Hộ Niệm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Hộ Niệm

Nghiệp thứ tư là Cận Tử Nghiệp. Nghiệp này mới mệt nè. Cận Tử Nghiệp là những nghiệp thiện ác mà mình thực hiện lúc đang hấp hối. Trong Kinh ghi rằng trong các loại nghiệp đó, mỗi nghiệp có một sức mạnh riêng. Ví dụ đối với người sắp chết thì cận tử nghiệp rất quan trọng. Nếu lúc cận tử không có gì đặc biệt, mình không làm gì hết thì cái trọng nghiệp mình đã làm mấy chục năm về trước nó sẽ đóng vai trò tiếp theo. Nếu không có cận tử nghiệp đặc biệt, không có trọng nghiệp đặc biệt thì tới cái Thường Nghiệp, tức là cái gì mình làm hoài, nó sẽ nhảy vô đưa mình đi tái sinh. Nếu không có thường nghiệp thì mới đến cái Khinh Thiểu Nghiệp. Trường hợp nào Khinh Thiểu Nghiệp phát huy tác dụng? Là khi được hộ niệm. Tức là khi cận tử được hộ niệm.

Theo Nam Tông thì chỉ hộ niệm người cận tử chứ không hộ niệm kẻ chết rồi. Phật tử Việt Nam đa phần là người đã chết rồi, lạnh ngắt cũng tụng luôn. Trong Kinh Điển Pali 16,000 trang, không có 1 trang nào nói rằng Đức Phật và chư Tăng cùng nhau đứng quây quần xúm xít bên cạnh cái xác lạnh ngắt để thuyết pháp và tụng kinh. Không bao giờ có. Toàn là đến thăm bệnh và trợ niệm cho người đang tử. Và không phải ai Ngài cũng làm chuyện đó. Ngài biết người nào có nghe được, hiểu được, có làm được thì Ngài mới tới hộ niệm.

Chứ còn mình thì sao? Bình thường biết má mình lâu nay không khoái thầy chùa, chỉ có 2 chị em mình khoái thôi. Rồi tới hồi bà má sắp tử thì minh đi rước Thầy Chùa về. Lúc đó bà má bả nổi điên lên mà bả không nói ra được. Mà mình đâu có biết, vẫn cứ "Sadhū, sadhū...".

Thầy nào khác thì tôi không biết, nhưng với riêng tôi, thì những người mà đến hỏi ý thì tôi nói: "Bà cụ, ông cụ lúc bình nhật có quý mến Thầy Chùa không?" Nếu không thích thì làm ơn đi xa xa dùm. Lúc người ta đang thênh thang đường mây mà gặp những người họ không thích thì họ sẽ nổi điên lên.

Cách đây mấy bữa, người ta cho tôi coi cái clip video một người em gái đang trợ niệm cho người chị đang hấp hối. Người chị thì đã 'tay bắt cánh chuồn chuồn' rồi mà mắt thì đã hết thần rồi. Vậy mà người em cứ "Quy Y Phật/Pháp/Tăng - đọc đi chị, đọc đi chị." Người ta đang mệt đừng có ép. Lúc tôi coi clip đó tôi góp ý liền: "Đừng có ép người ta đọc theo mình, mà mình chỉ đọc cho người ta nghe." Và cũng nên hỏi người ta có muốn nghe không. Muốn thì nháy 2 cái, không thì nháy 1 cái. Nếu không nháy được thì để yên cho người ta đi.

Hộ niệm phải có kinh nghiệm. Chứ còn thông thường mình muốn giúp người ta mà lại làm theo cách mình muốn chứ không quan tâm đến chuyện người ta muốn hay không. Mà những người ngáp ngáp, có khi họ tức muốn điên nhưng không nói được.

Có anh chàng chết làm A tu la. Ảnh đứng ở đầu giường khóc ri ri mà đứa em nói: "Em đã làm hết cách. Chư Tăng tụng kinh cho anh, em còn khuyên anh niệm Phật mà tại sao anh lại chết làm A tu la?" Người anh mới đáp: "Anh dắt em vào đạo mà. Anh thích chư Tăng, nghe Pháp lắm. Anh cám ơn em. Anh biết em thương anh. Nhưng mà anh làm A tu la là vì bữa đó em quỳ lên bàn tay của anh. Anh chết bị đọa làm A tu la, không phải vì ác nghiệp mà chỉ vì cái đầu gối của em. Em càng thương em càng nghiến cái đầu gối lên tay anh. Mà em thì 90 kí còn anh chỉ là nắm xương, mà em nghiến như vậy thì còn gì là bàn tay anh nữa?"

Chuyện thật là như vầy: Người hộ niệm không biết cách nên làm cho người được hộ niệm ra đi trong tức tưởi và đau đớn.

Có nhiều việc lạ lắm. Ví dụ như thấy bà má mấy bữa nay không ăn, mình nóng ruột nên đổ sâm. Trong khi má thở không ra hơi mà mình thì cứ đổ nước vô làm má thở không được. Má muốn miệng trống để má thở mà mình cứ đè ra đổ sâm vô. Cái thứ đó chết mà siêu thì tôi chết liền. Tức quá mà. Lúc đó mình chỉ muốn lấy hơi thở mà nó lại đè cổ mình dọng nước vô. "Uống đi má, uống đi má. "

Việt Nam mình có những hiểu biết sai lầm. Có 2 cách uống thuốc bổ. Một là uống để bổ sung cái thiếu, đó là cách uống khoa học. CònViệt Nam mình thấy bổ là đè ra bắt ăn. Đây là chuyện bậy. Ngày nghèo đói ăn rau luộc thì thôi. Khi giàu thì đè bà má ra cho ăn đồ bổ. Trong khi đó không biết rằng đồ bổ nó không tốt như mình nghĩ. Cơ thể con người mình như chiếc xe. Nếu chiếc xe ấy cần 18 con bù loong thì lắp vô 18 con là đủ rồi. Chứ không phải thương quá mà mua nguyên 1 núi bù loong về nhét vô chiếc xe. Thiếu mấy con thì mua bấy nhiêu đắp vô, đủ rồi thì thôi. Còn ở Việt Nam thì cứ mua đồ bổ dọng vô. Cho nên cứ giàu là chết yểu. Mà tới khi ra mộ rồi vẫn không biết là chết vì sâm, vì yến, vì lộc nhung, vì linh chi...

Mình hộ niệm cũng phải có kinh nghiệm. Nên nhớ lúc sắp chết, tâm người ấy như đèn leo lét trước gió, như kẻ chết đuối đang quơ quào tìm cái phao. Lúc đó mình liệng cái gì thì người ta chụp cái đó. Mình liệng nhằm cái tào lao là chết người ta, hiểu không?

Mà vì lúc bình thường không chịu hiểu cái đó, không chịu nói chuyện với người nhà, cứ ăn rồi lo đi kiếm tiền. Tới lúc sắp chết thì con đối xử theo kiểu của nó, đừng trách nó. Có con phải dạy con cả về tinh thần, về tri kiến. Chứ không phải thương con là để tiền một núi cho con. Nó vừa ăn vừa cười mình ngu.

Đời Tống bên Tàu có một câu rất là hay, tạm dịch là: "Con cháu có phước riêng của con cháu. Đừng vì con cháu mà làm trâu ngựa cho nó." Câu này rất là sâu, rất là Phật Pháp.

Có nghĩa là thương con, vợ, chồng thì phải làm tròn trách nhiệm nhưng không nên vì họ mà làm trâu làm ngựa, quên đi trách nhiệm với bản thân. Nên nhớ chúng ta như 1 bầy chim. Chiều tối gom về tổ, sáng ra bắt đầu một ngày mới, mặt trời mọc thì mỗi đứa một hướng bay. Đó là sự thật.

Cơ hội làm người đã khó, cơ hội gặp nhau càng khó hơn, đúng không? Trong Kinh nói: Muốn gặp lại nhau phải có tứ đồng: 1. Đức tin - Chánh Tín giống nhau, 2. Giới hạnh giống nhau, 3. Bố thí giống nhau, 4. Trí tuệ giống nhau. Giống theo nghĩa là tương đồng. Bốn điều này giống nhau thì cơ hội gặp nhau sẽ lớn. Còn nếu thương nhau bằng trời mà 4 điểm này chênh lệch nhau thì khó gặp lại nhau. Nếu có gặp được thì cũng éo le, như kiểu Trương Chi - Mỵ Nương, thì gặp làm gì? Hoặc là trầy trật như Chữ Đồng Tử với công chúa Tiên Dung, hoặc là bi đát như Trọng Thủy - Mỵ Châu, hay như tui với Sydney!

Trích bài giảng Bốn Loại Nghiệp - Vũ Trụ Con Người - Giáo Lý A Tỳ Đàm
Kalama xin tri ân bạn dieulienhoa67 ghi chép


Khổ Đau và Chánh Niệm | | aññamaññapaccayo

Chìa khóa | | Làm

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com