Lưới Tà kiến

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Lưới Tà kiến

Toàn bộ kinh Phạm Võng theo chúng tôi thì nên bắt đầu ở cuối kinh. Cái vấn đề nằm ở cuối bài kinh. Là sao? Đức Phật xác nhận rằng do không hiểu được lý Duyên Khởi nên phàm phu đã nảy sinh các loại tài kiến. Giáo lý Duyên Khởi nói gì? Giáo lý Duyên Khởi dạy về nguyên lý nhân quả và tam tướng của vạn hữu và đồng thời cũng vạch ra con đường giải thoát sinh tử. Nói vậy Giáo lý Duyên Khởi cũng chứa đựng trọn vẹn tinh thần của Giáo lý Bốn đế. Một người am tường rốt ráo Giáo lý Duyên Khởi bắt buộc người đó phải hiểu Bốn đế. Người am tường Giáo lý Bốn đế cũng am tường Giáo lý Duyên Khởi.

Và trên đời này chỉ có Thánh nhân mới là người am tường rốt ráo Bốn đế. Rốt ráo là sao?

Am tường rốt ráo Giáo lý Tứ đế cũng là am tường rốt ráo Lý Duyên Khởi, mà am tường lý Tứ đế là phải cần đến 3 thứ trí tuệ.

  1. saccañāṇa biết rõ Bốn đế là gì.
  2. Tkiccañāṇa biết rõ việc phải làm đối với Bốn đế.
  3. katañāṇa có nghĩa là biết rõ mình đã làm xong chuyện phải làm đối với Bốn đế.

Chúng tôi nhắc lại đối với người am tường lý Duyên Khởi thì không thể nào mắc vào các tà kiến mà trong kinh Phạm Võng này Đức Phật nhắc đến. Am tường lý Duyên Khởi cũng có nghĩa là am tường Bốn Đế. Am tường Bốn Đế là sao? Là am tường bằng 3 nhận thức sau đây:

  1. Thứ nhất, mọi sự hiện hữu ở đời đều là Khổ Đế. Vì sao vậy? Vì bất cứ hình thức hiện hữu nào nó cũng nằm trong 3 khổ: Khổ Khổ, Hành Khổ và Hoại Khổ. Đó là lý do tại sao mà mọi hiện hữu đều là Khổ Đế.

  2. Thứ hai, bất cứ niềm đau mê thích thú nào của chúng ta cũng là niềm đam mê thích thú trong Khổ Đế, thì niềm đam mê thích thú đó được gọi là Tập Đế. Tập Đế là niềm đam mê trong Khổ Đế.

  3. Thứ ba, cái sự vắng mặt của Tập Đế chính là Diệt Đế, tức là Niết Bàn. Và con đường dẫn đến Diệt Đế được gọi là Đạo Đế, con đường đó chính là tinh thần Bát Chánh Đạo. Các vị nghe kịp chưa? Cái đó quan trọng.

Hiểu được một cách đại khái qua sách vở chữ nghĩa từ sự trao truyền của người khác thì cái hiểu biết đó được gọi là biết qua trí văn. Còn trí tư là sau khi mình học rồi, mình đọc rồi, mình nghe rồi, mình về mình ngồi nghiệm lại, mình gẫm lại, suy tư lại thì cái đó được gọi là trí tư. Còn trí tu chính là sự thể nghiệm thân chứng của hành giả tu tuệ quán tức là tứ niệm xứ. Dùng chánh niệm để ghi nhận cái gì nó đang xảy ra, nó là gì, bản chất nó ra sao và hiện giờ nó đang hoạt động như thế nào? Phải qua loại công phu tuệ quán này thì hành giả mới hiểu được Bốn Đế và Duyên Khởi bằng trí tu. Tôi cố ý nói thiệt là chậm nha, thiệt là chậm.

Như vậy thì đối với Bốn Đế việc đầu tiên mình phải biết Bốn Đế là cái gì trước đã, cái trí đó được gọi là sacca-ñāṇa. Cái trí thứ 2 gọi là kicca-ñāṇa có nghĩa là mình biết rõ với Bốn Đế mình phải làm việc gì. Khổ Đế cần được nhận diện, Tập Đế cần được đoạn trừ, Diệt Đế cần được chứng ngộ và Đạo Đế cần được hành trì. Bốn nhận thức này được gọi là kicca-ñāṇa. Cái trí thứ 3 được gọi là kata-ñāṇa là biết rõ ta đã nhận thức đầy đủ và chín chắn về Khổ Đế, biết rõ Tập Đế đã được đoạn trừ, biết rõ Diệt Đế đã được đã được chứng ngộ, biết rõ Đạo đế đã được hành trì viên mãn. Bốn cái này gọi là kata-ñāṇa. Cái này gọi là Thành Sở Tác Trí của Nam Tông không phải Thành Sở Tác Trí bên Duy Thức. Người nào hiểu được Tứ Diệu Đế qua 4 trí này được gọi là am hiểu 1 cách rốt ráo. Và chỉ có Thánh nhân tức La Hán mới am hiểu rốt ráo Bốn Đế qua 3 loại trí này. Am hiểu Bốn Đế cũng là am hiểu lý Duyên Khởi, am hiểu lý Duyên Khởi thì không còn mắc vào thứ Tà Kiến nào nữa.

Nội dung Kinh Phạm Võng phải bắt đầu từ cuối kinh học ngược lên và nếu cắc cớ mà các vị muốn học thuộc lòng kinh Phạm Võng mà trí nhớ kém quá thì các vị chỉ học đoạn cuối thôi, đoạn cuối khoảng 2 trang vở học sinh, chỉ có 2 trang tiếng Pali hay tiếng Việt không cần biết, học tiếng gì học tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Đức, Tây Ban Nha nhưng đại khái tối đa chỉ có 2 trang vở học sinh ở đoạn cuối kinh Phạm Võng. Trong đó ngài có xác nhận thế này, bao nhiêu quan điểm Tà Kiến liên hệ đến quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều khởi đi từ nhận thức sai lầm của một người không hiểu biết Lý Duyên Khởi. Hết. Chỉ nhớ bao nhiêu đó thôi, nhớ nha.

Sáu mươi hai tà kiến nó nhiều quá cỡ thợ mộc bây giờ mình học bằng cách nào đây?

Bây giờ tôi gợi ý bà con thế này, có 2 cách để chúng ta học về thực vật học. Cách 1: chúng ta phân loại những nhóm lớn, rồ khi nào quởn chúng ta mới đào sâu thêm. Đó là cách 1, đó là phân loại các loại thực vật theo từng nhóm lớn, gom hết các thực vật trên hành tinh này theo từng nhóm lớn. Kiểu học thứ 2: là học chi li có nghĩa là mình học từng loại cỏ, từng loại rêu của những làng mạc xa xôi hóc bò tó bên Châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông gì đó. Nó khổ cái chỗ có những loại thực vật đặc hữu ở một địa phương nào đó, ngoài vùng đó ra, ngoài những điều kiện khí hậu đặc biệt ở địa phương đó ra thì nơi khác không có, chúng ta vẫn học luôn, đó là cách 2. Còn cách 1 là chúng ta phân loại đại cương các loại thực vật.

Thì ở đây chúng tôi sau nhiều trở trăn thao thức quyết định chọn cách 1. Có nghĩa là cho quý vị học 62 tà kiến theo cách đại cương vì 3 lý do. Thứ nhất tất cả những tà kiến Đức Thế Tôn giảng trong đây bao gồm những tà kiến phổ biến nhất và những tà kiến cá biệt nhất.

Cá biệt là sao? Là những tà kiến chỉ có ở một số chúng sanh trong một số hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà mình học vô mình thấy nó rất mù mờ xa lạ với mình. Ở đây chú giải có giải thích rất rõ nhưng mà tôi xin thề là bà con không cách nào nhớ được bởi vì chỉ nghe một lần rồi thôi quên mất. Ví dụ trường hợp đặc biệt là có những người, những loại chư thiên do duyên nghiệp họ có đời sống không giống những vị thiên nhân khác, từ chỗ duyên nghiệp khiến họ có hình hài không giống ai cho nên họ có sinh hoạt không giống ai, họ có kiểu sống và kiểu chết không giống ai. Và từ chỗ không giống ai này cộng với vô minh trong Duyên Khởi, trong Bốn Đế cho nên nó mới lòi ra một thứ tà kiến cá biệt, rất là đặc dị gọi là hàng độc, không đụng hàng với ai hết. Tổng cộng là có 62 trường hợp như vậy.

Bây giờ chúng ta gom gọn lại 62 loại Tà kiến gồm có 2 thứ là

  1. sassatadiṭṭhi (Thường kiến) và
  2. ucchedadiṭṭhi (Đoạn kiến).

Thường kiến gồm có 3 trường hợp tiêu biểu:

  1. Tin vào 1 cái tôi vĩnh cửu.
  2. Tin vào 1 đấng bề trên tối thượng toàn quyền sinh sát.
  3. Tin vào 1 cứu cánh thoát khổ nào đó đi ngược lại lý nhân quả.
Đó gọi là Thường Kiến.

Đoạn kiến gom gọn trong 3 trường hợp:

  1. Ahetukaditthi Vô nhân kiến: cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, không do nhân quả gì hết.
  2. Akiriyaditthi Vô hành kiến: cho rằng thiện ác giống hệt nhau chỉ là hành động mà thôi, mỗi người có thể tha hồ sống và hành động theo ý thích.
  3. Natthikaditthi Vô hữu kiến: cho rằng những gì mình không thể chứng minh, không thấy biết được thì là không có thật chẳng hạn như các vấn đề nhân quả báo ứng, luân hồi tái sinh, sự hiện hữu của Thánh nhân, của các loài khuất mặt.

Ví dụ như mình biết một cọng cỏ nhỏ xíu nó muốn có mặt cần phải có bao nhiêu yếu tố sinh học thì nó mới có mặt, rồi một con ong cái kiến hay là một con người rồi đến cái chi tiết nhỏ nhặt ở trong đời sống của muôn loài như giọt nước mắt, nụ cười, niềm vui, nỗi buồn, sướng khổ nóng lạnh nhất nhất mỗi thứ trong đời nó đều có nhân quả đàng hoàng hết nhưng mà đằng này mình cứ nghĩ mọi thứ ngẫu nhiên mà có, không có nhân quả gì hết đó. Cái đó là thứ tà kiến gọi là vô nhân kiến.

Cái thứ 2 gọi là vô hành kiến có nghĩa là cho rằng thiện ác không có khác gì nhau hết. Chẳng qua người ta không có thích nó người ta sợ nó người ta gọi nó là ác, người ta thích nó quá thì gọi nó là thiện; chứ thiện ác là không có, vốn không có; chỉ là vì hành động thôi. Có nghĩa là mình thích sống làm sao, thích hành động thế nào thì mình cứ thế mà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, thừa thắng xông lên, tùy thích mà sống. Không có tùy duyên, không có thiện ác gì hết. Cái chuyện làm lành lánh dữ là chuyện tào lao, chuyện đó vốn không có, cái đó là lông rùa sừng thỏ, cái đó là trò bịp bợm của những tay giáo chủ các tín ngưỡng vậy thôi; chứ cái đó là hù, nhát ma dụ dỗ người ta chứ cái đó nó không có thật.

Còn cái vô hữu kiến là cho rằng cái gì mình không thấy được không biết được không chứng minh được thì cái đó không có.

Trong một buổi giảng ở chùa Phước Sơn Việt Nam 20 năm về trước có một ông cán bộ cộng sản về hưu ổng cũng lên chùa ổng tu thiền. Sau buổi giảng, tôi nói cái gì tôi không nhớ, tôi nhớ là tôi giảng xong tôi về phòng ở dưới suối. Thì ông cán bộ ổng đi theo. Trời mát ổng đi theo.

Ổng xuống ổng hỏi tôi: "Vậy chứ thầy mà chứng minh được có thiên đường địa ngục có luân hồi báo ứng tôi xin nguyện đi theo thầy hết kiếp." Thì tôi nhớ, lúc đó tôi mệt lắm rồi, tôi nhớ tôi trả lời vắn tắt thế này: "Tôi nói tôi không có khả năng chứng minh cho ông thấy là có thiên đường địa ngục, có ma quỷ, có các loài siêu hình khuất mặt, tôi không có khả năng. Tôi không thể chứng minh cho ông thấy để mà ông theo tôi. Nhưng mà nếu ông có thể chứng minh những thứ đó không có thì tôi xin theo ông. Ông nghĩ làm sao?"

Tôi chỉ nói vậy thôi, chứ tôi mệt quá rồi. Tôi nói nếu mà ông nói rằng nếu tôi chứng minh được là có thì ông theo tôi nhưng mà bây giờ tôi mệt rồi tôi không muốn ông theo tôi, giờ tôi khoái theo ông thôi à. Tôi muốn ông chứng minh nếu cái ông nói không có thì tôi theo ông.

Bây giờ tôi giảng lại thường kiến. Ở đây Đức Phật ngài dạy rằng khi chưa am tường lý Duyên Khởi thì ta luôn có nhiều điểm tựa để nảy sinh Tà Kiến. Thứ nhất là do học từ người khác. Thứ hai là do tự mình suy diễn lý luận. Thứ ba là do dựa vào sở chứng có thật của bản thân; ở đây là thiền định và thần thông.

Quý vị thấy đời khổ, tự mình thấy đời khổ rồi đi tìm hiểu, tìm hiểu thầy này bà nọ kinh này sách kia, nói chung là mình đi tham khảo từ những nguồn thông tin của người khác, rồi người ta dạy mình cái gì. Cái đó nếu nó hợp với tạng phủ tâm tư của mình thì mình theo mình thờ. Cái đó là trường hợp thứ nhất – cái đó là do học từ người khác.

Trường hợp thứ hai là tự mình suy diễn, nghĩa là mình dựa vào nền tảng trí tuệ, nền tảng học thức, rồi kinh nghiệm sống, cảm giác, cảm xúc cá nhân rồi mình mới lấy cái này mình cộng mình ghép mình nhân chia trừ cộng các thứ cuối cùng mới đi ra cái kết quả suy luận. Nếu mình chưa có phải là người am tường hiểu lý Duyên Khởi, lý Tứ Đế thì những cái suy diễn này của mình dứt khoát có vấn đề. Bởi vì tôi nhớ tôi đã từng nói với bà con rồi. Thông minh bằng trời mà muốn tự ngộ thì phải mất tối thiểu là 2 a tăng kỳ (100 ngàn đại kiếp). Chứ còn ngồi cộng ghép chuyện đời, cộng ghép cảm xúc, kiến thức bản thân, mình ngồi tưởng tượng để mà thấy được Bốn Đế, thấy được lý Duyên Khởi để mà chứng thánh chấm dứt phiền não thì cái chuyện đó không có nha. Nhớ cái đó, cái đó quan trọng.

Trường hợp thứ ba, cái này mới ghê, cái thứ ba là do sở chứng của bản thân là chính mình tu thiền, chính mình thấy rõ ràng chứ đâu phải do ai dạy mình đâu. Chính mình rõ ràng mình thấy là thiền định mặt mũi ra làm sao, chính thiền định là xa lìa phiền não thông thường – phiền não thông thường chính là 5 triền, phiền não thô đó. Chính mình thấy tâm mình thanh tịnh, không còn tham thích 5 dục, chính mình không còn bất mãn, sân hận sợ hãi ghen tuông đố kỵ, chính mình không còn hôn trầm thụy miên lười biếng dã dượi buồn ngủ, không còn trạo hối, không còn hoài nghi, chính mình thấy rõ mình được an lạc. Thì trên cái nền tảng này nè, mình bắt đầu mình suy diễn các thứ.

Trong kinh Đức Phật ngài dạy rằng giống như con chó bị cột vào điểm nào đó thì nó có cào cắn, nó có sủa, nó có la, nó có hét, nó có rên xiết cỡ nào thì nó cũng quẩn quanh chỗ cột nó thôi. Cái điều đó như thế nào thì một người phàm phu chưa giác ngộ lý Tứ Đế - có nghĩa là họ chưa thấy được lý Duyên Khởi, chưa thấy được rốt ráo lý Nhân Quả và lý Tam Tướng (vạn hữu do duyên mà có, có rồi phải mất), họ chưa thấy rốt ráo thì họ có suy tư diễn dịch lý luận như thế nào thì cuối cùng họ cũng vẫn quẩn quanh. Quẩn quanh cái gì? Quẩn quanh những cái tà kiến, những cái ngã chấp.

Cuối bài kinh Phạm Võng này chính Đức Thế Tôn cũng xác nhận lại đó là người không hiểu lý Duyên Khởi thì họ có suy diễn, có tưởng tượng, họ có nhìn thấy, họ có nhận thức, họ có quan sát được cái gì thì những cái đó nó vẫn là trong lưới chụp của tà kiến, trong lưới chụp của 62 tà kiến. Quý vị xem lại cuối kinh có phải như vậy không?

Trích bài giảng Kinh Phạm Võng
Kalama xin tri ân bạn ngocthytran00 ghi chép


62 Tà Kiến

Chia làm hai:

  1. là chấp theo quá khứ có 18 điều, 5 phần

  2. là chấp theo vị lai có 44 điều, 5 phần

  1. Tà kiến chấp theo quá khứ có 5 phần:

    1. Thường kiến có 4 nguyên do:

      1. là chấp trường tồn do nhớ nhiều đời dưới một đại kiếp (thành, trụ, hoại, không).

      2. là chấp trường tồn do nhớ nhiều đời từ 1 đến 10 đại kiếp.

      3. là chấp trường tồn do nhớ nhiều đời từ 1 đến 40 đại kiếp.

      4. là chấp trường tồn do sự kinh nghiệm.

    2. Thường vô thường kiến có 4 nguyên do:

      1. là nhận thấy vị Đại Phạm thiên sống hoài, còn những kẻ do Ngài tạo ra phải chết.

      2. là nhận thấy chư Thiên không say sống hoài, vị nào say mới chết.

      3. là nhận thấy chư Thiên không sân sống hoài, vị nào sân mới chết.

      4. là nhận thấy: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân không bền vững, chỉ có tâm là trường tồn (không sanh, không diệt).

    3. Biên vô biên kiến có 4 nguyên do:

      1. là nhận thấy thế giới, vũ trụ có chỗ tột.

      2. là nhận thấy vũ trụ có tột, thế giới không cùng.

      3. là nhận thấy vũ trụ trên dưới có tột, ngang qua không cùng.

      4. là nhận thấy thế giới, vũ trụ không cùng tột.

    4. Vô ký kiến (ngụy biện - cũng gọi là bất định kiến) có 4 nguyên do:

      1. là do nhận thấy không sát thật, vì e vọng ngữ nên nói không sát thật.

      2. là do nhận thấy không sát thật, vì e bị chấp trước nên nói không quyết định.

      3. là do nhận thấy không sát thật, vì e bị hỏi gạn nên nói không quyết định.

      4. là do nhận thấy không sát thật, vì e bị vô minh nên nói không quyết định.

    5. Vô nhơn kiến có 2 nguyên do:

      1. là tâm ta tự nhiên mà có, do nhớ đời trước làm người vô tưởng.

      2. là sự suy xét nhận thấy tất cả có ra đều không do nhơn tạo.

  2. Tà kiến chấp theo vị lai có 5 phần.

    1. Hữu tưởng kiến có 16 nguyên do:

      1. là bản ngã có sắc không có bệnh, sau khi chết có tưởng.

      2. là bản ngã không có sắc, vô bệnh sau khi chết có tưởng.

      3. là bản ngã có sắc và không có sắc, vô bệnh sau khi chết có tưởng.

      4. là bản ngã là phi hữu sắc, phi vô sắc, không bệnh sau khi chết có tưởng.

      5. là bản ngã là hữu biên vô bệnh, sau khi chết có tưởng.

      6. là bản ngã là vô biên vô bệnh, sau khi chết có tưởng.

      7. là bản ngã là hữu biên vô biên không bệnh sau khi chết có tưởng.

      8. là bản ngã là phi hữu biên, phi vô biên, không bệnh sau khi chết có tưởng.

      9. là bản ngã là nhất tưởng, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

      10. là bản ngã là dị tưởng, không bệnh sau khi chết có tưởng.

      11. là bản ngã là đa tưởng, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

      12. là bản ngã là vô lượng tưởng, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

      13. là bản ngã là thuần lạc, không bệnh sau khi chết có tưởng.

      14. là bản ngã là thuần khổ, không bệnh sau khi chết có tưởng.

      15. là bản ngã là khổ lạc, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

      16. là bản ngã không khổ lạc, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

    2. Vô tưởng kiến có 8 nguyên do:

      1. là bản ngã có sắc, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

      2. là bản ngã không có sắc, vô bệnh sau khi chết không có tưởng.

      3. là bản ngã có sắc và cũng không có sắc, vô bệnh sau khi chết không có tưởng.

      4. là bản ngã là phi hữu sắc, phi vô sắc, vô bệnh sau khi chết không có tưởng.

      5. là bản ngã là hữu biên, vô bệnh sau khi chết không có tưởng.

      6. là bản ngã là vô biên, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng.

      7. là bản ngã là hữu biên và vô biên, vô bệnh sau khi chết không có tưởng.

      8. là bản ngã là phi hữu biên, phi vô biên, vô bệnh sau khi chết không có tưởng.

    3. Phi tưởng phi phi tưởng kiến có 8 nguyên do:

      1. là bản ngã có sắc, vô bệnh sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

      2. là bản ngã vô sắc, vô bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

      3. là bản ngã có sắc và cũng không có sắc, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

      4. là bản ngã là phi hữu sắc, phi vô sắc, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

      5. là bản ngã là hữu biên, vô bệnh sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

      6. là bản ngã là vô biên, vô bệnh sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

      7. là bản ngã là hữu biên vô biên, không bệnh sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

      8. là bản ngã là phi hữu biên, phi vô biên, không bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

    4. Đoạn kiến có 7 nguyên do:

      1. là nhận thấy tất cả loài thai sanh chết rồi tiêu mất.

      2. là nhận thấy chư Thiên cõi lục dục chết rồi tiêu mất.

      3. là nhận thấy tất cả Phạm thiên cõi Sắc giới chết rồi tiêu mất.

      4. là nhận thấy bực Không vô biên xứ thiên chết rồi tiêu mất.

      5. là nhận thấy tất cả bực Thức vô biên xứ thiên chết rồi tiêu mất.

      6. là nhận thấy bực Vô sở hữu xứ thiên chết rồi mất.

      7. là nhận thấy bực Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên chết rồi mất.

    5. Níp-bàn hiện tại kiến có 5 nguyên do:

      1. là nhận thấy ngũ dục lạc là Níp-bàn hiện tại.

      2. là nhận thấy sơ thiền là Níp-bàn hiện tại.

      3. là nhận thấy nhị thiền là Níp-bàn hiện tại.

      4. là nhận thấy tam thiền là Níp-bàn hiện tại.

      5. là nhận thấy tứ thiền là Níp-bàn hiện tại.


    Ngộ Mộ Nộ | | Kiểm soát cái hộp quẹt

    7 javana | | Ghê Tởm

    English


    


zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com