Đơn Vị Gốc

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đơn Vị Gốc

Hữu ái (bhava-taṇhā = bhava-patthana): là ước vọng tái sinh, mong mỏi tiếp tục có mặt trong đời.

Bhava-tanha trong Chú giải là bhava-patthana. Do không hiểu Bốn đế nên tiếp tục nảy cái thứ hai là tiếp tục mong mỏi có mặt ở đời. Như con heo không đủ trí tuệ để biết thế nào là Khổ - Tập –Diệt – Đạo, không biết thế nào là sắc thinh khí vị xúc, nhưng ít ra nó vẫn thấy sung sướng hạnh phúc ngay trong hình hài làm heo của nó. Nó vẫn enjoy (thích thú) khi sục mõm ủi đất. Cái đó vẫn được gọi là bhavatanha. Một người bố thí, trì giới mong sanh về trời, mong sanh làm triệu phú, tiểu thư, cậu ấm,cô chiêu, nhà giàu sung sướng thì cái đó cũng là hữu ái, là bhava-patthana. Một người lên rừng sâu núi thẳm thiền định ngày này qua tháng khác mong có thần thông, mong sanh về cõi Phạm thiên, vân vân, thì cũng là hữu ái (ước vọng tái sinh, mong mỏi tiếp tục có mặt trong đời).

Trong khi một người hiểu được Bốn Đế thì họ thấy rằng có mặt ở đâu cũng là trong Khổ đế. Có được cái gì cũng là có Khổ đế. Sở hữu cái gì cũng là sở hữu Khổ đế mà thôi. Đó là nói theo A Tỳ Đàm. Nói theo Tạng Kinh thì đúng là cõi trời có thiệt, cõi người có thiệt, vàng bạc có thiệt, giàu sang, nghèo khổ, bịnh tật, yểu thọ có thiệt. Nhưng Tạng Kinh có một cách nói làm mình ngán: Anh có đi về cõi nào đi nữa, anh sống hết tuổi thì cũng rớt trở về đơn vị gốc. Đơn vị gốc là cái chỗ mà anh không cần nỗ lực nó vẫn đưa anh tới, anh không cần nỗ lực tự nhiên anh cũng có mặt.

Thí dụ thiện và ác thì cái thiện mình phải nỗ lực mới có. Thí dụ nói bố thí ai cũng hiểu nhưng rất khó làm. Đừng tưởng dễ hiểu là dễ làm. Chuyện bố thí là không phải dễ. Các vị nói “Tháng nào tôi cũng gởi tiền cúng phước chùa, miễu. Tháng nào tôi cũng gởi tiền cho nhà dưỡng lão, cho viện mồ côi, bịnh viện. Tháng nào tôi cũng gởi tiền cho người nghèo…Tôi thấy bố thí là dễ”. Tôi xin thưa không phải vậy đâu! Tháng nào cũng gởi tiền thì chưa chắc mình đã là người sống với hạnh bố thí. Vì làm ơn nhìn kỹ lại. Động lực nào quí vị làm phước? Có phải quí vị tiếp tục đầu tư cho một ‘cái tôi’ kiếp sau hay không? Chuyện nữa cho tôi nói câu khó nghe. Dầu cho bà con trong đây có cho cơm tôi, cho y áo tôi mặc tôi vẫn phải nói thiệt. Quí vị làm ơn coi cái tiền quí vị làm phước, bố thí mỗi tháng nó là bao nhiêu phần trăm so tổng số tài sản quí vị có? Có nghĩa cái mà quí vị gọi bố thí đó thật ra nó chỉ là một phần ngàn, một phần hai ngàn, một phần mười ngàn tổng tài sản của mình thôi. Cho nên đừng tưởng là dễ hiểu dễ làm! Nhiều cái nghe thì dễ hiểu nhưng rất khó làm. Trong khi đó cái bủn xỉn, ganh tị nó là đơn vị gốc, là cái nòng cốt căn bản của con người mình. Chuyện bố thí của quí vị tôi xin nói nó là hình thức thôi. Chớ nội dung có đúng là tâm bố thí hay thân bố thí? Thân bố thí là mình ngắt ra một phần ngàn, một phần năm ngàn, một phần mưới ngàn tài sản của mình để làm phước. Còn tâm bố thí là lòng không vướng mắc, coi cái vui buồn, hạnh phúc đau khổ của người khác là quan trọng hơn bản thân mình. Luôn luôn sống với bàn tay buông bỏ, Pali là ‘muttapani’ : bàn tay rộng mở. Nghĩa bóng là tấm lòng hào sảng thực sự. Cái đó mới khó.

Cho nên cái đơn vị gốc là gì? Đơn vị gốc có nghĩa là trong cái thiện – ác thì cái ác là đơn vị gốc. Có nghĩa mình lơ là một cái là mình trở về với tâm ác liền. Trong cõi luân hồi thì đơn vị gốc là các cõi khổ. Vì mình lơ mơ, mình sơ ý một cái là trở về cõi khổ liền, không cần nỗ lực gì hết.

Như vậy tâm bất thiện chính là đơn vị gốc của phàm phu, cõi khổ cũng là đơn vị gốc của phàm phu. Cho nên đối với tạng Kinh, cho dù anh có sanh về cõi Phi tưởng phi phi tưởng, về cõi Đao Lợi, Đâu suất gì đi nữa, anh hưởng hết tuổi ở đó rồi thì cũng rớt cái đùng trở lại. Theo Tỳ Bà Sa nói rằng đạo sĩ A Tư Đà (Asita) sau khi mãn kiếp Vô sắc Phi tưởng phi phi tưởng thì sẽ trở về cõi Dục; sau kiếp độn trời người gì đó sẽ sinh làm con chồn trong núi! Kiếp độn là kiếp chèn kiếp nhét. Nghĩa là trước khi họ bị đọa họ phải qua một kiếp trời hay người ở cõi Dục xong rồi hết kiếp đó họ mới bất định, trôi giạt. Ở đây đạo sĩ A Tư Đà quí vị thấy tu hành ghê gớm không. Nhưng mà sau 84 ngàn đại kiếp trên đó xong trở xuống, trải qua một kiếp độn dài ngắn trong Kinh không nói rõ. Chỉ nói sau kiếp độn đó thì ổng sanh làm con chồn. Mà đã làm chồn thì quí vị phải đồng ý với tôi một chuyện là bất trắc. Vô đó rồi coi như là đoạn đường sau mịt mù vô phương! Cho nên đừng có ngồi đó mà làm thơ! Tưởng mình làm phước, bố thí, giữ giới ba mớ, ngồi thiền ba mớ là coi như đời ta thênh thang, đời ta màu hồng màu tím!!!

Cho nên chính vì vô minh trong Bốn đế nên chúng ta tiếp tục sanh tử. Vì vô minh trong sanh tử nên ta có hữu ái bhavatanha (mong mỏi có mặt ở đời). Nói theo A Tỳ đàm thì có mặt ở đâu cũng là có mặt trong Khổ đế. Có được cái gì cũng là có được Khổ đế. Nói theo Tạng Kinh thì sanh về cảnh giới trời người nào đi nữa, sống hết tuổi thọ thì cũng tiếp tục đọa lạc mà thôi.

Trích bài giảng Kinh Phúng Tụng (Sangiti Sutta) 3
Kalama xin tri ân bạn buithibuukim ghi chép


Hạnh Phúc U Mê | | Tam Chướng

Tỳ kheo chơn chánh | | Vu Lan

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com