Ghê Tởm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Ghê Tởm

(AN-5.5) 144. Tikaṇḍakīsuttaṃ

Sādhu, bhikkhave, bhikkhu kālena kālaṃ appaṭikūle paṭikūlasaññī vihareyya. Sādhu, bhikkhave, bhikkhu kālena kālaṃ paṭikūle appaṭikūlasaññī vihareyya. Sādhu, bhikkhave, bhikkhu kālena kālaṃ appaṭikūle ca paṭikūle ca paṭikūlasaññī vihareyya. Sādhu, bhikkhave, bhikkhu kālena kālaṃ paṭikūle ca appaṭikūle ca appaṭikūlasaññī vihareyya. Sādhu, bhikkhave, bhikkhu kālena kālaṃ paṭikūlañca appaṭikūlañca tadubhayaṃ abhinivajjetvā upekkhako vihareyya sato sampajāno.


(KTC-5.5) 144.Tikandaki

Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng ghê tởm đối với các vật không ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng ghê tởm đối với các vật không ghê tởm và ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng không ghê tởm đối với các vật ghê tởm và không ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sau khi từ bỏ cả hai vật không ghê tởm và ghê tởm, trú xả, chánh niệm tỉnh giác!

Kinh 144. Tikandaki là dựa vào tên khu rừng Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp thoại này.

Bài Kinh này như bao nhiêu bài khác đều có nội dung rất quan trọng cho người tu học. Tuy nhiên Kinh này với một người tại gia cư sĩ hay người xuất gia đều đặc biệt phải xem là cẩm nang sống đời và tu học.

Chúng ta đã từng nghe giảng Tứ niệm Xứ hay Bát Chánh Đạo, Tam học Giới Định Tuệ; chúng ta nghe nhiều rồi ứng dụng đưa vào đời sống thường nhật. Có một điều trong lúc thực hiện hành trì có lúc chúng ta gặp một vài điểm trục trặc mà không biết hỏi ai.

Ở đây Đức Phật Ngài dạy một vị tỳ kheo là ‘thỉnh thoảng’, chữ ‘kālena kālaṃ’ ở đây phải hiểu là ‘tùy thời, tùy lúc, linh động’ mà sống với “tưởng ghê tởm với các vật không ghê tởm”. Có nghĩa là thấy chán sợ trước những gì thiên hạ quanh ta xem là đẹp, ngon, thơm, quý. Một người cầu Đạo giải thoát, dầu là cư sĩ hay xuất gia, khi ngồi trước một mâm ăn vừa ý, ngồi trên một cái ghế, cái giường vừa ý, sở hữu sử dụng một món đồ vừa ý thì vị đó luôn luôn sống bằng tâm trạng quán chiếu để không say đắm, thích thú, đam mê trong những thứ đó. Trong quý vị có lẽ nhiều người nghe thấy ngạc nhiên và sốc: ‘Làm gì mà dữ vậy! Tôi đâu có phạm giới, tôi đâu có làm gì hại người, đâu có tội lỗi, chỉ một miếng ngon tôi mà tôi không có quyền thưởng thức hay sao?’

Nhưng tôi nhắc lại Phật không có cấm mình có tâm tham, thích thú trong những sinh hoạt. Nhưng Phật chỉ cho mình biết đó là những cái không nên thôi. Phật dạy rõ ràng nếu trong từng phút giây mình sống với đam mê thích thú trong năm dục trần thì coi như mình chỉ kéo dài thêm sanh tử. Đó là một lẽ.

Lẽ thứ hai: Vì chúng ta không hiểu giáo pháp và không tin điều mình hiểu nên chúng ta mới còn có lý do để còn thích thú cái này cái kia, những cái mà đời cho là ngon, là đẹp, là quý, là thơm.

Cho nên chuyện đầu tiên là vị tỳ kheo thỉnh thoảng biết sống với "Tưởng Ghê Tởm" là như vậy.

4. Tikaṇḍakīsuttavaṇṇanā

144. Catutthe appaṭikūleti appaṭikūlārammaṇe. Paṭikūlasaññīti paṭikūlanti evaṃsaññī. Esa nayo sabbattha. Kathaṃ panāyaṃ evaṃ viharatīti? Iṭṭhasmiṃ vatthusmiṃ pana asubhāya vā pharati, aniccato vā upasaṃharati. Evaṃ tāva appaṭikūle paṭikūlasaññī viharati. Aniṭṭhasmiṃ vatthusmiṃ mettāya vā pharati, dhātuto vā upasaṃharati. Evaṃ paṭikūle appaṭikūlasaññī viharati. Ubhayasmiṃ pana purimanayassa ca pacchimanayassa ca vasena tatiyacatutthavārā vuttā, chaḷaṅgupekkhāvasena pañcamo. Chaḷaṅgupekkhā cesā khīṇāsavassa upekkhāsadisā, na pana khīṇāsavupekkhā. Tattha upekkhako vihareyyāti majjhattabhāve ṭhito vihareyya. Kvacanīti kismiñci ārammaṇe. Katthacīti kismiñci padese. Kiñcanati koci appamattakopi. Iti imasmiṃ sutte pañcasu ṭhānesu vipassanāva kathitā. Taṃ āraddhavipassako bhikkhu kātuṃ sakkoti, ñāṇavā paññuttaro bahussutasamaṇopi kātuṃ sakkoti. Sotāpannasakadāgāmianāgāmino kātuṃ sakkontiyeva, khīṇāsave vattabbameva natthīti. Pañcamaṃ uttānameva.

Chú giải nói: “Đối với những gì thơm ngon, sạch đẹp, quý hiếm thì hành giả nên quán suy niệm bất tịnh bất mỹ”.

Iṭṭhasmiṃ vatthusmiṃ pana asubhāya vā pharati.

Nghĩa là đối với những thứ thơm ngon sạch đẹp nó không như mình nghĩ. Mọi thứ thơm ngon sạch đẹp chỉ là những giá trị tương đối.

Cách thứ hai là ‘aniccato vā upasaṃharati’: quán niệm tánh vô thường của vạn vật. Hôm nay ta còn trẻ, còn khỏe, cứ cho là ta còn sống lâu thì ta thấy chuyện thích thú cái này cái kia nó không có cái gì tội lỗi. Nhưng truy ra còn thích thú đam mê thì còn sợ mất mát này nọ và bội phần đau khổ khi không có được hay không giữ được chúng. Do đó, giểu đạo thì nên sống buông bỏ. Nếu tự xét khả năng buông bỏ của mình còn kém thì ta nên hạn chế sở hữu hay hạn chế sử dụng những gì khó buông bỏ.

Đây nên là câu thần chú xăm lên trán. Vì sao?

– Vì ta có thể chết bất cứ lúc nào. Ta có thể bị tàn tật, bại liệt bất cứ lúc nào. Những thứ mà ta đam mê thích thú có thể lìa bỏ ta bất cứ lúc nào. Nếu mình đã có nền tảng tâm thức buông bỏ thì luôn luôn lòng thanh thản nhẹ nhàng. Còn nếu mình không sẵn tâm lý buông bỏ thì khi gặp chuyện ta khổ dữ lắm. Rất là khổ!

Cách đây không lâu tôi có gặp một cô Phật tử thuộc loại đẻ bọc điều. Cổ có nói với tôi một câu mà tôi nghe lạ. Cổ nói khi quen sống túng thiếu nghèo khó chật vật thì tự nhiên nó đổi qua sung sướng thì chuyện đó rất dễ. Nhưng khi mình quen sống tiện nghi sạch sẽ thơm ngon mà bây giờ chuyển qua điều kiện sống ngược lại thì nó khó vạn lần. Cổ không ngờ là cái suy nghĩ đó của cổ đã được Đức Thế Tôn nhắc đến từ 25 thế kỷ trước. Có nghĩa là nếu tự xét thấykhả năng buông bỏ của mình còn kém quá thì nên hạn chế việc sở hữu hay sử dụng những thứ đó. Và các vị nên nhớ rằng Phật không cấm quí vị cư sĩ sở hữu hay sử dụng cái này cái kia, nhưng Phật thương mình Phật dạy: Nếu hôm nay con không có chuẩn bị tâm lý, thì chiều nay, khuya nay, sáng mai, ngày mốt, tuần sau, tháng tới mà con bị cái gì đó làm con khổ thấu trời thì lúc đó không ai cứu con được. Bởi vì người cứu con chỉ là con thôi. Dầu là chư Phật, Bồ Tát ba đời 10 phương, dầu là cha mẹ vợ chồng con cái thân nhân bè bạn, láng giềng, thầy bạn - tất thảy không ai cứu được mình. Vì mình vốn dĩ không có được thứ tâm lý buông bỏ. Kinh này sâu là sâu chỗ đó.

Còn đối với những thứ gì mình ghê tởm đáng sợ thì mình dùng pháp Từ Bi quán:

Aniṭṭhasmiṃ vatthusmiṃ mettāya vā pharati,

Hoặc là quán chiếu tánh giả hợp của chúng, thấy gì cũng là lục đại tạo nên.

dhātuto vā upasaṃharati.

Đối với cái gì mình thích thú, thấy nó thơm ngon sạch đẹp quý hiếm, giá trị thì mình nên dùng quán niệm về tánh bất mỹ, hoặc quán niệm về tánh vô thường.

Bất mỹ là sao?

– Bất mỹ có nghĩa là không có gì thơm ngon sạch đẹp. Mình nghĩ tất cả những thơm ngon sạch đẹp chỉ là những giá trị những mặc định tương đối ở không gian này, điều kiện hoàn cảnh này, môi trường văn hóa văn minh xã hội này, ở bối cảnh tâm lý này thì cái đó là thơm ngon sạch đẹp và giá trị. Nhưng nó ở môi trường bối cảnh điều kiện khác thì những thứ thơm ngon sạch đẹp này nó không còn như vậy nữa. Nên quán chiếu như vậy.

Hoặc là quán chiếu tánh vô thường, nghĩa là nó trước đây một phút thì không phải là nó bây giờ. Hoặc nó bây giờ không phải là nó trong 5 phút nữa. Luôn luôn quán chiếu như vậy, dầu người hay phong cảnh hay vật. Thí dụ như bên Thụy Sĩ cảnh nó đẹp như vậy nhưng vào mùa đông thì triền núi đó, bờ hồ đó vào mùa đông thì tuyết; mùa hè thì coi như cằn cỗi héo úa. Mùa xuân thì xanh tươi thịnh mậu. Mùa thu thì lá vàng rơi khắp lối. Có nghĩa mình thích mùa đông thì qua tới mùa thu mùa hạ mình thấy nó không còn nữa. Mà mình thích mùa thu mùa hạ thì mùa đông không còn nữa. Mình thích mùa xuân thì tới mùa hè mùa đông nó không còn nữa. Đó là quán tánh vô thường.

Đó là đối với những gì mình thương thích đam mê. Còn đối với những gì mình nhờm gớm, chán sợ thì nên trung hòa cảm xúc: Đối với người mình dùng từ tâm. Đối với vật mình có thể quán chiếu lục đại. Lục đại gồm đất, nước, lửa, gió, hư không và tâm thức. Tất cả chúng sinh và vô lượng vũ trụ đều được cấu tạo từ 6 thành tố này. 6 thành tố ấy được gọi là dhātu (tố chất). Đất ở đây được hiểu rộng là những gì cứng mềm. Nước là trạng thái tan chảy, ngưng tụ và kết dính. (Lửa là trạng thái nóng lạnh. Gió là trạng thái di động và sức ép)

Như vậy trong đời sống thường nhật mình chỉ luôn luôn có hai thứ cảm xúc là thương thích và ghét sợ. Thì ở đây Ngài dạy muốn sống an lạc hiện tiền và có thể thành tựu giải thoát thì phải biết điều chỉnh cảm xúc, điều chỉnh nhận thức xưa giờ của mình. Những gì cuộc đời và thiên hạ quanh ta cho là thơm ngon sạch đẹp và giá trị, quý hiếm thì mình nên quán chiếu bằng hai phép quán niệm là bất tịnh và vô thường. Còn đối với những gì nhờm gớm chán sợ thì nên quán chiếu bằng từ tâm hay quán niệm về bản chất giả hợp của vạn vật.

Thí dụ Kinh ‘Ratthapalasutta’ (Trung Bộ) ghi rất rõ là về vật chất và cả tinh thần chúng ta chỉ nên sống với những gì là cần thiết chớ không phải chạy theo cái thích. Trong Kinh đó ghi rất rõ một vị La Hán sẵn sàng bình thản húp hết một thau cháo thiu mà tâm nhẹ nhàng bình thản. Bởi vì đối với mình thì mình thấy đó là gớm. Nhưng đối với ngài, ngài thấy bây giờ nó có thơm phức, có nóng hổi, ngon lành đắt tiền cách mấy thì nó cũng chỉ là đất nước lửa gió, hư không thôi. Hư không là khoảng giữa của các nguyên tử, phân tử, điện tử, tế bào, bào tử…Khoảng cách đó được gọi là ‘hư không’. Bởi vì không có cái khoảng cách thì vạn vật không được khu biệt, không được phân tích nên phải có yếu tố hư không.

Yếu tố thứ 6 của lục đại là tâm thức. Cây cỏ, núi non, sông rạch … chỉ gồm có 5 đại là đất nước lửa gió và hư không. Về chúng sinh thì thêm yếu tố thứ sáu là tâm thức.

Kinh này quan trọng là chỗ đó. Lâu nay không có học Kinh này mình làm gì biết nấy, chừng qua Kinh này còn dạy thêm cho mình kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tu học. Tức là trong những gì mình thích thú đam mê thì mình có phép quán niệm về bất mỹ và vô thường. Còn trong những gì mình chán sợ nhờm gớm thì mình an trú vào từ tâm, hay quán từ tố chất của vạn vật.

Sống biết quán chiếu vậy để lòng luôn thanh thản khi 6 căn tiếp xúc 6 trần. Thanh thản đây gọi theo thuật ngữ ‘chalangupekkha’ là sự trú xả trong 6 trần. Nói cho dễ nhớ tu hành là làm sao giữ được chalangupekkha trong cái salayatana.

Chalangupekkha = sự thanh thản khi 6 căn tiếp xúc 6 trần.

chala= số 6 ; anga = (portion, item, unit) thứ, món ; upekkha = (equanimity) sự bình thản; Salayatana = 6 căn

Bữa nay mình học thêm hai thuật ngữ vô cùng quan trọng. Hỏi tu hành là làm cái gì, mình Nam Tông mình phải biết chữ Pali chứ. Mình nói tui được học tu hành là làm cái hành trình làm sao giữ được cái chalangupekkha trong cái salayatana.

Nếu trong chỗ thân tình chí ái trong đạo nghĩa sư đồ thì phải nói là tôi phải bắt buộc quý vị học thuộc lòng thuật ngữ này. Phải thuộc lòng chớ không thể nào ‘nhớ được thì tốt’. Phật pháp không phải là cái nhớ được thì tốt, mà anh phải học thuộc lòng!

Bài Kinh này sâu vậy đó. ‘Kālena kālaṃ’ có nghĩa là phải biết tùy lúc linh động, hoặc phải biết kịp thời để sống buông bỏ trong thứ mình đam mê và bao dung thanh thản trong đối tượng mình thấy ghét sợ. Cho nên trong Kinh này nói dầu mình không phải là vị La Hán nhưng giống y chang vị La Hán:

Chalangupekkha cesa khinasavassa upekkhasadina na pana khinasavupekkha”:

Làm đúng Kinh này thì dầu chưa là La Hán ta cũng được thanh thản như La Hán.

Trong Kinh ‘Nhất thiết lậu hoặc’ (Trung bộ) ghi rằng người tu hành nên tránh chỗ không thích hợp, tránh người và vật không thích hợp với đời sống và cuộc tu của mình. Nhưng theo Kinh này thì trong trường hợp không tránh được, ta vẫn có cách thích nghi với chúng theo hai cách vừa học ở đây. Phật Pháp mênh mông là chỗ đó. Chớ chư Phật không có đẩy đệ tử vô chỗ chết.

Trong Kinh Tứ Niệm Xứ đức Thế Tôn gom gọn lại tất cả phiền não vào trong có hai thứ. Đó là thương và bất mãn (tham và ưu). Tham là thương thích; ưu là bất mãn. Ở đây vị tỳ kheo tinh cần tỉnh giác chánh niệm quán thân trên thân để diệt trừ tham ưu ở đời. Có nghĩa là toàn bộ phàm phu chúng ta trong đời sống chỉ có hai chuyện: thích thú hoặc bất mãn, chống đối, tống khứ, trốn chạy. Cái nào mình thích mình gom vô, thu gom hoặc theo đuổi. Cái nào mình ghét thì mình trốn chạy, tống khứ, xua đuổi, chối bỏ. Chỉ có vậy thôi.


Cọng Dây Kẽm | | Khổ Đế

Lưới Tà kiến | | Giải Thoát

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com