. Như vậy ở đây toàn đồ ráp. Tất cả, một cá thể không có thì làm gì có một CÁI TÔI? Cái tôi là cái “một” mà đàng này không có. Thứ nhứt là mọi thứ là lắp ráp, thứ hai, mọi thứ do duyên mà có. Mà đã có rồi thì cũng do duyên mà mất đi. Như vậy trong một thế giới vô ngã mà ráng đi tìm môt cái “ tôi”, một cái “của tôi”, một cái “thuộc về tôi”, đó là điên đảo kiến thứ ba.

  4. Điên đảo kiến thứ tư, bên Bắc truyền gọi là "thường lạc ngã tịnh" và họ có nhiều cách diễn giải tôi không muốn bàn ở đây vì đó là chuyện tế nhị, nhạy cảm. Tôi chỉ muốn nói mấy bản Hán tạng dịch là “thường lạc ngã tịnh”. Nhưng chữ “tịnh” ở đây tôi đã nói một tỷ lần rồi, dịch chữ “tịnh” này là do khuynh hướng hồi xưa ở các dịch trường có những vị du học ở Ấn Độ về cực giỏi tiếng Hán. Nhưng cũng có những vị du học Ấn về cực giỏi tiếng Phạn. Rồi họ dạy cho lớp truyền thừa tại Trung Quốc, mà lớp này dĩ nhiên không giỏi bằng sư phụ. Để thúc đẩy tiến độ, tốc độ dịch Kinh cho lẹ, họ áp dụng một cách rất khoa học, nhưng hơi cứng ngắc. Đó là mỗi chữ Phạn như vậy họ chọn ra nghĩa nào mà nó phổ biến nhất, lấy cái nghĩa đó làm nghĩa qui định. Nghĩa là cứ hễ chạm tới chữ đó là cả một dịch trường, ông này dịch Pháp Hoa, ông kia dịch Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kim cang, Trung Quán, Câu Xá, Trí Độ,... và tất cả cứ thấy chữ pañña là cứ phang vô “tuệ”, cứ thấy kunna là quất “ân đức”, thấy supa thì dịch là “tịnh”. Cứ như vậy. Trong khi chữ “supa” và chữ “sopanak” đều cùng một nghĩa là “sạch, đẹp”. Trong tiếng Thái có chữ “saath” và tiếng Việt có chữ “sạch” là có cùng một gốc. Trong tiếng KhMer cũng có chữ “saạp” cũng nghĩa là “đẹp”, rất là thú vị! Thì chữ supa có hai nghĩa là “sạch”, “đẹp”. Nhưng các dịch trường thỏa thuận với nhau hễ thấy “supa” là phang tới chữ “tịnh” cho dễ nhớ. Cho nên “thường” là nicha (Pali), Sanskrit là nictia”, lạc là sukka, “ngã” là atta (Pali), một bên là “attama”, còn “tịnh” thì supa” hai bên giống nhau. Thì cứ vậy từ đó mới ra khái niệm “thường lạc ngã tịnh”.

Trích bài giảng Dọn phòng
Kalama xin tri ân bạn buithibuukim ghi chép


Tứ Niệm Xứ | | Cây Nến

Độc hành | | Tam Bảo

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com