Chánh Đẳng Giác

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Chánh Đẳng Giác

Trong đời này có vô lượng chúng sinh, nhưng khuynh hướng chỉ có 4 thôi:

1. Đời đời muốn sống chết buồn vui trong 5 dục. Đó là hạng chúng sanh Dục giới.

2. Chán đời sống dục cảm mà muốn thiền định. Nhưng thiền định của người này còn liên hệ vật chất. Như muốn tu thiền là để sanh về cõi nào đó cũng có trăng, sao, hoa lá, hồ nước, hoa viên. Mặc dù lòng không thích hưởng thụ 5 dục nhưng đề mục tu thiền vẫn là vật chất, vẫn muốn sanh về cõi nào đó có chỗ ở hẳn hoi, cụ thể chớ không phải mơ mơ hồ hồ. Hạng này muốn tu thiền nhưng vẫn còn muốn hình danh sắc tướng. Đó là hạng chúng sanh Sắc giới.

3. Cũng thích thiền định nhưng họ chán luôn cả hình danh sắc tướng. Họ không thích vẻ ngoài vật chất nữa, họ tu thiền Vô sắc và trở thành Phạm thiên Vô sắc.

4. Nhàm chán mọi hình thức hiện hữu. Họ thấy rằng dầu sanh về cảnh giới nào đi nữa thì trước sau nó chỉ là cái vòng luẩn quẩn loanh quanh. Sanh về cõi Vô sắc cao nhứt là Phi tưởng phi phi tưởng, 84.000 đại kiếp tưởng sao hết tuổi thọ lại lọt xuống cõi Dục, cũng tiếp tục nẻo cũ đường xưa: sa đọa, đau khổ, bất thiện, tiếp tục cái vòng quay mới. Do nhàm chán cái đó mới lòi ra hạng thứ tư này là không muốn sanh tử nữa.

Hạng thứ tư này chia ba trường hợp.

1. Họ làm các công đức và nguyện ngay khi nào duyên chín muồi thì tôi sẽ thành Phật với một sự giúp đỡ của ai đó. Hạng này gọi là Thinh Văn Giác.

2. Họ chán khổ lắm và muốn tự mình tìm đường giải thoát. Nghĩa là lúc nào duyên chín muồi thì tôi giải thoát không cần thầy gì hết, cũng không muốn làm thầy ai hết. Hạng này gọi là Độc Giác.

3. Hạng Toàn Giác là trên không có thầy, muốn tự mình tìm Đạo nhưng dưới thì sẵn lòng cưu mang vô lượng đệ tử.

Trong ba trường hợp này các vị sẽ thấy hạng thứ ba, Toàn Giác, là khó nhứt. Vì sao gọi là khó? – Vì nếu mình cầu Đạo giải thoát cho riêng mình thì mình không cần trang bị nhiều như vậy. Nhưng chính vì muốn làm thầy cho người khác nữa cho nên vị này phải trang bị rất nhiều thứ. Đặc biệt trong đó là Nhất thiết trí, nghĩa là cái gì Ngài cũng biết. Tại sao cái gì ngài cũng biết? – Là bởi vì khi ngài gặp chúng sanh nào nhìn họ biết họ muốn cái gì. Rồi ngài còn nhớ ba đời tám kiếp ngày xửa ngày xưa người này đã gieo duyên lành gì, và hôm nay người đó thích hợp nghe cái gì.

Độc Giác và Thinh Văn cũng có thể biết được kiếp trước người khác. Nhưng chuyện sàng lọc trong cái núi quá khứ của người nào đó để tìm ra ‘tử huyệt’, để thuyết Pháp cho họ đắc quả thì Độc Giác và Thinh Văn không có khả năng. Còn vị Chánh Đẳng Giác thì chỉ liếc qua một cái, chỉ nói một câu thôi là đủ rồi.

Trích Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 1

Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.


Hạnh Phúc | | Đạo tâm Wireless

Thường Lạc Ngã Mỹ | | Xúc Thọ Tưởng Tư

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com