sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Tam BảoĐức Phật dạy phải suy xét như sau về Tam Bảo mới gọi là đủ là chuẩn:
1. Phật là số 1 trong tất cả chúng sinh. Trong tất cả chúng sinh dù có đủ 5 uẩn hay 4 uẩn hay 1 uẩn, chúng sanh hữu tưởng, vô tưởng, hay là phi tưởng phi phi tưởng, có tâm hay là không tâm thì không có chúng sanh nào vĩ đại hơn Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Chánh Giác hết. Phải hiểu như vậy chứ mình không thể thờ Phật như là thờ thần.
2. Lý tưởng ly dục là cao nhất trong tất cả các giáo thuyết. Trên đời này trong tất cả giáo thuyết, trong tất cả giáo nghĩa, trong tất cả đường hướng lý luận học thuật chuyên môn, chuyên khoa, chuyên ngành; trong tất cả mọi lãnh vực tri thức, tư tưởng, tâm linh, tinh thần của chúng sinh trong ba giới bốn loài; không có cái gì mà nó hơn được lý tưởng ly dục. Vì cái lý tưởng nào cũng quẩn quanh trong tập đế - tức là nguồn gốc của đau khổ. Chỉ có lời dạy ly dục của Chư Phật mới giúp ta lìa tập đế để chấm dứt khổ. Dầu cho các vị sống quẩn quanh trong sắc, thinh, khí, vị, xúc của 5 trần dục giới; hay là quý vị chìm sâu trong thiền định sắc giới, vô sắc giới, đến cái tầng cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng, dầu cho các vị có là bác sĩ, kỹ sư, nhà ngôn ngữ học, nhà khảo cổ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hay là cái giống gì tôi không cần biết - hễ các vị không sống trong lý tưởng ly dục, không sống trong tinh thần ly dục, không có nhắm tới cứu cánh ly dục thì các vị sẽ đời đời quẩn quanh trong cái tập đế thôi. Cho nên Ngài dạy rằng: “Lời dạy tinh hoa của Chư Phật chính là nhắm đến cái lý tưởng ly dục. Tức là lìa bỏ tham ái”.
Cho nên mình niệm Phật là mình niệm Thế Tôn là nhân vật số 1 trong tất cả chúng sinh. Thứ hai mình niệm giáo pháp của Thế Tôn là số 1 trong tất cả các giáo pháp. Bởi vì cái lý tưởng cao nhất của giáo pháp chính là ly dục. Cái định nghĩa của vấn đề này nó cao lắm. Tôi nhắc lại lần nữa là ai mà chưa thấy nguy hiểm của tham ái, còn có chỗ nắm níu thì cho dù có được cái gì trong chuyện tu hành hay sự nghiệp thế gian thì vẫn còn lặn hụp trong bể khổ. Tin tôi đi đó vì là sự thật.
Ngay trong giây phút đầu tiên đắc đạo của vị Tu-Đà-Hườn chuyện đầu tiên thì vị ấy lập tức có cái câu này trong đầu liền: "yaṃ kiñci samudayadhammaṃ, sabbantaṃ nirodhadhammaṃ". Câu này có nghĩa "cái gì đã sinh ra thì phải bị mất đi". Nghĩa là ở vị Tu-Đà-Hườn cái câu đầu tiên mà nó bung ra, bật ra, nảy ra, chói loà trong lúc vị đó đắc đạo là câu này. Câu này tôi thuộc lòng. Nó là câu bùa. Bà con nên lấy câu này đem liệng lên google coi nó nói cái gì, thì mới thấy ghê.
Cho nên lý tưởng ly dục nó sâu thẳm, chẳng những sâu thẳm mà nó còn là toàn bộ tinh hoa của Phật Pháp, của Chư Phật ba đời mười phương. Tôi nhắc lại lần nữa: tại sao lý tưởng ly dục được coi là cao nhất? Là vì tất cả phàm phu đụng đâu nắm đó, sanh ra trong đống phân thì coi đống phân đó là số 1. Sanh ra trong 1 cái xác thúi thì coi cái xác thúi đó là số 1. Sanh ra trong cái ống cống thì coi cái ống cống đó là số 1. Sanh ra trong cái đống rác thì coi cái đống rác đó là số 1. Tức là đụng đâu nắm đó. Rồi sinh ra làm hoàng tử thì thấy cái hoàng tử đó là số 1. Sanh ra làm đại gia thì thấy cái đại gia đó là số 1. Thậm chí sanh ra làm bà ăn mày thì loay hoay cũng vẫn thấy cái đời sống ăn mày đó có cái gì đó để mình nắm níu. Chúng ta phải thấy cái đó. Nói chung là kẻ phàm phu sanh ra ở đời là đụng đâu nắm đó, đụng đâu nắm đó. Mình muốn giải thoát thành thánh nhân không còn sanh tử nữa thì cái chuyện đầu tiên phải nhớ 2 điều:
Vì sao ta không nên nắm níu nó? Bởi vì có tới ngàn lẻ một lý do.
Mình sanh ra trong một cái gia đình đại gia được bố để lại cho một toà lâu đài lộng lẫy bên bờ biển tuyệt đẹp. Rồi thì sao? Mình ăn học mình có bằng bác sĩ, mình có vợ, mình có con. Rồi thì sao? Mình sống cho tới 98 tuổi trong cái lâu đài đó. Rồi thì sao? Tới năm 99 thì mình cũng phải lăn ra mình chết chứ? Không lẽ bây giờ quý vị muốn sống hoài sao? Tới bao nhiêu thì đủ? Tức là ở đây tôi đưa ra cho quý vị một bối cảnh mà phải nói là tuyệt hảo đó. Tới năm 99 mà không chết thì 100, mà 100 không chết thì 101, 102, 103, rồi cũng phải chết chứ. Chưa kể cái chuyện một ông cụ tuổi 99, 100 thì các vị biết chuyện mà ổng xê dịch trong toà lâu đài đó nó khổ sở tới cỡ nào? Đối với ông cụ lúc đó là chỉ cần có người đẩy xe lăn là ổng mừng rồi, nếu ổng chưa bị lẫn. Chứ còn sở hữu cái toà lâu đài đó đối với cái người trăm tuổi nó rất là vô duyên, một cái gì đó rất là bẽ bàng, rất là mỉa mai.
3. Không một tập thể nào vĩ đại hơn Tăng chúng - ở đây gọi là Thánh Chúng - đệ tử của Phật. Vì không một đoàn thể nào cùng lúc đồng lòng nhàm chán mọi sự như Thánh Chúng của Chư Phật. Trong kinh kể nhiều lần và rất nhiều lần Ngài Anan có 500 vị đệ tử, Ngài Xá-Lợi-Phất có 500 vị đệ tử, rồi Ngài Mục Kiền Liên, Ma-ha-ca-diếp, Câu-a-chiên-diên, Ngài Câu-hy-la v.v...Mấy chục vị đại đệ tử về mỗi vị dắt theo 500 đệ tử mà cả thầy lẫn trò đều là những bậc Thánh. Trời ơi các vị biết ngồi cao chót vót chánh giữa là Đức Thế Tôn - bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác, cái gì Ngài cũng buông là khỏi nói rồi. Mà toàn bộ mấy ngàn đệ tử bên dưới đều là những cái vị mà coi như nhìn tam giới như ngôi nhà đang cháy, nhìn năm dục như là cái đống phân, cái đống rác. Tới giờ thì mấy ngàn vị vẫn đi khất thực mà khi ăn thì biết rất rõ là đang lấy cái bất tịnh này để nuôi cái bất tịnh này, chỉ chờ cho các cục bất tịnh này nó lăn đùng ra nó sình. Các vị tưởng tượng một cái hội chúng nó khủng khiếp như vậy. Một cái hội chúng mà tới giờ im lặng thì cả một cái hội chúng im lặng theo dõi thân, thọ, tâm, pháp. Một cái hội chúng mà khi cần là đứng dậy ôm bát vào làng vào phố để khất thực mà luôn luôn ý thức rất rõ là ta đang lấy cái đồ bất tịnh này để nuôi cái khối bất tịnh kia và chờ cho nó lăn đùng ra nó lạnh ngắt cứng đờ. Sống trong một cái tâm trạng như vậy đó, đặc biệt như vậy. Đó là cái hội chúng đặc biệt không có hội chúng nào mà được như cái Thánh chúng của Chư Phật. Cho nên một cái công đức nhỏ bé mà hiến cúng hướng về cái hội chúng này được xem là hướng về cái ruộng phước bất khả tư nghì, phước điền vô thượng của đời.
4. Chỉ có giới hạnh từ Sơ quả trở lên dầu chết cũng không phạm, đáng để thánh nhân tán thán. Nói gọn lại đây là các pháp Dự Lưu phần hay đặc điểm của bậc sơ quả. Đó là cái vị đã thành tựu được cái niềm tin nơi tam bảo một cách bất động bất thối không có xê dịch di chuyển nữa, không có vì một lý do nào mà rời xa tam bảo. Cái người đó khi mà họ đã thọ quy giới thì họ có thể chết dễ hơn là họ vi phạm cái giới luật mà họ đã nhận. Thí dụ như họ là cư sĩ thì đối với họ cái chết nó dễ hơn là cái chuyện mà họ phải phạm 5 giới. Nếu họ là người xuất gia thì cái chết nó còn dễ hơn là cái chuyện mà họ phải phạm giới.
Còn mình là phàm phu thì khác. Chưa cần tới tính mạng, chỉ cần một lợi ích nhỏ hoặc là một nỗi lo sợ nhỏ thôi thì cái chuyện phạm giới là cái chuyện nó rất là đơn giản đối với mình. Phàm phu thì không phạm mới là lạ. Chứ đối với Thánh nhân thì cái chết nó dễ hơn là cái chuyện vi phạm giới luật.
Trích bài giảng Kinh Tăng Chi số 116
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english