sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
AnattaTheo chú giải A Tỳ Đàm thì mạn chấp ở đây có nghĩa là thấy năm uẩn là Tôi, Tôi có 5 uẩn, 5 uẩn trong Tôi hoặc là Tôi trong 5 uẩn. Sáu trần là Tôi, Tôi có 6 trần, 6 trần của Tôi, trong Tôi, ngoài Tôi. Sáu căn cũng vậy. Đó là 12 xứ. Rồi 18 giới cũng theo cách đó. Cái này là theo A Tỳ Đàm. Mình thấy trong đó có mình, mình có cái đó.
Ngày xưa mình chưa biết đạo, mình thấy nhan sắc là của Tôi, tiền bạc, kiến thức, quyền lực, tình cảm… trong và ngoài tấm thân này của Tôi. Tôi có mấy cái đó, mấy cái đó là của Tôi. Bây giờ, Tôi biết đạo rồi Tôi không còn chấp thủ rẻ tiền và thô thiển như vậy nữa. Bây giờ, Tôi là người có giới, Tôi thấy giới của Tôi nó sạch hơn người khác, nó ngon lành hơn người khác, cái định của Tôi nó ngon lành hơn người khác, cái tuệ, cái trí vipassana của Tôi nó ngon lành hơn người khác, Tôi thông hiểu giáo lý hơn người khác, Tôi có đức hạnh hơn người khác… kham nhẫn, thiền định, tinh tấn, trí tuệ là Tôi thấy Tôi hơn người khác. Hoặc là Tôi ấm ức, Tôi nghĩ người đó hơn Tôi cái đó, Tôi nghĩ bằng ý niệm so sánh, Tôi là.
Tất cả những cái đó nó đều là Mạn chấp hết, thưa quý vị, đều là Mạn chấp hết.
Và tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, một người biết rõ mình là tử tù, sắp bị đem ra bắn, biết rõ mình là một bệnh nhân ung thư kỳ cuối thì đại khái 2 người này họ không thiết tha gì cái chuyện trồng hoa quanh chỗ ở hết. Vì sao? Là bởi vì giây phút còn lại ở đời nó không có nhiều. Tâm trạng tử tù, tâm trạng của bệnh nhân kỳ cuối nó kỳ lắm. Họ không có thiết tha chuyện đầu tư, chuyện sở hữu, chuyện xác định chủ quyền. Còn những ai thấy còn lâu, còn dài, còn có thời gian thì mình mới còn có hứng thú, còn có chút thú vị trong chuyện đầu tư, trong việc sở hữu, trong cái gọi là chủ quyền.
Đối với một người hiểu đạo họ đã bỏ được một mớ, rồi đối với một người có hành trì thì lại bỏ thêm đi một mớ. Bỏ đi một mớ là sao? Chỉ học đạo thôi thì so với người không học đạo, thì mình thấy l dù mình có thành tựu trí tuệ, thần thông, thiền định, kiến thức, uy tín, quyền lực gì đi nữa, thì những thứ đó sẽ thành con số 0 khi mình tắt thở. Đó là mình có học, mình thấy mơ màng đại khái vậy.
Nhưng đối với người có hành Tứ Niệm Xứ, họ còn ghê hơn nữa. Họ không nghĩ tới cái chết mai này, mà họ thấy ngay trong từng phút họ là đồ ráp, vừa là đồ ráp, vừa là đồ rác. Rác đây có nghĩa là khổ nhiều hơn vui, bất thiện nhiều hơn thiện. Cái đó không phải rác chứ còn gì nữa? Khổ luôn nhiều hơn vui cái này là chắc rồi đó. Bất thiện nhiều hơn thiện là chắc rồi đó. Mình chịu khó mình nhìn cái tâm mình coi có phải là rác hay không. Khổ nhiều hơn vui, bậy nhiều hơn tốt. Mình thấy vừa nhân xấu, vừa quả xấu tập trung ở mỗi người nhiều hơn nhân tốt và quả tốt. Như vậy mình có thể nghĩ mình rác quá đi chứ.
Còn đồ ráp là sao? Đồ ráp có nghĩa là mình chỉ là chỗ tập hợp qua từng phút từng giây của 4 món thiện, ác, buồn, vui. Bốn cái này là 2 cặp nhân quả thiện ác, tổng cộng ra thành 4 – tức là 2 nhân thiện ác và 2 quả thiện ác. Thiện, ác, buồn, vui - 4 cái này nó cấu tạo nên cái gọi là dòng đời của chúng ta. Chúng ta có là ai đi nữa thì cũng chỉ là sự lắp ráp của 4 cái này mà thôi. Ở đây không hề có một cái Tôi, một cái Ta nào hết, mà đó là sự thật chứ không phải mình bắt chước trong kinh nói mình nói theo.
Mình phải nhìn nhận đó là sự thật vì ở trong kinh Vô Ngã Đức Phật có dạy thế này. Này các Tỳ Kheo, nếu 5 uẩn này là của các ngươi thì các ngươi có thể điều động nó theo ý muốn của mình, nó phải như thế này, nó đừng như thế kia. Nếu nó là của các ngươi thì nó nằm trong quyền điều khiển, sai khiến của các ngươi. Còn đằng này các ngươi không thể làm chuyện đó. Các ngươi không cưỡng lại được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã vốn dĩ đang chi phối từng giây đối với 5 uẩn. Cho nên 5 uẩn sẽ là vô ngã. Năm uẩn cứ do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất.
‘‘Rūpaṃ, bhikkhave, anattā. Rūpañca hidaṃ, bhikkhave, attā abhavissa, nayidaṃ rūpaṃ ābādhāya saṃvatteyya, labbhetha ca rūpe – ‘evaṃ me rūpaṃ hotu, evaṃ me rūpaṃ mā ahosī’ti. Yasmā ca kho, bhikkhave, rūpaṃ anattā, tasmā rūpaṃ ābādhāya saṃvattati, na ca labbhati rūpe – ‘evaṃ me rūpaṃ hotu, evaṃ me rūpaṃ mā ahosī’’’ti.
Ngày nào mình chấm dứt duyên sanh tử thì thôi không còn gì để nói. Nhưng hễ duyên sanh tử còn thì mình đành phải chạy theo dòng chảy, chạy theo cơn lốc xoáy, cuốn hút, từ trường, ma lực của dòng chảy Duyên Khởi. Mình không có làm gì được hết. Mình chán cuộc chơi đó thì mình phải nhảy ra thôi chứ còn hễ nằm trong cuộc chơi đó thì mình còn tiếp tục tuân thủ luật Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của nó. Thấy rõ như vậy thì hành giả thấy rằng cái chuyện đi tìm một cái Tôi, xác định một cái Tôi ở trong cõi Ta Bà này giống hệt chuyện đi xin cho bằng được cái quốc tịch ở xứ sở bất an. Tôi nói hoài, giống như mình đi xin quốc tịch ở xứ Iraq, quốc tịch ở xứ Syria hay quốc tịch ở xứ Bắc Hàn chẳng hạn. Xin làm chi, người ở đó người ta bỏ chạy không kịp mà mình đút đầu vô trong đó làm cái gì.
Ở đây cũng vậy, khi mình chưa hiểu được Khổ Đế, mình chưa thấy được mọi thứ ở đời là khổ, mình chưa thấy được mọi cảnh giới tái sanh đều là khổ, mọi cái gọi là nước mắt hay nụ cười gọi chung đều là khổ. Mình còn phân biệt rất rõ ngọt và đắng, nước mắt hay nụ cười, gai và hoa, mình còn phân biệt rất rõ cái này. Phân biệt để lựa chọn, để theo cái này, bỏ cái kia, buông cái này, bắt cái kia. Hễ mình còn chưa thấy Khổ Đế tới nơi tới chốn thì mình còn tiếp tục thích cái này thích cái kia. Mà những cái mình thích nó lại cũng nằm trong Khổ Đế. Chính vì mình không thấy mọi thứ là khổ cho nên mình mới đi tìm “cái quốc tịch” ở trong 5 uẩn, mình đi tìm “quốc tịch” trong tam giới, mình còn đi tìm “quốc tịch” trong 12 xứ, trong 18 giới.
Nếu thật sự có hành trì thì mình thấy rằng mỗi một giây chứ không phải phút, mỗi một giây trôi qua là mình đang sống trong khổ nạn - phải nói như vậy. Chúng ta có dễ ngươi cách mấy, chúng ta có tu hành bậy bạ, tào lao cách mấy, chúng ta phải nhìn nhận như vậy. Tức là chỉ cần xếp chân ngồi lại một chút thôi, chánh niệm một chút thôi thì sẽ thấy cái tâm này khổ nhiều hơn vui, bất thiện nhiều hơn thiện. Rồi cái thân này cũng vậy, xếp bằng lại một chút thôi, chánh niệm một chút thôi thì sẽ thấy cái thân này toàn là bất toại không à. Tôi bảo đảm với các vị 1000% như vậy.
Hãy cứ ngồi xếp bằng đi. Rồi nhìn cái thân này coi nó thế nào. Nó nhột, nó ngứa, nó đau, nó tê, nó mỏi, nó nhức, nó đói, nó khát, nó nóng, nó lạnh, nó đòi đi tiêu, nó đòi đi tiểu, rồi nó chóng mặt, nó nhức đầu... tùm lum hết. Hành giả thấy như vậy. Hành giả thấy rằng mình không có một tí ti lý do nào để đi tìm đến một cái tôi, không có một tí ti lý do nào có hứng thú trong việc xác định một bản ngã ở khối tổng hợp rất đỗi phù du và đầy bất trắc này. Phù du chưa đủ, nó còn bất trắc nữa. Phù du là không bền, còn bất trắc là không lường được. Đã nói tam tướng là sao? Mỗi giây nó có kiểu vô thường riêng, thân tâm có kiểu vô thường riêng, mà kiểu vô thường này nó bị tác động bởi nhiều lý do lắm. Một là tác động bởi tiền nghiệp. Hai là những điều kiện hiện tại. Điều kiện hiện tại gồm nhiều thứ: thực phẩm cũng là một kiểu điều kiện, tâm lý cũng là một kiểu điều kiện, điều kiện thiên nhiên cũng là một kiểu điều kiện. Mấy cái này từng phút, từng phút làm cho mình từ trạng thái này qua trạng thái khác. Hành giả quán chiếu thấy rõ như vậy thì còn lý do gì để đi xác định một cái Tôi. Sẵn ở đây tôi nói luôn một chuyện: các vị hoàn toàn có thể nghi ngờ nhân thân của tôi, các vị hoàn toàn có thể nghi ngờ về bản chất của con người tôi nhưng có việc quý vị phải đồng ý. Đó là: Thứ nhất, người ba la mật kém, phước duyên mỏng khó chấp nhận được giáo pháp của Đức Phật, một giáo pháp có nội dung đi ngược dòng đời, lúc nào cũng xúi người ta buông hết. Trong khi đa phần thiên hạ có khuynh hướng nắm bắt. Thứ hai, dầu có chấp nhận quan điểm của Đức Phật chúng ta cũng rất khó hành trì. Bởi vì mình có khuynh hướng tâm lý kỳ lạ. Đó là mình thích tìm về... cõi chết! Những cái mình theo đuổi suốt một đời toàn là cái hại mình không à. Đó chính là do tác động của tập khí sinh tử, thưa quý vị. Mình chơi với bạn xấu thường vui hơn chơi với bạn tốt. Mình làm chuyện bất thiện thường vui hơn làm chuyện lành. Để ý coi có phải vậy không? Tôi sợ nhất là mấy người chối. "Không có đâu sư, con thấy con làm phước con vui." Họ nói vậy thôi, tại vì họ chưa có đủ điều kiện vật chất, chưa đủ điều kiện về sức khỏe, chưa đủ điều kiện về thời gian, chưa đủ điều kiện về quan hệ xã hội. Nếu họ có hết những thứ tôi vừa kể thì thử hỏi họ có dành thời giờ để tu học hay không? Tôi đã hỏi ở rất nhiều đạo tràng, nhiều pháp hội, có rất nhiều người họ cũng chân thành gật đầu. Họ nói đúng, nếu bây giờ hoàn cảnh sống của con khá hơn một chút, ví dụ một tháng thu nhập vài chục ngàn, vài trăm ngàn, vài triệu USD thì chuyện đi chùa có lẽ phải xét lại. Nói như vậy không có nghĩa là hôm nay họ đi chùa vì họ nghèo, không phải. Vì họ nghèo cho nên họ có thời gian và cái đầu họ có một chút rảnh. Chứ nếu quý vị ngủ một giấc thức dậy thấy trong tài khoản nhà băng của mình có thêm vài chục triệu USD, tự nhiên soi gương thấy mình trẻ đi 30 tuổi, rồi đi bác sĩ thì bác sĩ khen nức khen nở và tự nhiên mình soi gương mình thấy mặt mũi mình sao bữa nay nó đẹp gấp trăm lần. Quý vị tưởng tượng dùm tôi đi. Nhan sắc, tiền bạc và sức khỏe cực tốt thì quý vị còn hứng thú gì chuyện bắt vô trong chùa bắt cái chân mình ngồi xếp bằng? Khó lắm quý vị, nha. Ba la mật kém cho nên khả năng dễ ngươi của chúng ta cực lớn. Ở đây pháp cần phải đoạn trừ chính là ngã mạn. Ngã mạn là vì sao? Là bởi vì chúng ta chưa thấy được mọi sự là khổ, chưa thấy mọi sự là lắp ráp cho nên chúng ta mới có ý hướng, có hứng thú để xác định có cái gì đó là Tôi, là Của Tôi. Chứ nếu biết rõ 100%, biết rõ mười mươi, biết rõ đến đầu đến đũa mọi thứ là khổ, hình thức tồn tại nào cũng là khổ, thì lúc đó mình mới thấy cái mạn chấp "đây là Tôi", "đây là của Tôi" này nó bậy cỡ nào. Có một điều mình chưa có thấm, mình chưa có gặp cảnh tan nát. Đến lúc đó mình mới thấy. Tôi phải nói một câu tôi đã nói nhiều lần. Ai cũng muốn mình có một quá khứ tu hành nhưng ai cũng muốn mình có một hiện tại vui vẻ. Quý vị nghĩ coi có phải không? Nếu bây giờ quý vị 90 tuổi và quý vị có một phép lạ có thể làm thay đổi quá khứ của mình thì một ông cụ 90 nào cũng muốn mình có một quá khứ tu hành trên núi hết trơn. Nhưng mà nó khổ ở chỗ: khi mình còn trẻ thì ai mà kêu đi lên núi học A Tỳ Đàm, tu Tứ Niệm Xứ thì khó à. Nhưng khi chúng ta qua tới tuổi đời cao niên lạp trưởng cỡ 90, 100 rồi đó, ai cũng mong mình có một quá khứ tu hành.
Trích bài giảng Kinh Thập Thượng (Dasuttara Sutta) 2
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english