Tam Đề Nhân

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tam Đề Nhân

Nói về tên gọi thì Tam đề Nhân là "chiết bán" (chỉ kể một phần, không kể hết). Bởi vì chỉ có câu đầu tiên là liên hệ tới nhân thôi. Nhân ở đây là nhân sanh tử chứ không phải nhân trong 6 nhân (tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si).

Các pháp nhân đến tích tập,
các pháp nhân đến tịch diệt,
các pháp phi nhân đến tích tập phi nhân đến tịch diệt.
ācayagāmino dhammā
apacayagāmino dhammā
nevācayagāmināpacayagāmino dhammā.

(Còn "vô dư" là kể hết, không sót cái gì hết.)

Nhân sanh tử là sao? Đầu đề tam có cái hay là tất cả những giáo lý quan trọng, tất cả những vấn đề then chốt của cuộc tu nó đều giải quyết trong một Tam đề. Nếu không giải thích rõ thì quý vị nghe về đọc rất là ngán. Tam đề Nhân này có ba câu là:

  1. Tất cả pháp nhân dẫn sanh tử. Tức là những pháp nào đưa đến chuyện luân hồi trong đời.

  2. Tất cả pháp nhân dẫn đến Niết bàn.

  3. Tất cả pháp Phi nhân sanh tử mà cũng Phi nhân Niết bàn. Tức là nó không phải nhân dẫn đến sanh tử mà cũng không phải nhân dẫn đến Niết bàn.

Vậy mình hỏi rằng các vị tu thiền học cái này có tu thiền được không? Trả lời: Được chớ!

Thí dụ mình đang ngồi thiền, ông thầy kêu mình cứ biết tham là tham, sân là sân. Rồi mình ngồi mà mình nghĩ: mình nấu cơm cho đại chúng ăn, mình làm cái này làm cái kia ở thiền đường, cứ ngồi tính tới lui cho đã. Mình cũng thở ra thở vô nhưng mà trong đầu không biết nghĩ cái gì - tuy là những tư tưởng rất tốt - nhưng đó là Phúc hành. Tức nó là nhân dẫn đến sanh tử, mà là loại sanh tử cao cấp. Rồi tự nhiên mình ngồi mình nhớ tới thằng cha nào đó, nhớ quá. Thì biết đây là nhân sanh tử nhưng là Phi phúc hành. Rồi đến một khi nào đó mình "thấy biết là thấy, nghe biết là nghe, nếu cần suy nghĩ cũng biết đây là pháp". Thì cái thấy, cái nghe đó nó không phải là nhân sanh tử mà cũng không phải là nhân dẫn đến Niết bàn. Cho nên cái Tam đề này là đủ cho mình tu rồi.

Tôi nghĩ rằng khi mình học cái Tam đề này mình thấy Đức Phật khi Ngài nhìn cuộc đời này nó ra sao thì nhìn. Ngài nói hết tất cả các pháp Hỷ thọ (+ Lạc thọ), Khổ thọ (+ Ưu thọ) và Xả thọ rồi; không có một cái gì trong trời đất này mà tránh khỏi cái tam đề Thọ đó. Rồi bây giờ Ngài chuyển tông, Ngài nói khác. Trên đời này có ba thứ thôi, có những pháp dẫn đến Niết bàn, có những cái dẫn đến sanh tử, mà cũng có những cái nó không dẫn đến cái gì hết. Trong toàn bộ cuộc tu thì mình chính là thẩm phán cho chính mình. Lúc nào mình biết là đang đầu tư cho sanh tử, lúc nào là mình đang hướng đến giải thoát. Tức là không có một vấn đề gì mà khi mình nhìn nó mình không nghĩ ra được cách tu.

Cho nên bà Gotami đến hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn mất rồi làm sao chúng con biết đây là Pháp Phật hay đây không phải Pháp Phật?”. Ngài nói cái nào càng hành càng an lạc cho mình và cho người thì đó là Pháp Phật; Pháp mà càng hành càng thấy thích viễn ly xa quần chúng đó là Pháp Phật; càng hành càng dễ nuôi đó là Pháp Phật. Chữ ‘dễ nuôi’ đây là chỉ cho tất cả nhu cầu trong đời sống. Ở đây Ngài nói đời sống của các con, của toàn bộ hiện hữu trong vũ trụ, chỉ nằm trong ba thứ: một là con đường dẫn đến sanh tử; hai là có pháp dẫn đến Niết bàn; và những pháp còn lại nó không dẫn đến cái nào hết.

Thí dụ lễ đông quá, thấy ông đi qua bà đi lại, cái thấy ai đó liền hỏi ‘Sao, bồ khỏe hông?’. Thì biết ngay đó là nhân sanh tử. Vì đó là phiếm luận. Đức Phật nói đệ tử của ta chỉ có hai việc phải làm: một là đàm luận về Phật pháp, hai là giữ sự im lặng của bậc Thánh. Giữ im lặng bằng sự im lặng của một bậc Thánh - đó mới là im lặng. Nên hội chúng của Phật dầu là không nói, thì cái sự im lặng của các vị cũng đủ để cho nhân thiên quỳ dưới chân. Mà khi các vị nói cũng đáng cho nhân thiên quỳ dưới chân.

Cho nên toàn bộ đời sống, chuyện của mình hay chuyện của người, mình muốn giải quyết đời sống của mình thì khi nhìn thấy những chuyện không cần thiết thì mình phải biết đó là nhân sanh tử. Các vị mới học nghe tôi nhắc vậy sẽ thấy kỳ kỳ: Bộ gặp gì cũng suy nghĩ vậy hay sao? Không phải. Lâu ngày nó thấm, nó quen thôi. Thí dụ mình thấy người ta vào chùa người ta ồn quá mình tự nói "tu vậy chưa giải thoát được". Nhưng đừng nghĩ vậy rồi coi thường người ta. Đó là để mình tự sách tấn mình. Ở ngoài đời mình nói quá nhiều rồi, vô chùa là để tịnh tâm, không phiếm luận.

* Tất cả pháp nhân sanh tử ở đây chi pháp gồm:

  1. 12 bất thiện trừ Si phóng dật.

    Vì sao trừ Si phóng dật? Vì Si phóng dật nó không phải là nhân sanh tử. Nó không tạo ra nghiệp tái sanh. Đó là lý do tại sao đến Tam quả mà vẫn còn phóng dật; bởi vì nó không ảnh hưởng gì chuyện luân hồi hết. Nói một cách tận cùng bằng số thì phóng dật có hai lý do gọi nó là phiền não. Thứ nhứt nó chỉ có mặt ở phiền não thôi, và cái Si phóng dật thật ra bản thân nó không có tội tình gì hết. Nó chỉ khiến cho người ta không tập trung được, vậy thôi. Tâm tham thì bám vào cảnh. Tâm sân thì hủy diệt cảnh. Còn cái anh phóng dật ảnh là cái tâm khiến cho không có thiện pháp không có ác pháp nào vô được hết. Nó cứ lăn tăn lăn tăn như vầy. Cho nên ảnh không dẫn đến sanh tử. Vì sanh tử nó phải gắn liền với cái gì đó mà nó có tính cách tạo tác. Ví dụ như tâm tham thì dẫn đến chuyện tái sanh đã đành rồi, nhưng sân tại sao phải kể là nhân sanh tử? Bởi vì nhờ có tâm sân quý vị mới có đủ tư cách để ở lại cõi Dục giới. Một người mà không còn tâm sân nữa và nếu chưa phải là A La Hán thì họ chỉ tái sanh về cảnh nào chớ họ không trở lại cõi Dục giới này được. Chính tâm sân là cái tâm giúp người ta trở lại cõi Dục giới. Cho nên anh Sân này tuy ảnh không đầu tư gì hết, nhưng phải kể ảnh là nhân sanh tử là bởi vì không có ảnh thì người ta không có vô đây (cõi Dục giới) được.

  2. 8 Đại thiện.

  3. 5 Thiện sắc giới.

  4. 4 Thiện vô sắc.
Hồi nãy tôi có nói với các vị, khi hành thiền, mình ngồi mình nghĩ đến chuyện tốt thì nó vẫn kể là nhân sanh tử. Bởi vì sao? Vì nó là Phúc hành. Cho nên mình không học Phật Pháp mình nghĩ làm lành lánh dữ, mà thật ra Đức Phật nói:

“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”

Không làm điều ác
Làm các điều lành
Giữ lòng trong sạch
Là lời chư Phật ba đời.

Mình nghĩ thôi coi như làm lành thì ráng làm. Cái đó thì đúng. Nhưng phải nói rằng với trình độ phàm phu của mình có cao đến mấy đi nữa, dầu mình có hướng tới vô lậu giải thoát, nhưng trong cái tiềm miên mình vẫn mong mỏi.

Tâm thì 11 Bất thiện, 8 Thiện Dục giới, 5 Thiện sắc giới và 4 Thiện vô sắc. Còn Sở hữu tâm thì gồm 52. Mà 52 trong lúc nào? Trong lúc nó đi với những tâm vừa kể trên. Giống như chính phủ Mỹ không cấm súng nhưng bước lên máy bay thì cấm. Thì ở đây cũng vậy. 52 cây súng này là khi nào nó đi chung với Tâm Thiện hay Tâm Bất thiện. Một người có cây súng con dao tuy không bị cấm bên ngoài nhưng cũng người đó khi họ có mặt trên máy bay thì con dao cây súng đó bị cấm.

* Tất cả pháp dẫn đến Niết bàn.

Ở đây chính là 4 hoặc 20 tâm Đạo và các sở hữu hợp, trừ Vô lượng phần. Vì sao trừ Vô lượng phần? Vì Vô lượng phần lấy chúng sanh làm đối tượng. Cho nên câu này nếu mình không học mình nghĩ các pháp dẫn đến Nhân Niết bàn là mình nói đó là tất cả các tâm thiện này nọ. Thật ra các tâm thiện nó là phương tiện gián tiếp, cái trực tiếp chính là Thánh Đạo.

Thí dụ quý vị đem cho tôi cái cà mèn đồ ăn thì tôi cảm ơn cô. Chớ tôi đâu cần cám ơn những người nông dân đã trồng những loại rau trái đó, những người bán cho người nấu cho tôi. Ai đem cho mình thì mình cám ơn người đó thôi. Mình biết chuyện tới đó thôi, chớ còn chuyện mà xa xôi ... Tôi nói thiệt muốn có một ly trà này tôi biết không dưới một ngàn người dính líu tới nó. Muốn thì tôi kể cho nghe. Nó làm ở đâu? Ở Trung Quốc. Rồi biết bao nhiêu công nhân làm cái này: men là một nơi rồi cái người vẽ cái này là một người khác. Rồi nó trải qua tôi luyện nữa, rồi từ chỗ nào tập trung rồi người ta phân phối đi các nơi. Nó đi riết rồi mới qua tới Mỹ! Tôi nói một ngàn người là nói từ bi lắm đó. Cho nên tôi thích câu nói là: “Tất cả hạnh phúc của chúng ta đều có liên hệ đến người khác. Do đó ta không thể không quan tâm đến người khác”. Bởi vậy lời kêu gọi của những nhà bảo vệ môi sinh thế giới là họ nói: “Lá phổi thế giới chính là những cánh rừng. Ta đốn rừng vô tội vạ có nghĩa là đang tàn phá lá phổi của mình”. Các nhà khoa học dự báo nếu không có biện pháp thì đến các thế hệ con cháu sau mình sẽ bị hiện tượng sa mạc hóa. Sa mạc càng lúc càng lấn dần. Nhiệt độ trái đất càng lúc càng tăng, rừng càng giảm. Con người nếu không biết thức tỉnh thì chừng vài thế kỷ sau là trái đất này tang thương. Tôi biết một chuyện là cái tâm lực mình hết đời này qua đời khác nó sẽ mạnh lắm, do mình nguyện đó. Nhớ nguyện hoài hoài. Tôi nguyện trong đời sống này nguyện ba pháp: chết sạch, chết yên, chết tỉnh. Lúc mình còn trẻ mình cứ nguyện hoài nó sẽ thành sức mạnh. Chết sạch là không có tanh hôi, máu me, ỉa đái. Còn chết yên là đừng có giãy giụa, lăn lộn vì đau quá. Còn chết tỉnh là đừng có hôn mê. Nhớ nguyện ba cái đó: sạch, yên, tỉnh.

Tất cả pháp dẫn đến Niết bàn ở đây gồm có 20 tâm Thánh Đạo nhe. Còn Quả tại sao lại không được kể? Vì Quả là chuyện tất nhiên đối với người chứng Thánh Đạo.

* Tất cả pháp không dẫn đến sanh tử mà cũng không dẫn đến Niết bàn.

Đây chính là tâm Si phóng dật, 52 tâm Quả và 20 tâm Duy Tác. 20 tâm Duy Tác là sao? Là tâm nào? Rồi 13 Tợ tha, 4 Si phần, 25 Tịnh hảo, mà những Sở hữu này không phải kể ở đây người ta in gọn mà mình phải hiểu những sở hữu này là trong lúc nó đi với các tâm vừa kể. Sắc pháp cũng là pháp không dẫn đến sinh tử mà cũng không phải là nhân dẫn đến Niết bàn. Niết bàn cũng là một pháp, nhưng pháp này cũng không phải là nhân sanh tử mà cũng không phải là nhân Niết bàn - vì chính Niết bàn là ... Niết bàn mà.

Trích bài giảng Tam Đề Nhân
Kalama xin tri ân bạn buithibuukim ghi chép


Lựa Chọn | | Xúc và Tư Niệm

Tam Bảo | | Chìa khóa

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com