sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||||
| ||||||
Giải ThoátTrong bảng nêu phần trên là tâm Dục giới (tâm ở cõi dục), rồi khúc giữa là tâm Sắc giới, tâm Vô sắc (tâm dành cho những người có tu thiền), rồi khúc dưới cùng là tâm siêu thế (tâm của thánh nhân).
Thì thánh nhân có hai hạng:
Tuệ giải thoát thì chỉ là diệt trừ phiền não thôi. Tâm giải thoát có nghĩa là đắc Thánh quả mà có luôn Thiền định và Thần thông.
Tức là khi thành thánh rồi thì họ có khả năng họ biến cái này họ hiện cái kia. Phiền não họ hết đã đành, hết theo bậc của mình đó, phiền não hết rồi nhưng bên cạnh đó họ cũng có khả năng khác. Như ngài Mục Kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất hoặc Đức Phật - các vị có thể ôm bát đi xin bữa đói bữa no. Nhưng khi nào các vị cần, các vị búng tay cái là các vị biến mất ở quốc gia này mà hiện ra ở quốc gia khác cách cả mấy ngàn cây số.
Còn Tuệ giải thoát thì có những vị A la hán như ngài Cakkhupāla, vị tỳ kheo mù. Chuyện là lúc ngài hành thiền trong rừng ngài bị đau mắt. Thầy thuốc dặn thuốc này muốn nhỏ phải nằm nghỉ thì mới nhỏ được. Mà ngài thì đã phát nguyện đầu mùa an cư là ngài không nằm, cho nên nhỏ thì cứ nhỏ mà ngài cứ ngồi, vì thế thuốc không tác dụng. Khi mùa an cư vừa xong thì trong lúc cặp mắt ngài bị đui thì ngay lúc đó trí tuệ A la hán phát khởi. Mà ngài chỉ đắc A la hán chứ ngài không có thần thông. Cho nên ngài chỉ hết phiền não thôi. Gia đình ngài nghe ngài bị mù nên cho đứa cháu trai lên hầu ngài. Để tiện bề chăm sóc thì cho đứa cháu đi tu luôn cho dễ hầu ngài. Từ khu rừng chỗ ngài ở mà đi về hầu Phật phải băng qua một cánh rừng lớn. Đứa cháu nó là vị sa di thôi, tối thì nó ngủ riêng khi nào sư cậu cần thì kêu. Hai cậu cháu ở được mấy bữa thì vị sa di đó đi kiếm thức ăn cho sư cậu. Ngài Cakkhupāla tuy là A la hán nhưng không thấy đường. Còn ông sa di đó đi tu vì để chăm sóc cậu chớ không có ý tu hành gì hết. Rồi thì ổng đang đi thì nghe tiếng hát giữa rừng hoang, ổng nhìn thấy một cô gái đang hái củi. Ổng mới lân la đến nói chuyện, rồi ... chuyện gì đến thì phải đến. Còn ngài A la hán thì không thấy đường nhưng ngài nghe tiếng hát véo von, rồi nghe hai người cười khúc khích, sau một hồi im re thì ngài đoán chừng ra rồi. Lúc ông sa di trở lại nắm tay nói: "Thưa sư cậu xong rồi mình đi." Thì ngài đẩy ra nói "Tôi thà chết ở giữa rừng chớ tôi không thể đi chung với một người như sư được. Tôi không muốn thấy sư nữa."
Thì lúc ngài Cakkhupāla đuổi thằng cháu đi rồi, cái chỗ ngồi của đức trời Đế Thích nó nóng lên. Chỗ ngồi đó nó cao chừng 50 do tuần, cái chỗ đó êm mà đẹp lắm, chỉ có ba người ngồi thôi: một là đức trời Đế Thích, hai là Đức Phật khi ngài lên trên đó ngài ngồi, ba là khi vị nào lên thuyết pháp thì ngồi đó. Trên cõi trời mỗi tháng cũng có hai kỳ Pháp lễ giống như mình vậy. Khi mà các bậc chơn tu có chuyện thì cái chỗ ngồi đó tự nhiên nó nóng lên. Đức Đế Thích nói "Sao nóng dữ vậy nè ?" Rồi ngài nhìn xuống rừng ngài thấy chuyện vậy nên Đế Thích biến thành một người đàn ông, đến gần ngài Cakkhupāla lúc đó đang đứng giữa rừng một mình. Ngài Đế Thích nói "Bạch ngài, ngài đi đâu giữa rừng một mình vậy? Ngài không đi mà đứng làm cái gì?" Ngài Cakkhupāla kể "Tôi bị mù muốn về Savathi mà không biết làm sao." Đế Thích nói đây đến đó cũng gần mà để con đưa ngài đi. Kinh nói Đế Thích đưa ngài đi mấy bước thì nghe tiếng đàn ca hát xướng, thì ngài Cakkhupāla nắm tay nói "Cám ơn thiên vương đã giúp ta." Ngài về tới thì chư tăng cất cho ngài cái cốc. Mấy ông sư thương lắm mới đắp con đường để ngài đi kinh hành.
Trong Kinh nói Đức Phật chỉ có đêm mưa thì thôi chứ những đêm thường đêm nào Ngài cũng trùm cái đầu ra ngoài ngồi thiền hết. Đức Thế Tôn ở ngoài trời nhiều hơn ở trong nhà. Chư A la hán là như vậy. Ngài Anan và ngài Rahula đều 12 năm không nằm; ngài Mục Kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất thì 15 năm không nằm. A la hán rồi thì có cái hạnh.
Thì ngài Cakkhupāla tuy mù nhưng đi kinh hành chánh niệm từng bước vậy đó. Một đêm sau cơn mưa, mối kiến bò lên mà ngài đi không thấy nên ngài đạp nó chết nhiều lắm, chết đầy trên đường. Sáng đó mấy ông sư nói “Đi kinh hành không biết có đắc gì không mà làm chết nhiều quá!”. Đức Phật ngài mới nói: “Nếu nói hay hành động mà với tâm bất thiện thì đau khổ theo mình như bánh xe theo chân con vật kéo. Còn nếu nói hay hành động với cái tâm hiền thiện thì hạnh phúc sẽ theo mình như bóng không lìa hình. Cakkhupāla con trai Như Lai đi thì có đi, đạp thì có đạp nhưng lòng không có ý đạp”. Đó chính là câu kệ đầu tiên trong Kinh Pháp Cú.
Tuệ giải thoát là như vậy. Tuệ giải thoát là cắt đứt phiền não thôi chớ không có khả năng khác. Nhưng không có khả năng khác không có nghĩa là ù ù cạc cạc như mình. Các ngài bén lắm. Rất là bén! Tôi được nghe kể những vị thiền sư đặc biệt lắm. Không biết có thần thông hay không mà học trò tối nào ngủ gục ngài tới ngài gõ y chóc hà. Mấy chục thiền sinh ở trong cốc đóng cửa vậy mà đứa nào ngủ gục là bị gõ. Mà ác một chỗ là gõ chính xác.
Tôi được gặp mặt ba người, có được trực tiếp tiếp xúc, và có làm việc với một trong ba người đó. Còn gặp mặt thì gặp đủ ba người. Ba vị thầy thuốc Bắc, trong đó có một vị vừa là hòa thượng vừa là thầy thuốc Đông y. Ba vị này có điểm đặc biệt là trong lúc khách rất là đông, các vị có thể vừa bắt mạch cho mình vừa nói chuyện, tay thì để lên mạch của mình, miệng thì hỏi ông Tư bà Tám, xong rồi nói cho học trò hốt cái đỗ trọng, xuyên khung, thục địa, hà thủ ô, cam thảo, …gì đó tùm lum bao nhiêu gram, bao nhiêu lượng. Nói xong rồi đứa khác lên ổng đưa tay ổng bắt mạch tiếp rồi hỏi nữa. Nhưng cái đó không có phục, cái này mới phục. Mình hốt 18 thang, hai tháng sau trở lên, ổng biết ở nhà mình làm cháy hết ba thang. Cách ổng bắt mạch là mình thấy ghét rồi, mà tại sao hết bịnh, tại sao cháy ba thang mà ổng biết được? Tôi cố gắng giải thích theo kiểu khoa học nhứt mà không được. Tôi biết bên Đông y ông thầy giỏi có thể chỉ nhìn cái lỗ tai mình thôi mà biết mình bị bịnh gì. Hoặc ông thầy giỏi chỉ nhìn bàn tay mình thôi, nhìn từ đầu ngón tay giữa cho đến cổ tay thôi là họ biết mình bị bịnh gì. Giống như Biển Thước với Hoa Đà vậy. Có nghe hai ông đó không? Hai ông đó giỏi lắm.
Trên đời có một vài cái mình phải hiểu đó là mình đam mê cái gì mình đầu tư vô cái đó rồi mình chuyên về cái đó. Trong kinh nói rằng một vị hành giả mà tu định hơi thở, dầu vị đó không đắc thần thông thiền định vị đó có thể đoán trước giờ chết của mình, vị đó có thể chết một cách thanh thản. trừ khi bị ác nghiệp quá khứ chi phối. Chứ nếu không bị ác nghiệp chi phối mà lại có được thiện nghiệp trong đời hiện tại thì vị tu đề mục hơi thở chết rất là thanh thản. Các vị biết rằng khi mà mình chết, các vị hãy tưởng tượng muốn sụp đổ một cơ chế sinh lý mấy chục pound này không dễ đâu. Nó phải làm sao cho hỏng hết thì mình mới chết được, bởi vì từ lúc mình còn nói được, ngáp ngáp cho tới lúc mình ‘đi’ đó rất đau đớn. Nó cần phải có một cuộc ‘đảo chánh khẩn cấp’ để cho mình chết. Tôi có chút ít kinh nghiệm là tôi có từng nằm ở ICU tôi biết. Lúc đó mình thở không được, cái tay mình mà mình không đủ sức để nắm nữa. Cái bàn tay mình yếu tới mức không đủ sức nắm lại! Còn hơi của mình thì chỉ có hơi ra thôi, lấy hơi lên không thôi. Người tu hơi thở họ có khả năng họ biết trước được giờ chết một cách không chính xác lắm nhưng đại khái họ có. Họ biết rằng với cái hơi thế này thì không lâu lắm đâu. Hòa thượng Tịnh sự của tôi trước khi Ngài mất ngài có nói ngài biết trước một tuần. Ngài nói ‘Sư không quá một tuần.’ Ngày thường ngài vẫn dịch Kinh thôi, mà thiệt tình không quá một tuần.
Đó là tuệ giải thoát. Còn Tâm giải thoát thì khỏi nói rồi. Tâm giải thoát có ba trường hợp:
Trường hợp thứ nhứt, trước khi trở thành thánh nhân là mình đã có thần thông thiền định đạo quả rồi.
Trường hợp thứ hai, với một người đại căn đại duyên như ngài A Nan Đa là thánh quả xuất hiện lúc nào thì tất cả các tầng thiền định nó là một lúc. Cho nên khi chư tăng chọn ra người dự Kiết tập Tam Tạng lần thứ nhứt, ngài Ca Diếp biết không thể nào thiếu ngài A Nan được nhưng ngài vẫn nói: “Chúng ta bây giờ không có đủ người, chỉ có 499 vị thôi”. Chư tăng hỏi sao kỳ vậy, còn ngài A Nan đâu? Ngài nói: “A Nan còn là Dự lưu, còn phiền não không dự với chúng ta được”. Chư tăng nói ‘Trời, Dự Lưu cũng là thánh chớ’. Ngài Ca Diếp nói: “Không được, ở đây chỉ là A la hán thôi”.
Thì ngài A Nan nghe vậy ngài buồn. Buồn đây không phải là ganh tị nhưng đó là một chút chạnh lòng. Ngài nói: ‘Tôi sẽ cố gắng’. Đêm đó ngài về ngài kinh hành tới lui tới lui mà không có đắc. Trong Kinh nói tu giống như mình nắm con chim. Nắm chặt chim chết mà nắm lơi thì chim nó bay. Mà suốt đêm ngài cứ tới lui lui tới, hồi cho con chim chết ngắc, hồi làm cho nó bay, suốt đêm ngài làm cho ‘cả chuồng chim’ vậy đó. Trời rạng sáng lúc đó ngài mệt quá rồi ngài mới buông người xuống ngài nghỉ. Thì cái lúc ngài buông xuống đó là lúc "the best time", nó thư giãn, tức là vẫn nằm xuống một cách chánh niệm! Ngài là vị duy nhứt trong Phật giáo mà đắc quả không ở trong tư thế nào hết, không đi, không đứng, không nằm, không ngồi. Thứ hai, ngài là người đánh mất quê hương trong chính quê hương của mình. Ngài chết ngài không chết trên quê hương mà nói rằng ngài chết ly hương cũng trật. Nói ngài chết trên đất cũng không được, chết trên nước cũng không được. Ngài chết trên hư không mà. Chết ở đất bên nội thì bên ngoại buồn, chết bên ngoại thì bên nội buồn, dòng sông thì dòng sông của hai bên nên ngài nói tôi chết khúc giữa. Ngài ngồi ở giữa thuyết Pháp. Thuyết xong rồi ngài chú nguyện: “Tâm tử của ta xuất hiện lúc nào thì xin cho đề mục Quả giới hãy có tác dụng ngay lúc đó”. Xong ngài nhập sơ thiền xuất sơ thiền nhập nhị, tam, tứ, phi tưởng phi phi tưởng xong trở lại với sơ thiền,tứ thiền. Xong ngài chú nguyện ‘Tâm tử xuất hiện lúc nào thì xin cho tác dụng của Tam muội hỏa giới ngay lúc đó’. Ngài chú nguyện xong ngài thuyết pháp. Thuyết pháp hết lộ cận tử đến khi tâm tử vừa xuất hiện xong thì nó cháy. Hoan hỷ lắm, đó là trường hợp của ngài chết không phải ly hương, cũng không phải trên quê hương, không phải chết trên đất không phải chết trên nước; đắc quả không phải đi, không phải đứng, không phải nằm, cũng không phải ngồi.
Thì khi ngài đắc A la hán rồi thì ngài gõ cửa cộc cộc. 499 vị đang ngồi chờ bên trong, thì ngài Ca Diếp hỏi: “Sư đệ làm xong trách nhiệm của mình chưa?”. Ngài đáp “Đã xong rồi”. Ngài Ca Diếp nói: “Như vậy chúng tôi không cần mở cửa nữa.” Ngài mới nói: “Sư đệ gõ cửa để xin phép thôi”. Thì cửa vẫn đóng , lúc ngài Ca Diếp nói chúng tôi không cần mở cửa nữa thì ngài A Nan đã có mặt ở cái chỗ ngồi của ngài.
Tạng Vi Diệu Pháp mình buổi đầu được kể vào tạng Kinh. Đức phật ngài chỉ nói là Pháp và Luật thôi. Luật là tạng Luật, còn Pháp là Tạng Kinh và Vi Diệu Pháp được kể vào Tiểu bộ kinh. Đến kỳ kết tập thứ ba thì ngài Moggaliputta Tissa, Tàu dịch là Mục Kiền Liên Đế Tu mới chia ra 45 cuốn: Tạng Kinh 25 cuốn, Tạng Luật 8 cuốn và Vi Diệu Pháp 12 cuốn.
Trích bài giảng Tam đề sinh tồn
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english