Chìa khóa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Chìa khóa

Hôm trước tôi đi bộ một vòng, xuyên qua phố núi, lên rừng một ít rồi khi quay trở về tôi nhìn nắng sáng. Rất đẹp, đẹp lắm. Khi về đến am của mình, tôi mới thò tay trong túi lục kiếm chìa khóa. Mình mặc 2 áo không biết để túi nào. Loay hoay, 4-5 cái túi mới tìm được chìa khóa. Lúc tìm được chìa khóa tôi mới trải qua giây phút mà người Nhật Bản gọi là Satori ('đại ngộ'). Tôi nhận ra một chuyện rất là thú vị là hơn 1 giờ qua tôi đi rất nhiều chỗ, xuyên qua xóm núi, lên rừng, trở về, xuyên qua mấy đường mòn. Tưởng sao, cuối cùng lại đi tìm cái chìa khóa.

Mình đi bao xa cuối cùng cũng trở về lục tìm miếng kim loại mỏng mỏng gọi là cái chìa khóa.

Lấy cái chìa đó mà nghĩ: Có biết bao nhiêu cái lỗ mà cái chìa này phải chọt cho đúng cái lỗ khóa? Cái chìa đó mình thọc xuống đất cũng được, thiếu gì chỗ để thọc mà tại sao phải tìm đúng miếng kim loại gọi là chìa đó, trong một chùm biết bao nhiêu chìa mà phải lấy đúng chìa đó, rồi tra đúng chỗ đó? Để mở cánh cửa đi vào đúng căn nhà, vô đúng cái phòng mình muốn.

Đó là quãng đường ngắn có 1 giờ đồng hồ thôi. Trên núi tôi hay đi bộ.

Tôi mới nghĩ một chuyện: Những người đi nghìn dặm, từ Úc qua Mỹ về Việt Nam, hoặc từ Châu Âu qua Mỹ trở về Châu Âu, hoặc những người từ Việt Nam, qua Mỹ, về Việt Nam,… có đi đâu nghìn dặm, các vị nghĩ kỹ coi, từ sân bay về các vị cũng phải thò tay vô lấy chìa khóa. Còn không thì bà con phải móc cái phone bấm bấm gọi người nhà mở cửa, thí dụ vậy. “Alô, giờ má sắp về rồi nha”. Mà tại sao trong thiên hạ bao nhiêu số mà mình gọi đúng số đó thôi? Lúc bấy giờ số đó trở thành chìa khóa, mở cửa nhà, mặc dù nó là cái phone mà trong cái phone có cả trăm số mình phải gọi đúng số nào đó mới có người mở cửa cho mình vào.

Ngay lúc đó tôi thấy chuyện tôi xúc động lắm. Tôi xúc động ở chỗ: Thì ra chúng ta qua bao nhiêu sóng gió phong ba mỗi người rồi cũng phải có chốn về và chỉ về với chìa khóa của riêng mình thôi.

Lúc đó tôi nhớ câu chuyện tôi kể 2000 lần trên internet: Có cái ông đó đi nhậu, ảnh nhậu say xỉn với bạn bè, lúc bạn bè chia tay ảnh, thấy ảnh đứng ngoài cột đèn đường, tìm cái gì dưới đất, bạn đi rồi nó quay xe lại hỏi tìm gì. Ảnh nói "Tao tìm cái chìa khóa." Thì mấy thằng bạn hỏi nó rớt ở đâu? Ổng không có biết chìa khóa ổng nằm ở đâu. Nhưng trước mắt thì ổng nhậu xỉn rồi nên ổng thấy đâu có đèn sáng là ổng tới tìm chìa khóa của ổng ở đó thôi.

Mình cũng vậy. Mỹ có câu tôi nói nhiều lần: “Vấn đề lớn nhất của chúng ta là không biết vấn đề của mình nằm ở đâu”.

Chính vì mình không biết vấn đề nằm ở đâu, cho nên mình mắc 2 sai lầm sau. Từ đó mình tiêu phí rất nhiều công sức, trí tuệ, tiền bạc, hi sinh vô vàn nhiều thứ lắm để chuộc cái ngu đó.

(1) Không biết vấn đề của mình thực sự là gì, cho nên coi những cái không là vấn đề là vấn đề và những cái thực sự là vấn đề không là vấn đề để mà giải quyết. Cái ngu thứ nhất là không biết vấn đề của mình nằm ở đâu cho nên có những cái nó không đáng là vấn đề thì mình nâng nó lên thành vấn đề, còn những cái đáng để giải quyết như là vấn đề thì mình bỏ nó qua một bên. Từ đó dẫn đến cái ngu thứ 2.

(2) Mình mải mê đi tìm giải pháp cho những cái mình gọi là vấn đề, mà có nhiều khi chỉ vì đi tìm chìa khóa giải quyết cho cái vấn đề nếu vấn đề đó đáng để mình giải quyết thì mình mất 1 đời, 10 năm 20 năm … mình không tính, còn đàng này chính vì mình không biết vấn đề ở đâu, cho nên mình xem những cái không là vấn đề nâng nó lên là vấn đề rồi tìm cách bỏ ra cả một đời giải quyết nó. Khổ thay khi mình thấy không phải vấn đề là vấn đề, là vấn đề mà không phải là vấn đề thì thay vì tìm chìa khóa mình tìm cũng là sai bét. Thế là cả một đời, thay vì đi tìm chìa khóa thì mình tìm được cây đinh thôi, hoặc cọng kẽm mà không biết mở đâu.

Cho nên, nhớ câu này nữa: “Chìa khóa ổ nào cũng mở được là chìa khóa vạn năng. Ổ mà chìa nào mở cũng được thì nó không phải ổ khóa nữa, là ổ khóa hư.”

Đây cũng vậy. Có những vấn đề mình xem là vấn đề nhưng nó không phải là vấn đề, không phải là chuyện đáng cho mình quan tâm. Các vị hỏi tôi, nói lòng vòng vậy chứ vấn đề thực sự của chúng ta là gì?

Tùy căn cơ mỗi người, căn cơ nghĩa rộng = tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý. Tùy căn cơ mỗi người mà vấn đề mỗi người không giống nhau. Nhưng tựu chung lại chúng ta chỉ có về với Phật thôi. Phật dạy trong bao nhiêu năm hoằng đạo ta chỉ nói 2 chuyện thôi

1. Xác định mọi hiện hữu là khổ

2. Đưa ra con đường thoát khổ.

Đó chính là vấn đề lớn nhất của đạo Phật, vấn đề lớn nhất mà đức Phật ngài đặc biệt chú ý, vì tất cả vấn đề của chúng ta đều khởi đi từ chuyện chúng ta hiện hữu trong đời này thôi. Có một điều, như tôi vừa nói, tùy thuộc căn cơ mỗi người, tùy thuộc trình độ nhận thức của mình mà như tôi thường nói: Trình độ dẫn đến thái độ, dẫn đến hành động, nếp sống. Từ trình độ dẫn đến nhận thức.

Cho nên, có rất nhiều chuyện mà trong mắt người này là vấn đề nhưng trong mắt người kia không phải là vấn đề. Chính vì vậy đức Phật Ngài chốt lại vấn đề.

Ngài nói rằng: Vấn đề rốt ráo nhất, tất cả những người có trí đều xác nhận: (1) Mọi rắc rối trong đời đều đi ra từ hiện hữu. Như vậy chuyện đầu tiên, Hiện hữu là khổ, giải quyết cái hiện hữu đó. (2) Con đường đưa đến giải pháp giải quyết sự hiện hữu đó. thì chỉ có 2 vấn đề này mới là vấn đề lớn mà tất cả hiền trí ba đời mười phương đều coi trọng. Còn tất cả những cái còn lại, vì căn cơ mỗi người khác nhau cho nên, trong đầu mỗi người, cái gọi là vấn đề không giống nhau, mà thường khi, luôn khi, chúng ta tiêu pha hoang phí thời gian công sức cho những chuyện không đáng là vấn đề.

Trích bài giảng Chìa Khóa
Kalama xin tri ân bạn Ho Thi Vui ghi chép


Tốt và Xấu | | Gồng hay Né

Tam Đề Nhân | | Hộ Niệm

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com